Tác giả và tác phẩm Luận Câu Xá – Phần VII

VII. NGƯỜI DỊCH VÀ NGƯỜI GIẢI THÍCH LUẬN
1. Người Dịch
Phật giáo Trung Quốc là từ Ấn độ truyền qua, vì vậy văn tự của Ấn độ không giống với Hoa Hạ. Ở trong nước, người nào muốn hiểu rõ thật nghĩa của Phật pháp thì vùng ấy cần phải có học giả giỏi, thong hiểu hai nền ngôn ngữ của hai nước Ấn-Hoa để làm công tác câu thông truyền dịch. Vì thời đại bất đồng, các dịch giả lại không thống nhất, cho nên khi dịch ra Hán ngữ thì thường cùng một bản kinh luận nhưng lại có nhiều bản dịch khác nhau, giống như bộ luận này gồm có hai bản dịch đó là bản của ngài Paramārtha dịch và bản khác là ngài Huyền Trang dịch.
Bản dịch của ngài Paramārtha thì lấy tựa đề là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá thích luận. Khảo cứu bản giải thích từ bản dịch này thì biết được, vào khoảng niên hiệu Đại Đồng năm thứ mười hai thuộc triều đại Lương Vũ Đế, ngài Paramārtha theo đường biển đến Trung Quốc, đương thời gặp lúc nhà Lương đang lâm vào thế nguy tai, thời kỳ việc nước rối ren, ngài bèn lánh qua hai phía Đông-Tây, trải qua hai mươi năm nhưng không thể triển khai chí nguyện hoằng pháp, với sự chán ngán như thế nên ngài có ý niệm trở về lại quê hương, nhưng khi đến Quảng Châu thì gặp pháp sư Huệ Khải và ngài được thỉnh dịch luận Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra (Nhiếp Đại Thừa), dịch xong hai năm, ngài lại muốn quay về, ngài Huệ Khải cùng chúng Tăng lại cầu thỉnh ngài dịch Abhidharma-kośa, lời thỉnh cầu ấy được ngài Paramārtha chấp nhận. Vào ngày hai mươi lăm tháng giêng năm Thiên Gia thứ bốn đời Trần Văn Đế, ngài bắt đầu dịch và giảng Abhidharma-kośa tại chùa Chế Chỉ, nhưng phẩm Hoặc vẫn chưa giảng và dịch xong thì ngài dời đến Nam Hải để tiếp tục giảng, đến tháng mười mới dịch thành một quyển luận kệ và hai mươi quyển luận văn. Đến ngày mồng hai tháng hai năm Thiên Gia thứ năm, ngài Huệ Khải cùng với Tăng chúng lại một lần nữa khẩn thiết cầu thỉnh ngài dịch lại luận văn. Đến ngày mười lăm tháng mười hai năm Quang Đại nguyên niên mới kiểm định toàn bộ đầu đuôi của bản dịch trước xong xuôi, nay là bản dịch được cất trong Thánh tạng. Đây là Abhidharma-kośa dịch lần thứ nhất ở Trung Quốc, kinh luận được ngài Paramārtha dịch rất nhiều, song Duy thức pháp tướng học thuộc hệ Asaṅga và Vasubandhu được truyền vào Trung Quốc cũng bắt đầu từ ngài Paramārtha.
Bản dịch của ngài Huyền Trang dịch tại chùa Từ Ân có tên là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận gồm ba mươi quyển, lúc bấy giờ nhằm vào niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ hai đời Đường Cao Tông. Ngài Huyền Trang là một ngôi sao Bắc đẩu trên bầu trời Phật giáo Trung Quốc và cả rong giới học giả dịch thuật, những Kinh luận của ngài dịch khoảng chừng bảy mươi ba bộ, gồm một ngàn ba trăm ba mươi quyển, từ xưa đến nay trong giới phiên dịch không có ai sánh được với ngài. Song sự cống hiến của ngài cho Phật giáo Trung Quốc là vô cùng to lớn mà cũng có thể nói là là từ trước đến nay chưa từng có một nhân vật nào được như thế!
