LUẬT HỌC VÀ LUẬT NGHI TỰ VIỆN TẠI TRUNG HOA TRƯỚC THỜI NGÀI ĐẠO TUYÊN

 

ĐỒNG THÀNH

Trong nhữnng giai đoạn phôi thai của Phật giáo tại Trung Hoa diễn ra vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, rất nhiều cao Tăng từ Trung Á và Ấn Độ đã nỗ lực phiên dịch kinh điển và giới thiệu giáo lý Phật giáo bằng nhiều hình thức khác nhau. Sau những bước hội nhập đầu tiên của Phật giáo vào xã hội Trung Hoa, một khuynh hướng tất yếu đã xuất hiện đối với cộng đồng Phật giáo: vấn đề tổ chức sinh hoạt của Tăng đoàn ngày càng đông và nhu cầu xuất gia của người bản xứ. Chính khuynh hướng này đã thôi thúc các bậc cao Tăng thời đó quan tâm đến việc truyền dịch giới bổn và luật nghi căn bản làm cơ sở cho các sinh hoạt của Tăng đoàn Phật giáo. Từ sự xuất hiện của những văn bản luật nghi riêng lẻ vào giữa TK III cho đến sự biên dịch và chú giải các Quảng luật khác biệt vào đầu TK V, các nhà sư Phật giáo đã hoàn thành việc phiên dịch luật tạng một cách nhanh chóng. So với các Đại tạng khác, Đại Tạng kinh Trung Hoa còn lưu giữ gần như hoàn bị Quảng luật của nhiều bộ phái khác nhau. Sự xuất hiện hàng loạt dịch bản của những Quảng luật như thế đã cho thấy quan điểm của các dịch giả Phật giáo về tầm quan trọng của luật tạng cũng như sự đề cao việc hành trì giới luật của cộng đồng Tăng đoàn trong giai đoạn đầu của Phật giáo tại Trung Hoa.

Khởi nguyên Luật học tại Trung Hoa

Theo Đại tống tăng sử lược, ngay khi Phật giáo vừa được truyền đến Trung Hoa vào thời vua Hán Minh Đế (trị vì 58-75 TL), đã có một số người bản xứ xuất gia, chẳng hạn như tại Thính Dương thì có hoàng tử Lưu Tuấn, tại Lạc Dương thì có một phụ nữ tên A-phan[1]. Tuy nghiên, những người bản xứ xuất gia trong buổi đầu như thế chưa hội đủ điều kiện để trở thành những thành viên thực thụ của Tăng đoàn vì rằng khi ấy giới luật Phật giáo chưa được truyền đến Trung Hoa. Người xuất gia thời ấy chỉ cạo bỏ râu tóc, thực hành các pháp sự, lễ nghi dân gian, nhưng giới luật chưa rành, giáo lý chưa thông.Cao tăng truyện và Khai nguyên thích giáo lục cho biết rằng mãi đến năm Gia Bình (249-253) ngài Đàm-kha-ca-la (Dharmakāla – Pháp Thời)[2], người xứ Trung Ấn, đến Lạc Dương, thấy cảnh Tăng chúng chưa có quy củ, giáo lý chưa am tường, mà giới luật thì khó hiểu, phức tạp, nên ngài bèn đến chùa Bạch Mã chọn những giới điều chính yếu của luật Ma-ha-tăng-kỳ và dịch thành cuốn Tăng kỳ giới tâm, sau đó thỉnh Phạn tăng lập pháp yết ma truyền giới[3]. Còn Đại tống tăng sử lược, một tác phẩm ra đời vào TK X, sau Cao tăng truyện bốn trăm năm, thì cho rằng vào năm Gia Bình, Đàm-kha-ca-la cùng với sa môn Đàm Đế, người xứ An Tức, dịch Tứ phần yết ma và Tăng kỳ giới tâm đồ ký[4]Phật tổ thống ký còn ghi thêm rằng nhận thấy kể từ thời Hán Ngụy về sau, người xuất gia chỉ bẩm thọ tam quy, đại tăng và sa di chưa phân biệt rõ ràng, Đàm-kha-ca-la bèn cùng sa môn Đàm Đế nước An Tức dịch Tứ phần giới bổn của Đàm Vô Đức Bộ, thỉnh mười vị tăng làm pháp yết ma truyền giới, và người được truyền giới đầu tiên là Chu Sĩ Hành[5]. Cũng theo tác phẩm này, ngài Đàm-kha-ca-la được tôn xưng là tổ thứ hai (sau thỉ tổ là ngài Đàm Vô Đức, Dharmagupta – Pháp Chánh) trong phái Nam Sơn Luật Học của ngài Đạo Tuyên (tổ thứ chín)[6]. Tuy nhiên, theo ngài Đạo Tuyên, Đàm-kha-ca-la chỉ dịch Tăng kỳ giới tâm, còn Đàm Đế dịch Đàm vô đức yết-ma[7]. Chung quy, với sự xuất hiện của Đàm-kha-ca-la và Đàm Đế, Tăng đoàn Trung Hoa bắt đầu sinh hoạt theo nghi tắc của giới luật được truyền thừa từ Ấn Độ. Giai đoạn này được xem là khởi điểm của luật học Phật giáo tại Trung Hoa.

Quá trình phiên dịch và truyền bá các Quảng luật

Trong hơn một thế kỷ sau đó, trước khi các bộ Quảng luật xuất hiện, nhiều tác phẩm luật học được phiên dịch rải rác khắp nơi. Điển hình là vào khoảng năm 379, tại Trường An, với sự trợ giúp của Trúc Phật Niệm và Huệ Thường, sa môn Đàm Ma Trì, người xứ Tây Vực, đã phiên dịch giới bổn Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni của Thập tụng luật, gồm 3 quyển.[8] Trong khoảng 20 năm đầu của  TK V, kể từ khi hai ngài Phất-nhã-đa-la và La Thập khởi dịch Thập tụng luật cho đến khi Phật-đà-thập, Trí Thắng, và Trúc Đạo Sinh hoàn tất việc phiên dịch Ngũ phần luật vào năm 424 thì Quảng luật của các phái Hữu Bộ, Pháp Mật Bộ (Đàm Vô Đức), Đại Chúng Bộ (Ma-ha-tăng-kỳ), và Hóa Địa Bộ (Di-sa-tắc) lần lượt được phiên dịch hoàn bị. Quá trình phiên dịch này diễn ra như sau:

