La bố lâm ca

La bố lâm ca

La Bố Lâm Ca là một tòa cung điện với vườn cây rất lớn, thuộc vùng ngoại ô phía tây của Lhasa và cách cung Potala khoảng 3km.

Theo tiếng Tây Tạng “lingka” có nghĩa là viên lâm (vườn cây). Người Tạng từ xưa cho đến nay, từ tăng cho đến tục ai ai cũng đều có sở thích đặc biệt đối với thiên nhiên cả. Do đó nếu có gia đình người Tạng nào dư giả một chút thì họ sẽ không mua xe hay sắm một dụng cụ nào tối tân hơn như người Âu Mỹ mà điều trước tiên hết là họ sẽ mua thêm một phần đất để làm vườn cây. Đại ý là người Tạng rất quý vườn cây hoặc công viên, nên có thể nói tên gọi Norbulingka này là từ đó mà ra vậy. La Bố Lâm Ca là tên phiên âm bằng tiếng Hán của cung điện này, nhưng người Tàu cũng dịch và gọi là “Bảo Bối viên lâm” hoặc là “Trân Bảo viên”. Nếu Potala được gọi là cung điện mùa đông thì Norbulingka này chính là cung điện mùa hè. Vì cung điện này được ngài Đạt-lai Lạt-ma đời thứ 7 của Tây Tạng xây vào năm 1751, hoàn thành năm 1755 và sau đó đã trở thành nơi cư ngụ từ tháng 4 đến tháng 9 của các vị Đạt-lai Lạt-ma kế tiếp cho đến năm 1950 thì bị Cộng Hòa Trung Hoa chiếm cứ.

Toàn khu La Bố Lâm Ca có khoảng 360.000m2 và được chia ra thành ba khu gọi là: khu tiền cung, khu cung lầu và khu tùng lâm. Diện tích khu tùng lâm chiếm đến phân nửa còn cung lầu thì tổng cộng có 374 gian. Hiện nay tại vùng cao nguyên Thanh Hải Tây Tạng, cung điện này là nơi có khu tùng lâm vĩ đại nhất. Về nghệ thuật trồng trọt và kiến trúc, cung điện tuy có phần vay mượn cách thức của người Trung Hoa nhưng vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng của tôn giáo Tây Tạng. Trong lịch sử, cung điện này chưa hề có những thay đổi nào đáng kể ngoài việc trùng tu. Đối với người Tạng mà đặc biệt là những người lưu vong, cung này có giá trị văn hóa cao gắn liền với cung Potala nên vào năm 1988 họ đã xây một tự viện cũng đặt tên là Norbulingka tại Ấn Độ. Còn theo hội UNESCO thì La Bố Lâm Ca là một phần mở rộng ra của cung Potala nên đã đưa vào danh sách di sản cần được bảo tồn của thế giới vào năm 1994, cùng lúc với Potala.