Chương Ba – Tăng Bảo Tiết II Liên hệ giữa Chư Tăng và Cư Sĩ

Chương Ba – Tăng Bảo Tiết II Liên hệ giữa Chư Tăng và Cư Sĩ

(tiếp theo)


Tín Và Hạnh Của Người Phật Tử Tại Gia.

Bằng thân giáo và khẩu giáo, và có thể cả ý giáo, vị Tỷ-kheo xây dựng niềm tin đạo và niềm tin sống cho các Phật tử tại gia.

Ðời sống tu hành thanh tịnh, tinh cần của vị Tỷ-kheo đã là một bài học và là niềm tin của các Phật tử có nhân duyên thân cận.

Bằng giảng dạy, vị Tỷ-kheo chỉ rõ cho Phật tử biết thế nào là một Phật tử có lòng tin chân chánh? Tin như thế nào? Tin những gì?

Tin của Phật giáo không phải là tín điều (creed), cũng không phải là đức tin (faith) như một số đông tôn giáo khác chủ trương. Tin của người Phật tử là đồng nghĩa với thấy, biết, hiểu rõ Phật giáo.

Trước khi đặt niềm tin vào giáo lý, người Phật tử tìm hiểu, thắc mắc, nghi vấn về giáo lý, sau đó đi đến chỗ thấy sáng tỏ các lời dạy của Thế Tôn, và tìm thấy thoải mái tâm hồn, an lạc và giải thoát khi thể hiện giáo lý ấy vào đời sống. Thường, lòng tin Pháp của người Phật tử phát khởi ngay sau niềm hân hoan hiểu Pháp, hoặc niềm hân hoan phát khởi từ niềm tin ấy.

Người Phật tử chỉ tin vào những gì đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người trong hiện tại và trong cả tương lai. Qua ý nghĩa này, Phật tử đặt niềm tin vững chắc vào ngôi Tam Bảo. Tin rằng Thế Tôn đã chứng đắc Vô Thượng Bồ-đề; tin rằng Phật pháp đã được Thế Tôn thuyết giảng rất thiện xảo đưa con người đến ly tham, ly thủ; tin rằng chư Tăng là những vị đi trên con đường giải thoát, đang sống trong sáu pháp hòa kính, là những bậc có thể chỉ đường giải thoát cho đời; tin rằng mỗi người có sẵn trong tự thân khả năng giác ngộ, đoạn trừ tham, sân, si; tin rằng con người có thể ly tham ái và chấp thủ, loại bỏ các lậu hoặc ngay trong hiện tại; và tin rằng con người có thể tự mình, bằng nỗ lực của mình, thể hiện sự hòa điệu trong tự thân và hòa điệu trong đời sống xã hội.

Như một người lên đỉnh núi cao, đồi cao nhìn thấy nơi mình sẽ đi đến và định rõ được phương hướng đi. Sau khi xuống núi, đồi, tuy điểm đến không hiện rõ trước mắt, nhưng người ra đi biết chắc rằng hướng nào dẫn đến đích, và có thể phát biểu: “Tôi tin rằng hướng này dẫn đến đích muốn đến”. Tin là thế.

Niềm tin của người Phật tử thường đem lại niềm hân hoan và phấn khởi. Trên lộ trình giải thoát, một lần Thế Tôn đã dạy: Sau khi thể nghiệm đau khổ, tín phát khởi; tín phát khởi đưa đến hân hoan, hỷ, khinh an, lạc, định, tri kiến như thật, ly tham và giải thoát. Bấy giờ tín xuất hiện như là lẽ sống.

Tin Tam Bảo, người Phật tử giữ được mình trong chánh tín, rời xa các tà kiến của ngoại đạo. Sự có mặt của chánh kiến là yếu tố quyết định hướng sống đúng, an lạc và giải thoát cho người Phật tử trong hiện tại và tương lai.

Sau đây là lời dạy tiêu biểu nhất của Thế Tôn về lòng tin của người Phật tử: “Chớ có tin chỉ vì nghe báo cáo, chớ có tin chỉ vì theo truyền thống; chớ có tin chỉ vì nghe tin đồn; chớ có tin chỉ vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ có tin chỉ vì nhân lý luận; chớ có tin chỉ vì nhân định lý; chớ có tin sau khi suy tư về những dữ kiện, điều kiện; chớ có tin sau khi thầm lự hay chấp nhận một vài lý thuyết; chớ có tin chỉ vì thấy thích hợp; chớ có tin chỉ vì Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận thì đưa đến hạnh phúc, an lạc”, thời này các Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú” (Tăng Chi I, tr. 216-217).