  1. Thập tụng luậtcủa Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) được ngài Phất-nhã-đa-la (Puṇyatara) mang đến Trung Hoa vào khoảng năm 404. Vào ngày mồng ba tháng chạp năm ấy, tại Trường An, ngài Phất-nhã-đa-la cùng La Thập khởi sự dịch Quảng luật này. Nhưng vừa mới tụng được hơn hai phần Phạn bổn của Quảng luật này thì ngài Phất-nhã-đa-la viên tịch. Việc phiên dịch vì thế bị gián đoạn. Mùa Thu năm 405, khi hay tin Đàm-ma-lưu-chi (Dharmaruci) vừa đến Trường An, Huệ Viễn bèn viết thư sai đệ tử mình là Đàm Ung mang đến cho Đàm-ma-lưu-chi và thỉnh cầu vị này trùng tuyên phần còn lại của Thập tụng luật. Nhờ sự thỉnh cầu này, Đàm-ma-lưu-chi và La Thập đã dịch xong Quảng luật này. Sau khi La Thập viên tịch vào năm 409, Tỳ-ma-la-xoa (Vimalākṣa – Vô Cấu Nhãn) đã hiệu đính lại và thêm ba quyển mới vào bản dịch Quảng luật của La Thập (gồm 58 quyển) thành ra bộ Quảng luật Thập tụng hoàn chỉnh, gồm 61 quyển. Tỳ-ma-la-xoa sinh trưởng tại Kế Tân, là một bậc sa môn có phẩm hạnh và khí tiết cao cả. Trong thời gian xiển dương luật học tại Qui Tư, học giả bốn phương, trong đó có La Thập, qui tụ tham học với ngài nhiều vô số.  Năm Hoằng Thủy thứ tám (406) ngài đến Trường An, được La Thập tiếp đón và hầu hạ cung kính. Tuy gặp được La Thập vào năm 406, nhưng mãi đến ba năm sau, lúc La Thập đã viên tịch, ngài La-xoa mới hiệu đính lại bản dịch trên. Những phần thêm vào của ngài La-xoa có thể được căn cứ vào Phạn bản của Quảng luật này được lưu hành tại Trung Á vào thời ấy[9].
  2. Tứ phần luậtcủa Đàm Vô Đức bộ (hay Pháp Mật Bộ – Dharmagupta) được Phật đà-da-xá, người tụng thuộc lòng Phạn bản của Quảng luật này, và Trúc Phật Niệm dịch tại Trường An từ năm 410 đến năm 413, gồm 44 quyển, về sau phân thành 60 quyển.
  3. Ma-ha Tăng kỳ luậtcủa Đại Chúng Bộ (hay Ma-ha-tăng-kỳ – Mahāsāṃghika) được Phật-đà-bạt-đà (Buddhabhadra) và Pháp Hiển dịch tại Nam Kinh vào những năm 416 – 418, gồm 40 quyển. Phạn bản của Quảng luật này được Pháp Hiển tìm thấy tại Hoa Thị thành (Pāṭaliputra), nước Ma-kiệt-đà, Ấn Độ.
  4. Ngũ phần luậtcủa Hóa Địa Bộ (hay Di-sa-tắc – Mahīśāsaka) được Phật-đà-thập (Buddhajīva), Trí Thắng, và Trúc Đạo Sinh dịch hoàn thành vào những năm 423-424. Bản dịch này dựa trên Phạn bản được ngài Pháp Hiển mang về từ Tích Lan.

Luật tạng của phái Ca-diếp-di-bộ thì duy chỉ có quyển Giải thoát giới kinh do ngài Bát Nhã Lưu Chi (Prajñāruci) dịch vào năm 543 dưới thời Đông Ngụy, Quảng luật của phái này chưa được dịch ra. Cùng với sự xuất hiện của các Quảng luật, các bộ luận giải luật học cũng lần lượt được phiên dịch[10]. Sự hoàn thành bốn bộ Quảng luật chính trong một thời gian ngắn như trên đã nói lên nhu cầu cấp bách trong việc thiết lập một thể chế sinh hoạt Tăng đoàn theo tiêu chuẩn giới luật nhà Phật.

Trong số bốn bộ Quảng luật kể trên, Thập tụng luật vốn được các đệ tử của ngài La Thập nghiên cứu và quảng bá là bộ luật phổ biến nhất tại Trung Hoa dưới thời Nam Bắc triều. Nếu như tại Trường An, Thập tụng luật được phổ biến là do các môn đồ của pháp sư La Thập, thì tại Giang Nam bộ luật này được hai ngài Tỳ-ma-la-xoa và Huệ Viễn dốc lòng truyền bá. Sau khi La Thập dịch xong Thập tụng luật, ngài La-xoa đã cẩn thận hiệu đính lại bản dịch này trước khi lưu truyền. Về sau ngài về phương Nam chuyên tâm xiển dương Thập tụng luật khiến cho luật tạng Phật giáo được quảng bá khắp nơi. Bàn về điểm này, Cao tăng truyện tán thán: “Luật tạng được truyền bá rộng rãi là do nỗ lực của Xoa vậy”[11].

Đương thời, ngoài Tỳ-ma-la-xoa, nhiều vị cao tăng khác cũng dốc lòng giảng dạy, truyền bá Thập Tụng luật. Trong số đó phải kể đến hai nhân vật tiêu biểu là Chí Đạo (412-484) và Pháp Dĩnh (416-482). Ngài Chí Đạo là người cẩn trọng, ôn hoà, xuất gia năm mười bảy tuổi tại chùa Linh Diệu, tinh thông tam tạng, am tường luật nghi. Sau khi Võ Đế bức hoại Phật giáo, Tăng môn được khôi phục, nhưng việc trì giới vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Ngài bèn dẫn hơn mười người đến chùa Dẫn Thủy tại Hổ Lao, triệu tập tăng chúng ở năm châu: Lạc, Tần, Ung, Hoài, Dự giảng luật, thuyết giới, chỉ bày cách thức thọ pháp. Nhờ vậy, Tăng đoàn được chấn chỉnh, hưng thạnh như xưa[12]. Pháp Dĩnh người xứ Đôn Hoàng, xuất gia năm mười ba tuổi tại chùa Công Phủ, xứ Lương Châu, chuyên nghiên tầm luật tạng, bác thông kinh luận. Cuối năm Gia Nguyên, ngài đến chùa Tân Đình, được vua Hiếu Vũ nhà Tống phong làm Tăng chánh. Về sau ngài về chùa Đa Bảo, được vua Cao Đế nhà Tề phong chức Tăng chủ. Một đời ngài chuyên tâm hoằng truyền luật tạng, đặc biệt là Thập tụng luật. Môn đồ của ngài về sau có nhiều vị nổi tiếng như Trí Xưng, Tăng Hựu… là những bậc luật sư khả kính. Ngài có soạn hai bộ giới bổn và yết ma của Thập tụng luật[13]. Nhờ sự hoằng truyền của các bậc luật sư trứ danh như trên, trong suốt mấy trăm năm đầu sau khi các Quảng luật ra đời, Thập tụng luật được phổ biến nhanh chóng, nhất là tại miền Nam Trung Hoa.

So với Thập tụng luậtTứ phần luật tuy được quảng bá muộn hơn khoảng 60 năm, nhưng về sau lại trở thành bộ Quảng luật quan trọng nhất trong lịch sử luật học Trung Hoa. Tứ phần luật được Phật-đà-da-xá (Buddhayasas – Giác Minh) dịch từ năm Hoằng Thủy 12 đến 15 (410-413) với sự trợ giúp của Trúc Phật Niệm. Sau khi dịch xong, Phật-đà-da-xá trở về Tây Vức và vì thế bộ luật này không được hoằng truyền. Tuy nhiên, trong vài mươi năm sau đó, Quảng luật này lại được các luật sư chú trọng và quảng bá bởi lẽ, như đã trình bày ở trên, khoảng 150 năm trước khi Quảng luật các bộ phái xuất hiện, các sinh hoạt luật nghi tự viện tại Trung Hoa đều y cứ vào giới bổn và yết ma của Tứ phần luật do ngài Đàm Đế phiên dịch. Do vậy, dù Thập tụng luật được các luật sư truyền dạy tại nhiều nơi khác nhau, nhưng Tứ phần luật vẫn là bộ luật gần gũi nhất trong đời sống tự viện. Ta có thể hiểu được phần nào điều này qua trường hợp của luật sư Pháp Thông (468-559). Thuở đầu, ngài chuyên nghiên cứu luật tạng Tăng-kỳ, nhưng về sau ngài nhận ra rằng các giới đàn xưa nay đều y cứ vào các pháp yết-ma củaTứ phần luật, giới tử nhờ đó mà thành tựu giới thể, nếu Tăng chúng tiếp tục hành trì theo Tăng-kỳ luật thì giới thể và giới hành không đồng nhất, thọ pháp và hành pháp tương phản nhau, vì thế kể từ đó ngài chỉ nghiên tầm và hoằng dương Tứ phần luật. Về sau đệ tử của ngài là Đạo Phú cũng tiếp nối sự nghiệp của Thầy mình. Y theo lời giảng của thầy, ngài Đạo Phú biên soạnTứ phần luật sớ, gồm sáu quyển[14].

