BÀI NÓI CHUYỆN VỚI HỌC SINH TRUNG HỌC CAO CẤP

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI HỌC SINH TRUNG HỌC CAO CẤP

Chuyển dịch Mai Tuyết Ánh
CÁC ANH CHỊ EM THÂN MẾN.  

Tôi  vô  cùng  hoan  hỉ  khi  có được cơ duyên nói chuyện với các em hôm nay. Lòng tôi luôn luôn cảm thấy vui khi tiếp xúc với mọi người, đặc biệt những người trẻ vì đây là thế hệ ít tuổi hơn. Theo tôi, các em là người của tương lai, bởi vì tương lai ở một mức độ nào đó vẫn còn nằm trong tầm tay chúng ta. Quá khứ là quá khứ đã qua đi – dù đó là một kinh nghiệm đau thương hay tràn đầy hạnh phúc – bây giờ cũng đã tan biến vào hư không và tương lai là những gì chưa tới, thế nên nếu chúng ta chuẩn bị một cách rốt ráo cho tương lai thì tương lai đó sẽ nhiều hỷ lạc hơn. Nếu lãng quên đi, không quan tâm hay kế hoạch sai đường thì tương lai đó sẽ rất khó khăn. Do vậy, là thế hệ trẻ hay là những học sinh, các em đều là những người chủ chốt, gánh vác đầy trọng trách.

Trong nhiều năm tôi vẫn cho mình là một thành phần của thế hệ trẻ nhưng bây giờ không còn như vậy nữa. Ngày nay tôi thuộc về thế hệ già nua. Sống trong thế kỷ thứ hai mươi, song cảm nghĩ của tôi đó là thế kỷ đầy máu đỗ thịt rơi. Cho nên, những người có tuổi trong đó có tôi đã nói lên lời giả biệt hành tinh này. Dẫu sao đi nữa tận chiều sâu của đáy lòng vẫn còn là niềm quan tâm đối với mọi người.

Bây giờ chúng ta hãy thử luận bàn về tương lai của thế giới. Trong đó có sự gia tăng dân số và những tai hại về lãnh vực môi sinh. Hãy nhìn về sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo trong mức độ toàn cầu. Người  sống  ở  phía  bắc  bán  cầu  thuộc  về  các  nước  giàu  có,  người  ở phương nam bán cầu thì nghèo khổ khốn cùng. Dĩ nhiên, về phương diện kinh tế Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan thuộc miền bắc, nhưng về phương diện địa lý thì lại thuộc về miền nam. Có một vài điều xảy ra như thế và thật sự có cách biệt ở đây. Khi nhìn vào Âu Châu, những nước kỹ nghệ hóa, người ta dư thừa vật chất. Nhưng cùng là một ngọn cỏ cây, cùng là những con người giống nhau, với cùng chung ước vọng sao cho đời sống hạnh phúc hơn và được lìa xa những khổ đau, ở những nơi như Phi châu, một vài vùng ở Á châu và cũng ở Châu Mỹ La tinh, trong nhiều truờng hợp người ta không có ngay cả những phương tiện vật chất căn bản tối thiểu hằng ngày. Hiện nay một số người thực sự đang đối diện với vấn nạn chết đói. Đây không phải chỉ là sai lầm về đạo đức, mà sai lầm luôn cả về hành động. Chúng ta phải thay đổi, phải thu ngắn đi khoảng cách biệt. Trong phạm vi một quốc gia, sự cách biệt đó cũng hiện hữu. Theo tôi đây là một trong những cội nguồn của vấn nạn. Nó sinh ra những tội ác, sát nhân và thiếu an ninh. Thế nên cần phải nhận thức để lưu tâm thay đổi, trên hết cố gắng giảm thiểu những điều này.

Lại thêm một vấn đề nữa, nếu tiêu chuẩn sống của người phương nam bán cầu được nâng lên bằng tiêu chuẩn hiện nay người mạn bắc đang hưởng, thì câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu các nguồn tài nguyên thiên nhiên có còn đủ cung cấp hay không. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Dân số ngày càng gia tăng, đặc biệt trong những nước nghèo ở phương nam. Thế nên phương cách sống của người mạn bắc sẽ dần dà sữa đổi những  vấn  nạn  đeo  mang.  Theo  tâm  lý  của  người  phương  tây,  kinh  tế phát triển mỗi năm là dấu hiệu của sự tiến triển. Nhưng sẽ đến một ngày, không  còn  điều  gì  có  thể  phát  triển  thêm  được  nữa.  Vậy  thì  theo  tôi, phương  cách  sống  và  những  thái  độ  tâm  lý  cần  phải  điều  chỉnh.  Đây chính là thử thách rất nghiêm trọng.

Việc  giảm  thiểu  khoảng  cách  biệt  không  phải  chỉ  đạt  được  bằng luật lệ và điều luật mà thôi. Hãy nhìn vào các nước xã hội chủ nghĩa ; họ đang  cố  gắng  làm.  Nào  là  Liên  Bang  Xô  viết  cũ,  Cộng  hòa  nhân  dân Trung hoa và Bắc Hàn, các em thấy đó, hệ thống này không mang lại kết quả. Ở thế giới tự do, người ta chủ ý tới kinh tế thị trường, việc này cũng có nhiều điểm tốt, nhưng với lực đẩy chỉ vì vấn đề tái chánh, vì quyền lực thị trường thì khoảng cách biệt giữa người giàu và người nghèo sẽ ngày càng gia tăng. Trung Hoa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đây là quốc gia theo  xã  hội  chủ  nghĩa  nhưng  khoảng  cách  lớn  lao  giữa  người  giàu  và người nghèo đã và đang ngày càng hiển lộ.

