Hòa Thượng Luật Sư Minh Thông Khai Thị Về Pháp Môn Tịnh Độ
HOÀ THƯỢNG LUẬT SƯ MINH THÔNG KHAI THỊ VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
Kính thỉnh đại chúng cùng nhẫn chịu đọc..
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trước đây, Thầy cũng nói nhiều lần rồi, khi Thầy bước vô Huệ Nghiêm này học từ Sơ cấp cho đến Trung cấp, mà Trung cấp thì học giáo nghĩa mười tông, nghĩa là giáo lý đức Phật dạy, mà sau này ngài Trí Giả chia ra thành mười tông, ví dụ như: Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông, Luật tông, Hoa nghiêm tông, Pháp hoa tông… Chia ra như vậy thì mỗi một tông, mỗi một phái đều có nhân tu và sở chứng riêng. Đối với Nhị thừa, đoạn hết kiến hoặc và đoạn tư hoặc, thì chứng quả A-la-hán. Thầy học từng phần, từng phần như vậy, vì tất cả giáo nghĩa đức Phật dạy, đều tùy theo căn cơ của chúng sanh mà có tám muôn bốn ngàn pháp môn.
Thầy được học hết mười Tông, rồi so sánh các tông thấy Tông nào cũng nói: “Chừng nào phiền não diệt hết, mới ra khỏi ba cõi, ví như ngó sen, khi ta bẻ đôi thấy còn cái tơ thì đường tu chưa đến được Phật quả”. Thầy nhận thấy những Tông khác (ngoài tông Tịnh Độ) coi như rất khó thực hành trong đời này để dứt sanh tử; vì phiền não còn đầy dẫy đó, mà tu đến chừng còn như tơ sen vẫn chưa ra khỏi sinh tử, chưa đạt cứu cánh giải thoát. Khi thầy học tới pháp môn Tịnh Độ, đức Phật dạy là “đới nghiệp vãng sanh”, nghĩa là mang cái nghiệp của mình về cõi Cực Lạc rồi nhờ tha lực, nguyện lực của đức Phật A-di-đà gia hộ mà tu tiếp. Thầy thấy pháp môn này phù hợp với căn cơ của mình, có thể tu được, nên Thầy chọn. Thầy nghĩ như vậy, rồi bắt đầu tu theo pháp môn Tịnh Độ từ đó.
Nhưng điều quan trọng là môn Tịnh Độ xưa nay nói là dễ, mà rốt cuộc thì mình thực hành lại không đi tới đâu hết. Vì sao? Là do chính mình khó tin là mình được vãng sanh, lúc nào cũng ngờ, lúc nào cũng nghi. Tại sao vậy? Bởi vì, khi Thầy đọc kinh A-di-đà tới chỗ: ‘Nhất tâm bất loạn’, như đoạn: “Nhược nhất nhật, nhược nhị nhật… nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn, kỳ nhân lâm mạng chung thời”. ‘Nhất tâm bất loạn’ mới được vãng sanh, Thầy thấy Phật nói khó quá! Nên nhiều lúc, mình xưng là tu Tịnh Độ, một ngày niệm mấy trăm xâu chuỗi, hoặc là mấy muôn câu Phật hiệu, nhưng rồi làm cho có lệ vậy thôi, đến khúc cuối thì “nguyện sanh Tây phương Tịnh Độ trung…”. Pháp môn Tịnh Độ như vậy chưa phải.
Cuốn Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo, cho thấy ý của ngài Thiện Đạo nói về Tịnh Độ, về phương pháp, cách thức niệm Phật để bảo đảm việc vãng sanh, Ngài đã đưa ra phương pháp rất dễ thực hành, không phải cầu kỳ như xưa nay mình nói. Thậm chí, bữa trước Thầy cũng nói rất nhiều lần về Hòa Thượng Vạn Đức, cả một đời niệm Phật của Hòa Thượng cho tới 30 tháng Chạp năm đó (2013), trên này vô đảnh lễ Hòa thượng (tháng 02 năm sau, tức 28/02/Giáp Ngọ-2014, Hòa Thượng viên tịch), thì thầy mới thưa:
– Hòa thượng niệm Phật được nhất tâm chưa? Hòa thượng niệm Phật từ hồi mười mấy tuổi, lập ra Cực Lạc Liên hữu…
Hòa thượng trả lời:
– Tôi niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, nhưng Tôi được cái Chấp trì. Nghĩa là: Tôi đang nói chuyện với mấy huynh đệ, thì miệng nào là niệm, miệng nào là nói chuyện, tâm nào để mà nhớ? Nhưng mà vừa ngưng nói chuyện, thì câu “Nam mô A-di-đà Phật” nó trào ra, tức là khi vừa dứt nói chuyện thì câu niệm Phật xuất hiện liền.