Có thể nói trước thời ngài Đạo Tuyên (596-667), người có công lớn trong việc hoằng dương Tứ phần luật là luật sư Huệ Quang (468-537). Ngài Huệ Quang người xứ Định Châu, xuất gia năm mười ba tuổi với ngài Phật Đà tại Lạc Dương. Với bẩm tánh thông minh, hiếu học, chẳng bao lâu ngài làu thông kinh điển, được người đời tôn xưng là Thánh sa-di. Sau khi thọ đại giới, ngài cùng Lặc-na-ma-đề chuyên nghiên cứu Địa Luận và về sau trở thành sơ tổ phái Nam Đạo. Trong cả hai triều Ngụy, Tề ngài là bậc luật sư mẫu mực, được phong làm Tăng thống. Vì cũng là người thường tổ chức các đại đàn truyền giới, nên ngài còn được tôn xưng là “Quang Thống luật sư”. Theo Tục cao tăng truyện, trước thời ngài Huệ Quang Tứ phần luậtchỉ được hoằng dương bằng khẩu truyền, tác phẩm của ngài Đạo Phú cũng chỉ mang tính khoa văn, chưa có người chủ xướng lập tông, ngay cả khi tiếp cận bộ luật này, ngài Huệ Quang cũng chỉ học bằng khẩu truyền, chưa có sớ giải tường tận[15]. Nhận thức được những trở ngại đó đối với người học luật đương thời, trong quá trình nghiên cứu và hoằng dương Tứ phần luật, ngài Huệ Quang đã biên soạn bộ Tứ phần luật sớ gồm 120 tờ, giảng giải chi tiết nội dung của Quảng Luật. Bản sớ giải này là tác phẩm luật giải tối quan trọng, làm cơ sở y cứ cho hầu hết các luận giải về Quảng Luật tứ phần sau này. Ngoài ra, ngài còn soạn Yết ma giới bổn, đề xuất mười tám điều Tăng chế, đặt nền móng khai tông cho Tứ Phần Luật, nhờ đó Quảng Luật này được truyền bá mạnh mẽ ở Lạc Dương[16]. Ngài Huệ Quang còn đào tạo được nhiều bậc lương đống của Phật giáo như Đạo Vân, Đạo Huy, Đàm Ẩn, Hồng Lý, Huệ Viễn, Pháp Thượng… trong số đó, Đạo Vân, Đạo Huy, Hồng Lý và Đàm Ẩn là những bậc luật sư tiếp nối sự nghiệp truyền bá Tứ Phần Luật. Đạo Vân có hai đệ tử ưu tú là Hồng Tuân và Đạo Hồng. Trong số những môn đồ của Đạo Hồng, Trí Thủ là người kế thừa thành công nhất sự nghiệp của thầy mình. Trí Thủ (567-635) vốn xuất gia với Trí Mân tại chùa Vân Môn ở Tương Châu, về sau chuyên tâm học luật với Đạo Hồng. Là người rất cẩn trọng và nghiêm túc trong việc nghiên cứu luật tạng, Trí Thủ đã tìm hiểu, đối chiếu các chương mục trong năm bộ luật hiện hành và soạn ra bộ Ngũ bộ khu phân sao, gồm 21 quyển[17]. Sau đó, ngài còn biên soạn Tứ phần luật sao 20 quyển. Đây là bộ sớ giải chi tiết nhất của Tứ phần luật trước thời ngài Đạo Tuyên. Quá trình hoằng truyền Tứ phần luật của Trí Thủ cũng như tưởng luật học của ngài đã tạo nên nền móng vững chắc để sau này Đạo Tuyên, đệ tử của ngài, sáng lập nên Luật tông.

Như đã trình bày ở trên, trong số bốn bộ Quảng luật được phiên dịch hoàn tất vào đầu TK V, Thập tụng luật được truyền bá mạnh mẽ vào thời Nam Bắc triều (420-589) và kéo dài đến giữa thời Đường (618-906). Nhưng đến năm 684 do tác động của một sắc luật do triều đình ban hành, Quảng luật này không còn được lưu hành phổ biến như trước[18]. Kể từ đó Thập tụng luật không còn ảnh hưởng nhiều. Tứ phần luật được ngài Pháp Thông hoằng dương từ đầu TK VI và đến TK VII thì trở thành Quảng luật chính của Phật giáo Trung Hoa. Riêng hai bộ Quảng luật Ngũ phần và Ma-ha-tăng-kỳ hầu như không được phổ biến. Luật tạng phái Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ thì được ngài Nghĩa Tịnh (635-713) mang từ Ấn Độ về và phiên dịch vào đầu TK VIII. Vì rằng vào thời điểm đó Tứ phần luật đã trở nên phổ biến và được Tăng đoàn hành trì cẩn trọng, nên ảnh hưởng của Quảng luật phái Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ bị lu mờ dần.

Song song với việc phiên dịch kinh điển, truyền bá giáo lý, phổ biến những pháp môn tu trì và đào tạo các thế hệ Tăng sỹ bản xứ, các bậc lãnh đạo anh tú thời bấy giờ rất xem trọng việc chỉnh đốn Tăng đoàn, lấy giới luật làm chuẩn mực cho các sinh hoạt tự viện, nhất là đối với những trung tâm Phật giáo qui mô. Tuy rằng mọi sinh hoạt của Tăng đoàn đều phải khế hợp với luật nghi do Đức Phật chế ra, nghĩa là các điều khoản luật nghi trong các Quảng luật được truyền đến từ Ấn Độ, nhưng bên cạnh đó, việc áp dụng những luật nghi này trong bối cảnh mới lạ của xã hội Trung Hoa là một điều không mấy đơn giản. Để cho hàng xuất gia có thể sống một cuộc đời phạm hạnh, vừa tuân thủ giới luật, vừa hòa nhịp với môi trường văn hóa bản xứ, việc thiết lập những luật nghi mới hỗ trợ cho việc tu trì của mỗi cá nhân cũng như góp phần củng cố Tăng đoàn đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Nhận thức được điều này, các bậc cao Tăng thời ấy đã chế định ra những luật nghi sinh hoạt riêng cho Tăng chúng, tạo trợ duyên cho việc ổn định và phát triển cộng đồng Phật giáo. Người tiên phong trong việc chế định luật nghi này chính là Đạo An.

