Potala – པོ་ཏ་ལ།

Potala – པོ་ཏ་ལ།

Cung điện Potala (Tàu phiên âm là Bố Ta La hoặc Phổ Đà Lạc Ca) nằm ở Lhasa, Tây Tạng thuộc Trung Quốc, là nơi cư ngụ của Đạt-lai Lạt-ma thứ nhất đến Đạt-lai Lạt-ma thứ 14; sau khi khởi nghĩa thất bại phải chạy sang Dharamsala, Ấn Độ năm 1959. Ngày nay cung điện Potala đã trở thành một viện bảo tàng của Trung Quốc và nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO kể từ năm 1994. Dù vậy Potala vẫn là một thánh địa Phật giáo.

Cung điện Potala được xây bởi vua Songtsen Gampo (松赞干布- སྲོང་བཙན་སྒམ་པོ་-Tùng Tán Can Bố) sau khi thống nhất Tây Tạng vào năm 637 để đón công chúa Văn Thành (Tiếng Tạng: Mung-chang Kungco) của nhà Đường Trung Hoa mà vua đã sai sứ đến Trường An cầu hôn bằng hoàng kim năm ngàn lượng, châu báu trăm rương. Năm 641 lễ bộ thượng thư Lý Đạo Tông hộ tống công chúa vào Lhasa mang theo tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, trân bảo và 360 quyển kinh như của hồi môn. Vua Tùng Tán ra tận Bá Hải (tức hồ Trác Lăng, Thanh Hải bây giờ) để nghinh đón. Đối với nhà Đường vua Tùng Tán là phò mã đô úy Tây Hải Quận Vương. Còn người Tây Tạng thì coi Văn Thành công chúa là hóa thân của Lục Độ Mẫu (Tara – hóa từ giọt nước mắt Ngài Quan Âm) với những cống  hiến giúp phát triển Phật giáo Tây Tạng. Do vì vua Tùng Tán thờ ngài Quan Âm làm tôn sư nên lấy tên trụ xứ của Ngài được nói trong Kinh Hoa Nghiêm đặt tên cho cung điện này. Potala nằm trên ngọn Marpo Ri (Mã Bố Nhật sơn), cao 130 mét ngự giữa thung lũng Lhasa cách mặt biển hơn 3500 mét, có tất cả 1000 căn phòng lớn nhỏ, song sau khi vương triều bị diệt vong cung điện cũng theo số phận đó bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại hai gian Phật điện là thoát được khói lửa của chiến loạn.

Kiến trúc của Potala như ta thấy hiện nay là được xây lại vào năm 1645 thời kỳ Đạt-lai Lạt-ma thứ 5, Lozang Gyatso khi ngài lập chính quyền Tây Tạng và lấy Lhasa làm thủ phủ đã cho xây lại. Ba năm sau thì Bạch Cung (Potrang Karpo) hoàn thành, đến năm 1653 ngài Lozang Gyatso vào cung Potala ở. Kể từ đó các đời Đạt-lai Lạt-ma đều ở nơi này. Tất cả mọi việc chính trị và nghi thức tôn giáo quan trọng đều được cử hành ở cung Potala. Potala vì vậy nghiễm nhiên trở thành trung tâm tôn giáo và chính trị của Tây Tạng từ đó. Hồng Cung (Potrang Marpo) là được xây thêm từ năm 1690 khi ngài Lạt-ma thứ 6 lên kế vị. Hồng Cung không chỉ do thợ thuyền của Tây Tạng xây không thôi mà còn có cả các thợ của Nepal và nhà Thanh sang giúp nữa. Mỗi ngày có hơn 7700 người thợ ra sức xây cất để đến năm 1694 thì hoàn thành. Từ năm 1959 trở đi Potala không còn là một nơi sinh hoạt chính trị nữa. Năm 1989 chính phủ Trung Quốc cho trùng tu Potala, công trình trùng tu kết thúc vào năm 1994 và đã tốn đến 53 triệu đồng nhân dân tệ.

Cung điện Potala rất là nguy nga hùng vĩ, hiện rõ nét đặc sắc của kiến trúc Tây Tạng, từ bên ngoài nhìn thấy như là có tất cả 13 tầng nhưng thực ra chỉ có 9 tầng. Toàn bộ làm bằng gỗ và đá. Diện tích Potala là khoảng 130.000m2 . Tường ngoài của cung điện được xây bằng đá hoa cương dầy từ 2 đến 5 mét rất là kiên cố. Bên ngoài Potala được sơn bằng màu trắng, màu đỏ và màu vàng tượng trưng cho oai nghiêm, yên tĩnh và viên mãn thể hiện rõ ràng nét đặc trưng của Tạng truyền Phật giáo.

