Giác Hoàng phạm vũ

Giác Hoàng phạm vũ

Lê Quang Thái

Vào tháng hai năm Kỷ Hợi (1839), vua Minh Mạng sai dựng chùa Giác Hoàng tại nơi ở của mình lúc còn là hoàng tử. Sơ đồ kiến trúc ban đầu là một đồ án lớn. Chùa lấy Ngự Bình làm tiền án, toạ lạc trong hoàng thành, cách cửa Đông Nam (Thượng Tứ) khoảng 100 mét. Mặt tiền quay về phía Đông Nam (kiêm Đông) – tức hướng toạ Càn hướng Tốn. Khuôn viên chùa xưa là mặt bằng Tam Toà ngày nay, mà di chỉ độc nhất còn lại là cái giếng cổ.

Theo dự hoạch, kiến trúc ban đầu của chùa gồm 6 hạng mục: điện Đại Hùng, điện Đại Bửu, nhà bên tả, nhà bên hữu, hai nhà Tăng, giếng cổ được sửa chữa và xây thêm đình che lợp ngói, rồi dựng bia bên cạnh. Triều đình chọn lựa 500 biền binh để làm.

Sách Đại Nam nhất thống chí, xuất bản trước năm 1875, đã miêu tả một cách cụ thể về ngôi chùa vua trên đất vua như sau:

Ở phường Đoan Hà [sic!-Đoan Hòa] trong kinh thành, phía trước là điện Đại Hùng, phía sau là điện Đại Bửu, phía tả là thiền đường, phía hữu là tĩnh trai. Tương truyền địa điểm này là tiềm để của Thánh Tổ Nhân hoàng đế. Sau khi lên ngôi, vua ngự cung Thanh hòa, bèn cho Thiệu Hoá Quận vương Chẩn làm công phủ; năm Minh Mạng thứ 20 đổi cho con Thiệu Hoá Quận vương là Thiệu Khuê ở chỗ khác để lấy chỗ này xây dựng chùa. Bên cạnh chùa có giếng, gọi là Thanh Phương, có bia đá ghi dấu. Năm Thiệu Trị thứ 3, tập thơ Thánh chế vịnh 20 cảnh thần kinh, có một đầu đề “Giác Hoàng Phạn ngữ” khắc vào bia và dựng ở phía đông cửa chùa” (1).

Thiệu Hoá Quận vương Chẩn chính là hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn, con thứ 8 của vua Gia Long. Ông sinh năm 1803, mất ngày 05 tháng 9 năm Giáp Thân (26.10.1824), được vua Minh Mạng truy tặng tước Thiệu Hoá Quận vương. Thật ra, năm 1815, khi hoàng tử Đảm được phong Thái tử thì hoàng tử Chẩn được anh ruột cùng mẹ với mình nhường công phủ làm nơi cư trú. Hiện nay, chưa thấy có tài liệu nào nói về việc làm chùa tốn kém bao nhiêu và thi công trong thời gian bao lâu. Sách Đại Nam thực lục đã ghi lại lời tâu của Bộ Lễ vào tháng giêng năm Canh Tý (1840), nhân việc vua Minh Mạng ra Dụ cho đổi tên miếu Hội Đồng ở các địa phương trong nước thành miếu Thành hoàng và chấn chỉnh lại cách thờ phượng tại các làng xã trong nước:

“Vua nói năm nay gặp khánh tiết ngũ tuần của trẫm, thần và người đều vui, thần kỳ trong cả nước đều ban cho tế một tuần…”

Vua sai các địa phương từ Quảng Bình trở vào Nam hỏi kỹ trong hạt, có nhà sư nào đắc đạo, thông hiểu đạo giáo thì tỉnh cấp cho đến Kinh, kịp tuần tháng tư tụng kinh ở chùa Giác Hoàng 21 ngày đêm, ở Thuỷ Đàn 7 ngày đêm, ở quán Linh Hựu 7 ngày đêm. Rồi thì sư ở các chùa tỉnh Quảng Trị xin tập họp ở chùa Tĩnh Quang [cũng đọc Tịnh Quang] tụng kinh chúc hỗ 3 ngày đêm. Tỉnh thần đề đạt lên. Vua nói: “Khánh tiết năm nay, thần dân đều vui mừng, việc tụng kinh có điều gì mà không nên, hà tất phải tâu xin làm gì”(2) .