Đạo An và quyển Luật nghi tự viện đầu tiên

Ngài Đạo An (312-385) người xứ Hà Bắc, xuất gia năm mười hai tuổi, tư chất thông minh, kiến thức sâu rộng, là môn đồ xuất sắc của Phật Đồ Trừng (mất năm 349). Trong những giai đoạn đầu của Phật giáo Trung Hoa, Đạo An được xem là nhân vật nổi bậc nhất. Những đóng góp của ngài cho Phật giáo không chỉ giới hạn trên phương diện truyền bá tư tưởng Phật học, phiên dịch và chú giải kinh điển, mở trường dịch kinh, biên soạn thư mục kinh điển, mà còn được thể hiện qua việc chế định các luật nghi cho Tăng đoàn trước khi Quảng luật các bộ phái được phiên dịch. Nguyên nhân của việc chế định luật nghi như thế phát xuất từ tình hình thực tế trong sinh hoạt tự viện của Tăng đoàn tại Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc) dưới sự lãnh đạo của Đạo An. Năm 365 khi Đạo An đến Tương Dương, môn đồ cầu học với ngài đã hơn 400 người. Với một số lượng Tăng chúng đông đảo, cộng thêm tình hình xã hội luôn bị xáo trộn bởi sự tranh giành quyền lực của các tập đoàn chính trị đương thời, việc thiết lập một quy chế sinh hoạt mẫu mực cho Tăng đoàn là điều hết sức cần thiết. Đương thời, vì sự thiếu vắng Quảng luật của các bộ phái, ngài Đạo An đã học hỏi và nghiên cứu giới luật thông qua sự tiếp xúc với các bậc cao Tăng đến từ Tây Vực. Người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Đạo An trên phương diện hành trì giới luật chính là Phật Đồ Trừng. Phật Đồ Trừng nổi tiếng là một sa môn thường thi triển thần thông để độ người[19], nhưng bên cạnh đó, ngài còn là một bậc cao tăng tinh nghiêm giới luật. Cao Tăng Truyện cho biết trong 109 năm sống đời xuất gia, ngài chưa bao giờ nếm một giọt rượu hoặc thọ thực sau giờ ngọ, luôn hành trì luật nghi cẩn trọng, sống đời thiểu dục vô cầu[20]. Đạo An còn cho biết thêm rằng đương thời có rất nhiều dịch giả nỗ lực phiên dịch các văn bản luật học, nhưng rất ít người trong số họ có thể so sánh, đối chiếu luật tạng các bộ phái khác nhau. Song với sự xuất hiện của Phật Đồ Trừng, các nhà luật học có thể thực hiện công việc ấy một cách dễ dàng[21]. Điều này cho thấy không những là người nghiêm trì giới luật, Phật Đồ Trừng còn là người am hiểu tường tận luật tạng các bộ phái khác nhau.

Từ sự học hỏi với Phật Đồ Trừng cũng như qua sự tiếp xúc với các dịch giả luật tạng, ngài Đạo An đã biên soạn cuốnTăng ni quỹ phạm Phật pháp hiến chương để làm cẩm nang tu tập cho hàng xuất gia. Tác phẩm này là một văn bản bổ sung cho các bộ luật đương thời, là quyển luật nghi tự viện đầu tiên do chính một cao Tăng Trung Hoa trước tác có ảnh hưởng sâu rộng trong Tăng đoàn. Dầu tác phẩm này bị thất truyền, nhưng Cao tăng truyện vẫn cho chúng ta biết đôi điều về nội dung của nó. Thêm vào đó, Đạo Tuyên còn cho biết rằng ngài đã y cứ vào trước tác này của Đạo An để biên soạn Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao[22]. Vì thế, chúng ta còn có thể truy tầm nội dung của Tăng ni quỹ phạm Phật pháp hiến chươngtừ tác phẩm trên của ngài Đạo Tuyên. Theo Cao tăng truyện, quyển luật nghi này gồm ba phần: (1) Cách thức hành hương, tọa thiền, thăng tòa giảng kinh hoặc thuyết pháp; (2) Những sinh hoạt thường nhật trong sáu thời như đi nhiễu quanh Phật tượng, việc ăn uống, trì tụng kinh điển; (3) Cách thức bố tát, thỉnh Tăng, sám hối[23]. Việc xông hương, dâng hương vốn đã có từ thời đức Phật[24]. Tại Trung Hoa, hành hương là nghi thức đốt hương và đi nhiễu quanh tháp hoặc điện Phật. Truyền thống này xuất hiện vào thời ngài Đạo An và về sau trở thành một nghi thức trong triều đình thời Đường, Tống[25]. Nghi thức lên tòa tụng kinh và sau đó là thuyết pháp của Huệ Viễn, đệ tử của ngài Đạo An, được Cao tăng truyện mô tả đầy đủ[26]. Nghi thức này được truyền từ thời ngài Đạo An đến nhiều thế hệ sau. Các nghi thức sám hối, Bố-tát… mà sau này ngài Đạo Tuyên áp dụng cũng đều tuân thủ theo thể thức vốn có từ thời ngài Đạo An. Điều đáng chú ý là theo truyền thống thời xưa tại Ấn Độ, các vị tu sỹ thường chú nguyện sau khi thọ trai[27]. Khi viết sớ giải Tứ phần luật, ngài Đạo Tuyên giải thích rằng theo bộ luật này sau khi thọ trai, chư Tăng mới chú nguyện và thuyết pháp, nhưng tại Trung Hoa những việc này được thực hiện trước khi thọ trai, điều này do ngài Đạo An đặt ra và cách thức như thế là đúng đắn[28]. Nghi thức này được áp dụng trong Tăng đoàn cho đến ngày nay. Bên cạnh những nghi thức trên, một số cách thức sinh hoạt khác như lễ thỉnh thánh Tăng tắm[29], việc an trí tượng tôn giả Tân-đầu-lô (Piṇḍola) tại trai đường[30], việc dùng chữ Thích làm họ cho chư Tăng[31] v.v… đều là những đề xuất của ngài Đạo An.

Ngoài quyển luật nghi trên, ngài Đạo An còn biên soạn một số tác phẩm luật học khác như Tứ thời lễ văn[32]Tăng ni quỹ phạm, và Pháp môn thanh thức nhị thập tứ điều[33]. Tuy những trước tác trên của ngài đều bị thất truyền, nhưng chúng lại có ảnh hưởng rất lớn trong Tăng đoàn, không chỉ vào thời ấy mà cả đến hôm nay. Theo Cao tăng truyện, vào thời ngài tất cả các chùa trong toàn quốc đều áp dụng luật nghi do ngài chế định[34]. Tài năng và đức độ của ngài đã khiến cho những nhà cầm quyền cùng giới trí thức đương thời như Hiếu Võ Đế, Châu Từ, Phù Kiên,Tập Tạc Sĩ… đều hết mực tôn kính ngài. Mục đích của việc chinh phạt Tương Dương của Phù Kiên là để đưa ngài và Tập Tạc Sĩ[35] về Trường An mà thôi[36]. Những ảnh hưởng của Ngài đối với cộng đồng xuất gia thời bấy giờ không phải chỉ phát xuất từ trí tuệ uyên bác, mà còn ngay chính tinh thần nghiêm trì giới luật của ngài. Cao tăng truyện thuật lại rằng một đệ tử của Pháp Ngộ, một trong những môn đồ của ngài, phạm giới uống rượu và vì thế quên đốt hương nhiễu tháp. Pháp Ngộ chỉ phạt tội mà không tẩn xuất người đệ tử ấy. Ở xa nghe được chuyện này, ngài Đạo An bèn gởi một cây roi đến Pháp Ngộ. Pháp Ngộ hiểu ý vội cho tập hợp đồ chúng của mình, gồm hơn bốn trăm người, bảo vị Duy-na dùng roi quất vào mình theo hình phạt và luôn tự trách cứ mình đã lê đễnh trong bổn phận của một người thầy[37]. Câu chuyện này cũng đã phần nào nói lên cung cách luật sư mẫu mực cũng như tâm nguyện xây dựng Tăng đoàn thanh tịnh của ngài Đạo An. Chính cung cách này đã ảnh hưởng rất nhiều đến một trong những đệ tử xứng đáng của ngài, đó là đại sư Huệ Viễn.