Bố thí:

Bên cạnh việc tu tập năm giới hay mười giới, bát quan trai giới của một Phật tử tại gia, người Phật tử có thêm một hạnh lành cần tu tập: Bố thí.

Thế Tôn thường dạy bố thí cho các cư sĩ và ngoại đạo trước khi giảng dạy Tứ đế cho họ. Bố thí chỉ là phương thức xả bỏ các tâm keo rít, tham ái của tự thân người bố thí, vừa nuôi dưỡng các từ tâm, tâm bao dung, vừa được tạo công đức có thể sanh về cõi trời sau khi mệnh chung. Mặt khác, bố thí đem lại nhiều lợi ích cho người nhận của bố thí, giúp họ thoát khỏi cảnh lầm than của túng quẫn, nghèo đói hay mê muội. Như thế pháp bố thí là pháp hành đem lại an vui cho đời, cho xã hội, cần được xiển dương rộng rãi. Xuyên qua pháp bố thí này, người Phật tử có thể lần lượt thực hiện được hai bước đầu giải thoát, hay thực hiện được trọn cả ba bước giải thoát như được trình bày ở bài kệ tóm tắt giáo lý Phật giáo “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” tuỳ theo khả năng vận dụng tu tập. Chúng ta sẽ lần lượt đi vào tìm hiểu ý nghĩa của pháp bố thí này.

“Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí pháp.. Tối thắng trong hai loại bố thí này, này các Tỷ-kheo, tức là pháp thí” (Tăng Chi I, tr. 105).

Bố thí tài vật gồm thức ăn, áo mặc, chỗ ngủ, chỗ ở, thuốc men, chăn, chiếu và có thể gồm cả tiền của.

Bố thí pháp là giảng dạy, chỉ rõ khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, khổ đau diệt và con đường đi ra khỏi khổ đau; chỉ rõ các ác pháp cần phải tránh, các thiện pháp cần phải tu; chỉ rõ con đường sống dẫn đến hạnh phúc trong hiện tại và tương lai trên cuộc đời này và trong các đời sau. Bố thí pháp còn được hiểu là trao truyền các kiến thức cho kẻ khác, trao niềm hỷ, lạc và vô uý cho kẻ khác, bởi tự thân của giáo lý có khả năng đem lại hỷ, lạc và sự không sợ hãi cho người đời.

Người bố thí được hưởng năm lợi ích, theo lời dạy của Thế Tôn: “Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của bố thí: được nhiều người ái mộ, ưa thích, được bậc Thiên nhân, Chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới” (Tăng Chi II-B, tr. 66).

Người bố thí ngoài năm lợi ích trên, còn được nhiều lợi ích khác nữa mà Thế Tôn đã phân tích qua các Kinh. Chẳng hạn, lòng hoan hỷ trước khi cho, lòng hoan hỷ tịnh tín trong khi cho, và lòng hoan hỷ còn kéo dài sau khi cho (Tăng Chi II-B, tr. 382).

Với bố thí thức ăn, người nhận thức ăn có năm điều lợi: nuôi thọ mạng, nuôi dung sắc, được an lạc, được sức khỏe, được có trí (biện tài). Như thế, người cho cũng sẽ nhận được năm lợi ích tương tự được xem như là kết quả bố thí ấy (Tăng Chi III-B, tr. 67).

Giá trị thực sự của việc bố thí nằm ở cái tâm bố thí của người cho. Kết quả của bố thí, do đó không thể căn cứ vào vật bố thí, giai cấp, địa vị người bố thí hoặc người nhận bố thí (phàm, Thánh..) để xác định.

Thế Tôn dạy có hai hạng người bố thí: một hạng bố thí có kết quả lớn, lợi ích lớn, một hạng cũng bố thí với của bố thí như vậy, nhưng không có kết quả lớn, lợi ích lớn:

– “Này Sàriputta, có hạng người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc, bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ: “Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mệnh chung được sanh lên cùng sống với chư Thiên ở Tứ Thiên Vương (Dục giới Thiên). Và vị ấy khi nghiệp dứt, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy cũng dứt, vị ấy trở lại trạng thái này” (Tăng Chi III-A, tr. 61).

