Cứ Nghĩ Nuôi Được Cha Mẹ là Tròn Chữ Hiếu?

CỨ NGHĨ NUÔI ĐƯỢC CHA MẸ LÀ TRÒN CHỮ HIẾU? HÃY NGHE LẠI CÂU NÀY CỦA BILL GATES!

Nếu cho rằng, nuôi được cha mẹ đã là làm tròn chữ hiếu, chúng ta cần phải nghiêm túc suy xét lại.

Trăm đức hạnh tốt Hiếu xếp đầu, nhờ chữ Hiếu được nhường ngôi

“Bách thiện hiếu vi tiên” – Câu này nghĩa là, trong trăm thứ hạnh tốt, chữ “Hiếu” xếp đầu tiên.

Người sáng lập ra Nho giáo – Khổng Tử coi Hiếu là căn bản của đạo đức, nhấn mạnh “Hiếu và Đễ là gốc của điều Nhân chăng?” Sách Hiếu kinh cũng nói: “Hiếu là thiên kinh, địa nghĩa, đức hạnh của con người”.

Phật giáo cũng rất coi trọng Hiếu. Trong kinh “Phật thuyết phụ mẫu ân trọng nan báo” cũng chỉ rõ sự khó nhọc của cha mẹ sinh ra con người. Đồng thời, báo đáp ân cha mẹ đứng ngang cùng báo ân Tam bảo, ân đất nước, ân chúng sinh.

Lão Tử, người sáng lập Đạo gia cũng coi tâm Hiếu từ là tính tự nhiên của con người, thậm chí còn coi cái tâm này không cần ai dạy dỗ mà đã biết.

Một nhà lý luận khác của Đạo gia Cát Hồng trong “Bão phác tử” cũng nhấn mạnh tu tiên không tách rời được Hiếu, nếu như không có đạo đức tốt, thì khó có thể tu thành đạo tiên.

Dưới ảnh hưởng của Nho Phật Đạo, hiếu thân kính lão đã trở thành mỹ đức được xã hội truyền thống Trung Quốc tôn sùng, thậm chí còn trở thành quan niệm chính trị “lấy Hiếu trị thiên hạ”.

Tương truyền thời cổ đại có Thuấn, vì có Hiếu mà được vua Nghiêu nhường ngôi.

Cha và mẹ kế, em ghẻ của Thuấn nhiều lần tìm cách hại chết Thuấn. Nhưng Thuấn không để lòng ghét hận, vẫn cung kính với cha mẹ, từ ái với em, hạnh hiếu của Thuấn cảm thiên động địa.

Sau khi vua Nghiêu nghe danh, trải qua nhiều năm theo dõi và quan sát, cuối cùng đã chọn Thuấn lên làm người thừa kế vương vị, đồng thời gả hai con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn. Thuấn sau khi lên ngôi, về thăm cha mẹ, vẫn một lòng cung kính, và phong em con mẹ kế thành chư hầu.

Chỉ nuôi được bố mẹ thôi chưa đủ!

Bộ sách đầu tiên của Trung Quốc giải thích về chữ nghĩa “Nhĩ nhã” định nghĩa Hiếu như sau: “Khéo thờ cha mẹ là Hiếu”.

Khéo thờ cha mẹ là một loại hạnh thiện và mỹ đức, Hiếu với cha mẹ chính là thể hiện việc thiện đầu tiên.

Tử Lộ thời Xuân Thu ở Trung Quốc, vì thờ cha mẹ mà từ ngoài trăm dặm chở gạo về nhà, còn bản thân thì ăn rau dại trừ bữa; Hoàng Hương thời Đông Hán mới 9 tuổi đã biết thờ cha mẹ, trời nóng bức quạt cho cha mẹ ngủ, mùa đông lạnh giá dùng thân thể ủ ấm cho cha.

Vậy có phải chỉ nuôi được cha mẹ đã có thể cho là chí hiếu hay chưa? Khổng Tử đã nhắc nhở về điều này: “Kẻ được gọi là Hiếu thời nay chỉ ở chỗ nuôi được cha mẹ, đến như chó ngựa cũng có thể nuôi được, nếu không có Kính, thì giữa nuôi cha mẹ với nuôi chó ngựa có gì khác đây?”

Chỉ có nuôi được cha mẹ, khiến cho cha mẹ không lo về ăn mặc thì vẫn còn xa mới đủ, cần phải hiểu về việc tôn kính cha mẹ. Đây chính là “chỗ cao nhất của Hiếu, không gì lớn hơn tôn kính”.

Ý nghĩa chân chính của Hiếu lấy Kính làm tiền đề. “Đệ tử quy” (sách dạy trẻ nhỏ các quy tắc làm người của người Trung Quốc xưa) nói rằng: “Cha mẹ gọi, không được chần chừ, cha mẹ yêu cầu, không được lười biếng. Cha mẹ dậy, kính cẩn mà nghe; Cha mẹ trách mắng, cần thuận theo”.