Ngài họ Trần, là người Lạc Châu, cha của ngài tên là Trần Huệ sanh hạ được bốn người con, ngài là con út. Lên tám, ngài được phụ thân cho đọc Hiếu Kinh, khi đọc đến Tăng Tử rời toà thì bổng nhiên ngài đứng dậy chỉnh sửa khăn áo và nói: “Tăng Tử khi ngồi nghe thầy giảng dạy, còn phải biết rời khỏi chỗ ngồi, nay nghiêm phụ huấn từ ta sao có thể ngồi trên toà mà nghe được. Thuở nhỏ ngài đã biết về đạo hiếu như thế, đúng là một đứa bé chẳng phải tầm thường như những đứa bé khác cùng trang lứa. Năm mười ba tuổi, triều đình có lệnh độ Tăng, ngài đến xin ghi danh, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên không hợp với quy định, vì thế không được ghi nhận, ngài buồn bả cứ mãi đứng trước trường thi, quan giám thi là Trịnh Thiện Quả nhìn thấy ngài và cảm thấy rất khì lạ bèn đến hỏi: “Chẳng phải ngươi đến xin cấp độ điệp hay sao?
-Vâng, nhưng vì tôi tuổi còn nhỏ nên chưa được ghi nhận”
-Ngươi xuất gia đương nhiên là rất tốt, nhưng ngươi xuất gia có mục đích gì?
-Mục đích xuất gia của tôi là: xa thì làm Phật, gần thì làm rạng ngời chánh pháp”.
Quan Thiện Quả cho chí lớn của ngài thật đáng khen, bèn phá lệ ghi tên cho ngài. Chúng tôi nghĩ, một đứa bé mười ba tuổi như thế mà đã ôm ấp chí lớn xuất gia, há là kẻ hời hợt mà có thể làm được sao?
Sau khi xuất gia, ngài theo Pháp sư Cảnh để nghe giảng Mahā-parinirvāṇa-sūtra (kinh Niết Bàn) rồi theo Pháp sư Nghiêm học qua Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra. Năm lên mười bảy tuổi, nhà Tuỳ mất ngôi, thiên hạ đại loạn, ngài cùng người anh chạy loạn đến Trường An, nhưng ở kinh thành lại không có pháp tịch, vả lại thời cuộc cũng không thể nào an định, ngài lại cùng anh qua cửa Tử ngọ và Hán Xuyên, vào làm môn hạ của hai vị pháp sư Cảnh và Không để thọ học. Sau đó đến Thành Đô, ngài từng học Abhidharma với ngài Đạo Cơ, học Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra với ngài Bảo Xiêm, học Ca-diên với ngài Đạo Chấn. Năm tròn hai mươi, nhằm vào năm thứ Đại Nghiệp thứ 12 Tuỳ Dạng Đế, ngài thọ cụ túc giới tại chùa Đại Từ Ân ở Thành Đô. Sau khi thọ giới xong, đến niên hiệu Vũ Đức thứ 5 của Đường Cao Tổ, ngài được 27 tuổi, nhập hạ học luật, đối với giới luật ngài cũng khá thông suốt. Sau đó ngài giảng giải Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra và Abhidharma tại chùa Thiên Hoàng ở Kinh Châu, ngài đến Triệu Châu tham yết pháp sư để học Satyasiddhi-śāstra (Thành Thật Luận), và sau đó dừng chân ở chùa Đại Giác ở Trường An để học Abhidharma-kośa với ngài Đạo Nhạc. Đương thời ở Trường An có ngài Đạo Chấn Thần Châu khen ngợi hai vị tăng ở hãi ngoại đó là Pháp Thường và Tăng Biện, ngài liền theo họ để hỏi về ý nghĩa sâu xa của Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra và Abhidharma-kośa, cả hai vị đại đức này hết lòng khen ngợi ngài: “Ông đúng là con ngựa giỏi ngàn dặm của họ Thích, trí tuệ rạng ngời của Đức Phật lại được toả chiếu là nhờ vào ông, tiếc rằng chúng ta nay đã già, sợ rằng không thể thấy đuợc”. Từ đó ngài du học ở Ấn độ về thì quả nhiên huệ nhật của Như Lai lại được toả rạng nơi Chấn Đán.