Huệ Viễn và Tăng đoàn tại Lô Sơn

Ngài Huệ Viễn (334-416) họ Cổ, người xứ Lâu Phiền, thuộc miền Nhạn Môn (Sơn Tây). Năm 13 tuổi ngài theo cậu mình tham học tại Hứa Xương, Lạc Dương. Chẳng bao lâu ngài mau chóng am tường kinh sách Khổng, Lão, được mọi người khâm phục, khen ngợi. Năm 21 tuổi ngài định qua Giang Đông học phép ẩn độn với Phạm Tuyên Tử. Nhưng vừa khi ấy Thạch Hổ qua đời, Trung Nguyên rơi vào hỗn chiến, đường đến phương Nam bị ngăn trở. Nghe danh ngài Đạo An đang hoằng pháp tại Thái Hành, ngài cùng em mình đến đó tham học. Vừa khi nghe ngài Đạo An giảng kinh Bát Nhã, Huệ Viễn khai ngộ, nhận ra tính siêu việt của Phật lý, bèn cùng em mình cầu xin xuất gia với ngài Đạo An. Sau khi xuất gia, ngài tận lực nghiên cứu tư tưởng các bộ phái, sở học vượt hẳn các môn đồ khác của ngài Đạo An. Dù đời sống xuất gia thanh bần, y phục thiếu thốn, nhất là vào mùa Đông giá rét, nhưng ngài vẫn chu toàn phận sự của mình. Thấy ngài đêm đến miệt mài đọc sách, nhưng không có tiền mua nến, sa môn Đàm Dực bèn đem tiền mua nến tặng ngài. Khi hay tin này, ngài Đạo An bèn khen Đàm Dực đã nhìn đúng người. Chính bẩm tánh thông tuệ, cộng thêm sự hiếu học và nhân cách thanh khiết của Huệ Viễn đã khiến cho ngài Đạo An phải thốt lên: “Đạo pháp được lưu truyền tại Đông độ, là nhờ vào Huệ Viễn này chăng?[38] Năm 24 tuổi, ngài đăng đàn giảng kinh, thường trích dẫn văn cú Lão Trang để thuyết minh tư tưởng Phật học đương thời vốn thiếu thuật ngữ chuyên môn trong Hán ngữ, khiến thính giả thâm hiểu kinh điển. Suốt 25 năm trường, vì những binh biến của thời cuộc, Huệ Viễn đã theo chân ngài Đạo An di chuyển đến nhiều nơi khác nhau như Nữ Ngột, Lục Hồn, Tân Dã… Khi tướng nhà Tần là Phù Phi vây hãm Tương Dương, Đạo An bị thái sử Lương Châu là Châu Tự canh giữ cẩn mật, không thể ra đi, bèn triệu tập và dặn dò các đại đệ tử, chia đồ chúng của mình thành nhiều nhóm, phân tán đến nhiều nơi. Khi ấy Huệ Viễn cùng hơn mười người đi về phương Nam, đến chùa Thượng Minh, rồi sau đó lại tìm đến núi La Phù. Trên đường đến La Phù, khi băng qua Tầm Dương ở Giang Tây, thấy Lô Sơn cảnh trí thanh nhàn, cô tịch, đáng là nơi trụ tích an tâm, ngài Huệ Viễn bèn vào núi này, trú tại Tinh Xá Long Tuyền. Vì số người đến cầu học ngày một đông, mà Long Tuyền thì chật hẹp, nên ngài Huệ Viễn bèn đến phía Đông của ngọn núi này lập chùa Đông Lâm, bắt đầu sự nghiệp truyền bá Phật pháp tại đây.

Ngoài việc dốc lòng hành trì và xiển dương pháp môn niệm Phật, ngài Huệ Viễn còn quan tâm nhiều đến việc tổ chức phiên dịch kinh điển, giới thiệu thiền học, và phổ biến các văn bản luật học, nhất là tại phía Nam sông Dương Tử. Vì rằng đương thời kinh điển còn thiếu thốn, ngài bèn cử Pháp Tịnh, Pháp Lãnh, và các đệ tử khác của mình đến các nước xa xôi để thỉnh kinh điển Phạn ngữ. Khi Tăng-già-đề-bà đến Tầm Dương, Huệ Viễn bèn mời Đề-bà về Lô Sơn và thỉnh ngài dịch lại hai bộ luận A-tỳ-đàm-tâm và Tam pháp độ. Ngài còn thỉnh Phật-đà-bạt-đà-la đến Lô Sơn dịch các kinh điển Phạn ngữ. Cũng chính ngài đã viết thư thỉnh cầu Đàm-ma-lưu-chi cùng hợp tác với La Thập dịch hoàn bị Thập tụng luật[39].

Vai trò của Huệ Viễn đối với Phật giáo trong thời kỳ đầu tại Trung Hoa còn được thể hiện qua những nỗ lực của ngài trong việc xây dựng một Tăng đoàn mô phạm và vững mạnh, điển hình là tại Lô Sơn. Chính ngài đã phản bác đạo luật thanh lọc Tăng đoàn, buộc phần lớn Tăng chúng hoàn tục của quan Phụ chánh Hoàn Huyền. Lúc ấy Tăng đoàn trong toàn quốc đều bị ảnh hưởng đạo luật này. Ngài Huệ Viễn liền viết thư phản đối, kêu gọi Hoàn Huyền dùng tâm chân chính để cải hóa những phần tử cơ hội trong Tăng đoàn. Nhờ sự phản bác của ngài, Tăng chúng tại Giang Tây được yên ổn, không bị đạo luật này chi phối. Sau đó, cũng chính ngài phản đối yêu cầu của Hoàn Huyền trong việc bắt buộc hàng sa môn phải lễ bái quốc vương. Trước kia, vào năm 340 khi Thành Đế còn nhỏ tuổi, Dữu Băng (296-344) và Dữu Dực (mất năm 345) thâu tóm quyền hành, thao túng triều chính. Trong cương vị Phụ chánh, Dữu Băng thay mặt nhà vua ban đạo luật buộc chư Tăng phải lễ bái quân vương, nhưng lại gặp phải sự phản đối gay gắt của quan thượng thư Hà Sung (292-346) cùng các đại thần khác như Bằng Hoài, Tạ Quảng… nên đạo luật này bị huỷ bỏ[40]. Đến năm 402, Hoàn Huyền chuyên quyền triều đình, ra lệnh thanh lọc Tăng đoàn, lại buộc chư Tăng phải lễ bái quân vương. Điều này đã gây ra những tranh cãi giữa Hoàn Huyền với các quan lại trong triều đình, cũng như những tranh luận giữa ông với tổ Huệ Viễn. Đầu tiên Hoàn Huyền gởi thư đến tám bộ của triều đình để trình bày yêu cầu của mình. Trong thư này Hoàn Huyền cho rằng trước kia những đề bạt của Dữu Băng là đúng đắn, tuy nhiên lập luận thì chưa rốt ráo, còn Hà Sung thì chỉ thiên về niềm tin tôn giáo nên lý luận lẫn lộn giữa danh và thể. Hoàn Huyền cho rằng sự hóa đạo của đức Phật thì bao la, rộng lớn, nhưng đều lấy kính làm gốc. Lão Tử xếp bậc Vương hầu đồng hàng với Tam đại (Đất, Trời, và Đạo), cốt nêu lên phẩm vị cao thượng của hàng vua chúa. Bậc quân vương thuận theo lẽ tự nhiên của Đạo, nương theo đức lớn của đất trời mà cai trị muôn dân, mang lại hòa khí cho đất nước. Hàng sa môn thọ nhiều ân huệ của nhà vua mà không theo lễ nghi bái kính quân vương là điều thiếu xót, xét cả lý lẫn sự đều không dung thông, trọn vẹn. Vì lẽ đó, hàng sa môn phải lễ bái quân vương. Sau khi trao đổi với tám bộ trên và đặc biệt với Vương Mật (360-407), Hoàn Huyền vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Vì thế ông bèn gởi tất cả các văn thư trao đổi trên cùng một bức thư riêng cho ngài Huệ Viễn, mong nhận được ý kiến của ngài về vấn đề này.