– “Này Sàriputta, ở đây ai bố thí không với tâm mong cầu, không với tâm trói buộc, không với tâm chất chứa, không với ý nghĩa: “Ta hưởng được cái này ở đời sau”, không với ý nghĩ: “Lành hay sự bố thí”, … Nhưng vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh cùng trú xứ với chư Thiên ở Phạm Chúng thiên (Sắc giới). Và khi vị ấy nghiệp dứt, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy dứt, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này nữa” (Tăng Chi III-A, tr. 63).

Cúng dường các bậc Thánh, cúng dường chúng Tăng là một hình thức bố thí. Thế Tôn đã đánh giá bố thí cao hơn là các nghi lễ, cúng kiến, tế đàn (như đã được đề cập). Ngài thường khuyến khích các Phật tử tại gia bố thí bằng cách phân tích cho thấy rõ ràng những gì bố thí là những gì không mất, được đem ra khỏi ngôi nhà đang bốc cháy; những gì cất giữ là những gì bị thiêu sạch trong ngôi nhà cháy. Căn nhà cháy chính là đời sống này, và ngọn lửa biểu tượng cho tham, sân, si, sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não (Tương Ưng I, Phẩm Thiêu Cháy, tr. 36).

Ðiều này nói lên sự quan tâm sâu xa của Thế Tôn đối với hạnh phúc của nhân loại.

Phật tử Việt Nam lại thể hiện đúng tinh thần của lời dạy trên của Thế Tôn, qua châm ngôn rất là quen thuộc của hiện đại: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Lo cho hạnh phúc của người đời đúng là lễ vật rất ý nghĩa của cúng dường Thế Tôn.

Người bình dân Việt Nam cũng quan niệm: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”.

Cứu nhân độ thế là việc làm có ý nghĩa thiết thực và cần thiết hơn là xây chùa. Thực ra, cứu dân hộ đời là công việc xây dựng ngôi chùa trong quần chúng, trong lòng dân tộc, một ngôi chùa tỏa sáng trí tuệ và từ bi và khó bị thời gian tàn phá.

Người tu sĩ Phật giáo Việt Nam cần giáo dục, gây ý thức cho quần chúng Phật tử Việt Nam nghiêng nặng về thực hành bố thí hơn là đi vào nghi lễ cúng kiến, nghiêng nặng vào việc cứu đời hơn là việc xây những ngôi chùa không nằm trong yêu cầu của sự phát triển Giáo hội và của thời đại.

Bố thí, trong tinh thần giáo lý Bắc tạng, có thể được thực hành ở cấp độ sâu hơn, gọi là bố thí độ hay bố thí Ba-la-mật.

Bố thí Ba-la-mật là bố thí mà không trú tướng, hay gọi là bố thí rời khỏi sự vướng mắc vào các ngã tướng. Nếu rời hẳn các ngã tướng ấy thì liền tận trừ chấp thủ, chứng đắc Vô ngã hay Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Thế là người Phật tử có thể tu tập hạnh bố thí mà vẫn có thể đoạn trừ ái, thủ để đi vào hạnh phúc tuyệt đối của sự giải thoát hết thảy lậu hoặc.

Kinh Kim Cương rõ ràng đề cao bố thí Ba-la-mật, cho dù vẫn muốn trình bày lục Ba-la-mật. Hành bố thí như thế này là vừa giải thoát tự thân vừa cứu đời khỏi khổ đau. Tinh thần của Phật giáo Nam tạng và Bắc tạng, nếu hiểu đúng đắn, luôn luôn không rời khỏi hành động thực tiễn giải thoát cuộc đời ra khỏi khổ đau (đủ mọi thứ khổ đau của thân và tâm). Ðây là sự thật.

Trì giới: (Ðã được trình bày ở năm giới, tám giới và mười giới).

Tuệ: Chánh kiến về các pháp là Tuệ. Chánh kiến về các pháp là thấy duyên sinh tính của các pháp, thấy rõ nghĩa Tứ đế, và khởi niệm mong cầu giải thoát.