Còn chúng ta, khi nói chuyện thì không niệm Phật, mà ngưng nói chuyện cũng không niệm Phật, có nhớ đâu mà niệm. Vì chúng ta cái máy tắt rồi, còn đối với Hòa thượng thì cái máy nó vẫn chạy, đang chạy; còn mình ngưng nói rồi cũng không niệm, mà ngồi lâu nhớ lại mới bắt đầu đề lên. Niệm như Hòa thượng vậy mà mới được gọi là “chấp trì”, vẫn chưa được gọi là “Nhất tâm”! Thật khó quá!
“Nhất tâm” hiểu theo nghĩa thông thường là điều rất khó có được, nhưng ở đây, ngài Thiện Đạo giải thích từ “nhất tâm” rất đơn giản, và quan trọng nhất là Ngài đưa ra cái “chuyên tu” và “tạp tu”. Chuyên tu là lạy lạy Phật Di-đà, niệm Phật Di-đà không niệm Phật khác. Còn mình dù niệm Phật Di-đà, nhưng khi có bệnh thì niệm một chuỗi chú Dược Sư, cầu cho bình an thì niệm Quán Âm,… mình cái nào cũng thấy thiếu hết. Vì sao? Vì mình chưa đủ niềm tin. Rồi niệm Phật, thấy vẫn chưa đủ, phải tụng thêm bộ Pháp Hoa, làm những việc phước thiện như đi bố thí, đi từ thiện, làm đủ thứ việc… để hồi hướng cầu vãng sanh, mà cái đó gọi là tạp tu. Còn chuyên tu, hay tinh tu là chỉ xưng niệm một danh hiệu đức Phật A-di-đà mà thôi. Tại mình thiếu niềm tin vào câu Phật hiệu A-di-đà, mới thêm các thứ khác, rồi tự cho mình không đủ tư cách để được vãng sanh.
Mấy người vãng sanh được cái này, được cái kia, hoặc giả là học phải giỏi, biết phải nhiều, công phu phải miên mật; còn mình thấy đủ thứ việc hết, thì làm sao mà được vãng sanh. Nên khi Thầy đọc cuốn sách Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo này, Thầy thấy niềm tin của mình chưa đủ, chưa thật thà, chưa chắc chắn vào pháp môn mình đang hành trì. Ở trong này, ngài Thiện Đạo nói: “Niệm Phật là của mình, có vọng tưởng hay không vọng tưởng không thành vấn đề”, mà ai niệm Phật cũng còn vọng tưởng, chớ có ai không có vọng tưởng đâu. Một thời mình niệm Phật, dù niệm có một tiếng đồng hồ thôi, nhưng miệng thì niệm Phật, còn tâm thì duyên theo cảnh chạy đi đâu mất. Chỗ dễ ở đây mà Thầy muốn nói là: một lòng chỉ niệm một danh hiệu Phật Di-đà thôi, không cần phải niệm thêm danh hiệu Phật khác. Đó chính là “chuyên”, đó chính là “Nhất tâm”. Nhưng đặt được niềm tin rất là khó, đó là niềm tin chắc chắn mình được vãng sanh, và đức Phật A-Di Đà chắc chắn rước mình chứ Ngài không nói dối.
Trong Đại nguyện thứ 18, tiền thân của đức Phật A Di Đà khi còn là Tỳ-kheo Pháp Tạng, Ngài có nói: “Nếu Tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương chí tâm tin ưa, niệm danh hiệu Tôi từ một niệm cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh thì Tôi không thành Chánh giác”, mà nay đức A Di Đà đã thành Chánh giác rồi, thì lời Nguyện đó là chắc thật. Nói mười phương chúng sanh là nói hết, dù đó là người làm thiện, người tạo ác, thậm chí là kẻ phạm tội ngũ nghịch, nếu biết niệm Phật và tin ưa sự cứu độ của Phật A Di Đà cũng được Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn. Mười phương chúng sanh đầy đủ và có mình trong đó, vì mình là một chúng sanh trong mười phương chúng sanh có đủ thứ nghiệp lực.