Trong đời sống thực tế, những hành vi nhỏ nhặt ấy đều thể hiện sự cung kính với cha mẹ.

Trong hệ thống văn hoá hiếu đạo truyền thống của Trung Quốc, “phụng thân”, “hiếu thân”, bao gồm “chăm nom bệnh tật”, “tang tế khi qua đời” v.v. đều là nội dung không thể thiếu trong đó. Vì thế, cho dù những phương thức hiếu thuận cha mẹ nhiều ra sao, thì quan trọng nhất vẫn ở Tâm, tức “Kính làm Tâm, Hiếu làm Hạnh”.

Tìm Phật đâu xa? Mẹ chính là Phật!

Trong “Kinh Thi” giảng: “Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn, dạy bảo ta nên người, chăm lo ta, ôm ấp ta, ra vào để bảo vệ cho ta, muốn đáp trả ơn huệ ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng”.

Các kinh điển cổ đều nhấn mạnh, cơ sở của Hiếu chính là lòng biết ơn.

Có một câu chuyện thế này, có một chàng thanh niên, hâm mộ đạo Phật đến tìm một vị Thiền sư để hỏi Phật ở chỗ nào. Thiền sư trả lời: “Khi anh quay về vào nửa đêm, người mặc áo trái ra mở cửa cho anh chính là Phật”.

Cuối cùng anh ta đi khắp, đều không thấy ai mặc trái áo ra mở cửa cho mình. Cho tới khi kiệt sức quay về nhà, chỉ thấy mẹ mình sợ con bị gió lạnh vội ra mở cửa, chân còn không kịp xỏ dép, áo khoác cúc lệch, còn bị mặc ngược lại. Khi đó, lời của Thiền sư mới văng vẳng bên tai: “Người mặc áo trái ra mở cửa cho anh, ấy chính là Phật…”

Người mẹ trong câu chuyện chính bởi cả ngày mong ngóng con trai, nên đến nửa đêm nghe tiếng con gọi cửa, đến quần áo và giày dép cũng không kịp chỉnh tề để vội vàng chạy ra, không ai nghĩ rằng người mẹ mặc áo trái ấy lại khiến đứa con trong phút chốc ngộ ra đạo lý mẹ mình chính là Phật.

Câu trả lời bất ngờ của Bill Gates

Bill Gates, người sáng lập Microsoft đã có lần trả lời phỏng vấn tạp chí “Chance” của Ý, được người phóng viên hỏi: “Ngài cho rằng điều gì trong nhân sinh không thể chần chừ nhất?”

Tưởng rằng sẽ được chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh, nhưng người phóng viên không ngờ lại nhận được câu trả lời: “Sự việc mà con người không được phép chần chừ, không gì khác ngoài việc kính hiếu với cha mẹ”.

Theo ông, việc không thể chờ đợi trong đời người không phải là cơ hội thành công sự nghiệp, mà là cơ hội để hiếu kính cha mẹ.

“Tuổi của cha mẹ, không thể không biết, một là để mừng, hai là để lo”. Mẹ đã mang thai chúng ta 10 tháng mới sinh ra ta, để cho ta ăn no mặc ấm đã tần tảo vất vả ngược xuôi.

Dần dần năm tháng đã nhuộm trắng mái tóc của cha mẹ, thì trong lòng chúng ta sẽ nhận ra điều không thể chờ đợi trong đời này không còn là cơ hội kiếm tiền, cũng không phải là cơ hội để sự nghiệp thăng tiến, mà chỉ là cơ hội để hiếu kính cha mẹ.

Cho nên, khi thân thể cha mẹ bệnh tật, đầu óc nghĩ ngợi lẫn lộn, ăn uống tay chân run rẩy, làm bẩn áo quần, thì chúng ta cần phải nhẫn nại kính trọng đối xử, giúp đỡ cha mẹ.

Cũng giống như khi ta còn nhỏ, cha mẹ đã kiên nhẫn mà vẫn đầy thương yêu dẫn dắt chúng ta để tập đi, chứ không thể chờ đến lúc “con muốn dưỡng nhưng cha mẹ không thể chờ” thì hối hận đã không kịp.

Hiếu là hạnh dẫn đầu của trăm hạnh, Hiếu cũng là đạo hoà hợp giữa trời đất với con người, để Hiếu dần dần trở thành chỗ quay về sâu sắc trong linh hồn đạo đức, mới có thể khiến bản thân an thân lập mệnh, phúc trạch tới đời sau, khiến xã hội an ổn và hài hoà

TK Viên Ngộ sưu tầm 


Tin Khác