Vị Tỷ-kheo có bổn phận giáo dục các Phật tử tại gia thế nào để các Phật tử ấy có chánh kiến. Ðể đạt yêu cầu đó vị Tỷ-kheo cần khích lệ các Phật tử học pháp, nghe pháp, tư duy về pháp và hành pháp. Như thế, các Phật tử cần có điều kiện gần gũi các vị chân tu, các vị Tỷ-kheo có học, có hạnh để học tập. Phần của vị Tỷ-kheo, cần giới thiệu rõ ràng chánh kiến (trong Bát Thánh đạo) và những nhân duyên để làm phát khởi chánh kiến. Cần cắt nghĩa rõ ràng để người cư sĩ nhận rõ các lợi ích thiết thực do chánh kiến đem lại, như nhờ có chánh kiến mới có thể hành chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh tư duy và chánh định; nhờ có chánh kiến mà khỏi đoạ; nhờ có chánh kiến mà sau khi sanh về cõi Trời và chấm dứt mạng sống tại đó, sẽ đi lên và sẽ được trở thành vị Bất lai; nhờ có chánh kiến mà có niềm tin vững chắc, hỷ, lạc và rời xa dần mọi sợ hãi trong đời sống hiện tại. Ðấy là những gì mà người Phật tử tại gia cần học và người tu sĩ cần truyền đạt.

Ngày nay, người tu sĩ Việt Nam cần phải hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử của dân tộc Việt Nam, lịch sử truyền bá và đóng góp của Phật giáo Việt Nam để thấy rõ những gì tự thân mình phải hoàn bị, và những gì mình nên truyền đạt cho các Phật tử tại gia Việt Nam.

Lịch sử phát triển của Phật giáo đời Lý, Trần vẫn là bài học lớn nhất để các tu sĩ Phật giáo Việt Nam ngày nay suy nghĩ về những yếu tố nào đã làm hưng thịnh Phật giáo và hưng thịnh dân tộc và những Phật tử tại gia Việt Nam cần gì.

Có những yếu tố lịch sử và những yếu tố tâm lý mà các vị tu sĩ cần nắm vững. Xã hội Việt Nam thường phải phấn đấu suốt dòng lịch sử để tồn tại trước nhiều cuộc tấn công xâm lấn từ bên ngoài. Yếu tố quyết định thắng lợi trong cuộc tự vệ để tồn tại là yếu tố đoàn kết keo sơn của dân tộc để phát huy sức mạnh của dân tộc. Yếu tố quyết định thắng lợi thứ hai là nuôi dưỡng truyền thống tự cường, tự lực và bất khuất. Yếu tố thứ ba là yếu tố trí tuệ. Chính ba yếu tố đòi hỏi của lịch sử Việt Nam này hoàn toàn được giáo lý Thiền định Phật giáo (hay Tứ niệm xứ) đáp ứng thích đáng như đã được trình bày ở tinh thần giáo dục Thiền định (chương Phật Bảo).

Giáo lý Thiền định lại là giáo lý tu tập chính thống nhất của Phật giáo. Tại sao các vị tu sĩ Việt Nam lại không giới thiệu rộng rãi con đường Thiền định này cho quần chúng Việt Nam? Muốn thực hiện nghiêm chỉnh công việc truyền đạt giáo lý Thiền định, các vị tu sĩ trước hết là phải tự mình dấn thân đi sâu vào tu tập Thiền định, song song với việc giữ gìn tinh thần căn bản của Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa và việc phát triển học thuật.

Do tinh thần làm chủ, vô chấp và không sợ hãi của Thiền định mà chúng ta có thể phát triển được dũng lực và cả trí tuệ (gồm cả ý nghĩa thông sáng để vận dụng vào các việc đời) mà không chịu cúi đầu trước bất cứ một bạo lực nào.

Do tinh thần thể nghiệm và rất thiết thực của Thiền định mà các Phật tử phát triển được tinh thần tích cực xây dựng cuộc đời và xây dựng xứ sở.