Xuất tam tạng ký tập cho biết rằng khi nhận được thư của Hoàn Huyền, ngài Huệ Viễn vô cùng lo lắng cho sự suy vong của chánh pháp nên vội viết thư hồi âm với một phong cách vô cùng cẩn trọng và khẩn thiết[41]. Theo Hoằng minh tập, trong thư phúc đáp, ngài Huệ Viễn trả lời rằng những điều mà kinh điển nhà Phật nói có thể phân làm hai khoa: thứ nhất, ở trong thế tục mà hoằng giáo; thứ hai, xuất gia tu đạo. Hàng cư sĩ sống trong thế gian luôn lễ bái bề trên, quý kính tôn thân, biết trung hiếu tiết nghĩa, tôn trọng luật pháp ở đời. Người xuất gia như khách du phương, xa lánh vật chất phù phiếm, sống ẩn cư nơi xa vắng, cốt để đạt được cứu cánh thoát tục của đạo. Dù cách biệt với trần đời, nhưng họ vẫn luôn tạo dựng lợi ích cho đời, hằng sống đời mô phạm và làm những điều phù hợp với lý tưởng của các bậc minh quân[42]. Vì lý do đó, hàng sa môn không thể lễ bái quân vương. Thể theo ý nguyện của ngài Huệ Viễn và yêu cầu của Vương Mật, ngay sau khi lên ngôi, Hoàn Huyền liền ban sắc lệnh cho phép các nhà sư Phật giáo không phải lễ bái vua chúa. Chính trong thời gian khoảng ba tháng khi Hoàn Huyền đăng ngôi vua nước Sở, ngài Huệ Viễn đã biên soạn tiểu luận nổi tiếng của mình: Sa môn bất kính vương giả luận. Tác phẩm này bao gồm năm thiên. Hai thiên đầu có nội dung giống với bức thư hồi âm của ngài cho Hoàn Huyền, tức là nói về nếp sống, hạnh nguyện, và địa vị xã hội của hàng xuất gia và tại gia. Ba thiên còn lại được viết theo dạng hội luận để bàn về những khái niệm mang tính lý thuyết như thần thức, vọng tình, tái sanh và sự giải thoát. Sự ra đời của tác phẩm này đánh dấu một bước ngoặc mới trong quá trình tương tác giữa hệ thống đạo đức Phật giáo được thiết lập trên nền tảng giới luật tự viện và nền luân lý của xã hội Trung Hoa được hình thành trên các nguyên tắc đạo đức của Khổng giáo, qua đó khẳng định quan điểm của các nhà sư Phật giáo đối với nhà cầm quyền về vị thế của mình trong xã hội Trung Hoa.

Ảnh hưởng của ngài Huệ Viễn trong cộng đồng Tăng già đương thời có được là nhờ vào chí nguyện tu tập và phẩm hạnh thanh khiết của ngài. Trong hơn ba mươi năm cuối của đời mình, ngài không ra khỏi Lô sơn, chân không bước vào nhà thế tục, lấy suối Hổ Khê trên núi làm ranh giới. Khi nắm giữ mọi quyền hành trong tay, Hoàn Huyền bèn mời ngài ra làm quan, ban nhiều bổng lộc, nhưng ngài nhất quyết từ chối. Sự kiện diễn ra trước lúc ngài viên tịch cũng đủ để nói lên sự nghiêm trì giới luật của ngài. Khi ấy ngài lâm bệnh, chư Tăng bèn khuyên ngài nên phương tiện dùng rượu thuốc để trị bệnh, ngài khước từ và đáp rằng thân người như huyễn, nguyện luôn giữ giới thanh tịnh. Chư Tăng bèn khuyên ngài dùng nước cơm, ngài cũng từ chối vì khi ấy đã quá ngọ. Cuối cùng hàng đệ tử thỉnh ngài dùng mật, ngài sai các luật sư mở luật xem lại điều này có được phép chăng. Trong lúc các luật sư đang tra cứu thì ngài viên tịch, lúc ấy ngài đã 83 tuổi. Đương thời, chính ngài Huệ Viễn đã thỉnh cầu Đàm-ma-lưu-chi dịch lại Thập tụng luật và vì thế ngài hẳn đã đọc qua Quảng luật này. Theo quyển thứ 8 của Quảng luật này, mật cùng với ba loại thức ăn khác (váng sữa, dầu, thạch mật) được xem như là những vị thuốc mà các vị tỳ kheo được phép dùng khi bị bệnh[43]. Trong quyển 53 của Quảng luật này, đức Phật cũng cho phép các đệ tử mình dùng nước của hoa, quả, lá, rễ, nhánh cây nếu như chúng không gây say[44]. Dầu biết rằng nếu căn cứ vào Quảng luật này, khi bị bệnh, vị tỳ kheo có thể phương tiện dùng những dược liệu trên, nhưng khi biết nhân duyên trụ thế đã mãn, để khuyến tấn việc nghiêm trì giới luật cho hàng môn đệ, ngài Huệ Viễn đã khước từ những yêu cầu của Tăng chúng, lòng thanh thản an trú vào cảnh giới tự tại của chân như.

Vốn là một mẫu người nghiêm cẩn, hằng thao thức về tiền đồ chánh pháp, ngài Huệ Viễn luôn quan tâm đến những sinh hoạt tự viện của Tăng đoàn không chỉ tại Giang Tây mà ngay cả những nơi khác trong nước. Chính hành động của Hoàn Huyền đã khiến ngài nghĩ đến việc biên tập những luật nghi căn bản cho Tăng đoàn đương thời. Dầu rằng ngày nay, các tác phẩm luật học của ngài bị thất truyền, song Xuất tam tạng ký tập cho biết rằng ngài đã biên tập ít nhất là bốn tác phẩm luật học, bao gồm Pháp xã tiết độNgoại tự Tăng tiết độTiết độ, và Tỳ-kheo-ni tiết độ[45].  Các bộ luật nghi này được đưa vào tuyển tập mang tên là Viễn quy (遠規), tức những quy chế, luật nghi sinh hoạt do ngài biên soạn. Chính bộ Viễn Quy này cùng với các trước tác luật học của ngài Đạo An đã trở thành những bộ luật nghi tự viện rất quan trọng trong những giai đoạn đầu của Phật giáo Trung Hoa.

Các nhà luật học khác dưới thời Nam Bắc triều

Ngoài Đạo An và Huệ Viễn, vào thời Nam Bắc triều, một số nhà sư Phật giáo khác cũng căn cứ vào các Quảng luật lưu hành đương thời để biên soạn những luật nghi riêng biệt cho đồ chúng của mình. Tại miền Nam, Chi Đạo Lâm (314-366) là một vị giảng sư nổi tiếng, môn đồ theo học hơn trăm người[46]. Mặc dầu thường nghiên cứu và quảng bá tư tưởng dung thông giữa huyền học của Lão giáo và Bát-nhã của Phật giáo, ngài Đạo Lâm vẫn chú trọng đến việc hành trì luật nghi. Một trong những trước tác của ngài trên phương diện luật học là cuốn Bát-nhã đài chúng Tăng tập nghi tiết độ, một tác phẩm nói về nghi thức vân tập của chư Tăng tại pháp đường mỗi khi ngài đăng đàn giảng kinh Bát-nhã tại chùa Đông An. Một danh Tăng khác thời ấy là Tăng Cừ, người được triều đình Nam Tống sắc phong là Tăng Chánh. Vừa chuyên nghiên cứu và hành trì Thập Tụng Luật, ngài Tăng Cừ còn biên soạn nghi thức sám hối mỗi nửa tháng cho Tăng Ni. Tăng Ni yếu sự gồm hai quyển[47] do ngài trước tác là một trong những tác phẩm luật học phổ biến vào thời ấy. Những nhà sư khác tại miền Nam tham gia vào việc biên soạn luật nghi cho Tăng đoàn gồm: ngài Siêu Độ – người soạn bộ luật tuyển dưới thời nhà Tề, ngài Pháp Vân (467-529) – tác giả của bộ Tăng chế thời nhà Lương[48], ngài Tăng Thạnh – người đã căn cứ vào Tứ Phần luậtbiên tập Giáo giới Tỳ-kheo Ni pháp[49].