Thỉnh thoảng gặp những gia đình giàu sang với mức độ phát triển tâm linh nào đó, tôi thường đề nghị cách tốt nhất để họ đạt thêm nhiều thể nghiệm tâm linh là xử dụng của cãi chia xẻ cho những người nghèo, đóng góp trong lãnh vực giáo dục và sức khỏe của con người. Tôi nghĩ đó là một phương cách nếu thực tâm họ có khả năng hổ trợ nhiều hơn trong các lãnh vực này. Trước hết, những gia đình riêng lẽ đó sẽ đạt được sự thỏa mãn sâu xa hơn. Người ta kiếm ra tiền, và xử dụng đồng tiền một cách đúng đắn để phát triển toàn xã hội. Như vậy, chúng ta có thể gọi đây là một hành động từ bi. Để giảm thiểu sự cách biệt một phương pháp hay yếu tố quan trọng hơn là hướng đến ý thức chăm lo cho người khác, quan tâm đến sự khó khăn của mọi người, ở bình diện toàn cầu và ở biên độ quốc gia.

Việc quan tâm đến môi sinh cũng là một thử thách lớn. Nếu nói về kiểu cách sống ngày nay thì phải nói đó là chủ nghĩa tiêu thụ. Chẳng hạn, rất nhiều xe hơi chạy trên đường phố, nhưng trong chiếc nào cũng chỉ có một người. Hãy suy nghĩ hay tưởng tượng tình trạng đó ở Ấn độ và Trung hoa. Nếu chúng ta kết hợp hai quốc gia đó lại, thì có hơn hai tỉ con người hiện tiền. Sống như kiểu cách Tây phương, mỗi người trong hơn hai tỉ người đó làm chủ một chiếc xe hơi thì thật là không tưởng, chẳng thể xảy ra được.

Vậy thì, phải có trách nhiệm đối với môi sinh. Một trong những lý do là con người luôn luôn muốn có thêm một cái nữa, một cái nữa và một cái nữa. Đó là lòng tham không đáy. Bạn đã có đủ, nhưng vẫn cứ muốn thêm, thêm và thêm nữa. Dầu sao nếu mọi sự đến dễ dàng thì tốt, nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Những tài nguyên thiên nhiên rồi ra sẽ cạn dần. Và dân số thế giới thì ngày càng gia tăng, thế nên tôi cho rằng chúng ta cần phải thực hành việc tri túc.

Điều này không có nghĩa là cần thiết phải theo như Tăng sĩ Thiên Chúa giáo hay Phật giáo, hoặc các hành giả khác có đời sống rất đơn giản. Không cần thiết là tất cả mọi người phải tuân theo lối sống đó. Nhưng vẫn rất cần việc áp dụng mãn nguyện tính theo một cách thế thuận lý. Không đạt được điều này thì những nghịch lý của chúng ta ngày sẽ gia tăng. Rồi lại nghĩ đến một loại thử thách khác. Như đã đề cập, thế kỷ thứ hai mươi đã trở thành thế kỷ của máu đỗ thịt rơi, chúng ta nên dành mọi cố gắng để tạo cho thế kỷ này là thế kỷ của đối thoại, thế kỷ của hòa bình, mà không là thế kỷ của xương máu ngập đầy. Hiện nay vũ khí lan tràn khắp nơi. Một vài công ty chế tạo vũ khí chỉ vì lợi nhuận và họ luôn luôn tìm thị trường để tiêu thụ những sản phẩm đó. Họ không quan tâm đến những hậu quả gây nên bởi những viên đạn và những khí giới hết sức tàn độc đó.

Cách đây nhiều năm trong thời kỳ nội chiến ở Lebanon, một người Pháp sống ở Beirut nói với tôi rằng ở góc phố này người ta mua bán vũ khí, làm thương mại, kiếm lợi nhuận thì vũ khí đó được xử dụng để giết người ở góc phố kia. Thế nên tôi cho rằng phải suy tư một cách nghiêm chỉnh  về  phương  cách  giảm  thiểu  số  lượng  vũ  khí  và  làm  thế  nào  tìm được cách  kiểm soát có hiệu quả hay phương pháp chấm dứt việc mua bán  chúng.  Một  vài  người  lãnh  giải  Nobel  đang  tham gia  vào  công  tác này. Tôi cũng là một trong những người đó và đã ký vào văn bản ủng hộ nổ lực trên. Nhiều người và một số tổ chức đang tham gia, nhưng chúng ta cần phải nổ lực nhiều hơn nữa. Tôi cho rằng bây giờ là lúc chúng ta phải bỏ ra rất nhiều năng lực. Ngoài ra cũng còn có nhiều trách vụ trong chúng ta giữa những con người. Trong những năm qua, tôn giáo và các niền tin tôn giáo đôi khi đã tạo ra sự phân hóa và xung đột. Đó cũng là một chỉ dấu nghiêm trọng. Xét cho cùng dù ở mức độ nào, chúng ta vẫn phải cần tôn giáo. Tôn giáo vẫn còn lợi ích và thiết thực. Không cần thiết phải toàn thể nhân loại nhưng ít nhất những niềm tin đó và tín đồ phải duy trì niềm hy vọng, mang lại vài giá trị hay vài ý nghĩa cho cuộc đời. Tuy nhiên, đôi khi những sức mạnh đó lại lôi kéo người ta xử dụng tôn giáo  một  cách  sai  lầm.  Đây  là  cái  mà  tôi  gọi  là  cuồng  tín.  Chủ  nghĩa cuồng tín đôi khi tạo ra khá nhiều vấn nạn.

Thế giới ngày càng nhỏ bé hơn và ngày nay lại càng nhỏ hơn nữa, đồng thời lại phụ thuộc vào nhau rất nhiều. Điều đó cũng mang lại biết bao trăn trở và chúng ta phải phối trí làm sao đây ?

Đây là những thực tế và cũng là thử thách trong thế kỷ sắp tới và trong tương lai. Bây giờ các em là những người chủ chốt, những người phải xử lý và đối diện với các vấn đề này. Các phương tiện truyền thông luôn trình chiếu những cảnh giết chóc, thảm họa, hình ảnh tiêu cực để rồi dần dà người ta cảm thấy dường như là nhân chi sơ tính bổn ác, nên chi nhìn tương lai của thế giới, tuơng lai của nhân loại là sự diệt vong. Tôi lại tin là nhân chi sơ tính bổn thiện và có lòng từ bi. Lý do thật ra khá đơn giản. Căn cứ vào y khoa, thời gian khi chúng ta còn trong bụng mẹ, nếu tâm ý người mẹ an bình với đầy từ tâm thì đó là yếu tố tích cực cho sự tăng trưởng đúng cách của đứa bé. Mặc khác nếu tâm ý của người mẹ xáo động, thì biết bao những ảnh hưởng tiêu cực trên đứa bé chưa sanh. Đến khi chào đời, những tuần lễ kế tiếp là giai đọan quan trọng cho sự phát triển của bộ não. Trong giai đọan đó những âu yếm của người mẹ vô cùng quan trọng. Mặc dù trí thông minh chưa phát triển hoàn toàn, nhưng đây cũng  là  một  con  người,  và  thân  thể  này  cần  sự  thương  yêu  của  người khác, từ đó tương quan nhân tính phát triển.

