Ý Nghĩa Đôi Nhẫn Cưới Trong Lễ Hằng Thuận

Ý NGHĨA ĐÔI NHẪN CƯỚI TRONG LỄ HẰNG THUẬN

Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Kính bạch chư Tôn đức chứng minh.
Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể!
Hôm nay trong ngày lễ thành hôn, các con đã dâng hương hoa, lễ vật cúng dường lên Tam Bảo và cung thỉnh chư Tôn đức làm lễ hằng thuận. Giờ này thầy xin thay mặt chư Tôn đức Nói về trách nhiệm của vợ chồng và ý nghĩa đôi nhẫn cưới, để lát nữa các con trao tặng cho nhau trước Tam Bảo, cha mẹ, gia đình hai bên, và phát nguyện kết tóc se tơ, nên duyên chồng vợ.
Các con thân mến!
Trong kinh Thiện sanh thuộc Kinh Trung Bộ đức Phật có dạy về cách thức vợ chồng đối xử nhau để có một gia đình hạnh phúc như sau:
– Có 5 điều mà chồng phải biết cách cư xử với vợ
1. Luôn Luôn Nhã nhặn, thanh tao với vợ.
2. không bao giờ tỏ ý khinh rẻ vợ.
3. luôn luôn trung thành với vợ, kính trọng cha mẹ vợ như kính trọng cha mẹ ruột của mình.
4. Giao quyền hành cho vợ.
5. Mua sắm y phục, trang sức cho vợ theo khả năng có thể của mình.
Đức Phật dạy người đàn ông nào khéo biết cách cư xử với vợ và gia đình vợ như 5 điều trên thì người đàn ông đó sẽ có được một gia đình hạnh phúc ấm no.
Và Đức Phật lại dạy người vợ: Người phụ nữ may mắn được có một người chồng biết và làm được 5 điều trên thì người phụ nữ ấy cũng phải thể hiện là một người vợ biết cách sống và phải biết thực hiện 5 điều sau:
1. Làm tròn bổn phận trong nhà.
2. Vui vẽ tử tế với thân bằng quyến thuộc của chồng, xem cha mẹ chồng như cha mẹ ruột của mình.
3. Phải giữ tiết hạnh, không được ngoại tình.
4. Có của ngon vật lạ không nên dùng riêng cho mình, khi chồng nóng giận thì không nên lớn tiếng cãi vã, làm mất hoà thuận, mà phải đợi khi chồng bình tĩnh lại rồi mới dùng lời lẽ để khuyên bảo. Ngược lại khi chồng khuyên giải đúng thì phải vâng theo.
5. Phải xem tài sản trong gia đình là của chung, phải có trách nhiệm quán xuyến mọi việc trong nhà.
Nếu 2 con biết cách đối xử với nhau như những điều đã nêu ở trên thì Thầy chắc chắn rằng chúng con sẽ có 1 gia đình hạnh phúc, con cái hiếu hòa, gia đình hưng thịnh.
Tiếp theo Thầy xin nói về Nhẫn cưới.
Đây là món trang sức quý giá đeo vào ngón tay áp út biểu thị cho tình yêu, đạo lý hôn nhân, và hạnh phúc gia đình. Nó có những ý nghĩa như sau:
Thứ nhất: Tên của Nó là Nhẫn: Tại sao nó tên Nhẫn ? bởi Nhẫn có nghĩa là nhẫn nhịn, nhường nhịn. Muốn trong nhà vui vẻ đầm ấm hạnh phúc, trước phải biết nhường nhịn lẫn nhau, không nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Chiếc nhẫn lại được đeo vào ngón tay áp út là để các con dễ nhìn thấy, thấy để kềm chế bản thân, thấy để tự nhắc mình về sự nhẫn nhịn tránh được sự va chạm sân si giữa vợ và chồng.
Thứ hai: Chiếc nhẫn hình tròn, hình tròn là tiêu biểu cho sự viên mãn, tròn đầy. Từ một tình yêu tròn đầy các con mới tiến tới hôn nhân như ngày hôm nay. Mà để cho nó tiếp tục tròn đầy như thuể ban đầu thì chúng con cần phải biết chia sẽ trong lúc khó khăn, hòa thuận trong lúc khấm khá. Muốn được như thế, vợ chồng phải siêng năng làm việc, dành dụm tiền bạc, chi tiêu chừng mực, không được phung phí. Ngoài ra phải biết san sẻ cứu giúp cho người nghèo, được vậy mới hưởng phước báu lâu dài.
Thứ ba: Chiếc nhẫn này được làm bằng chất vàng, vàng có đặc tính là “tuỳ duyên bất biến”, nghĩa là hình dạng tuy có thay đổi, nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn. Hay nói rõ hơn, dù ai có vo tròn bóp méo, kéo dài cán mỏng đi nữa, hình dạng tuy đã thay đổi, nhưng tính chất giá trị của vàng vẫn nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế! Các con chung sống bên nhau, dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, cũng phải giữ vẹn lòng chung thuỷ trước sau như một. Cổ nhân có dạy: “Ngọc càng dồi càng sáng, vàng càng luyện càng tinh”, đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì danh lợi, tiền của, sắc đẹp, v.v… mà thay lòng đổi dạ. Ngoài ra chất vàng có đặc tính là màu sắc tươi đẹp, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần mưa nắng, dù có rơi rớt, vùi dập nơi nào, nhưng nó vẫn mãi tươi đẹp. Đạo vợ chồng cũng thế! Các con đã thề nguyện chung sống bên nhau, dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa, hoặc mai kia có già yếu, bệnh tật, nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng phải nồng nàn tươi đẹp như thuở ban đầu mới cưới nhau.
Chính vì những lý do trên, đôi nhẫn này có ý nghĩa rất thiêng liêng trong tình nghĩa vợ chồng, các con phải giữ nó làm kỷ niệm, xem nó là món quà hết sức quý báu. Lát nữa đây, các con sẽ đeo cho nhau để kỷ niệm một cuộc đời mới, một cuộc sống lứa đôi, tràn đầy hạnh phúc và an lạc.
Nam mô A-di-đà Phật.

Sưu Tầm


Bài Cùng Thể Loại