Tư liệu này đã gợi mở cho người đọc suy gẫm: tại sao lại tụng kinh 21 ngày đêm tại Quốc tự Giác hoàng, 7 ngày đêm ở Thuỷ Đàn (trước bến nước chùa Thiên Mụ), 7 ngày đêm tại quán Linh Hựu trong tháng tư âm lịch?

Vua Minh Mạng sinh ngày 23 tháng tư năm Tân Hợi (25.5.1791) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định. Năm 1840, triều đình và hoàng gia tổ chức lễ Khánh tiết ngũ tuần, còn gọi là Ngũ tuần đại khánh, tức lễ Vạn thọ mừng vua 50 tuổi. Trong ngày này, hết thảy thần dân trong nước đều vui mừng. Đồng thời, đền đáp ơn Phật, Khâm thiên giám đã chọn ngày Ngũ tuần đại khánh của vua để làm lễ khánh thành Giác Hoàng quốc tự. Chọn dịp tốt để làm lễ khánh thành ngôi Phạm vũ hướng ra mặt tiền kinh thành thì quả thật có ý nghĩa thiêng liêng. Bởi vào thời điểm ấy, việc chấn chỉnh lại cách thờ phượng ở các làng xã đang được nhân dân ủng hộ. Thứ đến là để chuẩn bị đón mừng ngày lịch sử trọng đại của nước Đại Nam: lễ Quốc khánh vào ngày 2 tháng 5 âm lịch. Như vậy, sau 14 tháng khởi công, trước ngày sinh nhật của vua Minh Mạng và ngày quốc khánh đương thời thì ngôi Phạm vũ Giác Hoàng được hoàn thành viên mãn.

Thiền sư Nhất Định (1784-1847), họ Nguyễn, người thôn Trung Kiên, tổng An Đôn, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Ngài tinh thông Tam giáo, được vua Minh Mạng cung cử giữ chức Tăng cang đầu tiên của hai ngôi quốc tự danh tiếng Linh Hựu và Giác hoàng.

Ngoài ra, để dễ dàng nhận rõ diện mạo cảnh quang và vai trò hộ quốc an dân của ngôi Phạm vũ này, cần căn cứ thêm vào tranh mộc bản Đệ thập thất cảnh Giác Hoàng Phạn ngữ (3) và nội dung bia đá có khắc nguyên bài thơ ấy được dựng ở nhà bia bên hữu. Phần chính của bài minh là Ngự chế thi, được chia làm hai phần: văn và thơ.

Phần văn cũng là cổ phong, gồm 7 hàng, viết theo thể biền ngẫu. Lời mở đầu là danh hiệu chùa – “Giác Hoàng Tự”. Đoạn còn lại tạo thành 3 liên, mỗi liên gồm 2 câu, ghi lời tán dương công đức và ý nghĩa của việc lập chùa trên dấu xưa – Đô thành dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Phần này đọc lên nghe như lời tán trong nghi lễ thiền môn, tiêu biểu là hai câu cuối:

“Khai Tam thừa nhi giác ngộ quần sinh,
Văn Tứ đế nhi hoá thông vạn loại”.
(Mở Ba thừa để thức tỉnh quần sinh
Nghe Bốn đế mà hoá thông vạn loại)

Phần thơ là bài Đường luật bát cú thất ngôn, biến vần “ung”thành vần “ong” hoặc “ông”, để tả tiếng tụng kinh ở chùa Giác hoàng:

Phước địa trang nghiêm khởi pháp cung,
Chung tường thắng tích đối khung long
Viên linh bửu tướng quang minh ngoại,
Diệu đế kim cương tưởng tượng trung.
Chứng giác vô ngôn tâm tức Phật,
Chỉ quan nhập định sắc nhi không.
Từ nhân phổ bác quần sinh toại,
Trí tuệ hoằng thâm vạn loại thông.