Chúng  ta  ai  cũng  biết  rõ  tâm  bình  an  sẽ  trợ  giúp  rất  nhiều  trong lãnh  vực  sức  khỏe,  giáo  dục  và  trong  đời  sống  thường  ngày.  Một  tâm không an bình chao đão với lòng sân giận ngập cùng, ganh tỵ hay hận thù sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe con người. Ở thời điểm này, y khoa đã xác nhận được, những người thường hay dùng chữ : ‘Tôi’, ‘của tôi’ và ‘tôi’ là những người có nguy cơ cao bị bệnh tim đột qụy. Như vậy các em thấy rõ ràng rằng một khi tâm không an bình, một trạng thái bấn loạn chỉ đem lại quả xấu thực sự tác hại cho cơ thể và sức khỏe của chúng ta. Vì thế tâm càng bình an, từ bi thì dung hợp tuyệt hảo với thân xác này. Tâm không an bình và những tình cảm tiêu cực không là người bạn đồng hành tốt với cơ cấu vật lý đó. Đây là một vấn đề lớn. Tôi tin rằng đó là một  trong  những  lý  do  hay  những  dấu  hiệu  cho  thấy  bản  chất  của  con người gần gủi với tâm bình an và tâm hiền lương chất phát. Dĩ nhiên lối suy tưởng công kích, thái độ hung hăng cũng là một phần  của  con  người,  nhưng  tôi  cho  rằng  sự  năng  nổ  đó  liên  hệ  tới  trí thông minh. Nếu thông minh đi kèm với sự quân bình, với trái tim ân cần, nhạy cảm ; thì tôi nghĩ đó là phương cách nhân tính thích hợp nhất. Mặc dù có khả năng bóc lột, lăng mạ người khác, song nếu các em có thể tạo được sự quân bình của ý thức về sự quan tâm đến những gì quanh ta, về trách  nhiệm,  về  cộng  đồng,  thì  các  em  có  thể  bày  tỏ  lòng  kính  trọng những người khác. Các em phải suy nghĩ nhiều hơn theo cách như vầy ‘Tôi phải tôn trọng người khác, tôi phải đánh giá cao và trân quý quyền hạn của họ’. Đó là phương cách đúng đắn. Chỉ với trí thông minh, với khả  năng  và  không  có  gì  bắt  nguồn  hay  khởi  động  từ  tận  đáy  lòng  thì thường mọi việc sẽ đi sai đường. Chẳng hạn, trên hành tinh này, trong  sự tàn sát người Do thái của Đức Quốc xã, tôi cho rằng đầu óc của họ thông minh khác thường. Đối với những cố vấn hay các nhân viên KGB đã làm việc cho Stalin, bộ não của họ cũng như vậy.

Trường hợp của chủ tịch Mao cũng tương tự. Bây giờ đối với tôi biến cố 9 tháng 11 thật là kinh khủng, đúng là một hành động khó có thể tưởng tượng được. Những điều này không tự dưng đến một cách bất ngờ. Chắc chắn người ta đã tính toán và chuẩn bị nhiều tuần, nhiều tháng nếu không muốn nói nhiều năm. Họ đã xử dụng trí não đến mức tối đa; trí thông minh của con người đã hoạt động đến đỉnh cao. Nhưng mục tiêu đó lại là một sự hủy hoại đớn đau. Vào thời điểm đó tôi đã bày tỏ quan điểm rằng sự thông minh và kỹ thuật hiện đại được hướng dẫn bởi lòng thù hận con người thật sự là một tai họa. Đúng là hiện đại hóa hay kỹ thuật hiện đại  thực sự mang lại khổ nạn cho nhân loại. Nhưng dẫu sao đi nữa thì bản chất của con người vẫn là hiền  lành.  Sự  hung  dữ  của  con  người  phần  lớn  liên  hệ  tới  trí  não.  Khi khối óc đi kèm với một trái tim ân cần rộng mở thì tất cả năng lực ta làm là hữu ích và có giá trị tích cực. Phải chăng đó là lý do để chúng ta lạc quan ; vâng, xin thưa đó là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai là sự thay đối trong thế kỷ thứ hai mươi. Khoảng đầu thế kỷ này, hai chữ ‘từ bi’ rất hiếm xử dụng trong ngôn từ của các chính trị gia. Mahatma Gandhi đã dùng hai chữ ‘từ bi’ trong những lời tuyên bố về chính trị, đối với các vị khác tôi nghĩ là rất ít khi dùng đến.  Nhưng rồi thời  gian  cũng  trôi  đi,  gần  đây  ở  Ấn  độ,  những  bản  tuyên  bố  chính  trị quan trọng, hai chữ ‘từ bi’ đã trở thành một phần trong chữ nghĩa và tâm thức của họ. Điều quan trọng hơn ở đây chính là lòng khao khát hòa bình chân thành và thực tâm chống đối vũ khí nguyên tử. Quan điểm này ngày càng  phát  triển  rộng  khắp.  Trong  quá  khứ  Tân  Tây  Lan  đã  có  thời  là người tiên phong trong lực lượng chống vũ khí nguyên tử. Những điều này thật là tuyệt diệu. Lúc này vì yêu chuộng hòa bình chân chính nên phong trào đang lan rộng khắp các lục địa trên thế giới.

