Nga Mi Sơn Báo Quốc Tự

Nga Mi Sơn Báo Quốc Tự

Báo Quốc tự là ngôi chùa được xếp vào hàng đầu của núi Nga Mi vì nơi đây là trung tâm hoạt động của Phật Giáo Hiệp Hội Nga Mi Sơn mà cũng là cửa ngõ để vào núi. Chùa nằm ở phía tây núi nhưng lại hướng về phía đông để đón mặt trời mọc vào lúc bình minh và tiễn mặt trời lặn khi chiều xuống. Trước mặt và sau lưng chùa đều có bức thành khắc Phụng Hoàng, bên trái thì gần hồ Phụng Hoàng và bên phải có đình Lai Phụng, nói lên sự đẹp đẽ cát tường. Trước cổng chùa, tấm bảng ghi 3 chữ “Báo Quốc tự” lớn là do hoàng đế Khang Hy đời Thanh tự tay ngự đề.

Chùa này vốn được xây vào năm 1615 và vào lúc ban đầu ấy gọi là Hội Tông Đường, lấy ý nghĩa thờ 3 tôn giáo làm tên. (Phật giáo là vì Nga Mi sơn chính là đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền, Đạo giáo là theo truyền thuyết nói Quảng Thành Tử – hóa thân của Lý lão quân, đắc đạo tại núi Nga Mi và Nho giáo là vì Sở Cuồng – tên thật Tiếp Dư, cùng thời với Khổng Tử, giả điên ẩn cư nơi núi này vì không muốn nhận lịnh Sở vương đi làm quan). Song trải qua nhiều biến chuyển và sự tàn phá trong lịch sử, Hội Tông Đường đã dời đi nơi khác, và vào đầu đời Thanh, năm Thuận Trị thứ 9 (1652 CN) có một vị hành tăng tên Văn Đạt đến trùng tu. Rồi tới năm Khang Hy thứ 42 (1703 CN), vua căn cứ vào Kinh Phật lấy ý nghĩa ỀBáo quốc chủ ânỂ và ban cho tên Báo Quốc tự. Cũng như các chùa khác của Trung Hoa, y theo lời của Phật Thích Ca rằng Di Lặc Bồ Tát là Phật trong đời đương lai, nên điện thứ nhất của chùa Báo Quốc cũng là điện Di Lặc vậy. Mà chùa Báo Quốc có câu liễn về hóa thân Bố Đại hòa thượng của Bồ Tát Di Lặc rất được chú ý vì nói lên được lòng khoan dung đại độ của Ngài mà ẩn đầy triết lý:

Khai khẩu tiện tiếu,                           (Mở miệng là cười

tiếu cổ tiếu kim,                                cười xưa cười nay

phàm sự phó chi nhất tiếu,                 đáp việc đời bằng nụ cười

đại đỗ năng dung,                              bụng lớn khéo chứa

vu nhân vô sở bất dung.                     với người chẳng có gì dung không được.)

 

Điện thứ hai của chùa là Đại Hùng Bảo điện, trong điện thờ Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, bên trái của Phật là tượng Bồ Tát Văn Thù và bên phải là tượng Phổ Hiền. Hai bên bàn thờ của mỗi vị Bồ Tát đều có các câu đối liễn ca ngợi đại nguyện và đại trí của các Ngài. Sang đến điện thứ 3 là Thất Phật điện, chính giữa khám thờ là tượng Bổn Sư Thích Ca và sáu tôn tượng của Phật quá khứ: Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật, Tỳ Xá Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Sá Thi Phật. Các tượng này được tạo bằng nghệ thuật rất tinh thâm, vừa phòng ẩm, phòng mọt, không bị nứt và các đặc điểm khác có thể bảo tồn lâu được. Nghiêng nghiêng về bên phải của Thất Phật điện là gian nhà của Phật Giáo Hiệp Hội Nga Mi và bên trái là lầu chuông, lầu trống và trà viên được xây vào năm 1993. Sau Thất Phật điện là điện thờ tượng Quan Âm cầm dương chi, rất phổ thông đối với người Trung Hoa. Tựu chung các điện đường hay lầu tháp của chùa đều được xây theo triền núi, vì thế điện sau cao hơn điện trước, Bồ Tát Phổ Hiền quảng tu 10 đại nguyện, được gọi là Đại Hành Nguyện Vương. “Nguyện” là lý tưởng, “Hành” là thực tiễn để đi lên trên con đường đạo, Nga Mi sơn lại là đạo tràng của Ngài nên điện cuối cùng và cao nhất của chùa Báo Quốc là điện của Ngài Phổ Hiền vậy. Cả chùa Báo Quốc từng viện từng cảnh, tất cả điện đường kiến trúc tổng cộng nằm trên một vùng núi hơn 60 mẫu đất (1 mẫu Tàu = 666m2). Mỗi bước tiến sâu vào chùa là mỗi lúc thấy trang nghiêm hùng vĩ, thế mới biết rằng các pháp hội, nghi lễ của Hội Phật Giáo Nga Mi đều cử hành tại chùa này. Ngoài ra các vị lãnh tụ danh nhân của Trung Quốc hay quốc ngoại khi đến Nga Mi đều được tiếp đãi tại nơi này.

 

Tẩy tượng trì (ao tắm voi) trước kia có tên là Sơ Hỷ đình ngụ ý nói đến nơi đây là sắp lên được tới Kim đỉnh du khách thường vui mừng. Song đến khi có chùa được xây gần ao nước vào đời nhà Thanh thì tăng chúng bèn đổi tên thành Tẩy Tượng trì, dựa theo truyền thuyết rằng ngày xưa lúc Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi lên núi ngang qua nơi đây đã dừng lại lấy nước tắm voi. Tẩy tượng trì này nổi tiếng có trăng đẹp. Vì đến khi trăng tròn và giữa đêm trời nước một màu thì ánh trăng càng hiện rõ dưới ao, càng long lanh.

 

Quan Châu