Tibet

Tibet

Thứ ba, 08 Tháng 1 2008 17:47

Tây Tạng là một vùng cao nguyên nằm ở Trung Á, giáp ranh với Ấn Độ, Ni Bạc Nhĩ, Miến Điện, Phủ Đan (Bhutan), và là quê hương của khoảng 2,9 triệu người Tạng, bao gồm cả 115.000 người đang tỵ nạn trên khắp thế giới.

Với độ cao trung bình khoảng 4900 mét, đây là một vùng đất cao nhất địa cầu nên thường được gọi là “Nóc nhà của thế giới” (Roof of the world). Mảnh đất thuộc tây nam bộ Trung Quốc này có diện tích 1,22 triệu km2 (gần gấp 4 lần Việt Nam), địa hình rất phức tạp, đại thể được chia ra thành ba phần chính là cao nguyên, thung lũng và núi non trùng điệp. Vì vậy khí hậu của Tây Tạng cũng thay đổi theo chiều cao của mỗi nơi và rất khác biệt giữa ban đêm với ban ngày. Vào mùa đông và mùa xuân khí hậu rất khô, gió nhiều và ít oxygen. Tuy rằng lượng thời gian có ánh nắng của Tây Tạng là từ 1500 tới 3400 tiếng đồng hồ mỗi năm nhưng thời gian băng giá cũng rất dài – trung bình 230 ngày mỗi năm. Do vì thời tiết khắc nghiệt như thế nên Tây Tạng cũng có những giòng sông băng (glacier) và được mệnh danh là “cực thứ ba của Trái Đất” (ngoài Nam cực và Bắc cực)!

Dân Tây Tạng sống bằng nghề chăn nuôi, nông nghiệp và lâm nghiệp là chính. Bên cạnh cây óc chó (walnut) và táo, những loại được trồng nhiều nhất trên cao nguyên là lúa mạch, lúa mì, đậu và cải dầu (rape-seed). Đồng cỏ của Tây Tạng đứng vào hàng thứ 5 của Trung Hoa, có số lượng trừu, dê và bò yak (bò Tây Tạng) khá lớn. Tổng số rừng Tây Tạng rộng đến 60.000 km2, là nguồn cung cấp gỗ thứ nhì của Trung Quốc (sau tỉnh Hắc Long Giang). Ngoài ra, Tây Tạng còn rất nổi tiếng với những đồ thủ công, dược thảo, dãy núi tuyết ngàn năm và loài hoa quý: tuyết liên…

Những nét đại cương về lịch sử Tây Tạng

* Các nhà địa chất trên thế giới quả quyết rằng 40 triệu năm trước, Tây Tạng nằm sâu dưới đáy biển và khi bán đảo Ấn Độ di chuyển đụng phải lục địa Châu Á thì dội lên thành cao nguyên Tây Tạng với hàng trăm ngọn núi cao trên 7000 mét nên ngày nay trên Tây Tạng vẫn còn nhiều hồ nước mặn và các loại hải sản. Lên đến núi cao mà có thể tìm thấy những thứ ở tận biển sâu là một trong những điều lạ lùng của Tây Tạng.

* Vết tích loài người được tìm thấy ở Tây Tạng là vào cuối thời kỳ Đồ Đá Cũ (Old Stone Age, khoảng 20.000 năm trước). Nhưng khi người Trung Hoa đã bắt đầu trồng kê (4000 năm trước CN) thì người Tây Tạng vẫn là dân du mục. * Năm 1063 trước CN: đạo Bon được sáng lập tại Tây Tạng bởi Tonpa Shenrab.

* Năm 127 trước CN: Vương quốc Tây Tạng được thành lập và cai trị bởi vua Nyatri Tsenpo.

* 629: Vua Songtsen Gampo (Tùng Tán Can Bố) thống nhất lại nước Tây Tạng sau những cuộc phân chia nhiều vùng.

* 760: Ngài Tịch Hộ cùng ngài Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng qua sự thỉnh mời của vua Ngật Lật Song Đề Tán (Trisong Detsen). Tu viện Samye được xây và làm trụ sở dịch thuật Kinh sách sang Tạng ngữ. Phái Ninh Mã – Hồng giáo; mũ đỏ (Nyingma) được sáng lập.

* 763: Quân Tây Tạng xâm chiếm Trường An – thủ đô nhà Đường sau nhiều năm bị Trung Quốc tấn công.

* 821: Hiệp ước Hòa Bình giữa Tây Tạng và Trung Quốc.

* 840: Vua Trisong Detsen bị em là Langdarma ám sát và soán ngôi để tàn phá Phật giáo. Nhưng 2 năm sau Langdarma cũng bị giết, triều đình Tây Tạng chấm dứt và Phật giáo cũng gần như là bị tiêu diệt.

* 978: Thời kỳ đại truyền Pháp lần thứ 2 từ Ấn Độ. Ngài A Đề Sa đến Tây Tạng và sáng lập tông phái Ca Đương (Bkagdams-pa), tức khởi nguyên của dòng Cách Lỗ (Gelug-pa).

* 1060: Phái Tát Ca (Sakya) ra đời từ sự phân phái của Ca Đương và phát triển mạnh, được triều đình Mông Cổ mời sang thuyết pháp.

* 1247: Tây Tạng sát nhập vào Đế quốc Mông Cổ, tức triều đại nhà Nguyên của Trung Hoa. Những người cầm quyền Mông Cổ chấp nhận cho phái Tát Ca quyền lãnh đạo Tây Tạng vĩnh viễn và công bố Phật giáo là quốc giáo.

