VÉN BỨC MÀN BÍ MẬT PHÍA BẮC KHU MẠC CAO – ĐÔN HOÀNG

 

VÉN BỨC MÀN BÍ MẬT PHÍA BẮC KHU MẠC CAO – ĐÔN HOÀNG

Là một trong những khu vực trọng điểm của hệ thống Đôn Hoàng được Đài Truyền hình Trung ương trực tiếp phát sóng, lần này khu Thánh địa phía Bắc Mạc Cao đã được vén bức màn bí mật. Họ đã phát hiện được những gì? Những phát hiện này có ý nghĩa gì? Vào chiều ngày 21-10, Bành Kim Chương – nhân viên của Viện Khảo cổ Đôn Hoàng -ngay hiện trường ở phía Bắc khu Mạc Cao đã cho biết.

  1. Giới thiệu sơ lược về khu Đôn Hoàng

Quần thể hang động Mạc Cao – Đôn Hoàng được xưng là Thiên Phật động, nằm ở phía Đông Nam huyện Đôn Hoàng, thuộc phía Tây tỉnh Cam Túc – Trung Quốc. Đôn dịch là Đại, Hoàng dịch là Thạnh. Do thành Đôn Hoàng nằm dưới chân núi Minh Sa nên còn có danh xưng là “Sa Châu Cổ thành”. Theo ghi chép, Đôn Hoàng trước đây là nơi thờ tự của họ Lê, sau bị tộc Khương Nhung chiếm. Đến đời Tần thuộc về tộc Nguyệt Để. Đến năm thứ hai Nguyên Đảnh đời Hán Võ Đế (115 truớc TL) thu phục được vùng đất này và phân thành 2 quận Vũ Uy và Tửu Tuyền. Nguyên Đảnh năm thứ sáu (111 trước TL) lại phân thêm 2 quận Trương Dịch và Đôn Hoàng, và tên Đôn Hoàng phát xuất từ đây.

Đôn Hoàng được kiến tạo vào năm Kiến Nguyên thứ hai Tiên Tần (366), đây là quần thể kiến trúc vĩ đại tuyệt mỹ, sớm hơn quần thể hang động Vân Cương ở Sơn Tây 88 năm, và thạch động Long Môn ở Hà Nam 128 năm. Theo truyền thuyết, vào đời Tiên Tần, có một vị Hòa thượng hiệu Lạc Tôn từ Trung Nguyên đi du hóa phía Tây, khi đến dưới chân núi Minh Sa Đôn Hoàng thì trời tối, ngài bèn nghỉ lại nơi đây. Trong đêm ngài bất chợt trông thấy trên núi phát ra muôn vạn đạo hào quang, tựa hồ như ngàn vạn chư Phật ẩn thân trong mỗi hào quang. Ngài cho rằng có lẽ đây là vùng đất Thánh, nhân đó đi quyên góp tiền của và khai đục 1 thạch động, khắc tượng Phật để dân chúng chiêm bái. Trải qua nhiều thời đại, dưới sự ủng hộ của các triều vua, đến Võ Tắc Thiên đời Đường thạch động cả khu Nam và Bắc đã lên con số hơn 1.000 khu.

Thạch khu Đôn Hoàng là quần thể có quy mô lớn, nội dung phong phú – số lượng lớn nghệ thuật ở đây đa số là các bức họa về Phật giáo trên vách đá – nhưng tại sao lại nằm ở nơi hoang vắng của khu vực hành lang Sơn Tây này? Nguyên nhân chủ yếu là vào trước nhà Tống, Đôn Hoàng nằm trên Con đường Tơ lụa, vào thời đó nó được xem là “đô hội” giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Trung Nguyên và Tây Vực.

  1. Thành quả khai quật được ở khu phía Bắc

TÂM HIẾU dịch

Theo ông Chương cho biết thì từ năm 1988 đến năm 1995 đã tiến hành 6 lần khai quật và khảo cổ, họ đã nghiên cứu rõ ràng không những về số lượng mà còn biết được đặc trưng của các văn vật khai quật, giới khoa học đã chứng minh được khu Bắc Mạc Cao là một bộ phận quan trọng của khu Đôn Hoàng với công năng, tính chất khác biệt so với khu Nam.

Ông Chương còn cho biết thêm, khu phía Bắc này không chỉ là khu của các nghệ công theo lời đồn mà còn là khu sinh hoạt và tu thiền của các tu sĩ, mặc dầu không có nhiều bức họa có giá trị về nghệ thuật, nhưng lại phát hiện một số lượng lớn văn vật quý giá có giá trị lịch sử. Theo thống kê, có hơn 7 vạn văn vật, nhưng chỉ kiểm định được 1.451 vật, trong đó không ít văn vật quý giá lần đầu phát hiện, bù lại cho khoảng trống trong lãnh vực khảo cổ.

