Côn Minh

Côn Minh

Côn minh (昆明 – Kunming) Khách từ các nước Tây phương muốn du lịch Trung Quốc đến bằng phương tiện hàng không, nếu chọn nơi đáp xuống là Côn Minh để làm khởi điểm thì thật là khôn khéo vậy. Lý do có rất nhiều, song có lẽ thiết thực nhất là vì khí hậu của Côn Minh rất ôn hòa; trung bình mỗi năm là 15C. Nhờ khí hậu như thế, khách du lịch tránh được bịnh khi cơ thể chưa kịp thích nghi với thời tiết mới và có thể thưởng thức được trọn vẹn chuyến đi

Thành phố miền nam của Trung Quốc này quanh năm nắng ấm dịu dàng, so với nhiều thành phố khác, bốn mùa không phân rõ, nhưng lại có một nét đẹp riêng khá thú vị. Thành phố được mệnh danh là Xuân Thành vì quanh năm trời đất chỉ là một mùa xuân, tựa như ước mơ của nhân loại: Chính họ và vạn vật chung quanh đều không biến hoại, dị diệt. Côn Minh có địa lý thuộc trung bộ của cao nguyên Vân Quý, tỉnh Vân Nam, nằm cao gần 1900 mét vượt hơn mực biển, và có khoảng 5,8 triệu dân chia nhau trên diện tích gần 21 ngàn km2. Song chỉ trên bằng đó diện tích mà Côn Minh có đến 26 dân tộc thiểu số cư ngụ. Ngoài sắc tộc người Hán ra còn có Di tộc, Nạp-tây tộc, Ha-ni tộc v.v…

Lịch sử Côn Minh được xác định có từ năm 279 trước CN tại một quận nằm về phía nam của Điền Trì (cũng gọi là hồ Côn Minh) nhưng đã bị mất dấu trong một thời gian dài. Mãi cho đến năm 765 CN thành phố mới được kiến lập lại và có tên là Thác Đông. Rồi vào đời nhà Nguyên năm 1276 CN, thành phố được cai trị bởi dân Mông Cổ và đã đổi tên thành Côn Minh. Trong suốt dòng lịch sử, Côn Minh cũng đã trải qua nhiều lần phiến loạn và chiến tranh, thí như trận khởi nghĩa của Đỗ Văn Tú vào những năm 1858 đến 1868 rồi đến bị Không quân Nhật tấn công v.v… Tuy nhiên, sau những biến động đó thành phố Côn Minh vẫn nhịp nhàng phát triển và kể từ năm 1992 đã được đứng vào hàng thứ 12 trong số những thành phố có nền kinh tế mạnh của Trung Quốc. Thành phố Côn Minh có nhiều tuyến đường sắt và nhựa đã được xây dựng để nối mạch giao thương từ Côn Minh đến Thái Lan, Việt Nam và Lào.

Về phần thắng cảnh, Côn Minh có vẻ quyến rũ của vùng cao nguyên giữa những sắc dân thiểu số với phục sức rất dễ thương. Ba nơi được biết đến nhiều nhất của Côn Minh là Thạch Lâm, Điền Trì và lầu Đại Quan.

Thạch Lâm là một khu rừng đá đã có từ 250 năm về trước do sự xói mòn của thời tiết. Trong khu rừng này tất cả “cây cối” đều là bằng đá cả, đa số có hình thù rất lạ mắt. Thạch Lâm rộng đến cả khoảng 400km2. Còn lầu Đại Quan và Điền Trì là hai nơi thường được nêu chung với nhau. Nguyên nhân là Đại Quan lầu được xây trên một khuôn viên bên cạnh Điền Trì. Lầu này được xây vào năm 1690 sau CN, do vì khi thống đốc Vương Kế Văn đi ngang nơi này, ông bỗng thấy phong cảnh bên Điền Trì thật đẹp nên cho xây để ngắm cảnh vật nơi đó. Tại Côn Minh cũng có một số tự viện Phật giáo, song nơi đây chưa hề in rõ nét Phật giáo. Có lẽ vì thành phố này có nhiều sắc dân thiểu số mà mỗi sắc dân đều thường có một tôn giáo riêng của họ. Trung tâm phố xá chính của Côn Minh gồm 2 quảng trường (Kim Mã Bích Kê & Đông Phương) và 5 con đường lớn khá dài đan nhau (Đông Phương lộ, Kim Bích lộ, Chính Nghĩa lộ, Nhân Dân lộ và Thanh Niên lộ). Gần quảng trường và trên những con đường này là nơi du khách có thể đến mua sắm, giải trí v.v… Thêm vào, Côn Minh cũng có những đặc sản nổi tiếng như

1) Hoa Báo Xuân, cũng gọi là hoa Niên Cảnh hoặc Anh Thảo. Loại hoa này khi đông vừa tận thì hoa đã nở trước các loại hoa khác, tìm thấy ở miền nam Trung Quốc, nhưng nhiều nhất là Côn Minh nên được chuyển bán đi nơi khác rất nhiều.

2) Hoa Sơn Trà, loài hoa này được phát hiện ở vùng Côn Minh khoảng hơn 1300 năm trước và sau đó được trồng rất nhiều vào đời Tùy, Đường, Tống và Nguyên.

3) Đồ tre.

4) Đồ gỗ được điêu khắc.

5) Túi xách Tán-ni, đây là sản phẩm thủ công rất tinh xảo của phụ nữ tộc Tán-ni.

Còn những món bình dân của người Côn Minh có thể tìm thấy trong những tiệm ăn bình thường hoặc trên vỉa hè là Đậu hủ thúi nướng, mì qua cầu, Điền hồng (chè Vân Nam), xôi ống tre v.v…

Đại lược, Côn Minh không phải là nơi có Phật tích hay thánh địa gì cả. Có thể nói khách hành hương lấy nơi đây là khởi điểm để thích nghi và thư thả nhìn vào một góc đời thường nào đó của Trung Quốc để rồi tiếp tục đi tìm theo dấu vết của chư Tổ, Bồ Tát cũng đã từ những nơi rất đời mà hướng đến đạo…