Trong thời kỳ thế chiến thứ nhất và thứ hai, khi một quốc gia tuyên chiến với nước láng giềng thì toàn dân hãnh diện vui vẻ tham gia không một  thắc  mắc  nào  được  nêu.  Ngày  nay  đảo  ngược  không  còn  như  vậy nữa.  Chẳng  hạn,  gần  đây  khi  có  chiến  tranh  tại  Yugoslavia  cũ,  khối NATO đã gởi lực lượng quân đội tới. Tôi đang ở Belgium hay một nơi nào đó, chứng kiến người ta đổ xô ra đường phố la hét chống lại việc xử dụng quân đội. Như vậy rõ ràng bây giờ không còn khuynh hướng toàn dân kiêu hảnh tham gia hay ủng hộ chính quyền tham chiến. Trong thế chiến thứ nhất và thứ hai, tôi nghĩ là người Tân Tây Lan rất nỗi tiếng, có phải vậy không? Tại sao? Dưới lá cờ Anh quốc, một số người không hề đặt câu hỏi nào, vui vẻ tham dự và chiến đấu để được ban thưởng huy chương  hay  những  danh  từ  rổng  tếch  như  ‘anh  hùng’,  ‘anh  hùng  chiến tranh’. Các em thấy đó, ở một góc cạnh khác người ta đã … tôi không biết dùng chữ nào cho thích hợp … người ta đã ‘tẩy não’ để đưa vào đó ý niệm chiến tranh là vĩ đại hay chiến cuộc đã sản xuất ra những anh hùng. Tôi nghĩ thật là tiêu cực. Ở đây tôi không nắm vững, nhưng ở Tây Tạng thì  phổ  quát  người  ta  đánh  giá  quân  nhân  và  quân  đội  không  cao  lắm. Ngược lại ở phương Tây, người lính và quân ngũ được tôn trọng rất cao.

Ngay cả các thành viên hoàng gia hay con trai của họ tham dự vào những cuộc  huấn  luyện  quân  sự  hay  lực  lượng  không  quân.  Ý  niệm  về  chiến tranh,  ý  nghĩa  của  chiến  tranh  là  gì ?  Theo  tôi  là  cổ  võ  cho  bạo  động.Không phải chỉ là một người hay vài người, mà rất nhiều người cổ võ. Dù sao chăng nữa đó cũng chính là những bạo động hợp pháp. Đối với tôi, chiến tranh là điều thực sự đau lòng. Cho nên cần phải có một nổ lực toàn cầu trong việc ngăn chận chiến tranh. Điểm chính yếu tôi muốn đề cập ở đây là những năm đầu của thế kỷ hai mươi, người ta ủng hộ chiến tranh. Những năm sau cùng của thế kỷ này người ta đã đổi thay, chứng tỏ dấu hiệu tích cực đã ló dạng.

Còn thêm vấn đề môi sinh trong những năm đầu thế kỷ hai mươi nữa. Hầu như tất cả mọi người chẳng ai quan tâm hay để tâm chút ít vào môi  trường  sống  của  chúng  ta,  hoặc  nhận  thức  một  trong  những  trách nhiệm của nhân loại là chăm sóc hành tinh này. Ngày nay, thế giới đã ý thức trách nhiệm về vấn nạn trên.

Riêng về khoa học và tâm linh, trong thế kỷ thứ hai mươi, vào giai đoạn đầu tiên, người ta cho rằng khoa học và tâm linh là hai thế giới khác biệt không hề có mối liên hệ nào. Giờ đây có một số khoa học gia đại tài, những bộ óc siêu việt suy nghĩ về tâm ý con người và đời sống tâm linh. Thế nên khi thẩm định sự phát triển hay những chuyển thay trong thế kỷ hai mươi, tôi cho rằng qua những khổ đau, những thể nghiệm khốn cùng, con người đã chín chắn hơn. Và đó chính là thêm một lý do nữa để giúp chúng ta lạc quan hơn.

Bây  giờ  chúng  ta  đã  bước  vào  thế  kỷ  hai  mươi  mốt.  Phán  đoán những kinh nghiệm quá khứ, tỉnh thức nhìn thấu về những chuyện đã xảy ra, chúng ta có cơ hội cao hơn trong cách dựng xây một thế kỷ  bình yên và hòa hợp. Các em có thể đóng góp đáng kể tâm huyết mình vào việc này. Để kết luận tôi muốn nói một câu là ở khắp mọi nơi, trẻ em và học sinh, sinh viên chú tâm rất nhiều vào giáo dục, phát triển trí óc. Thật là kỳ diệu, rất tốt và điều đó rất là quan trọng. Nhưng đôi khi các em không có mức độ chú tâm tương đương cho sự phát triển của một trái tim ân cần. Do thế xin các em hãy vui lòng trong khi học hành, trong khi phát triển trí não, hãy cùng nghĩ suy về ý thức quan tâm lẫn nhau, về một tấm lòng từ bi. Và đó là điều cần thiết vô song.

Tôi vẫn thường nghĩ người ta có một ấn tượng là từ bi chỉ tốt cho người khác thôi. Thực sự nhận thức như vậy là sai lầm. Hẳn nhiên đó là liên quan đến những gì tôi đã đề cập. Nếu các em muốn có một cơ thể khỏe mạnh,   nhiều bạn hữu, và con người có nhiều nụ cười chân chánh hơn thì từ bi chính là yếu tố chủ chốt. Với lòng từ bi các em giúp đỡ mọi người,  kết  quả  là  sẽ  có  thêm  nhiều  bạn  hữu,  nhiều  nụ  cuời  hơn.  Đây không phải là những người bạn của tiền bạc, người bạn của quyền lực. Đôi khi những người giàu sang hay các lãnh tụ chính trị có thể có nhiều bạn hữu, nhưng vừa ngay khi tiền bạc hay quyền lực mất đi thì bạn hữu cũng không còn thân cận nữa. Đây không phải là những người bạn nhân bản  chân  chính,  mà  chính  là  bạn  của  tiền  tài,  quyền  lực.  Họ  có  những thích thú và nhiều lý do riêng biệt khác khi làm bạn với nhau. Nhưng khi phải đối diện với các vấn đề, những khó khăn hay khi mất đi vận may mắn  mà  vẫn  còn  tình  thân  hữu  thì  đó  chính  là  những  người  bạn  thân thiện,  là  người  bạn  có  được  từ  đức  tính  từ  bi.  Nhìn  chung  đó  chính  là những người bạn chân chính. Để có được bạn hữu như vậy, chính lòng từ bi của các em, chính ý thức quan tâm đến người khác là nền tảng của lòng nhân hậu khẩn thiết.

