Tác giả và tác phẩm Luận Câu Xá – Phần II

II. SỰ QUAN HỆ GIỮA ABHIDHARMA KOŚA VÀ VIBHĀṣĀ

1. Biên Tập Của Luận Vibhāṣā

Sau Phật niết bànkhoảng năm đến sáu trăm năm, tức vào thế kỷ I và II (AC), hệ phái Sarvāsti-vādin ở vùng Tây Bắc Ấn do được quốc vương Kaniṣka hộ trì, vì thế một thời Phật giáo ở đây hưng thịnh đến cực điểm. Lúc con trẻ, vua Kaniṣka là một bạo chúa, giết người không nương tay, về sau được Pārśva (Hiếp Tôn giả) và ngài Aśvaghoṣa (Mã Minh) của Sarvāsti-vādin bộ cảm hoá, ông mới quay về quy y Tam Bảo, dùng lòng nhân đức để cai trị đất nước. Sau khi nhà vua tin Phật, hộ trì và hoằng dương Phật pháp, có thể nói là ông dùng hết năng lực của mình để làm những việc có thể làm của một người đệ tử Phật, những thắng tích của ông được lưu vào trong trang sử mỹ thuật Phật giáo mà không bao giờ xoá nhoà theo năm tháng được, đó là Tháp Phật cao hơn bốn mươi trượng được nhà vua xây dựng ở vùngPuruṣapura (Bố-lộ-sa-bố-la, đô thành của nước Gandhāra), tháp rất vĩ đại và trang nghiêm, trong quá khứ ngôi tháp chẳng những thuộc bậc nhất của cả vùng Ngũ Ấn, mà chính ngay trong trang sữ mỹ thuật hiện đại cũng có giá trị và địa vị đặc thù của nó. Có một việc to lớn không gì sánh bằng mà nhà vua đã cống hiến cho Phật giáo, đó là kết tập kinh điển lần thứ tư, do phát xuất từ lòng mến mộ giáo pháp của đức Phật, vì thế đối với việc nghiên cứu Phật pháp, nhà vua là người đã giỏi rồi muốn giỏi thêm, đã hiểu rồi muốn hiểu thêm. Theo Tây Vức Ký ghi: “Nhà vua đối với việc đeo đuổi nghiên cứu giáo lý đức Phật, ông thường thỉnh các bậc cao Tăng thạc đức vào trong cung để cúng dường, mong nhờ khai thị pháp yếu, nhưng khi hỏi càng nhiều thì trả lời càng sai biệt, do đó nhà vua đâm ra ngờ vực.

Có một hôm, nhà vua đem những câu trả lời sai khác của chư tăng đến cầu thỉnh ngài Pārśva, một bậc danh tăng đức cao vọng trọng, học rộng hiểu sâu của Sarvāsti-vādin, xin ngài chỉ dạy. Tôn giả với giọng vô cùng bi thương trả lời cùng nhà vua rằng: “Đức Như Lai đã vào niết bàn, ngày tháng trôi dần cho đến nay, đệ tử của ngài mỗi người tự lập lên tông phái của mình và cho mình là đúng, tông khác là sai, vì thế mới phát sanh ra hiện tượng như hôm nay”. Nghe những lời từ đáy lòng của Tôn giả thốt như thế, nhà vua cũng cảm thấy đau xót, thế là ông cầu xin biện pháp để tu bổ, Tôn giả liền đem việc kết tập kinh điển nói, nhà vua một chút cũng không nghi ngại tức khắc đồng ý, khen ngợi và ủng hộ công việc kết tập kinh điển. Không chậm trể, nhà vua triệu tập tất cả 500 thánh chúng, cùng suy cử Các tôn giả Vasumitra (Thế Hữu), Dharmatrāta (Pháp Cứu), Pārśva cả thảy năm vị lên toà làm thượng thủ của pháp hội kết tập. Trong chùa Hoàn Lâm ở Kaśmira, nhà vua lập pháp hội rộng lớn và long trọng, trải qua mười hai năm, đại hội kết tập thành Tam tạng chú thích gồm ba mươi vạn kệ tụng. Nhà vua nhận thấy Tam tạng điển tích lớn lao như thế, vô cùng vui mừng và hết lòng thọ trì, đồng thời khắc kinh vào bản đồng rồi đem cất dấu vào trong hang đá, không cho phép tuỳ tiện mang kinh ra khỏi nước. Với hành động đó đủ cho chúng ta thấy được tấm lòng tôn trọng giáo pháp như thế nào rồi! Nhưng những kinh điển được kết tập lần này, nếu nói là kết tập Tam tạng giáo pháp của Phật thì chi bằng nói là kết tập của một hệ phái trong Sarvāsti-vādin, điều này có thể lấy mười vạn bài kệ tụng của Vibhāṣā làm chứng. Tài liệu Vibhāṣā rất phong phú, chính bởi vì giải thích bộ Abhidharma-jñāna-prasthāna (luận Phát Trí) của của ngài Kātyāyanī-putra (Ca-chiên-diên-ni-tử). Trong luận ấy lấy tư tưởng cực đoan của Sarvāsti-vādin để khắc chế các thuyết khác, tức là khắc chế các thuyết của các sư cùng hệ hoặc khác hệ với Sarvāsti-vādin, phàm có bao nhiêu dị thuyết thì không thuyết nào là không bị bài xích, ngay cả phái dṛṣṭāntika (Thí dụ sư), phái Vibhajya-vādin (Phân biệt luận sư) càng là mục tiêu của Vibhāṣā bài xích. Sau khi giáo nghĩa của Sarvāsti-vādin đại thành, tuy Hữu tông rộ lên trạng thái hưng thịnh của một thời, nhưng vì tư tưởng của các học giả Sarvāsti-vādin quá cực đoan, chấp vào Tiểu thừa làm cản trở việc phát triển của Đại thừa, chấp hữu mà bỏ không, phương diện lí luận thì phân tích một cách máy móc, vì thế chính họ đã khiến cho công việc hoằng dương ngày càng bị trì trệ, có thể nói rằng cái điểm cực thịnh là bắt đầu cho sự suy tàn, do vậy không bao lâu sau Hữu tông không thể tiếp tục giữ vững ngôi vị giáo quyền của mình được, đó là kết quả của thái độ ngang ngược độc tôn của họ, hoàn toàn không phải không có nguyên nhân mà trở thành như vậy.

