Chùa Thầy: Miền quê yêu dấu!

Chùa Thầy: Miền quê yêu dấu!

Bạn đã bao giờ tới thăm chùa Thầy, còn đối với riêng tôi, mặc dù đã không biết bao lần đến với chùa Thầy nhưng mỗi khi tới thăm chùa, tôi lại có một cảm giác rất lạ, thứ cảm giác khó có thể gọi thành tên, chỉ biết rằng đó là những tình cảm rất lưu luyến, rất thân thương và gần gũi đến lạ kì.

Nằm cách Hà Nội 30km, chùa Thầy được xây dựng từ thời Lý, nơi tu hành của Từ Đạo Hạnh. Chùa dựa vào sườn tây nam núi Thầy (Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây), một ngọn núi không cao nhưng có rất nhiều hang động. Trước cửa chùa có đầm Long Chiểu, giữa có thuỷ đình nơi thường diễn rối nước. Hai chiếc cầu gỗ cổ kiểu “thượng gia hạ kiệu” ba nhịp có mái che Phùng Khắc Khoan (1528-1613) xây dựng năm 1602. Bên trái là cầu Nhật Tiên, trông vào đền Tam Phủ được làm trên một đảo nhỏ giữa ao. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên là lối để đi lên chùa Cao trên núi.

Cụm kiến trúc chính là chùa Cả gồm 3 lớp nhà lớn, dựng trên cao bó đá hộc xanh nằm đối diện với Thuỷ Đình. Lớp ngoài là nhà tiền tế, lớp giữa thờ Phật, lớp trong cùng được dùng để thờ Từ Đạo Hạnh. Bộ mái chùa đồ sộ với lớp ngói mũi hài to bản và dày, bốn góc cong vút đặt trên bộ khung gồm 4 cột lớn và mười hai cột nhỏ bằng gỗ quý kê trên tảng đá liên kết với nhau bằng hệ thống xà hoành. Các khớp mộng vững chắc, xung quanh được lắp ván bưng đố lụa với nhiều mảng trang trí chạm hình rồng, lân, mây, lửa.

Trong chùa có 3 pho tượng diễn tả 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh, ngoài ra còn có tượng cha mẹ thiền sư, lưng ngai chạm trổ tinh xảo; có các biểu tượng Nho giáo như “phủ việt”, “đầu rồng” hay Phật giáo với “quả phúc” và Đạo giáo với “sừng tê ngọc báu” ghi rõ niên đại (1946).

Hai bên chùa là hành lang thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông cổ tương truyền được đúc từ thời Lý và lầu trống có trống lớn đường kính 1,5m. Qua cầu Nguyệt Tiên lên là chùa Cao, sau chùa là hang Thánh Hoá. Từ chùa Cao theo lối mòn ven núi lên hang Cắc Cớ sau đó đến Thượng Chỉ, phía sau là hang Bụt Mọc có rất nhiều tảng đá lô như tượng Phật nên người ta hay gọi là hang Bụt mọc là vì lẽ đó?

Đi tiếp bạn sẽ gặp hang Gió, chợ Trời nằm ở phía trên chùa Cao với ngổn ngang những hòn đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu trông rất lạ mắt, ngoài ra nơi đây còn có một phiến đá rất nhẵn nên được gọi là bàn cờ tiên, liệu đây có phải là nơi trước đây các vị thần tiên thường chơi cờ thưởng rượu và ngắm cảnh.

Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy nên chùa được gọi là chùa Thầy, xưa núi Thầy còn được gọi là núi Phật Tích. Đến chùa Thầy bạn đừng quên đến tham quan Cầu Nhật Tiên nằm ở phía bên trái trông vào đến Tam Phủ, cầu được xây trên một hòn đảo giữa hồ, bên phải là cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi. Trên núi có chùa Cao vốn là Hiển Thuỵ Am đây chính là nơi ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông.

Đi ngược lên trên cùng là đền Thượng, tới đền Thượng, bạn nên ghé thăm hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu, dưới chân núi phía Tây có chùa Bối Am hay còn được gọi là chùa Một Mái sở dĩ chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói và mặt sau chùa được dựng vào vách núi.

Hội chùa Thầy hằng năm diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, nhiều tăng ni Phật tử từ các nơi khác trong vùng hội tụ về đây để dự lễ trong những bộ áo cà sa, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn – một diễn xướng có tính chất tôn giáo – được thực hiện cùng dàn nhạc dân tộc. Ngoài ra, hội chùa Thầy còn có trò múa rồi nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thoả mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu thương trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở, với non nước hữu tình, cỏ cây hoa lá chen sắc thắm.

Hằng Minh (Theo Vietnamnet)