Rõ ràng nhân hạnh từ bi lập tức mang đến lợi ích cho chính người đang thực hành. Có lợi ích hay không cho người khác là tùy thuộc vào thái độ của họ. Có vài trường hợp xảy ra là đôi khi tôi mĩm cười không vì lý do nào cả, trên đường phố tôi mĩm cười với người qua đường khi họ nhìn vào tôi chỉ vì ý nghĩ người đó cũng là một con người. Nhưng các em có biết không, ở phía đối diện người ta phản ứng rất tiêu cực [cười]. Tôi nghĩ là người đó có thể nghi ngờ, và trong đầu họ ‘Tại sao người này cười với mình ? Lý do nào, có ý định lợi dụng chuyện gì đây ?’ Những loại nghĩ suy như vậy. Vì thế đôi khi hành động từ bi lại mang đến điều tai hại cho  người  kia  [cười].  Song  đối  với  tôi,  đơn  giản  chỉ  là  một  nụ  cười. Không  có  gì  khác.  Cảm  giác  bất  an  hay  cảm  giác  của  người  xa  lạ ?

Không, thực tế cũng chỉ là một con người. Tôi không có ấn tượng nào cả và vẫn mĩm cười, lòng tôi an vui [cười]. Như vậy thực hành hạnh từ bi mang lại lợi ích cho mình, không nhất thiết phải cho người khác [cười].

Hãy suy nghĩ sâu xa hơn về giá trị con người   khi các em đang đi học. Mai  kia  khi  rời  xa  mái  trường,  đi  vào  xã  hội,  vào  đời  sống  hiện  thực, không có gì bảo đảm đó là một sự thành công, không ai có thể giúp các em được chỉ có chính mình giúp lấy mình thôi. Ở đây cũng vậy trí não chắc chắn sẽ giúp được, nhưng chính yếu vẫn là một trái tim rộng lượng ân cần. Một trái tim tha thiết rộng mở kết hợp với một khối óc tài giỏi chắc  chắn  là  một  đảm  bảo  cho  niềm  an  lạc.  Cám  ơn  các  em,  buổi  nói chuyện đến đây chấm dứt. Xin ưu ái dành cho phần thắc mắc.

CÂU HỎI : Xin cho biết ý kiến của Ngài về những vấn đề thời cuộc hiện nay, chẳng hạn như cuộc tranh chấp giữa Do thái và Palestine. Và nếu có quyền lực hoàn toàn, Ngài sẽ giải quyết cuộc chiến này như thế nào ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA : Tôi không biết. Có lẽ, nếu có thực quyền tôi sẽ mời cả hai cộng đồng đến một vùng đất hoan hỉ nào đó, để họ cùng nhau dự một buổi vui chơi ăn uống ngoài trời. Cho họ đi nghĩ mát và làm bạn với nhau. Dần dà với nhiều liên hệ cá nhân, tình bằng hữu sẽ nẩy nở, có thể là sẽ có những cuộc hôn nhân và sanh con cái, rồi thì người ta có thể trở lại với nhau. Không có vấn đề gì hết [cười]. Nhưng các em tin đi sẽ không có ai trên đời này áp dụng phương cách đó đâu.

CÂU HỎI : Vấn đề lớn nhất nhân loại đang phải đối diện là gì và tại sao ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA : Có một vài điểm tôi đã đề cập đến rồi. Những vấn  đề  này,  trong  giới  hạn  của  mình  tôi  cho  đó  là  những  thử  thách. Những vấn đề khác tôi không biết. Tôi đã nói là có tranh chấp tôn giáo, tôn giáo có thể là suối nguồn của xung đột, vậy thì làm sao chúng ta đối phó đây ? Đó là một trong những quan tâm thiết tha, là trách nhiệm nhiệt tình  của  tôi.  Việc  này  đòi  hỏi sự  liên  hệ  với  các  truyền  thống  tôn  giáo khác  nhau  về  lý  thuyết,  cùng  lúc  với  trao  đổi  kinh  nghiệm  tinh  thần  ở mức độ sâu xa hơn. Nghĩa là theo tôi, đó là phương cách quan trọng để thu ngắn dần cảm giác của xa cách. Và rồi từ từ tình anh chị em tinh thần nẩy nở và cùng cộng tác trong công việc. Đừng nghĩ cách làm sao truyền bá ‘đạo của tôi’ mà tốt hơn hết là làm sao đóng góp được từ những gì mình muốn trình bày giảng giải. Tôi luôn đặt nó lên hàng đầu. Ngày trước, thời cổ đại, người ta tự mình cô lập với nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Như vậy cũng tạm ổn, không có vấn đề gì xãy ra vì chẳng ai cố tình truyền đạo. Nhưng ngày nay, thế giới này trở nên nhỏ bé hơn, người ta đã đến gần nhau hơn. Một phía có người cứ cố gắng truyền đạo hay thuyết phục người khác thay đổi tín ngưỡng, và phía bên kia cũng làm tương tự như vậy, sớm hay muộn rồi sẽ có ngày giao chiến xảy ra. Chẳng hay ho tí nào cả. Thế nên theo tôi, trong đời sống thế tục, có tin theo một tôn giáo nào hay không là điều hoàn toàn tùy thuận vào cá nhân. Khi  đã  chấp  nhận  tin  theo  một  tôn  giáo,  hãy  thành  thật,  tinh nghiêm. Tất cả các tôn giáo có cùng năng lực và thiện tính giống nhau. Con người với nhiều phẩm chất bẩm sinh và thiên hướng tinh thần khác nhau, nên chúng ta cần nét muôn màu muôn vẻ của nhiều hệ thống triết lý và truyền thống đa dạng. Theo tôi, phương cách giáo dục và sự tiếp cận cá  biệt  là  phương  án  quan  trọng  ứng  dụng  trong  những  xung  đột  nhân danh tôn giáo.