Bây giờ mình tự hào là mình không có công đức gì hết, suốt cả cuộc đời Thầy, đến nay đã 74 tuổi rồi, 74 năm sống trên đời này, nói bao nhiêu năm tu hành trì giới, song giới mình giữ cũng không trọn. 250 giới, từ giới lớn, đến giới nhỏ, nhất là giới Ba-dật-đề, giới Đột-kiết-la… rồi vẫn phiền não, vẫn sai quấy, việc này việc kia, thấy mình lúc nào cũng đầy tội lỗi như vậy; nhưng mà có cái pháp môn đặc biệt là đức Phật Di-đà không bỏ ai, Ngài không chê một người nào là tội hay không tội. Đức Phật nói: “Niệm, ghi nhớ, tin ưa, muốn sanh về nước Tôi thì Tôi liền chứng nhận cho”, chứ Ngài đâu có nói chỉ rước những người thiện, còn người ác không rước.
Xưa nay mình niệm Phật mà cứ mơ mơ màng màng, không chắc mình có vãng sanh hay không, nghi rằng: mình tu như vầy không biết đức Phật A Di Đà có đến rước mình hay không?… Do đó, khi đọc cuốn sách này, Thầy rất chịu “Tư tưởng Tịnh Độ của ngài Thiện Đạo”, Ngài nói chúng sinh, tức chúng ta, đang lặn hụp ở trong biển khổ, chết chìm nơi biển sinh tử luân hồi; chìm đắm mãi trong đó, song có một vị chứng đạo đến đó vớt, người ta bỏ dây, bỏ thang xuống, mình chỉ cần nắm vào dây là người ta kéo lên tàu, mà giờ mình không chịu nắm thì người ta biết làm sao… sợi dây chính là câu “Nam mô A Di Đà Phật”, nắm sợi dây chính là chúng ta niệm câu “Nam mô A Di Đà Phật”, không nắm dây, đó là tại mình chứ đâu tại ai khác. Đức Phật A Di Đà luôn sẵn sàng cứu vớt chúng ta.
Giờ này, quan trọng chúng ta phải đặt niềm tin, mà là tin thiệt mới được à! Bình thường người ta hay nói mấy bà già trầu, nhưng mà mấy bà niệm Phật được vãng sanh, còn mình thì khó vãng sanh. Vì sao? Do mình học nhiều pháp môn, so sánh cái này, phân tích cái kia, chớ mấy bà cứ niệm Phật thôi, nên được Phật rước, vì họ tin một trăm phần trăm, còn mình thì ưa so sánh, chê cái này, bỏ cái kia…
Với lại, xưa nay mình hiểu sai ở chỗ “Nhất tâm bất loạn”, mình nghĩ là phải niệm làm sao mà gió nó không lọt, mưa nó không dột, thành khối, thành phiến như vậy mới được. Tu như vậy, niệm như vậy làm sao chúng ta làm được, chắc chắn đời này chúng ta không thể làm được, ngay như Hòa thượng Vạn Đức tu cả đời như vậy mà Ngài còn nói vẫn chưa được “nhất tâm bất loạn” nữa là. Nhưng “nhất tâm bất loạn” ở đây là chuyên niệm một danh hiệu đức Phật A Di Đà, ngài Thiện Đạo nói: dù sống 100 năm, cho đến 10 năm, rồi một tháng, mười ngày, mười niệm cho đến một niệm; có nghĩa là mình tin và gặp được pháp môn này từ lúc mới sanh ra cho đến bây giờ là 100 năm mình vẫn tin không thay đổi, hoặc giả mình 80 tuổi mới gặp pháp môn này, hoặc giả cuối cùng hấp hối mới gặp, niệm được một câu …. Đó là “nhất tâm”. “Nhất tâm” là chỉ niệm Phật Di-đà, tin mà niệm chứ không phải nhất tâm bất loạn cách này cách khác. Nói như vậy mọi người cũng ỷ y dễ quá, niệm Phật có 10 tiếng cũng được, trong khi cả đời làm ác, giờ niệm có 10 tiếng cũng được vãng sanh, cũng được Phật A Di Đà rước, rồi đợi gần tới đó mình mới niệm. Không phải vậy. Mà ngay từ giờ phút này gặp được pháp môn Tịnh Độ, mình tin, mình niệm cho tới ngày cuối cùng, cho tới niệm cuối cùng.