Năm Thiền chi của bước đầu tiên đi vào Thiền định (Sơ thiền) là Tầm (Vitakka), Tứ (Vicàra), Hỷ (Piti), Lạc (Sukha) và Xả – Nhất tâm (Upekkha-Ekaggata), xuất hiện để thay thế Năm triền cái (trạo hối, hôn trầm, dục, sân và nghi). Tất cả những nhân tố tham nhũng, tiêu cực và chiến tranh đều được gồm trọn trong Năm triền cái đó: sân hận, tà kiến (nghi) và tham ái (dục) là nhân tố của chiến tranh; dục là nhân tố của tham nhũng; hôn trầm (hay các tâm lý tiêu cực) là nhân tố của các thái độ sống tiêu cực. Như thế, chính pháp môn Thiền định này được phổ biến thì cùng lúc có thể làm sống dậy hạnh phúc và sức mạnh của tự thân và của dân tộc, lại cùng lúc có thể nói lên tiếng nói xây dựng hòa bình cho thế giới trung thực nhất. Chính vô sân, vô tham là yếu tố căn bản xây dựng và bảo vệ hòa bình mà không phải là các thứ bom đạn và các thủ đoạn đánh lừa.

Về tâm lý, thông thường con người có những tâm lý mệt mỏi, chán nản trước đường đời và đường đạo, do đó luôn cần được khích lệ, nuôi dưỡng niềm tin và phát khởi nỗ lực. Ðể đóng được vai trò hướng dẫn của mình, quý vị tu sĩ trước tiên phải là gương mẫu về đức tự tin, tin Pháp kiên cố, và tinh cần tu tập.

Ðể thích ứng với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, quý vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam phải làm những điều tương tự chư Tăng đã thực hiện ở Ấn Ðộ dưới thời Thế Tôn, thế nào để vừa nói lên tiếng nói trung thực của đạo giải thoát, vừa linh động thích nghi với dòng văn hóa địa phương. Với tinh thần cốt lõi là “tùy duyên, bất biết”, quý vị tu sĩ có thể hình dung ra ngay các yêu cầu chính của con đường mình phải đi: tu tập tự thân trên tinh thần căn bản của Giới bổn, hành Tứ niệm xứ và tích cực đóng góp vào các công cuộc xây dựng văn hóa, giáo dục và xã hội trong điều kiện có thể của mình.

Ðấy là ý nghĩa của Tuệ dành cho sự tu tập của các Phật tử tại gia và dành cho vai trò chỉ hướng của các tu sĩ.

Tứ Nhiếp pháp: (Phẩm Gia Chủ, Tăng Chi IV): Ðã được trình bày ở chương Phật Bảo.

Lục Hòa Kỉnh: (Kinh Xá Di Thôn, Trung Bộ III, Kinh Tịnh Bất Ðộng, Trung II, số 75, Ðại, 542b): Ðã được trình bày ở chương Phật Bảo.

Qua phẩm Gia Chủ, chương Tám Pháp, Tăng Chi IV, Thế Tôn đã dạy Tứ nhiếp pháp cho cư sĩ Hatthaka (chứng đắc A-na-hàm) nhiếp chúng năm trăm cư sĩ. Ðiều này chứng tỏ, dưới sự lãnh đạo của Thế Tôn, cư sĩ đã được tổ chức thành đoàn thể. Thế Tôn và chư Tôn giả chỉ giảng dạy giáo lý và truyền giới luật cho các cư sĩ, còn việc tổ chức và lãnh đạo cư sĩ thì do chính các cư sĩ có trình độ tu tập, trình độ văn hóa lãnh đạo và đảm trách. Cư sĩ lãnh đạo vẫn nói pháp cho các cư sĩ khác nghe; việc nói pháp này được biểu hiện dưới hình thức thảo luận và trao đổi như là bạn, và có khi vẫn mang tính chất thuyết giảng của chư Tăng. Vị cư sĩ lãnh đạo vẫn thường hướng dẫn đoàn cư sĩ đến nghe pháp từ Thế Tôn và chư Tôn giả. Cũng có trường hợp vị Tăng thuyết pháp có hiểu biết và quả vị chứng đắc còn thấp hơn cả người cư sĩ lãnh đạo ấy.

Khi đã quy tụ thành đoàn thể, thì nguyên tắc “Lục hòa” lại cần được ứng dụng để duy trì và phát triển mạnh mẽ đoàn thể này.

Trong bảng liệt kê các nam và nữ cư sĩ đệ nhất, ghi rõ có nam cư sĩ Citta thuyết pháp đệ nhất, Cấp Cô Ðộc và Visakhà là bố thí đệ nhất; Hatthaka là người nhiếp phục hội chúng đệ nhất; Nakulapità (nam) và Nakulamàtà (nữ) là hai người thân mật đệ nhất; nữ cư sĩ Suppiyà là người săn sóc bệnh nhân đệ nhất, v.v… Qua bảng liệt kê đó, chúng ta có thể hình dung ra một số nét chính sinh hoạt của đoàn thể cư sĩ.