CÂU HỎI : Quan điểm của chúng con bị nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc, sách vở và vô tuyến truyền hình.  Theo ý  Ngài làm sao cho một người đã bị ảnh hưởng xấu tác ứng thay đổi hành động, tư tưởng về cuộc đời này ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA : Tôi không biết về những chương trình truyền hình. Nhưng về phương diện sách, tôi cho là có nhiều cuốn sách cực xấu cũng như có nhiều cuốn sách tốt vô cùng. Cả hai đều tràn ngập thị trường. Tất cả tùy thuộc vào chính mình. Các em tự mua những cuốn sách giải bày những điều hay, đọc một cách nghiêm chỉnh, có nhiều cuốn sách chỉ phơi bày những gì tiêu cực xin đừng hoang phí tiền bạc. Hay ngay cả khi đọc  chúng,  các  em  cũng  chỉ  nên  đọc  lướt  qua  thôi  [cười].  Điểm  quan trọng là ngẫm suy kỹ hơn về những giá trị nội tâm, về cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc chính là một thế giới khác trong ta. Có rất nhiều loại cảm xúc khác nhau. Triết lý Phật giáo đề cập nhiều đến các loại cảm xúc, tâm thức cùng ý thức, và thật là thích thú khi chúng ta phân biệt được chúng. Cảm xúc nào là lợi ích, cảm xúc nào tai hại, và những nguyên nhân đưa tới các loại cảm xúc khác nhau. Làm sao ta đối phó với chúng. Hãy tư duy nhiều hơn, và dần dà chúng sẽ có ảnh hưởng có tác động trên tâm thức ta.

CÂU  HỎI :  Theo ý  Ngài  cách  tốt  nhất  để  giải  quyết  vấn  đề  phân  biệt chủng tộc tại trường học là gì ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA : Tôi cho là trước tiên phải nhấn mạnh đến sự quan trọng trong tính hợp nhất của nhân loại, đừng để ý nhiều quá tới sự khác biệt. Nếu chúng ta để tâm đến sự khác nhau thì trong một cá nhân, điều đó cũng có. Ngay cả về phương diện cơ thể. Lúc này bụng tôi trống rỗng.  Sau  khi  ăn  trưa  bụng  lại  đầy.  Vậy  thì  về  phương  diện  cơ  thể,  sự khác biệt cũng có đó [cười]. Đôi khi bụng đói nhưng lại thấy nhẹ nhỏm,có thể là ở mức độ nào đó trí óc mình sáng suốt hơn. Tuy nhiên nếu quá đói thì dễ nỗi cáu, rõ ràng cảm xúc cũng có sự khác biệt. Nên tôi cho rằng quan trọng hơn chính là việc nhận thức tinh thục. Có những ngày ta gặp phải nhiều chuyện, chuyện thật sự xảy ra, nhưng sau khi có thêm dữ kiện, rồi lại thêm phân tích dần dà các em sẽ thấy nó hoàn toàn sai dưới điều kiện khác nhau. Các em thấy đó là sự khác biệt quá lớn. Nếu người ta cảm thấy khó khăn để vượt qua xung đột này thì lại chán nản buồn phiền, đôi khi lại đưa đến chuyện tự tử. Sở dĩ nó xảy ra bởi vì những điều kiện đó ảnh hưởng qúa sâu đậm và người ta không biết làm sao để vượt qua tình huống ngặt nghèo để rối rơi vào tình trạng khá bi thương. Xin nhớ điều đó có xảy ra. Trở về lại bây giờ, hiện diện ở đây là những con người với trí thông minh cao, hãy dùng nó và con người có đủ quyền năng để vượt qua tất cả. Nếu có thể, đặt những ý huớng trái ngược sang hai bên, rồi cố gắng tổng hợp và hoà giải chúng. Chúng ta sẽ tìm ra những quan 
điểm, ý kiến mới quân bình hơn. Trường hợp cá nhân là như thế.

Giữa hai người, mười người hay một trăm người thường có sự khác biệt về quan điểm, quan tâm, ý kiến và thường thì không dung hợp. Ngay cả trong cùng một cộng đồng, một liên hệ, một tôn giáo các em cũng sẽ thấy  những  ý  kiến  khác  nhau,  nhưng  có  một  số  yếu  tố  nào  đó  kết  hợp người  ta  lại  với  nhau.  Xa  hơn  nữa,  màu  da  chủng  tộc,  quốc  tịch  tín ngưỡng,  giàu  nghèo  khác  nhau  hiện  hữu  nhưng  cũng  có  cơ  duyên  để mang mọi người lại gần với nhau như một thực thể duy nhất. Một ví dụ, sáu tỉ người trên thế giới hiện nay, tất cả đều là những con người, tất cả chúng ta đều hít thở chung trong bầu khí quyển của trái đất, phải không ? Vậy thì theo tôi nếu chúng ta suy tưởng trên bình diện rộng lớn hơn thì những khác biệt này trở nên thứ yếu, chẳng có gì quan trọng. Nếu nghĩ quá nhiều về những dị biệt, thì bao giờ chúng ta cũng thấy nó quẩn quanh đâu đó và không tìm ra lối thoát.

CÂU HỎI : Đôi khi có những người tàn tật cảm thấy hổ thẹn vì sự khiếm khuyết của mình. Ngài có đề nghị gì về những cảm giác có thể có này không ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA : Tôi cho là nó phụ thuộc vào loại khuyết tật nào. Trong trường hợp tàn tật về cơ thể, mà trí óc vẫn bình thường thì người đó phải tự tin hơn. Cùng lúc đó, tất cả mọi người trong cộng đồng cũng phải đối xử với họ công bằng, đừng coi thường và hãy cho các vị đó cơ hội bình đẳng. Đối với những trường hợp trầm trọng hơn, xã hội phải lo lắng cho họ với tất cả tình thương nhân loại và sự kính trọng. Điều đó rất thiết yếu. Nếu những người đó tỏ ra có sự phát triển, hãy đối xử một cách  công  bình,  hãy  mang  họ  trở  lại  xã  hội  với  tình  thương  thì  cơ  hội phục hồi sẽ tăng tiến nhanh. Nếu chúng ta coi thường thì một năng lực nhỏ cũng không phát triển được, lắm khi lại đi cả sai đường. Nhất là đối với những người chú tâm về đời sống tinh thần, chúng tôi tìm thấy trong kinh điển của Đức Phật có sự nhấn mạnh đặc biệt về thái độ của chúng ta đối với ngưòi khuyết tật, hành giả về từ bi phải chú trọng quan yếu về lãnh vực chỉ định. Những phần khác tôi không biết, xin cho câu hỏi kế tiếp. [cười]