Bạch Cung Do màu tường bên ngoài mà được tên, là nơi sinh hoạt của Đạt-lai Lạt-ma, có tất cả 7 tầng. Tầng cao nhất là tẩm cung của các vị Đạt-lai Lạt-ma gọi là ỀNhật Quang điệnỂ. Nóc của điện có thể mở rộng ra để ánh sáng mặt trời chiếu vào, tối đến thì dùng vải bạt che lại. Điện này được canh gác nghiêm ngặt, chỉ có tăng tục quan viên cao cấp mới được ra vào. Tầng thứ 4 có một điện lớn nhất trong Bạch Cung, gọi là Đông Đại điện dài 27,8 mét và rộng 25,8 mét. Những nghi lễ quan trọng của Potala đều được cử hành nơi đây. Phía đông Bạch Cung khoảng giữa eo núi có một quảng trường Deyangshar, hai bên có xây trường học cho chúng tăng. Trong Bạch Cung có cả điện thờ Phật, thư viện cất giữ các Kinh quan trọng và cả phòng in Kinh sách. Cách trần thiết ở đây đều rất lộng lẫy và trang nghiêm.

Hồng Cung Nằm ở chính giữa của Potala, hoàn toàn dành cho việc học Đạo và tu Đạo; học Kinh và lễ lạy. Điện lớn nhất của Hồng Cung là Tây Đại điện (The Great West hall) có diện tích 725,7m2, treo 698 bức bích họa về cuộc sống sinh bình của vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 5, người bắt đầu xây lại Potala sau một ngàn năm bị bỏ hoang phế. Một trong những bức nổi tiếng nhất là khi ngài đến thăm vua Thuận Trị ở Bắc Kinh. Hồng Cung có linh tháp thờ di thể của các vị Đạt-lai Lạt-ma, mà trong đó linh tháp của vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 được xây vào năm 1936 cũng là kiến trúc cuối cùng của Potala. Ngoài linh tháp ra còn có một pho tượng bằng bạc của ngài và một mantra làm bằng san hô và trân châu.

Trong Hồng Cung còn có Pháp Vương điện, Thánh Giả điện, là hai điện còn lại từ thời vua Tùng Tán. Pháp Vương điện nằm chính giữa của Potala, phía dưới của nó chính là đỉnh của ngọn Marpo Ri, là nơi tĩnh tu của vua Tùng Tán. Hiện có thờ tượng vua Tùng Tán, hai người vợ của vua tức Xích Tôn công chúa (Khri b’Tsun của Nepal),và Văn Thành công chúa và vị Đại thần đã nghĩ ra chữ Tây Tạng từ chữ Ấn Độ. Và trên nữa là có thờ tượng tôn sư của vua – tượng Ngài Quan Thế Âm bằng gỗ đàn hương rất quý.

Hồng Cung tráng lệ uy nghi và thần bí còn có nhiều điện khác như là Tam Giới Hưng Thịnh điện, cất giữ nhiều Kinh sách và tượng vẽ của các vua nhà Thanh và ba ngôi bảo tháp, Mật tông Trì Minh điện thờ ngài Liên Hoa Sinh và Thế Hệ điện thờ Phật Thích Ca. Tất cả hành lang của Phật điện trong Potala đều là bích họa và nhiều phù điêu giá trị vô cùng.

Potala là một bảo tàng vô giá, mỹ thuật và lịch sử tôn giáo chính trị của Tây Tạng đều nằm ở đây. Cung Potala cất giữ vô số trân bảo, thangka, ngọc thạch, mộc điêu, tượng Phật lên đến hàng vạn, bút tích của hoàng đế Càn Long, những quà biếu từ đời Minh và Thanh như là kim ấn, Đại Tạng Kinh bằng Tạng văn, bối diệp kinh và Phật chỉ xá lợi của Ngài Thích Ca. Tất cả đều giá trị liên thành. Nhờ kiến trúc hùng vĩ và giá trị của mình, Potala đã được báo USA Today và chương trình truyền hình Good morning America gọi là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới. Potala là thánh địa của Phật giáo nằm trong Tây Tạng được mệnh danh là nóc nhà của thế giới, đã đi hành hương mà không đến chắc hẳn ai đó phải ta thán “vị đáo bình sinh hận bất tiêu” (chưa đến cả đời hận khôn nguôi)…

Quan Châu