Vào năm thứ hai Đường Trinh Quán, pháp sư Huyền Trang được 29 tuổi, đối với việc nghiên cứu các luận điển như Vibhāṣā, Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, Abhidharma-kośa Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra ngài đều có tâm đắc, nhưng ngài là một học giả tìm cầu sự chân thật đúng đắn một cách tuyệt đối, ngài luôn luôn thấy sở học của mình vẫn chưa thấu hiểu một cách rốt ráo, vì vậy ngài thường đi tìm hỏi các bậc minh sư ở nước mình về những nghi vấn, nhưng rốt cuộc cũng không thoả mãn được tâm nguyện của chính mình, vì vậy ngài phát khởi chí lớn, lòng mong muốn được đi qua Ấn độ để tìm sư học đạo, thấu tận căn nguyên. Theo truyền thuyết ở chùa Từ Ân:”ngài đã tham học với tất cả bậc thầy ở trong nước, thấm nhuần hương vị và tham khảo tường tận về nghĩa lý, tôn chỉ của từng vị, thể nghiệm qua các kinh điển, thế nhưng ý nghĩa cũng có sự ẩn hiện khác biệt, không biết phải theo ai cho đúng, vì thế mới phát nguyện đi về nước Phật để tham vấn những điểu nghi hoặc”. Bằng chí nguyện vĩ đại của mình, ngài đã đi qua cõi Ấn để cầu pháp và kết quả đạt được đã mang về sự thành tựu làm kinh động lòng người. Vào năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627 AC) ngài bắt đầu khởi hành từ thành Trường An, đến năm Trinh Quán thứ 17 (năm 643 AC), từ nước Prayāga (Bát-la-da-già) bắt đầu hành trình hồi hường, đi qua nước Ku-stana (Vu-điền) về Trường An, tổng cộng 17 năm. Ở Ấn độ, ngài đã từng trải qua 130 nước để tầm học, tất cả những nơi được đức Thích Tôn giáo hoá, rừng Niết bàn kiên cố, cây Bồ đề nơi ngài hàng ma, tháp Ca-lộ sùng cao, núi Na-yết lưu ảnh v.v.. không đâu mà ngài không đến chí thành đảnh lễ. Tóm lại, suốt 5 năm ngài lưu học ở chùa Nālandā (Na-lan-đà), nước Magadha thuộc vùng Trung Ấn, hết lòng tin tiến không một chút giải đải, ở đây ngài là một người học sinh nỗi bật nhất, tiếng tăm vang khắp cõi Ấn.