2. Thời Cơ Ra Đời Của Lận Câu-xá

Giới học giả của Sarvāsti-vādin tự cho mình được sự hộ trì của Quốc vương, đồng thời biên tập được một bộ sách quý to lớn như vậy chắc chắn sẽ nắm vững được ngôi vị giáo quyền, yên ổn ngồi trên toà báu của cảnh giới bậc nhất, thế nhưng họ đâu biết rằng việc biên tập bộ Vibhāṣā chính là một tiếng chuông báo trước việc thất sủng: trong luận không chỉ bài xích các phái mà còn chuyên quyền độc tôn, hễ có một chút hiềm khích thì tưng bừng nổi lửa; Lý luận thì phân tích một cách máy móc, văn tự đan kết vụn vặt, tư tưởng phong toả nghiêm ngặt, đặc biệt là thái quá.

Bấy giờ chỉ có Sūtra-vādin (Kinh bộ sư) được xem là ngang hàng với học thuyết Sarvāsti-vādin mà thôi, các học giả phái kinh bộ dóc hết toàn lực để hoằng dương giáo nghĩa của tông mình, vì thế Kinh bộ cũng một thời rất hưng thịnh; lúc Sūtra-vādin thịnh hành thì cũng chính là lúc mà giáo nghĩa của Sarvāsti-vādin đã lung lay tận gốc. Tư tưởng của tác giả Vasubandhu là tư tưởng tiền tiến, vì các học giả Sarvāsti-vādin tự phong cho mình là tiến bộ, cố nhiên Tác giả có sự nghiên cứu rất sâu xa tinh tường đối với học thuyết này mà từ lâu mình tôn sùng, còn đối với sự thịnh hành của học thuyết Sūtra-vādin, tác giả cũng có sự nhận biết và thấu hiểu một cách rất độc đáo. Lúc đó tận mắt nhìn thấy Tông phái của mình đang dần dần tiến đến suy tàn, vả lại Tác giả cũng nhận thấy được khuyết điểm lớn lao trong lý luận của tông mình, vì thế ngài mới đi tìm hiểu và chiết trung giáo nghĩa của tất cả các học phái để cứu vãn vận nguy của bổn tông. Sau đó, ngài nghe nói tông mình lại có bộ luận điển Vibhāṣā cao sâu uyên áo đang cất dấu ở trong hang đá tại nước Kaśmira, đồng thời vì chính bản thân mình chưa nghiên cứu đến, thế là phát tâm phải đến đó học hỏi để tìm được chân lý rốt ráo để cứu vãn bổn tông và để lưu truyền ở đời.