Trước tiên là nam và nữ cư sĩ đã được tổ chức thành đoàn thể (có thể tổ chức chung hay riêng, tùy điều kiện) để hộ trì chư Tăng, học hỏi Phật pháp và hành các Phật sự khác như bố thí, săn sóc bệnh nhân (công tác y tế) và có thể có vài hình thức đi vào quần chúng nữa được biểu hiện qua “Lợi hành” của Tứ nhiếp pháp. Có rất nhiều cư sĩ có khả năng thuyết pháp nên Thế Tôn đã tuyên bố về người thuyết pháp giỏi nhất.

Thứ đến, hẳn là bên cạnh Giáo hội Tăng-già, cư sĩ đóng một vai trò truyền bá đạo Phật rất mạnh và rất có hiệu quả. Tứ nhiếp pháp là để phục vụ mục tiêu đưa mọi người đến với Phật giáo.

Tăng-già chỉ cần giữ vai trò truyền sức sống, niềm tin và kinh nghiệm giải thoát cho hàng cư sĩ lãnh đạo, ngoài việc thuyết giảng có giới hạn hằng ngày. Tưởng chúng ta cũng nên suy nghĩ sâu xa về Giáo hội Phật giáo dưới sự lãnh đạo của Thế Tôn với hai đoàn thể xuất gia và tại gia sinh hoạt rất tích cực và hòa điệu, để nhìn lại Giáo hội Phật giáo đương thời với một bối cảnh lịch sử, văn hóa mới, hầu mở ra một hướng đi chung thế nào để Phật giáo phồn thịnh và xã hội được thêm nhiều an lạc và hạnh phúc.

Nhìn lại lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, trong các thời hưng thịnh của Phật giáo như dưới triều đại Lý, Trần, cho dù chư Tăng là linh hồn của Giáo hội thì công cuộc phát huy Phật giáo vẫn ở trong tay đoàn thể cư sĩ. Chính các vua, quan nhà Trần, nhà Lý như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan Thái Phi, Trần Quốc Tảng, vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông v.v… làm hưng thịnh Phật giáo. Ở Ấn Ðộ thì chính vua A-dục (Asoka) đã làm hưng khởi Phật giáo với công cuộc Kiết tập kinh điển và truyền bá sâu rộng Phật giáo trong và ngoài nước.

Ở nước ta, nếu nghĩ đến một đại hội Kiết tập kinh điển bằng Việt ngữ thì nhân tố chính vẫn là cư sĩ. Cư sĩ đóng góp hoàn toàn các khoản chi phí, đóng góp các nhân sự có khả năng về mặt học thuật, về tổ chức, ấn loát v.v… Cho đến địa bàn hoạt động truyền bá Phật pháp sâu và rộng, vai trò đảm trách vẫn là cư sĩ. Vậy thì, vấn đề chấn hưng Phật giáo trước mắt cần phải có một đoàn ngũ cư sĩ đầy khả năng và đạo tâm để hộ trì. Cư sĩ chỉ có một giới hạn là không khoác y vàng, không khất thực và không trao truyền giới luật cho ai. Phải có một đoàn thể cư sĩ mạnh mẽ trước đã về cả hai mặt tâm và tuệ.

Từ đó, cần nghĩ lại và nếu cần thì thiết lập lại mối tương hệ đầy ý nghĩa và hữu hiệu trong việc truyền bá Phật giáo giữa Tăng sĩ và cư sĩ. Tại đây, vai trò và việc xây dựng hàng xuất gia cũng cần được đặt ra, tuy vẫn xây dựng trên nền tảng Pháp với Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa. Chư Tăng mãi mãi là ngôi báu giữ địa vị Chúng Trung Tôn, là niềm tin, là nơi quy hướng của toàn thể Phật tử tại gia. Ðiều ưu tư của thời đại là làm thế nào để Tăng-già phát triển rực sáng xứng đáng là ngôi báu, xứng đáng ở vị trí lãnh đạo tinh thần của đoàn thể cư sĩ đang phát triển mạnh cả hai mặt chất và lượng. Khi mà cả hai đoàn thể Tăng-già và cư sĩ đóng đúng vai trò của mình trong một nền văn hóa thì Chánh pháp lại được thiết lập trên cõi đời này.

