Cửu Hoa Sơn

Cửu Hoa Sơn

Cửu Hoa sơn (???) không những là một thắng cảnh nổi danh của Trung Hoa mà còn là thánh địa của Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát nữa. Vị trí núi Cửu Hoa nằm về phía đông nam của phố Trì Châu, tỉnh An Huy. Phía tây bắc có giòng Trường giang và đối diện núi Thiên Trụ. Từ phía đông nam thì hướng ra hồ Thái Bình với Hoàng sơn nên mỗi khi nói đến An Huy là ai cũng nhắc ngay đến “hai núi một hồ” (lưỡng sơn nhất hồ – Cửu Hoa sơn, Hoàng sơn và Thái Bình hồ). Nguyên cả khu phong cảnh của Cửu Hoa sơn rộng khoảng 120km2.

Vào thời Nam Triều (tức sau thời Đông Tấn), người Trung Hoa thấy dãy núi này vô cùng tráng lệ, có nhiều ngọn núi cao hơn những lớp mây, các ngọn núi đều có hình dáng trông rất lạ, địa chất chủ yếu của núi là do đá hoa cương (granite) cấu thành. Khi đếm theo số mục thì thấy có chín ngọn núi lớn cùng cỡ với nhau, vì vậy đã đặt tên là Cửu Tử sơn. Song vào khoảng những năm Đường Thiên Bảo (742-755), đại thi nhân Lý Bạch đến du ngoạn ở núi nhiều lần. Ông thấy cảnh núi thật tú lệ và xuất trần, có hình dáng như những đóa hoa sen, ông xúc cảnh sinh tình và khen ngợi vẻ đẹp của núi trong lúc xướng họa với bạn bè bằng thơ ca được ghi trong tập? Cải Cửu Tử sơn vi Cửu Hoa sơn liên cú?. Trong đó có câu: “Diệu hữu phân nhị khí, linh sơn khai cửu hoa” (diệu hữu phân trời đất, linh sơn nở chín hoa), nên từ đó về sau núi được đổi tên là Cửu Hoa và những câu xướng của ông được gọi là thiên cổ tuyệt xướng.Cửu Hoa sơn có tổng cộng hơn 70 ngọn núi nhỏ và 30 ngọn núi lớn mà ngọn cao nhất là “Thập Vương phong”, cách mặt biển 1342 mét. Cảnh núi của Cửu Hoa hùng vĩ làm cho người đến thấy mình nhỏ bé và lạc cả hồn phách. Giữa lòng núi Cửu Hoa có rất nhiều khe sâu, nên khi những dòng sông, suối chảy qua, sức mạnh của nước tạt vào những khe đá và bốc hơi hoặc tích tụ thành khe nước trong veo, rất đẹp. Bốn mùa trên núi Cửu Hoa cũng như trên Nga Mi sơn đều phân rõ, có đủ các cảnh mặt trời mọc, ráng chiều, sương sa, bụi tuyết, cầu vồng v.v… khiến cho những người đến đây quên cả đời sống hiện tại của mình, vì vậy núi được ca tụng là “Giang Nam đệ nhất sơn”.   Đó là nói riêng về thắng cảnh của Cửu Hoa, nhưng nếu nói đến những truyền kỳ của Cửu Hoa thì hầu hết các tín đồ đạo Phật, ai cũng chú tâm nghe câu chuyện vào gần cuối năm Đường Khai Nguyên (730 CN). Truyện kể rằng lúc ấy từ Tân La quốc (cửa nam bán đảo Triều Tiên) có vị tăng cao lớn cầm tích trượng đặt chân đến Cửu Hoa khổ tâm tu hành, tăng nhân này tên là Kim Kiều Giác vì nghe danh của ngài Huyền Trang nên quyết định đến Trung Quốc để tu học, rồi lên núi Cửu Hoa. Khi ngài Kim Kiều Giác đến Cửu Hoa thấy có một ngôi cổ am trên mảnh đất nhỏ không có người ở nên mới tìm người chủ núi là Mẫn Công để xin. Mẫn Công hỏi ngài muốn xin bao nhiêu đất. Ngài Kim Kiều Giác nói chỉ xin miếng đất bằng tấm cà sa thôi. Mẫn Công vừa gật đầu thì chiếc cà sa tung lên phủ cả núi. Mẫn Công thấy vậy liền bị nhiếp phục và về sau cùng con trai trở thành đệ tử của ngài. Từ đó về sau câu chuyện được truyền đi, trên Cửu Hoa lần lần mọc lên rất nhiều am viện, chùa chiền. Vào năm 794, ngài Kim Kiều Giác bỗng nghe một tiếng gọi mơ hồ thì biết thời điểm đã tới nên gọi các đệ tử đến rồi ngồi mà viên tịch. Năm ấy ngài 99 tuổi. Ba năm sau đệ tử của ngài mở áo quan ra thì thấy nhục thân còn y nguyên không rữa, bèn đem đi thờ thì nghe các khớp xương kêu rổn rảng như tiếng xích vàng trên cây tích trượng rung chuyển. Nhân đó dựa theo Kinh sách thì mới nhận biết đó chính là linh tích thị hiện của Địa Tạng Vương Bồ Tát và xây tháp để thờ nhục thân của ngài gọi là Nhục Thân Bảo điện. Rồi có lẽ do vì sau đó có nhiều tháp được xây trên điện quá nên không bao lâu chẳng ai còn thấy nhục thân của ngài nữa cả. Nhưng từ ứng thân của ngài Kim Kiều Giác này đã biến Cửu Hoa sơn trở thành thánh địa của Bồ Tát Địa Tạng. Tuy vậy, đạo tràng của ngài Địa Tạng đến đầu đời nhà Minh mới được phát triển mạnh mẽ vững vàng và được xếp vào trong hàng Tứ Đại Danh Sơn của Trung Quốc cùng với Ngũ Đài, Nga Mi và Phổ Đà. Và có thể nói vào đời Thanh, Phật giáo ở Cửu Hoa sơn là hưng thịnh nhất, tự viện có đến hơn 300 ngôi, tăng ni lên đến hơn 4000 vị. Đến hôm nay thì chỉ còn lại khoảng 90 ngôi chùa mà trong số đó có 9 ngôi là trọng điểm của quốc gia. Số tăng ni còn khoảng gần 600 vị. Chân nhục thân được bảo tồn và các tôn tượng Phật khoảng 6300 pho, các kinh sách và pháp khí khoảng 2000 bộ/món. So với tứ đại danh sơn, Cửu Hoa là được phục hồi sớm nhất, vì trong suốt những năm qua, Cửu Hoa sơn vẫn không ngừng trùng tu. Vài năm gần đây núi còn có một đồ án xây một tôn tượng Địa Tạng Bồ Tát cao 99 mét, con số 99 này là tuổi thọ của ngài Kim Kiều Giác.