Đương thời ngài Huyền Trang du học ở Ấn Độ chính là thời kỳ mà Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh mẽ nhất, song vào thời kỳ này tư tưởng Hư vọng Duy thức luận được rất được xương minh. Đương thời đại sư Śīlabhadra (Giới Hiền) là vị thủ toạ của chùa Nālandā, cũng là một vị đại sư dốc hết tâm lực hoằng truyền tư tưởng Hư vọng Duy thức học này. Ngài Huyền Trang được thân cận và học hỏi, đại sư Śīlabhadra truyền dạy tất cả sở học của mình, pháp sư cũng dốc hết tâm lực nghiên cứu và thấu rõ tất cả ý nghĩa đới với các luận Abhidharma-kośa, Yogacārabhūmi (Du Già), Abhidharma-nyāyānusāra, Prakaraṇāryavācā-śāstra (Hiển Dương Thánh Giáo) v.v.. ; đối với các học thuyết như Tiểu thừa Sarvāsti-vādin, Sūtra-vādin cho đến Đại thừa pháp tánh tông, pháp sư Huyền Trang đều có một trình độ học vấn rất độc đáo. Ngoài Phật học ra, tất cả những học thuyết triết học của Ấn độ, như tôn chỉ của phái Vaiśeṣika, và Sāṃkhya v.v.. ngài đều thấu suốt tất cả, nhưng đặc biệt đáng quý nhất là ngài đã làu thông tất cả các ngôn ngữ văn tự của cõi Ấn độ. Cho nên nói: “Núi Kỳ thuyết giáo Phương Đẳng, Vườn Nai nữa chữ Thánh Đế, tất cả Mã Minh, Long Thọ chư sư trước thuật, dị chấp của mười tám tông phái, làu thông vết tích năm bộ, thu gom nghiên cứu đều thấu suốt văn tự; tuy Phạn âm bảy lệ tám chuyển, văn cú ba tiếng sáu thích, nhưng không đâu là không thấu tận diệu lý”
Sau khi tốt nghiệp xong, các quốc vương của Ngũ Ấn cùng tranh nhau cung kính cúng dường, sau đó ngài đi du hoá khắp các nước để sưu tầm học phong tục tập quán của họ, đến năm Trinh Quán 17 ngài khởi hành về nước, ngày 04 tháng 12 năm Trinh Quán 19, an ổn về tới Trường An. Ngài mang về cả Tam tạng thánh giáo, gồm 520 thùng, tất cả 657 bộ, trong ấy học thuyết của các tông phái các địa phương, tất cả những gì cần có đều có hết. Sau đó nghĩ ngơi và tiếp tục chuẩn bị xữ lý và phiên dịch tất cả những tài liệu đó. Tháng 03 năm Trinh Quán 19 bắt đầu công việc cho đến tháng tháng 10 năm Long Sóc thứ 03 mới kết thúc, tổng cộng 19 năm phiên dịch, công việc phiên dịch của ngài chưa từng bị gián đoạn một ngày nào. Đến cuối cùng không còn tiếp tục phiên dịch được nữa thì lúc ấy ngài thâu thần tịch diệt, từ lúc ngừng tay cho đến lúc viên tịch chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà thôi. Vì Pháp không tiếc thân mạng của ngài; tinh thần vô uý khổ nhọc vì đạo lớn của ngài mãi mãi là tấm gương rạng ngời của đời sau, mãi mãi đáng để chúng ta học tập.
Trên đường du hành qua Ấn độ, ngài đã vượt qua biết bao nhiêu tình cảnh khốn khổ gian nan, lúc còn ở Ấn độ, ngài được các quốc vương thần dân ở đây nhiệt liệt kính lễ, khi về đến nước nhà, ngài cũng được nhà vua và nhân dân đón tiếp một cách long trọng, cho đến những công việc Phật sự được ngài thực hiện ở trong Phật giáo đều được ghi tạc vào trong Tam Tạng Pháp Sư Truyện ở chùa Đại Từ Ân, ở đây không chỉ lược ghi ra mà thôi.