Chánh Pháp và Cuộc Ðời

Thông thường, người ta cho rằng Phật giáo chỉ là giáo lý liên hệ đến giải thoát mà không thể vận dụng hữu hiệu vào việc xây dựng và tổ chức một xã hội mới. Ðiều này thật là lầm lẫn.

Như đã được trình bày ở chương Phật Bảo và sáu mối tương quan xã hội (chương Tăng Bảo), Phật giáo thực sự chuyên chở một nội dung giáo dục rất tốt, rất tiên tiến và phong phú. Ðiều này chứng tỏ Phật giáo có khả năng soi sáng (hay chỉ hướng) cho một nền giáo dục nhân bản và tiên tiến. Giáo dục thì lại làm nên văn hóa, nhân tố xây dựng và phát triển một xã hội mới. Như thế tại sao Phật giáo lại không thể được vận dụng để xây dựng và tổ chức một xã hội mới?

Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành (Trường A-hàm, số 6) và Kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Trường Bộ Kinh IV) cho thấy rằng nhà vua dùng Chánh pháp trị dân và tạo nên một thời đại hòa bình, an lạc, hùng cường và thịnh vượng cho xứ sở. Chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là Chuyển Luân Thánh Vương? Và thế nào là dùng Chánh pháp để trị dân?

Một vị Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện thì có bảy món báu xuất hiện: Thiên bảo luân báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, chủ binh báu. Khi mà xe vàng báu lặn mất thì là lúc kết thúc mạng sống của nhà vua. Nhà vua sanh thời dùng Chánh pháp dạy dân mà không dùng trượng, không dùng kiếm, không dùng hình phạt. Toàn thể nhân dân đều học hỏi Chánh pháp, giữ gìn nghiêm chỉnh năm giới không sát, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu. Khi lớn tuổi, nhà vua nhường ngôi cho thái tử, căn dặn thái tử dùng Chánh pháp trị dân, rồi xuất gia tu hành giải thoát.

Thái tử hỏi: “Tâu Ðại vương, thế nào là Thánh vương Chánh pháp?” Nhà vua đáp: “… y cứ vào Pháp, kính trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ cúng dường Pháp, tự con trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ, trở thành người bảo vệ hợp pháp cho nhân dân, cho quân đội, cho Sát-đế-lợi, cho Bà-la-môn, cho Gia chủ, cho các loài thú và chim chóc. Chớ làm gì phi pháp trong nước… đem tiền của cho dân nghèo… tìm đến các Sa-môn tu hành thanh tịnh và hỏi han các việc tu hành, như thế nào là thiện, là bất thiện, là ác, là phạm… Ðem Chánh pháp dạy các tiểu vương, vương tử, đại thần… nhân dân…” (Nikàya và A-hàm đều ghi tương tự).

Khi nhà vua không làm đúng những gì nhà vua cần phải làm, đấy là khi mà nhân dân bắt đầu đi vào dối trá, trộm cắp, tà hạnh… và đói kém, giặc giã khởi lên.

Như thế, Chánh pháp đã đi vào các thể chế, định chế xã hội và gần như trọn vẹn đi vào văn hóa. Bấy giờ, toàn dân vẫn sống đời sống gia đình như đã sống và đang sống; quân đội vẫn được tổ chức hùng mạnh; kinh tế vẫn được phát triển phồn vinh…

Chừng nào mà các nhà lãnh đạo và nhân dân phần lớn giữ giới và hành Thiền (mở đầu hai Kinh trên có đề cập đến việc tu tập Tứ niệm xứ là việc trở về chính mình và nương tựa chính mình) thì tiến gần thời “Thánh Vương Chánh Pháp”; chừng nào các nhà lãnh đạo và nhân dân không còn giữ giới nữa, mà dùng hình phạt và đao kiếm thay vào, thì bấy giờ là sống xa Thánh Vương Chánh Pháp và xã hội đi dần vào phân hóa, đói kém và chiến tranh.

Từ hậu bán thế kỷ hai mươi này có thể thể nghiệm lại thời kỳ Thánh Vương Chánh Pháp kia, nếu toàn dân ý thức và mong đợi như thế. Ðối với nhân dân, ý thức và mong đợi ấy có thể là kết quả của một đường hướng giáo dục./.