Để học hỏi được tư tưởng Vibhāṣā là một công việc vô cùng khó khăn, bởi vì bộ luận điển này không được truyền ra ngoài nước. Đương thời tất cả các học giả ở Kaśmira đều từng được huấn luyện đặc biệt qua tư tưởng Sarvāsti-vādin, vả lại tư tưởng thống trị của họ lại vô cùng nghiêm mật, đồng thời tuyệt đối không để cho người học một chút hoài nghi nào. Lúc ấy trên diễn đàn tư tưởng bộ phái Phật giáo Vasubandhu bị liệt vào trong các phần tử rất nguy hiểm nhất, vì vậy muốn hoà nhập vào học đoàn của họ để học tập đại giáo như thế thì thật là vô cùng khó khăn, cũng may các sư ở Kaśmira chỉ nghe đến đại danh Vasubandhu nhưng chưa từng một lần diện kiến được nhân vật này. Lợi dụng điểm này, tác giả Vasubandhu thay tên đổi họ và cải trang thành một vị tăng bình thường không hiểu gì đến Phật pháp để vào Kaśmira học đại pháp. Trải qua bốn năm học tập, lẽ đương nhiên là giáo nghĩa tinh yếu của Vibhāṣā đã nằm gọn trong bụng của tác giả, giáo lý của Sarvāsti-vādin giờ đã rõ mồn một như lòng bàn tay. Khi so sánh cân nhắc lại vấn đề đúng sai ở trong học thuyết Sūtra-vādin thì càng thấy rõ được tư tưởng sai lầm của bổn tông, lý luận trái với giáo nghĩa. Với lý do đó khiến các luận sư đều dựa vào dị nghĩa của Sūtra-vādin để phê bình những vấn đề không thích hợp của bổn tông một cách không khách khí.

Một hôm ở trong định, Tôn giả Skandhila (Tôn giả Ngộ Nhập là học giả của Sarvāsti-vādin,  là thầy của Tác giả và ngài Chúng Hiền) quán sát biết tác giả chính là tôn giả Vasubandhu một nhân vật nổi tiếng, đồng thời biết được dụng ý đến học tập Vibhāṣā của ngài, thế là Tôn giả Skandhila âm thầm gặp ngài và nói: “Chúng xuất gia ở đây có vị còn chưa ly dục, họ chỉ chú trọng tình cảm chứ không chú trọng về lý trí, vì thế nếu như họ phát hiện ra ngài chính là Vasubandhu thì sẽ gặp phải những nguy hiểm ngoài ý muốn, hiện giờ họ vẫn còn chưa biết, ngài hãy mau rời đây ngay đi!”

Vasubandhu khi nhận được lời cảnh báo như thế đương nhiên ngài không thể tiếp tục nán lại Kaśmira được, ngay ngày hôm đó tôn giả tức khắc hành trình trở về nước. Sau khi về nước, càng cảm thấy khuyết điểm của tông mình quá lớn, vì vậy ngài đem những gì học được ở Vibhāṣā giảng lại cho giáo hữu trong nước, kết quả tạo thành bộ Abhidharmakośa luận bổn tụng gồm sáu trăm bài tụng. Sau khi bổn tụng được hoàn tất, tôn giả cho người mang đến tặng cho giới Phật giáo ở Kaśmira và công bố rộng rãi với giới Phật giáo. Người không biết thì cho ngài hoằng truyền giáo nghĩa của Vibhāṣā, đem truyền rộng rãi làm rực rở cho Sarvāsti-vādin, cho nên toàn bộ giới Phật giáo trên dưới trong nước không ai là không mặc sức mà tiếp nhận pháp bảo này. Dưới sự nhiệt liệt nghinh tiếp tác phẩm từ nơi xa của đại chúng, riêng có Tôn giả Skandhila chẳng có chút gì nao núng, vả lại ngài còn thở dài mà than cùng đại chúng rằng: “Quý vị đang vui mừng điều gì? Quý vị cho đây là hoằng truyền giáo nghĩa của tông chúng ta hay sao? Lầm to rồi! Vasubandhu không những không hằng truyền mà có rất nhiều chỗ phê bình và đả kích giáo nghĩa của tông chúng ta nữa! Trong tụng văn của Vasubandhu ghi hai chữ “truyền thuyết” đó chẳng phải là điều để chứng minh cho vấn đề không tin hay sao? Nếu như các người cho rằng những lời ta nói là không đúng thì quý vị phái người đến nhờ Vasubandhu giải thích thêm cho mà nghe!”

Nhận lời thỉnh cầu ấy, Tôn giả Vasubandhu theo thứ tự giải thích từng bài kệ tụng, vì thế mới trở thành bộ luận Abhidharmakośa lưu truyền cho đến nay. Sau khi bộ luận này đã hoàn thành, theo lời cầu thỉnh ở trước, tôn giả gửi đến Kaśmira để tặng, đại chúng đọc xong mới tin lời của tôn giả Skandhila là không sai.

Theo như trên đã nói, chúng ta nhận biết rằng, kể từ khi Vibhāṣā biên tập lần đầu tiên, thì học phái Sarvāsti-vādin phát triển rất hưng thịnh lại nhưng có sự biến đổi rất lớn, cho đến tư tưởng của Vasubandhu là đang trong thời kỳ chuyển biến, vì phá trừ những quan điểm thiên chấp của mọi người, phát triển Phật giáo đến tột cùng chân lý do đó bộ luận này ra đời.