Nghĩa là:

Đất phước trang nghiêm mở cửa thiền,
Điềm lành chung đúc cõi trần riêng.
Rạng ngời tướng tốt thường chiêm ngưỡng,
Mầu nhiệm kinh vàng ý tưởng chuyên.
Tâm, Phật miễn bàn người đắc đạo,
Sắc, Không đừng nghĩ lý đương nhiên.
Thương yêu rưới khắp sinh linh khổ,
Sáng suốt vô cùng tận vô biên.
(Trần Đình Sơn dịch)

Văn thơ của vua Thiệu Trị vừa là thơ, vừa là nhạc, vừa là tranh họa, vừa là nghi lễ. Người thưởng thức còn như ngửi được hơi văn, giọng thơ truyền cảm sâu lắng, hòa cùng tiếng chuông, tiếng mõ giải thoát.

Thần thái của Giác Hoàng Phạm vũ là thế. Tuy bia đá và nhà bia của chùa nay không còn nữa, nhưng Ngự chế thi của vua Thiệu Trị và tranh mộc bản liên quan là những di chỉ văn hoá quý giá hiện vẫn còn được bảo lưu trong thư viện quốc gia và ngoài dân gian.

Sách Đại Nam thực lục chính biên không gọi những ngôi nhà lớn nhỏ trong các quốc tự là “toà”, mà gọi là “sở”. Các điện thờ, lầu Hộ Pháp, nhà Tăng, nhà bia, tam quan đều được gọi chung là “sở” theo thuật ngữ quen thuộc mà Bộ Công thường dùng.

Bản tâu của Bộ Lễ đề ngày 19 tháng 6 năm Giáp Tuất (1874) chép trong Châu bản triều Nguyễn, đã ghi lại việc Bộ Công kiểm tra chùa Giác Hoàng và lên dự án tu bổ:

Hai ngày trước tiếp phủ thần Nguyễn Hanh tư nói có phái khám 8 sở chùa Giác Hoàng (Đại Hùng điện, Đại Bửu điện, nhà Tăng bên trái, nhà tăng bên phải, Hộ Pháp lâu, nhà giếng, lầu cửa tam quan, nhà bia).”; và “… Chùa Giác Hoàng nên mướn 150 phu, 15 thợ làm trong 1 tháng 15 ngày, chiếu lệ cấp 680 quan tiền (mỗi phu ngày 1 bách, thợ 1 bách 20 văn) gạo 220 vuông (phu ngày mỗi bách, thợ mỗi bách 20 văn)…”

“… Các hạng chi [cho] chùa Giác hoàng: ngói miếng 12.700 miếng, âm dương 6.000 miếng, vôi ốc 12.000 cân, mật mía 240 cân, gạch 300 viên, 2.050 đinh sắt đủ loại”.(4)

Bản tâu này phải qua 8 chữ ký của các quan có ngôi thứ cao thấp ở Bộ Công, Nội các, Khoa đạo và Trực thần. Quy trình làm việc rất chặt chẽ và cách tính toán của Bộ Công cũng rất chi li.

Ngoài ra, các sử thần cũng không bỏ quên những hiện tượng bất thường do thời tiết như sấm sét, gió lốc, mưa bão làm hư hại. Tiêu biểu là vào giờ Thân ngày 19 tháng tư năm Tự Đức 20 (1868), dưới thời Tăng cang Bùi Tín Tại (5), sét đánh đổ đòn dông bên tả cửa điện Đại Bửu khiến cho đầu rồng và vôi gạch bể rơi vào chánh điện, nơi thờ Tam thế. Còn khám gỗ ở phía sau bị hòanh chấn bệ toét ra làm cho đổ vỡ, nhưng tượng Phật có phủ khăn đội đầu và khám gỗ thì vẫn y nguyên. Được tin báo, Bộ Công liền cắt cử thợ đến sửa chữa (6).

Ở đây, thiết tưởng chúng ta cũng cần biết thêm về mối quan hệ của Giác Hoàng Phạm vũ và các quốc tự khác với triều đình như thế nào.