Tại miền Bắc, trong cương vị lãnh đạo Tăng đoàn, một số nhà sư đã biên tập và bổ sung những quy chế sinh hoạt mới cho người xuất gia. Năm 493 ngài Tăng Hiển – người được phong làm Sa Môn Thống đã soạn ra qui chế Tăng đoàn gồm bốn mươi bảy điều (Tăng chế tứ thập thất điều) theo yêu cầu của triều đình. Sau đó, Quốc thống Huệ Quang lại tiếp tục soạn ra mười tám điều khác trong qui chế Tăng đoàn nhằm củng cố hệ thống Tăng đoàn và cổ xuý tinh thần nghiêm trì giới luật của Tăng Ni. Điều đáng chú ý là ngoài những nhà sư có trọng trách quản lý Tăng đoàn, một số nhân vật trong triều đình cũng soạn ra những quy chế cho cả người xuất gia và cư sĩ. Hoàng tử Văn Tuyên (459-494) triều Tề biên soạn các bộ Tăng chế,Thanh tín sĩ nữ pháp chế[50]Tại gia bố tát nghi. Vua Giản Văn nhà Lương thì biên tập Bát quan trai chế nhằm trình bày cách thức thọ giới Bát quan trai của hàng tại gia[51].

Trí Khải và quy chế sinh hoạt của tông Thiên Thai

Bên cạnh việc nghiên cứu và thọ trì kinh Pháp Hoa, xiển dương giáo nghĩa của Thiên Thai Tông, ngài Trí Khải cũng rất quan tâm đến lãnh vực luật học. Sự quan tâm này có thể xuất phát từ nhân duyên học hỏi luật nghi của ngài đối với luật sư Huệ Quang. Một trong những biên soạn quan trọng của Trí Khải là bản sớ giải Kinh Phạm Võng Bồ-tát giới. Các thái tử hai triều Trần và Tùy đều thọ giới Bồ-tát từ ngài. Chính ngài đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ khi hoàng đế Hậu Chủ nhà Trần ra lệnh thanh lọc Tăng đoàn. Để thiết lập một quy chế chung cho người xuất gia đương thời, ngài Trí Khải đã soạn Lập chế pháp thập điều[52] để đưa ra mười điều khoản rõ rệt cho những ai muốn sinh hoạt trong Tăng đoàn. Theo ngài, xét về căn tánh thì hàng xuất gia bao gồm hai hạng căn cơ khác nhau: 1. sống viễn ly, cô độc, tu hành mà đắc đạo; 2. nương theo hội chúng tu tập để được giải thoát. Những ai sinh hoạt trong hội chúng cần phải thực hành ba điều căn bản: tọa thiền, công phu lễ sám, và chấp tác. Theo đó, ngài chỉ ra cách thức lễ Phật, tọa thiền, giữ gìn oai nghi trong khi tu tập, khi chấp tác, hoặc khi thọ trai, ngủ nghỉ, việc sử dụng y, bát, cách đối xử hoà nhã trong hội chúng… Để hướng dẫn Tăng chúng thực hành nghi thức thọ trai, ngài đã soạn cuốn Quán tâm thực pháp. Theo tác phẩm này, sau khi trải tọa cụ, an tọa và nghe chuông, hành giả chắp tay dâng lời cầu nguyện lên Tam Bảo trong khắp mười phương. Tiếp đến là phần hiến cúng thực phẩm cho chúng sanh trong sáu cảnh giới luân hồi. Sau đó mỗi người nhận được phần ăn của mình[53]. Trong Huấn tri sự nhơn, ngài Trí Khải cũng nhắc nhở hàng xuất gia phải cẩn thận trong việc sử dụng tài sản của chùa chiền, đại chúng. Cần phải tận tâm phụng sự, hy sinh vì lợi ích chung và giữ gìn thanh danh của hội chúng mà mình đang nương tu.

Để giúp cho những hành giả chuyên hành pháp sám hối, ngài Trí Khải đã soạn nhiều nghi thức hành trì khác nhau như:Kính lễ phápPhổ lễ phápThỉnh Quán thế âm sám phápKim quang minh sám phápPhương đẳng tam muội hành pháp,Pháp Hoa tam muội sám nghi. Đối với những hành giả chuyên tu thiền, ngài lại soạn các tác phẩm thiền học nổi tiếng khác như: Ma-ha chỉ quán và Lục diệu pháp môn. Việc biên soạn những trước tác trên cho thấy những nỗ lực của ngài trong việc thiết lập một đường hướng tu tập thực tiễn, có tổ chức, có quy củ, nề nếp minh bạch cho Tăng chúng, đặc biệt là Tăng đoàn của tông Thiên Thai do ngài sáng lập. Điều này hẳn đã góp phần cho sự ổn định và phát triển của tông Thiên Thai trong thời kỳ đầu của tông phái này.

Kết luận

Quá trình truyền dịch các văn bản luật học riêng lẻ, các bộ quảng luật cũng như những nỗ lực biên soạn các tác phẩm luật nghi tự viện và quy chế chế sinh hoạt Tăng đoàn là một sự tiếp nối liên tục của nhiều thế hệ trong Tăng đoàn Phật giáo Trung Hoa, mặc dầu trong khoảng thời gian đó xã hội luôn bị xáo trộn bởi sự thay đổi của những tập đoàn chính trị khác nhau. Điều dễ nhận thấy là trước khi luật sư Đạo Tuyên chính thức sáng lập Luật tông tại Trung Hoa, Tứ phần luật đã trở thành quảng luật phổ biến nhất trong cộng đồng Phật giáo và các tác phẩm luật nghi tự viện của các ngài Đạo An, Huệ Viễn, Trí Khải… đã tạo nên những ảnh hưởng nhất định đối với Tăng đoàn toàn quốc. Mặc dầu dòng Phật giáo được truyền đến Trung Hoa là truyền thống Phật giáo Đại Thừa, nhưng tất cả những sinh hoạt và quy chế của Tăng đoàn đều được y cứ vào Quảng luật của các bộ phái tiền Đại thừa như Pháp Mật Bộ, Hữu Bộ, và Đại Chúng Bộ, v.v… So với Quảng luật của các bộ phái khác, Tứ phần luật mang tính nguyên thủy và chặt chẽ hơn. Nội dung và cấu trúc giới bổn, kiền độ của Quảng luật này và của Quảng luật Nam truyền rất giống nhau. Bên cạnh đó, nhờ vào uy tín và tài năng của các nhà truyền bá Tứ phần luật như Huệ Quang, Quốc thống của triều Bắc Ngụy, và Trí Thủ, một bậc luật sư uyên bác và thông minh, nên Tứ phần luật đã nhanh chóng ảnh hưởng đến các sinh hoạt cộng đồng Tăng sỹ vào thời ấy. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều bậc luật sư khác trước thời ngài Đạo Tuyên, và sau đó, chính ngài Đạo Tuyên đã để tâm nghiên cứu, biên soạn sớ giải, và chọn Quảng luật này làm văn bản chính cho sinh hoạt luật nghi Tăng đoàn tại Trung Hoa.

Đ.T.

 

[1] Đại tống tăng sử lược, T54n2126, tr. 237c.

[2] Cũng gọi là Đàm-ma-ca-la.

[3] Cao tăng truyện T50n2059 , tr. 325a. Khai nguyên thích giáo lục, T55n2154, tr. 486c.

[4] Đại tống tăng sử lược, T54n 2126, tr. 237c. Tham khảo Thích thị yếu lãm

[5] Phật tổ thống ký, T49n2035, tr. 332a.

