Đại Túc Bảo Đỉnh Sơn
Đại Túc Bảo Đỉnh Sơn
Bảo Đỉnh Sơn Phật Loan Thạch quật cách huyện thành Đại Túc tỉnh Tứ Xuyên khoảng 15km, Phật tử đi hành hương có câu “Thượng bái Nga Mi, hạ triêu Bảo Đỉnh”.
Phong cảnh u nhã, có tất cả 13 chỗ thạch khắc, quy mô nhất là Đại Phật Loan và Tiểu Phật Loan. Đại Phật Loan là một eo núi hình móng ngựa dài 500m, cao từ 15m tới 30m, điêu khắc chia ra ba mặt đông, nam và bắc, nổi tiếng với các tượng Lục Đạo luân hồi, Quảng Đại Bảo Lầu các, Hoa Nghiêm Tam Thánh, Thiên Thủ Quán Âm, Thích Ca Niết Bàn Thánh Tích đồ, Cửu Long Dục Thái Tử, Khổng Tước Minh Vương, Tỳ Lô Đạo Tràng, Phụ Mẫu Ân Trọng kinh biến tượng, Lục Hao đồ, Liễu Bổn Tôn hành hóa đồ, Địa Ngục biến tượng, Thập Đại Minh Vương tượng, Viên Giác động, Mục Ngưu đạo tràng… Nét đặc thù ở đây là hiển bày được trọn vẹn nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của đời Tống vô cùng mỹ thuật và mang tính chất cố sự lại được bảo tồn hoàn chỉnh. Người sáng tạo thành quật là danh tăng Triệu Trí Phụng ở xứ Thục đời Tống (ngài phụng hành Phật Giáo, Liễu Bổn Tôn đời Đường). Khởi tạo vào triều Tống năm Thuần Hy thứ 6 Thuần Hựu năm thứ 9 (1179 – 1249), hơn 70 năm mới hoàn tất.
Động Viên Giác cao 6m, rộng 9m và sâu 12m. Đối diện với cửa ra vào là 3 vị Phật, có một vị Bồ Tát quỳ thưa thỉnh trước mặt; hai bên là 12 vị Bồ Tát, mỗi bên sáu vị, nét mặt và tư thế ngồi của mỗi vị đều khác nhau. Trên vách phía sau của chư vị Bồ Tát có khắc nào mây, nào núi, nào sông. Đặc biệt nhất là hệ thống rút nước động này: một dòng nước từ một chỗ đá bị rạn nứt ở phía bên vách trái, nếu để cho chảy thẳng xuống thì sẽ làm cho động này trở nên ẩm thấp và các tượng sẽ hư hoại nhanh chóng với thời gian. Dòng nước này đã được khéo léo dẫn vào thân của một con rồng được khắc trên vách trái của động, và nước từ miệng rồng được rót vào một trong bình bát bằng đá do một vị tăng hứng giữ. Dòng nước này lại từ bát đá chảy xuống cánh tay của vị tăng kia mà vào thân của Ngài để thoát ra ngoài bằng một đường rãnh đào phía bên dưới và từ đó thoát ra khỏi động. Cửa vào động hơi nhỏ, nhà điêu khắc bèn trổ một cánh cửa sổ rộng khoảng 4m ở phía trên cửa, tạo thêm một luồng ánh sáng khác cho động, khiến các tượng của chư Phật và chư Bồ Tát tăng thêm vẻ sống động lạ kỳ.
Hoa Nghiêm Tam Thánh. Ba pho tượng này khá lớn, cao 7m, được điêu khắc nương theo đường cong của triền núi. Giữa là tượng của Ngài Tỳ Lô Giá Na, hai bên là Văn Thù và Phổ Hiền. Đặc biệt là tay Ngài Phổ Hiền đưa ra khoảng 1,2m, nâng đỡ một bảo tháp cao 1,8m và nặng 500kg. Từ 800 năm nay, mặc dầu nặng như thế nhưng bảo tháp cũng không hề rơi và cũng không có dấu hiệu sẽ rơi, ngược lại với định luật sức hút của trái đất, chính là do sự điêu khắc tuyệt hảo đã khéo léo dùng vạt áo của Ngài làm cột đỡ cho bảo tháp. Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn Những cánh tay của Ngài dang ra phía sau lưng như hình của đuôi con công được mở ra, che trùm cả một triền núi khoảng 88,2m. Trên mỗi bàn tay của Ngài có khắc một con mắt, vì tay biểu trưng cho Đại Bi và mắt biểu trưng cho Đại Trí. Bức tượng của Ngài nói lên sự phối hợp của Đại Bi, Đại Trí, Đại Lực dùng để cứu độ chúng sinh. Theo truyền thuyết nói tượng của Ngài tổng cộng có đến 1007 cánh tay. Tượng Phật Niết Bàn dài 31m Vì thiếu chỗ nên nhà điêu khắc đã phải ỀgiấuỂ chân đức Phật, từ đầu gối trở xuống, vào trong núi đá. Ngoài ra còn có những triền núi khác chỉ chuyên điêu khắc một đề tài mà thôi, ví dụ như Kinh “Báo Ân Phụ Mẫu”, cảnh chăn trâu, cảnh giới Cực Lạc v.v…