Trước hết là chức Tăng cang và Trú trì. Tăng cang không chỉ là sắc bằng hoặc văn bằng kèm theo giới đao, độ điệp, mà còn là danh hiệu do vua cấp cho các thiền sư giữ chức Tăng cang hoặc Trú trì tại các quốc tự Linh Hựu, Giác hoàng, Diệu Đế và Thiên Mụ. Các quốc tự khác chỉ có Trú trì mà không có Tăng cang.(7)

Hằng ngày các vị Tăng cang bận rộn với công việc tiếp khách là hoàng thân quốc thích, sứ thần các nước, các quan Bộ Lễ…, nhất là vào những dịp có tổ chức các quốc lễ, các đại trai đàn cầu quốc thái dân an, trai đàn bạt độ chiến sĩ trận vong. Ngoài ra các tăng cang còn được Bộ lễ mời dự họp để bổ khuyết Tăng cang, Trú trì khi có nhu cầu. Điển hình như ngày 16 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842): Bộ Lễ đã cung thỉnh Trú trì chùa Thiên Mụ cùng chư sơn môn các chùa quan đến họp để tìm một vị sư có đủ tiêu chuẩn về đạo hạnh, trí tuệ và tài năng, có thể đảm đang trọng trách tại quốc tự. Qua nhiều lần bàn thảo, khi đã thống nhất ý kiến thì một tờ trình được soạn thảo và sau đó lập thành bản tấu tâu lên vua. Cuối cùng, Thiền sư Tâm Đoan được tín nhiệm giữ chức Tăng cang chùa Giác hoàng, thay thế Đại sư Nhất Định, xin nghỉ vì bệnh.

Một việc khác đơn giản hơn, như chuyện đồ dùng, chén bát, muốn được cấp phát mới cũng phải thông qua Hội đồng do Bộ Lễ giám định. Nhưng cũng có khi không đề nghị cấp mà chùa lại được nhận thêm. Cụ thể: vào ngày mồng 6 tháng 12 năm Tự Đức 32 (1879), Tăng cang chùa Thánh Duyên, Long Quang là Phan Thuỵ Uyển và Nguyễn Đức Nhuận bẩm thưa việc hai chùa này từ trước đến nay chưa được ban cấp khí mảnh, nên Bộ Lễ đã tra cứu sổ đăng kí đồ dùng đã cấp cho các chùa quan, thì thấy rằng chùa Linh Mụ đã được cấp nồi đồng loại 1, 2, 3, 7 tuổi mỗi thứ 1 cái; 1 cái liễn (xanh) đồng 3 tuổi, 300 cái chén, 5 cái ché đất. Riêng chùa Giác Hoàng được cấp: nồi đồng loại 2, 3, 5 tuổi, mỗi thứ 1 cái; 1 cái liễn đồng loại 2 tuổi; 1 chảo đồng lớn; 1 chảo đồng vừa và 5 ché đất.

Sau khi các quan Bộ Lễ kiểm kê lại sổ sách thì thấy chùa Giác Hoàng chưa được cấp chén bát giống như chùa Linh Mụ. Tuy không đề nghị cấp thêm nhưng Giác Hoàng lại được châu phê nhận thêm 50 chén bầu; 200 chén thường dùng. Việc gìn giữ của công cũng được buộc rất chặt chẽ: giao trú trì và người bá hộ lãnh giữ, nếu thiếu mất thì phải đền bù (8).

Mỗi chùa quan lại gắn kết với một vị vua lúc còn sống cũng như sau khi đã băng hà. Hằng năm, Giác Hoàng Phạm vũ, ngoài việc tổ chức long trọng các ngày lễ, ngày vía Phật, chùa còn được Bộ Lễ giao đảm trách chuyên biện các ngày lễ chúc thọ và huý kỵ có liên quan đến cung vua, phủ chúa:

* Ngày 13 tháng 9 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841): Quan Nội các Lâm Duy Nghĩa phụng Dụ sai phái cắt cử luân phiên hành lễ tại đại trai đàn một tuần truy tiến Thánh Tổ Nhân hoàng đế (vua Minh Mạng) trong tháng 10. Và vua truyền sắc chỉ:

– Phái Hùng Nhuệ doanh là Vũ Khuê tử Tôn Thất Bật (9), Tả Tham tri Bộ Lễ là Phan Bá Đạt chỉ đạo công việc cần bao nhiêu binh thợ, vật liệu, chuẩn cho nha môn ấy tùy nghi ứng xử để công việc được hoàn thành tốt đẹp.