[6] Sđd, tr. 296c.

[7] Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, quyển trung, T40n1804, tr. 51c.

[8] Khai nguyên thích giáo lục, T55n2154, tr. 510c.

[9] E.Lamotte, History of Indian Buddhism, S. Webb-Boin (tr.), Louvain-la-neuve: Institut Orientaliste, 1988, p. 169.

[10] Những bộ sớ giải các Quảng luật đáng kể đến là Tì-ni mẫu kinh (dịch giả khuyết danh), Thiện kiến luật tì-bà-sa do Tăng-già-bạt-đà-la dịch, Tát-bà-đa Tì-ni-tì-bà-sa (dịch giả khuyết danh), Tát-bà-đa-bộ tì-ni ma-đắc-lặc-già do Tăng-già-bạt-ma dịch vào thời Lưu Tống. Tham khảo thêm các mục “Lịch sử truyền dịch”, “Thư mục luật”, Luật tứ phần tổng mục lục, Việt dịch Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh, Tỳ-kheo Thích Đức Thắng, hiệu đính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng, Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, Ban tu thư Phật học, 2006.

[11] Cao tăng truyện, T50n2059, tr. 333c.

[12] Sđd., tr. 401c.

[13] Sđd., tr. 402a.

[14] Tống cao tăng truyện, T50n2061, tr. 804c.

[15] Tục cao tăng truyện, T50n2060, tr. 607c.

[16] Sđd., tr. 608a.

[17] Sđd., 614b.

[18] Yifa, The Origins of Buddhist Monastic Codes in China, Honolulu: University of Hawaii Press, 2002, p. 7.

[19] Phật Đồ Trừng thường thi triển thần thông trong bốn việc: làm mưa để giải quyết hạn hán trong nông nghiệp, làm các việc phúc lợi, trị nhữngcăn bệnh ngặt nghèo, cố vấn cho nhà cầm quyền trong lĩnh vực chính trị. A.F.Wright, “Fo-t’u-teng: A Biography” Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 11, No. 3/4, 1948, p. 325.

[20] Cao tăng truyện T50n2059, tr. 387a.

[21] Xuất tam tạng ký tập, T 55n2145, tr. 80a-b.

[22] Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, T40n1804, tr. 35b.

[23] Cao tăng truyện, T50n2059, tr. 353b.

[24] Kinh tăng nhất A hàm có thuật lại câu chuyện nàng Tu-ma-đề, con gái của Trưởng giả Cấp Cô Độc, vì muốn thỉnh Đức Phật từ Xá Vệ đến thành Mãn Phú để giáo hoá bèn mang lò hương lên lầu cao đốt hương và chắp tay hướng về nơi Đức Phật đang trú và thỉnh cầu Ngài. Lúc đó tôn giả A-nan đang ở trong tinh xá Kỳ Hoàn, thấy có mùi hương vi diệu bèn bạch Phật rằng vì nhân duyên gì mà có hương thơm lan khắp như thế. Đức Phật đáp rằng đó là hương do sứ giả của Đức Phật mang điều thỉnh cầu của nàng Tu-ma-đề trong thành Mãn Phú. Ngay sáng hôm sau Đức Phật và chúng đệ tử liền đến thành Mãn Phú như lời thỉnh cầu trên. Tăng nhất A hàm Kinh, T2n125, tr. 661c-662a.

[25] Đại tống tăng sử lược, T54n2126, tr. 241c-242a.

[26] Cao tăng truyện, T50n2059, tr. 417c.

[27] Điều này được ngài Nghĩa Tịnh mô tả trong Nam hải kí quy nội pháp truyện, T54n2125, tr. 209b.

[28] T40n1804, tr. 136b.

[29] Lễ nghi này phát xuất từ sự gặp gỡ giữa một dị Tăng và ngài Đạo An trước khi ngài viên tịch. Xem chi tiết trong Cao tăng truyện T50n2059, tr. 353b-c.

[30] Ngài Đạo An thường chú giải kinh điển, lòng phân vân không biết những kiến giải của mình có xứng hợp với diệu lý của kinh điển hay chăng, bèn phát nguyện rằng nếu xứng hợp, mong được thấy điềm lành. Quả nhiên trong giấc ngủ, ngài mộng thấy một vị sa môn tóc bạc mày dài, bảo với ngài Đạo An rằng: “Những chú giải của ông đều khế hợp với đạo lý. Ta trú tại Tây Vức, không được nhập Nê Hoàn (Niết Bàn). Ta sẽ phò trợ ông trong việc hoằng dương giáo pháp, hằng ngày ông nên dâng cơm cúng dường ta.” Ngài Đạo An bèn làm theo lời căn dặn của vị sa môn đó. Về sau khi Thập Tụng Luật được truyền đến Trung Hoa, ngài Huệ Viễn, đệ tử của Đạo An, mới biết rằng vị sa môn kia chính là tôn giả Tân-đầu-lô, nên lập án thờ, dâng cơm cúng dường. Sđd., tr. 353b.

[31] Trước thời ngài Đạo An, chư Tăng thường mang họ của thầy mình, nên trong Tăng đoàn mỗi người mang họ khác nhau. Ngài Đạo An bèn chế định dùng chữ Thích (trong Thích Ca) làm họ chung cho chư Tăng. Sđd., tr. 352c-353a.

[32] Theo Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục, T55n2184, tr. 1174c.

[33] Phật tổ lịch đại thông tải, T49n2036, tr. 524b.

[34] Cao tăng truyện, T50n2059, tr. 353b.

[35] Tập Tạc Sĩ là bậc thức giả nổi tiếng về tài tranh luận, ứng đối. Nghe danh ngài Đạo An, ông bèn đến Tương Dương để chất vấn. Vừa mới gặp nhau Tập Tạc Sĩ bèn xưng mình là “Tứ hải Tập Tạc Sĩ” để tự khen mình là người nổi tiếng trong bốn phương về tài tranh luận. Ngài Đạo An bèn đáp lại rằng “Di thiên Thích Đạo An” (Trong khắp thiên hạ chỉ có một mình Đạo An mà thôi). Tài văn chương và sở học của hai người được xem là tương xứng nhau.

[36] Sau khi chinh phạt Tương Dương và gặp được ngài Đạo An, Phù Kiên vô cùng mừng rỡ và bảo thân tín: “Ta đem mười vạn đại binh chinh phạt Tương Dương cốt là để có được một người rưỡi”. Hàng thân tín bèn hỏi : “Đó là ai?” Phù Kiên đáp: “Ngài Đạo An là một người, Tập Tạc Sĩ là nửa người”. Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải, T49n2036, tr. 524a.

[37] Sđd., tr. 356a.

[38] Cao tăng truyện T50n2059, tr. 358a.

[39] Sđd., tr. 360a.

[40] Hoằng minh tập, T52n2102, tr. 79b.

[41] Xuất tam tạng ký tập, tr. 110b.

[42] Hoằng minh tập, tr. 83c-84a.

[43] Thập tụng luật, T23n1435, tr. 61a.

[44] Sđd., 396b.

[45] T55n2145, tr. 84a.

[46] Cao tăng truyện, T50n2059, tr. 348c.

[47] Sđd., tr. 401b.

[48] Tục cao Tăng truyện, T50n2060, r. 464b.

[49] Lịch đại tam bảo kỷ, T49n2034, tr. 97c.

[50] Xuất tam tạng ký tập, T55n2145, tr. 85c.

[51] Quảng hoằng minh tập, T52n2103, tr. 324c.

[52] Mười điều quy chế này được Quán Đảnh, một môn đồ của ngài Trí Khải, biên tập lại trong bộ Quốc thanh bách lục. T46n1934, tr. 793c-794a.

[53] Yifa, Sđd., tr. 22.

Nguồn: phatviet.com