Đại Chiêu Tự

Đại Chiêu Tự

Đại chiêu tự (Jokhang tempel – ཇོ་ཁང་, 大昭寺)nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO từ năm 2000, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Barkhor, Lhasa. Đối với người Tây Tạng đó là ngôi chùa linh thiêng nhất nước. Chùa do vua Tùng Tán xây vào thế kỷ thứ 7 khi vương triều hưng thịnh nhất để thờ tượng Minh Cửu Đa Cát Phật, tức Phật Thích Ca Mâu Ni Bát Tuế Đẳng Thân do công chúa Nepal mang theo từ quê nhà khi gả cho vua Tùng Tán. Nhưng hiện nay trong Đại Chiêu tự thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Thập Nhị Tuế Đẳng do Văn Thành công chúa mang theo, mà tượng Bát Tuế Đẳng Thân thì được chuyển sang thờ ở Tiểu Chiêu tự sau bị hủy lúc văn hóa cách mạng. Cả công chúa Xích Tôn và Văn Thành đều góp phần rất nhiều vào việc hình thành Phật giáo Tây Tạng qua những vật mang theo làm của hồi môn .

Đại Chiêu tự vốn tên Thần Biến tự (The House of Mysteries), đến năm 1409, ngài Tông Khách Ba vì chiêu tập tăng chúng các phái Phật giáo ở Tây Tạng, cử hành Đại Pháp hội tán thán Phật Thích Ca Mâu Ni kể từ đó chùa được đổi tên là Đại Chiêu tự.  Ngài A Đề Sa (Atisha -阿提沙 982-1054 dịch nghĩa là người xuất chúng) cũng từng thuyết Pháp tại chùa này vào thế kỷ 11. Ngài là một đại sư người Đông Ấn đã góp phần truyền Phật giáo vào Tây Tạng và thuyết về Bồ Đề Tâm sáng lập trường phái Ca Đương gây ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Cách Lỗ của ngài Tông Khách Ba. Chùa Đại Chiêu là một nơi hành hương của Phật tử từ nhiều thế kỷ qua. Trong quá khứ Lhasa từng bị Mông Cổ chinh phạt nhưng chùa vẫn sừng sững trang nghiêm. Qua nhiều lần tu sửa và xây thêm, hiện nay chùa chiếm diện tích khoảng 25 ngàn m2. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp của nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ, Tây Tạng, Nepal và đời Đường Trung Quốc. Tây Tạng đã thông minh lấy sự kết hợp đặc sắc này làm lối kiến trúc tôn giáo truyền thống riêng của mình.

Đối với người Tây Tạng Đại Chiêu tự có trước rồi sau mới tới thành Lhasa. Bát Giác nhai (Barkhor street) lấy Đại Chiêu tự làm trung tâm, chùa nằm giữa lòng sinh hoạt của dân chúng. Trong chùa ngoài điện Phật Thích Ca còn có điện của ngài Tông Khách Ba, điện Tạng Vương, điện thần Hộ Pháp của phái Cách Lỗ, bích họa tinh mỹ tuyệt luân, tượng gỗ điêu khắc v.v… Trong các điện lúc nào cũng dịu dàng mùi trầm hương.

Quan Châu