CÂU HỎI : Giáo pháp của Chúa Jesus và của Đức Phật bổ sung và trái ngược nhau như thế nào ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA : Đây là những điểm khác biệt. Điểm khác biệt căn bản là Phật giáo không chấp nhận ý niệm về một đấng sáng tạo như trong cuốn Kinh Cựu Ước đầu tiên miêu tả sự hình thành của thế giới. Một truyền thống cổ đại Ấn Độ khác cũng cho mình chính là đấng sáng tạo của riêng mình. Trong khi Phật giáo, tâm thức của một người chính là đấng sáng tạo tối cao của chính mình. Vậy thì đã có một sự khác biệt lớn lao. Cùng lúc đó, đối với người theo Thiên Chúa giáo, những anh chị em tin theo đạo này, nhất là các thầy dòng và các vị nữ tu, tôi để ý thấy đời sống của họ rất là đơn giản, tương tự như là đời sống của các tu sĩ Phật giáo. Thông điệp về tình thương và từ bi, tha thứ, khoan dung, tri túc, tự buộc mình vào kỹ luật là những thực hành được tất cả cùng áp dụng. Có một  lần,  hơn  ba  mươi  năm  trước,  khi  viếng  thăm  một  ngôi  chùa  cổ  ở Monserat, Tây Ban Nha, tôi gặp một thầy dòng tu theo Thiên Chúa giáo La  Mã.  Vị  này  người  không  to  lớn,  hơi  nhỏ  con,  có  râu  quai  nón,  và người ta nói với tôi là ông đã sống năm năm trong rặng núi sau lưng chùa Monserat với lượng thức ăn rất ít ; không có thức ăn nóng, chỉ có bánh mì và trà thôi. Lúc đó ông ra khỏi nơi ẩn tu, chỉ để gặp tôi. Chúng tôi nói chuyện,  tôi  nghĩ  về  một  trong  những  kinh  nghiệm  cá  nhân,  và  so  sánh trình độ Anh ngữ thì thấy là tiếng Anh của tôi nghe được hơn. Vì vậy tôi lại  càng  can  đảm  nói  nhiều  để  chứng  tỏ  là  ta  đây  giỏi  tiếng  Anh  hơn ! [cười]. Rồi tôi hỏi vị tu sĩ đó, nghe nói ông đã sống năm năm trong núi với lượng thức ăn giới hạn, ông đã làm gì trong đó ?  Câu trả lời là thiền định về từ bi. Khi nghe như vậy tôi cảm thấy, ồ, tuyệt diệu.

Như vậy theo tôi việc trình bày hay giảng giải về từ bi có thể khác nhau, bởi vì triết lý, khái niệm, và phương cách giảng dạy của Phật giáo là  khác  xa  với  kinh  điển  Thiên  Chúa  giáo.  Nhưng  trên  thực  tế,  tình thương và từ bi được áp dụng giống nhau. Tôi cho là ý thức về quan tâm chăm sóc mọi người là không khác. Chúng ta đều có cùng chung phương cách thực hành, nói chung thế nào rồi cũng sẽ đạt được kết quả tương tự. Chúng ta biết có rất nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo đã hiến trọn đời mình vì lợi ích cho người khác. Rồi cũng có những người hành xử không đúng đắn. Trong số Phật tử cũng có những người như vậy thôi. Tôi cho là họ giống  nhau.  Nhưng  điểm  cốt  tuỷ  là  có  nhiều  phương  cách  thực  hành chung, những sự tương đồng và đôi khi cũng có đặc thù trong từng mỗi truyền thống. Trong trường hợp đó chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau.

Thực chất theo tôi biết, có những người theo Thiên Chúa giáo và một số người anh em tinh thần theo Thiên Chúa giáo áp dụng kỹ thuật của Phật giáo, chẳng hạn như sự chú tâm về một điểm, nhất tâm, Định. Họ cũng hành Bồ tát hạnh như Ngài Tịch Thiên (Shantideva) viết. Vài người anh em này cũng đọc cuốn sách quan trọng và nỗi tiếng của vị thầy Phật giáo Ấn độ. Họ đã ứng dụng, tìm hiểu thêm những lời giảng giải và cơ nguyên của kinh văn Phật giáo đó. Một số tín đồ Thiên Chúa giáo lại bày tỏ thích thú tìm hiểu về ý niệm ‘tánh không’ của Phật giáo. Khi đuợc hỏi về tánh không, tôi thường trả lời là điều đó không liên hệ đến bạn bởi vì ý niệm chủ yếu của bạn là đấng sáng tạo. Đấng sáng tạo là tuyệt đối. Vì thế với ý niệm đó, rất khó khăn để hiểu được về ý niệm ‘tánh không’. Tôi thường trả lời như vậy ngay cả khi họ tỏ ra quan tâm. Những tu sĩ, những người anh chị em Thiên Chúa giáo với truyền thống lâu đời đóng góp vào xã hội trong lãnh vực giáo dục và y tế. Thật là hết sức kỳ diệu. Các tu sĩ Phật giáo, không phải chỉ Tây tạng mà ngay cả Thái lan và Tích lan, khuynh hướng nhập thế theo truyền thống cũng rất yếu kém.

CÂU HỎI : Theo ý Ngài tương lai gần nhất cho Tây tạng là gì và các em học sinh ở Tân tây lan có thể làm được gì để đóng góp vào nền độc lập cho Tây tạng ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA : Vấn đề Tây tạng. Nói ngắn gọn, Tây tạng là quốc gia với một lịch sử dài lâu kèm theo di sản văn hóa đặc thù. Từ khi Phật giáo du nhập vào, văn hoá Tây tạng thật sự đã tăng phần phong phú. Hôm nay đây các em có thể thấy đó là một nền văn hóa tế nhị, đặt căn bản trên lòng từ bi của con người. Bản chất cơ bản tự nhiên của nền văn hoá đó là hòa bình. Đất nưóc tôi với một di sản văn hoá như thế, một môi trường sinh thái mỹ miều đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn và với một tình trạng nghiêm trọng. Thực sự đôi khi tôi phải nói quốc gia cổ đại có di sản văn hóa đặc thù đó đang đi dần vào cõi chết.