2.Người Thích Văn:
Abhidharma-kośa là bộ luận kết tinh của nền giáo lý Phật giáo Tiểu thừa, vì thế văn rất giản lược nhưng nghĩa lý lại vô cùng phong phú, nếu duy trì đơn đọc bản văn luận thì không thể hiểu thấu hết nghĩa lý của nó, các bậc cổ đức xưa vì sự lợi ích cho hàng hậu học về sau nên các ngài đã từng sớ giải rất nhiều bản về Abhidharma-kośa. Ngài Paramārtha sau khi dịch xong bộ Abhidharma-kośa, ngài tiếp tục trước tác bộ Câu-xá Nghĩa Sớ gồm 60 quyển để cống hiến cho học giả tham khảo; tiếp nối ngài là pháp sư Trí Khải đời Trần sớ thành 80 quyển, pháp sư Huệ Tịnh ở chùa Kỷ Quốc đời Đường sớ thành 30 quyển, ngài Phổ Quang Đạo Nhạc sớ 22 quyển. Các tác phẩm sớ thích tiếp nối nhau ra đời; các học giả lúc bấy giờ đã rầm rộ nỗi lên một phong trào nghiên cứu, vì thế bản cựu dịch ở Trung quốc cũng một thời cực thịnh. Thế nhưng họ cũng không lấy việc giải thích nghiên cứu ấy làm thoả mãn, đồng thời dựng lên ngọn cờ Tỳ-đàm tông để cạnh tranh với tông Thành Thật. Về sau, khi ngài Huyền Trang trở về nước, Abhidharma-kośa được mang ra dịch lại bản mới, người giải thích bản tân dịch Abhidharma-kośa trước sau cũng rất nhiều, như Câu-xá luận ký gồm 30 quyển của pháp sư Phổ Quang(tương truyền là người Việt Nam môn hạ của ngài Huyền Trang) đời Đường, Câu-xá Luận Pháp Tông Nguyên 1quyển, Câu-xá tụng sớ ký 1 quyển của Pháp Doanh Tu, Câu-xá Luận Sớ 30 quyển của pháp sư Pháp Bảo, Câu-xá Tụng Sớ 29 quyển của pháp sư Viên Huy, Câu-xá Tụng Sớ Sao 6 quyển của pháp sư Huệ Huy, Câu-xá Tụng Sớ Ký 29 quyển của pháp sư Tuần Lân, Câu-xá Luận Sớ 30 quyển của pháp sư Thần Thái. Dóc hết tâm lực để hoằng truyền, trong giới Phật giáo đoá hoa tân Câu-xá lại nở rộ, còn bản cựu dịch thì không ai ngó ngàng đến. Quả như vậy, Trải suốt hơn ngàn năm hoằng truyền Abhidharma-kośa, từng sản sanh lượng chú sớ rất lớn, hiện nay, số được bảo tồn cũng rất nhiều bộ, nhưng số bị mất mát cũng không ít, đặc biệt là những bản chú sớ của Cựu Câu-xá rốt cuộc không còn bản nào, như vậy không thể không nói là sự mất mát rất lớn đối với luận học Abhidharma-kośa chăng? Những bản chú sớ hiện còn, cố nhiên không thể nói là không còn bản nào thấu suốt được nghĩa gốc của Abhidharma-kośa và cũng không thể nói là không có bản nào chưa đạt được ý nghĩa tinh yếu của Abhidharma-kośa. Cho nên những tài liệu tham khảo và y cứ để nghiên cứu luận này cần phải có thái độ thẩm định cẩn thận , bằng nhãn quan khách khách quan, kỷ càng chọn lựa, không thể căn cứ bừa theo những bản văn của người xưa mà cho rằng những lời người xưa là đúng đắn. Có người nói, những bản trước thuật của Abhidharma-kośa có thể lấy làm nghiên cứu tham khảo bất quá là Câu-xá Quang Ký, bản sớ của Pháp Bảo, tụng sớ Của Viên Huy, vì ba bản này, có căn có nguyên, kỷ càng như thật, chẳng phải dùng cái thấy riêng của cá nhân, mạnh giải nghĩa luận, cho nên người đời sau khi giảng nói Abhidharma-kośa, chú thích bản luận không ai mà không lấy ba bộ trước thuật vĩ đại này làm tư liệu chủ yếu, chúng ta nghiên cứu Abhidharma-kośa, chính bản thân cũng không thể rời khỏi việc tham khảo ba bộ trước thuật này.

 

 

(hết)

Thích Quảng Đại dịch