  1. 248 khu động đá bị lấp đã được phát hiện

Theo giới thiệu, khu động ở phía Bắc gồm 6 tầng với 248 khu, cộng với 487 khu ở phía Nam là 735 khu động. Trong khu động ở phía Bắc, mặt vách tầng thấp nhất cũng là tầng thứ nhất gồm 35 động, tuần tự từ tầng hai lên tầng thứ sáu có 68 khu, 42 khu, 70 khu, 15 khu, 18 khu động, bao gồm 9 động làm khu thiền thất tập trung và 73 động làm khu đơn thiền thất, 50 động sinh hoạt và 2 động đá làm nhà kho.

Trong khu động đá ở phía Bắc, có 25 khu bị lấp qua khai quật và nghiên cứu cho biết là nơi mai táng các vị Tăng trẻ. Theo lời ông Chương thì trước đây có 3 phương thức an táng: một là hỏa táng, hai là thổ táng,  ba là như cách thức an táng phát hiện ở Đôn Hoàng (không có ghi chép trong sử liệu Phật giáo) là hai lần an táng, tức sau khi chết sẽ được an táng ở một nơi, qua một thời gian thì di dời hài cốt an táng nơi khác.

  1. Văn vật quý giá bù lại cho khoảng trống trong lãnh vực khảo cổ

Số văn vật phát hiện ở khu Mạc Cao – Đôn Hoàng chủ yếu bao gồm các kinh sách Phật, văn thư xã hội, tiền kẽm Ba Tư, đồ đồng, đồ gốm, và các đồ vật chế từ cỏ tranh…

Trong đó không hiếm những vật quý mới thấy lần đầu, gồm có sách cổ đã thất truyền, có loại sách toàn quốc chỉ có một, có loại thuộc sách lưu trữ trong và ngoài nước, có sách thuộc khu vực Đôn Hoàng hoặc khu vực hành lang Hà Tây… những vật này đã điền vào khoảng trống trong lãnh vực khảo cổ vì mang giá trị khảo cổ và giá trị nghiên cứu cao, trở thành đề tài nghiên cứu trọng điểm của giới khoa học xã hội quốc gia và ngành giáo dục khoa học xã hội nhân văn năm 2002-2003, về sau, đây là vấn đề lôi cuốn giới học thuật trong và ngoài nước.

Ông Chương còn cho biết thêm những đồng bạc Ba Tư phát hiện được đã góp phần thêm vào văn vật tàng trữ bạc Ba Tư; các sách văn thư ghi chép lịch sử nước Đại Lương ở Hà Tây (thành lập cuối đời Tùy, 3 năm sau bị diệt vong bởi nhà Đường), các văn tịch mới phát hiện này đã bổ sung đầy đủ các tư liệu về nhà Đại Lương ở Hà Tây; khu Bắc còn phát hiện hơn 10 trang chữ in rời thuộc kinh văn Tây Hạ, được xem là có một không hai trên thế giới.

  1. Khu động phía Bắc có nguy cơ bị hủy hoại

Số lượng động khu ở phía Bắc và phía Nam là 735 động, con số này gần giống với số liệu được ghi chép trong sử ký đời Đường, nhưng chính xác hơn là hơn 200 khu động đã bị tiêu hủy. Mặc dầu hiện tại còn lại 735 động, đặc biệt 248 khu động và mặt ngoài vách núi ở phía Bắc, nhưng chúng có nguy cơ bị hủy diệt . Nguyên nhân đưa đến tình trạng hủy hoại sau hơn ngàn năm lịch sử là do thiên tai và con người. Trong đó, tự nhiên là nhân tố chủ yếu, thủ phạm chính gây nên hiện tượng sụp đổ ở khu phía Bắc chính là bão lụt, mưa và tuyết. Ngoài ra, động đất cũng là nhân tố gây hư hoại không thể tránh khỏi.

  1. Phát hiện những vết tích bão lụt, tuyết rơi và giải pháp bảo vệ quần thể

Ngoài những văn vật được phát hiện ở khu Bắc, ngành khảo cổ còn một phát hiện quan trọng là những vết tích do bão lụt tạo thành, dựa vào những vết tích này góp phần giúp ngành khảo cổ học và ngành bảo hộ đi sâu vào nghiên cứu phương pháp bảo vệ quần thể hang động. Được biết, hiện tại Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng đề ra 3 phương án bảo hộ:

  1. Để phòng ngừa lũ lụt, nên gia cố bờ đê sông Đãng Tuyền nằm trước mặt khu Mạc Cao, mở rộng khúc sông vốn hẹp và hiểm trở, nạo vét lòng sông, phòng ngừa tối đa nạn bão lụt thường xảy ra ở bờ sông này.
  2. Gia cố các khu động và vách trống ở khu phía Bắc để phòng ngừa động đất bất ngờ xảy ra.
  3. Chỉnh lý các khe phía trên đỉnh núi phòng ngừa nước lũ tràn xuống phá sụp khu động.

Các kiến nghị trên sẽ được thực hiện vào sang năm, đây cũng là thành quả cơ bản trong công tác bảo hộ khu văn vật này.