Nếu các em nhìn ở góc cạnh địa phương, mọi sự thực là vô vọng, hầu  hết  không  có  hy  vọng  gì.  Càng  ngày  càng  có  nhiều  người  anh  em Trung hoa đến, và cả phương cách sinh sống của người Tây tạng cũng bị thay đổi. Họ đã gây nhiều hư hại cho lãnh vực môi sinh. Thật là nghiêm trọng.  Nhưng  nếu  các  em  nhìn  xa  hơn,  từ  khi  Tây  tạng  có  vấn  đề  tôi thường  nói  đùa  với  mọi  người  là  vấn  nạn  Tây  tạng  không  phải  vì  nội chiến,  không  giống  như  Đại  hàn,  Việt  nam  hay  Đông  Đức  –  Tây  Đức, không phải kiểu đó và cũng chẳng phải là một thiên tai.

Nhưng  chủ  yếu  là  do  bởi  vị  khách  mới  đến  không  có  giấy  mời chính thức [cười]. Từ từ những vị khách đó kiểm soát mọi sự liên quan tới cách sinh sống và lối suy nghĩ của người Tây tạng. Then chốt là ở chổ này. Vi phạm nhân quyền là một triệu chứng. Người Trung hoa sống tại địa phương rất nhạy cảm nên khi bất cứ người dân Tây tạng nào bày tỏ một chút phẩn uất thì lập tức bị bắt giữ và giam cầm trong nhà tù hay đôi khi  còn  bị  tra  tấn  nữa.  Nói  cho  cùng,  đất  nước  Tây  tạng  liên  hệ  tới  tự chính thể Trung cộng.

Bây  giờ  chúng  ta  hãy  nhìn  vào  Trung  cộng,  Cộng  hòa  nhân  dân Trung hoa, đang trong tiến trình thay chuyển. Hiện nay chúng ta thấy rất nhiều người Trung hoa từ lục địa sinh sống khắp nơi trên thế giới. Bốn mươi năm trước, ba mươi năm trước, hầu như chẳng có ai, ngoại trừ một số nhân viên chính phủ. Sư liên hệ của Trung cộng với thế giới bên ngoài tiến  triển  hằng  tháng  cũng  như  theo  nhiều  cách  khác  nhau.  Họ  đã  có Internet, một phương cách mới để tiếp cận các dữ kiện thông tin. Mặc dầu có sự kiểm duyệt của chính phủ, nhưng kỹ thuật mới này đã thâm nhập. Chính  lẽ  đó  Trung  cộng  không  có  cách  nào  khác  hơn  là  tham  gia  vào khuynh hướng của toàn cầu. Đó là dân chủ, là nguyên tắc pháp trị, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, có một xã hội cỡi mở, tự do truyền thông, tất cả biểu hiện khuynh hướng toàn cầu. Cho nên Trung cộng phải chuyển đổi, phải cùng đi với những điều này. Vì thế một khi Trung cộng trở nên quen thuộc với nguyên tắc pháp trị,  với  đường  hướng  mở  rộng  hơn,  thì  vấn  đề  của  chúng  tôi  được  giải quyết. Tôi không đòi hỏi độc lập, nhiều người đã biết điều đó. Tôi chỉ tìm kiếm một sự tự trị chân chính bởi vì người Tây tạng có di sản văn hoá đặc thù  của  riêng  mình  và  có  một  môi  trường  sinh  sống  quan  trọng.  Một trường  hợp  khó  xử  cho  một  môi  trường  tế  nhị,  thế  nên  chúng  tôi  cần những luật lệ do chính người Tây tạng điều hành vì chỉ có người dân tôi mới biết đời sống tinh thần Tây tạng. Ngoại trừ vấn đề ngoại giao và quốc phòng liên hệ tới phần còn lại của thế giới, các công vụ phải do người Tây tạng điều hành hay quyền lực phải ở trong tay người dân tôi. Bây giờ tôi  đang  cố  gắng  giải  quyết  sự  kiện  này  bằng  cách  đối  thoại  với  chính quyền Trung cộng. Tôi xem mình là phát ngôn nhân vô vụ lợi cho người Tây tạng. Bởi vì người Tây tạng đã tin tưởng hay đặt nhiều hy vọng nơi tôi nên tôi có bổn phận và trách nhiệm đạo đức để phục vụ dân tôi. Tôi không suy nghĩ hay quan tâm đến việc bảo vệ ngôi vị của Đạt Lai Lạt Ma hay tương lai của cá nhân mình. Tôi không có gì, không có gì phải cầu xin chính phủ Trung cộng cả. 
 
Thế nên giờ đây đối với các em học sinh – tôi thành thật nói lời biết ơn đến sự quan tâm đó.   Trước hết, các em có thể nói về Văn hóa Tây tạng, về những vấn đề Tây tạng mà tôi đã đề cập – về triết lý, di sản văn hóa đặc thù và về môi sinh nữa – như thế vấn đề Tây tạng không chỉ là quan tâm của sáu triệu người dân mà là của cả cộng đồng lớn hơn trong một phần thế giới, vậy thì phương diện giáo dục so ra khá cần yếu. Tôi cũng cho rằng mỗi khi các em gặp một học sinh người Hoa hãy thảo luận với họ và nói cho họ nghe thực chất văn hóa Tây tạng và tình trạng Tây tạng hiện thời. Tôi nghĩ đó là điều chính yếu. Chúng tôi cũng có những cảm tình viên với người Tây tạng ở đây đang hoạt động rất hữu hiệu. Xin vui lòng liên lạc với họ và trợ giúp. Đó là cách các em hổ trợ chúng tôi. Xin cám ơn các em. ‘Khi khối óc đi kèm với một trái tim ân cần rộng mở thì tất cả năng lực ta làm là hữu ích và có giá trị tích cực’

Chuyển dịch Mai Tuyết Ánh