* 1409: Ngài Tông Khách Ba xuất hiện và lập trường phái Cách Lỗ (Gelug-pa), nhiều chùa tháp và tự viện có đại học giảng dạy được xây. * 1578: Ngài Sách Nam Gia Thố (Sonam Gyatso); vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 3, lãnh đạo phái Cách Lỗ được vua An Đát Hãn chính thức công nhận và phong cho danh hiệu Đạt-lai Lạt-ma, nghĩa là “đạo sư với trí huệ như biển”.

* 1642: Đạt-lai Lạt-ma thứ 5 trở thành người chính thức nắm chính quyền lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng. Kể từ đó, người Tây Tạng xem Đạt-lai Lạt-ma là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.

* 1720: Đến đời nhà Thanh, dân Mãn Châu của Trung Quốc vào Lhasa thiết lập quyền làm chủ qua các cố vấn chính quyền thường trú gọi là amban nhưng chính quyền Tây Tạng vẫn tiếp tục quản lý quốc gia như trước.

* 1904: Quân đội Anh chiếm Lhasa bằng lượng lớn quân đội người Ấn, buộc Tây Tạng phải mở cửa biên giới với British India và năm 1906 lập hiệp ước với Trung Hoa biến Tây Tạng thành xứ bảo hộ thuộc Đế quốc Anh. Nhưng chỉ một năm sau đó thì Trung Hoa thiết lập lại quyền lực tại Tây Tạng. Cho đến cuộc cách mạng năm 1911 tại Trung Hoa và Đệ Nhất Thế Chiến thì Tây Tạng không còn bị chú ý từ phía Tây Phương lẫn Trung Hoa nên vị Lạt-ma thứ 13 lên nắm quyền và kiểm soát tất cả.

* 1950: Sau gần 40 năm độc lập, Trung Quốc vẫn không công nhận chủ quyền của Tây Tạng và bắt đầu xâm lấn, đến năm 1951 thì thôn tính cả lãnh thổ Tây Tạng.

* 1959: Tây Tạng nổi loạn và chống đối sự xâm chiếm của Trung Quốc (87.000 người chết). Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 rời khỏi Lhasa và tỵ nạn sang Dharamsala, Ấn Độ và sau đó thành lập Chính Phủ Tây Tạng Lưu Vong. * 1966: Trong cuộc Ềcách mạng văn hóaỂ, hơn 6000 tự viện Tây Tạng bị phá huỷ.

* 1976: Trung Hoa bắt đầu chiến dịch chuyển dân (Hán) lên Tây Tạng và 3 năm sau đó mở rộng cửa Tây Tạng cho du khách nước ngoài.

* 1987: Một số tăng sĩ Tây Tạng bị dời đến Bắc Kinh để được giáo dục lại/cải tạo, 492 tăng sĩ bị nhốt, 9977 tăng ni bị đuổi ra khỏi tự viện.

* 1995: Vào tháng 5, ngài Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 công nhận Cánh Đăng Xác Kiết Ni Ma (Gedhun Choekyi Nyima) là vị Ban Thiền Lạt-ma tái sinh thứ 11, nhưng Trung Quốc chối bỏ và sau đó vào tháng 11 cùng năm công bố Kiền Tán Nặc Bố (Gyancain Norbu) mới chính là vị Lạt-ma tái sinh ấy.

* 2005: Tuyến đường sắt Thanh – Tạng được tuyên bố hoàn tất, dài 1142km. Dù bao nhiêu thay đổi, dù Tây Tạng không còn cách ly với thế giới nữa nhưng du khách lên Tây Tạng vẫn thấy đây là một nơi khác xa thế giới bên ngoài, là nơi trời đất gặp nhau, mặt trời, mặt trăng cùng muôn ngàn tinh tú là bè bạn. Tây Tạng là nơi các vị Thánh, Tổ Mật tông đến hoặc ra đời, là cội nguồn của những con sông thiêng: Hằng Hà, Ấn Hà, Hoàng Hà, Dương Tử, Brahmaputre, Mê Kông (Cửu Long) v.v…

Tây Tạng có đỉnh Ngân Sơn là trung tâm thế giới và được xem như là Tu Di của cõi hồng trần. Đất trời mênh mông và tĩnh lặng. Không gian Tây Tạng trong vắt và sâu thẳm, khiến mọi vật trông tưởng chừng như rất gần mặc dù chúng rất xa. Thiên nhiên và tự viện Tây Tạng rực rỡ mà huyền diệu một thứ sắc màu thuần túy và thanh tịnh trong suốt, như đánh thức năng lực trực giác nơi mỗi con người. Tây Tạng có một nền văn hóa thâm thúy và độc đáo, trong đó Phật giáo đóng vai trò chủ đạo, nhưng là Phật giáo đặc trưng của Tây Tạng, gồm 4 phái chính (Nyingma-pa, Sakya-pa, Kagyu-pa và Gelug-pa) vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính mật tông huyền bí. Tây Tạng có đến 16.000 tự viện lớn nhỏ. Dân Tây Tạng rất sùng đạo. Đối với họ sống là để phục vụ Đạo Pháp, đời sống vật chất là phương tiện để vươn tới đỉnh cao tâm linh. Còn cái chết chỉ là đánh dấu một giai đoạn trong vòng sinh tử miên viễn mà thôi.

” Ngày mai hoặc là kiếp sau.” (Châm ngôn Tây Tạng “Tomorrow or the next life”,ngụ ý: không ai biết được cái nào đến trước/ nhân duyên ra sao…)

Quan Châu