Trùng Khánh

Trùng Khánh

Trùng Khánh (重庆 – Chongqing) là một thành phố tự trị (municipality) và hiện đại thứ tư của Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân. Tuy nhiên với con số 31,4 triệu người sống trên 82.400 cây số vuông, Trùng Khánh lại có dân số nhiều và diện tích rộng hơn cả 3 thành phố tự trị nêu trên.

Các dân tộc chính sống tại Trùng Khánh là:

* Hán,

* Tây Tạng,

* Miêu,

* và Thổ Gia.

Về mặt địa lý, Trùng Khánh nằm giáp ranh ngay giữa miền đông của Tứ Xuyên, và nằm trên một dãy đồi gồm có Đại Ba sơn (ở phía bắc), Vu sơn (ở phía đông), Võ Lăng sơn (ở phía đông nam) và Đại Lâu sơn (ở phía nam). Do vì là nơi có nhiều núi nhiều sương, nên Trùng Khánh còn có biệt danh là Sơn Thành và Vụ Đô. Thêm vào, Trùng Khánh cũng có một tên gọi cũ nữa là Du Thủy vì cả thành phố ấy có tổng cộng hơn 80 con sông lớn nhỏ chảy qua. Gia Lăng giang và Trường giang là hai giòng sông chính rồi chẻ nhánh có thêm Ô giang, Kỳ giang, Đại Ninh giang, Phù giang v.v… Một trong những danh lam thắng cảnh đi cùng với lịch sử hơn 3000 năm của Trùng Khánh là Trường giang. Giòng sông này dài 6397km và vốn bắt nguồn từ Tây Tạng, nhưng từ nơi hợp lưu của hai giòng sông Gia Lăng và Dương Tử tại Bạch Đế Thành ở Trùng Khánh giòng sông đã chảy tiếp qua nhiều khe núi sang đến Nghi Xương của tỉnh Hồ Bắc và tạo nên Trường giang tam hiệp, gồm: Cù Đường hiệp, Vu hiệp và Tây Lăng hiệp rất đẹp và nổi tiếng. (Những đoạn sông nằm giữa hai vách núi dựng đứng được gọi là “hiệp”.) Từ xưa những cảnh thiên nhiên kỳ vĩ vô song này của Trường giang đã là nguồn cảm hứng cho các thi hào của Trung Quốc. Thánh Thi Đỗ Phủ khi tới Cù Đường hiệp đã viết:

“Cù Đường hiệp khẩu Khúc giang đầu,

Vạn lý phong yên tiếp tố thu”

(“Bên đầu sông Khúc, cửa Cù Đường

Vạn dặm khói sương man mác thu”)

Còn Tiên Thi Lý Bạch thì viết:

“Mộ vũ hướng Tam hiệp,

xuân giang nhiễu song lưu”

(“Mưa chiều giăng Tam hiệp,

sông xuân đôi giòng trôi”)

Và:

“Đào hoa phi lục thủy

tam nguyệt hạ Cù Đường”

(Đào hoa bay, nước biếc

tháng ba nhuộm Cù Đường)

Trường giang ngoài là thắng cảnh đẹp còn là con sông nhân chứng của các cuộc chiến trong lịch sử Trung Quốc từ thời Tam Quốc xa xưa cho đến thời cận đại này, từ trận Xích Bích của Chu Du vào đầu Công Nguyên cho đến sự suy nhược và bị Nhật chiếm cứ để phải dời đô về Trùng Khánh. Tóm lược, giòng sông rộng mênh mông, hai bờ xa vời vợi này đã từng là giòng sông hiểm yếu của nước Thục, cả Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi đều chết trên bờ sông này cách đây 19 thế kỷ trước. Rồi ở một địa danh Quỳ Châu xưa của Trùng Khánh, Khổng Minh đã từng xếp đá lập Bát trận đồ để bắt Lục Tốn v.v…Sau bao nhiêu thăng trầm chiến loạn như thế, thành phố này đã bị đổi tên nhiều lần qua các triều đại khác nhau như từ Giang Châu (Ba Quốc, thế kỷ 11 trước CN), Ích Châu (Ngụy Tấn), Sở Châu (Nhà Tần, năm 314 trước CN), Du Châu (nhà Tùy và Đường, năm 581- 902), rồi đến Cung Châu (Bắc Tống), và cuối cùng vào Công Nguyên năm 1189 đời Nam Tống, nhân vì hoàng tử Triệu Đôn trong vòng một tháng vừa được phong Vương và vừa được lên ngôi vua tại đây nên mới đặt thành phố này tên là Trùng Khánh (nôm na nghĩa là “lại ăn mừng”) cho đến bây giờ. Ngày nay, thành phố được phồn thịnh nhờ những con sông này có rất nhiều tòa nhà hành chánh và trung tâm mua bán to lớn được xây dựng lên, trên các nhánh sông đều đã có cầu bắc ngang và nhiều thuyền lớn qua lại. Song người vượt sông Dương Tử nổi tiếng nhất chính là Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma, Ngài đã qua sông bằng một nhánh cỏ lau rồi đi sang Nam Tân Quan để đến Thiếu Lâm ở Tung sơn. Do đó giòng sông này cũng có ẩn hiện vết tích của Phật giáo và hơn thế nữa không chỉ sông Dương Tử thôi mà còn vô số những nơi khác nữa. Nếu ta đi dọc theo hạ nguồn của Dương Tử đến Nam Kinh rồi lên Cửu Hoa ta sẽ thấy cả một vùng thánh tích đầy ý nghĩa để chiêm bái.

Quan Châu