Cho nên, Đại chúng niệm Phật làm sao cho có niềm vui, nghe câu Di Đà thấy rất là thích, chứ không phải ráng niệm, rồi ngồi coi đồng hồ mong nó hết giờ. Đại chúng nhớ, không phải mình ráng niệm cho được bao nhiêu xâu, không phải như bà nọ đang niệm Phật, con đi làm về nấu cơm, dọn cơm lên kêu bà ăn, bà nói “chờ tao niệm Phật cho xong đã”. Niệm Phật như vậy chưa trúng.
Từ khi sanh ra, hay từ ngày gặp được pháp môn Tịnh Độ, tin nhận cho đến hơi thở cuối cùng, cho nên nói từ 100 năm cho đến cuối cùng 10 năm, mười ngày, mười niệm, đến một niệm. Dầu người trước khi hấp hối, mà xưa nay chưa tin niệm Phật, giờ gặp được thiện tri thức khuyên họ tin ưa, họ tin và niệm chừng một câu, tắt thở cũng được kết quả, chứ không phải là nhất tâm bất loạn mới được kết quả. Một niệm mà có niềm tin như vậy thì Phật Di-đà cũng rước. Cho nên, mình cầm chắc những gì trong tay mà đức Phật dạy. Bên Thiền cũng vậy, họ thấy sức họ tu được, và có kết quả, đạt được chứng ngộ “minh tâm kiến tánh”, thì họ mới cố gắng để tu. Người nông dân làm lúa, thấy có kết quả mới cày sâu cuốc bẫm. Mình cũng vậy, nắm chắc trong tay, nắm chắc có cửa vào, nắm chắc có phần mình trong đó nên mới tu.
Thầy đi dạy Luật, chứ có giữ Luật được đâu, nhiều giới Thầy đâu có làm nổi. Nên Đại chúng nhớ, lúc nào mình cũng là người phạm giới, tội lỗi. Đời này chỉ có Đức Di-đà mới cứu nổi mình thôi. Thầy thấy Thầy là người tội lỗi chứ không có gì cao quý cả, cũng ham ăn, cũng ham mặc, cũng sân si. Giới luật thì dạy vậy, chứ chúng ta đâu có giữ được, giữ đâu có trọn! Điều đó nói lên để mình biết mình dở, nên ráng chọn cái gì nó hợp với mình, nó vừa với mình, cái đó là quan trọng. Chứ đừng bao giờ nghĩ Thầy là người ngon lành, không có đâu.
Nói như vậy để mình lo về đường tu của mình, một đời này phải vãng sanh, ra khỏi sanh tử, không như vậy thì uổng lắm, khổ lắm!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Luật Viện Huệ Nghiêm, ngày 05/01/2019.
(Bản do Sư cô Viên Thông đánh máy từ file ghi âm, trong giờ học Luật, do Hòa thượng Giới sư Thích Minh Thông giảng dạy)
Bài Cùng Thể Loại
- SỰ KỲ DIỆU CỦA SỰ LỄ LẬY
- 7 CÁCH BỐ THÍ KHÔNG TỐN MỘT ĐỒNG NHƯNG MANG LẠI PHƯỚC ĐỨC CẢ ĐỜI
- KHÔNG CÓ KẺ CHIẾN BẠI
- Ấn Quang Đại Sư dạy 10 điều cung kính khi đọc sách
- Tha Thứ
- ĐỨNG NÚI NÀY TRÔNG NÚI NỌ
- Người mẹ già đang khóc, hãy cho bà ấy thêm một chút hiếu thảo..
- Một Thanh Niên Nhìn Thấy Người Thầy…
- Lời Khên Chê
- Mỗi Ngày Một Chút