– Vào ngày khai đàn, truyền Tôn Nhơn phủ chọn các hoàng thân, tôn thất cùng với hoàng gia luân phiên hành lễ cho thêm phần long trọng.
Đặc biệt, văn sớ dùng để đọc tại các đại trai đàn này đều do viện Hàn Lâm soạn. Đọc đoạn lời trích sau, ta mới thấy được sự cẩn trọng trong việc thảo văn sớ cũng như thể hiện sự am hiểu tư tưởng Tam giáo của các quan xuất thân khoa mục ngày xưa:

“… Dưới toà sen vàng, cung thỉnh Hộ Pháp Long Thiên, phong đô tiết chúng. Phục nguyện: bảo hộ mình rồng hằng lành tốt. Thường nguyện: tuổi tiên trường thọ biển vô cùng. Gia quyến hết thảy nhờ trời hộ giúp. Vui thay thừa thuận, phước thọ khương ninh, bách tánh cùng chung hưởng thái bình. Lại nguyện: Từ bi khắp độ, phò hộ rộng sâu. Tất cả chúng sinh đều được hằng sa phước đức. Bốn châu Tịnh độ, trời Cực lạc khắp che. Nghĩa nhờ ơn tế độ từ bi, đều được sức phò trì của Phật”. (10)

* Ngày 19 tháng 11 năm Kiến Phúc nguyên niên (1884), Bộ Lễ tâu:

Theo lệ hằng năm gặp lễ Vạn thọ, các chùa quan đều có khai kinh chúc thọ một ngọ và nếu là ngày của Hiếu Ân điện thì hiến cúng tại chùa Giác hoàng, ngày của Long An điện thì hiến cúng ở chùa Diệu Đế, ngày của hòa Khiêm điện thì cúng ở chùa Bửu Sơn [còn đọc là Bảo Sơn], tiền cúng lễ đều do quan cấp (chùa Thiên Mụ thờ 41 án, hằng năm lễ vạn thọ được cấp 40 quan tiền, chùa Diệu Đế 46 án được cấp 32 quan 9 bách; Giác hoàng, Linh Hựu, Thánh Duyên, 8, 9 án hoặc 20 án được cấp đồng đều 20 quan; Long Quang, Từ Ân, Bửu Sơn đều 10 án được cấp 15 quan) do sư chùa ấy làm đơn nhận lãnh, Thị vệ xứ áp nhận hợp với Bộ xét phát. Đến ngày, thuộc viên của ty Thần hộ và Thị vệ xứ chia nhau đến kiểm, Tôn Nhân phủ phái quan Tôn Thất đến hành lễ tại án“. (11)

Trích đoạn vừa dẫn cho thấy, vì lòng hiếu nghĩa, dẫu cho đất nước gặp buổi khó khăn thù trong giặc ngoài vào cuối niên hiệu Tự Đức, nhất là thảm cảnh “tứ nguyệt tam vương“, triều đình vẫn tổ chức lễ Vạn thọ và ngày giỗ cho các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, giữ đúng thông lệ đã làm tại 3 chùa quan Giác hoàng, Diệu Đế và Bửu Sơn (tức chùa Kim Sơn ở làng Lựu Bảo hiện nay).

Căn cứ bản tâu của Bộ Lễ, ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức 36 (1883) thì chùa Bửu Sơn đã được trùng tu vào năm Tự Đức 32 và được xếp vào hàng quốc tự: “Hằng năm gặp đản nhật, xin cho chùa này cũng được chiếu lệ lãnh 15 quan, sắm sửa hiến cúng”.

Như vậy, đến năm Kỷ Mão, Tự Đức 32 (1879) thì tại Kinh sư có đến 8 quốc tự: Linh Hựu, Giác hoàng, Diệu Đế, Linh Mụ, Long Quang (tức chùa Vinh Hòa ở gần chùa Từ Ân hiện nay), Thánh Duyên, Từ Ân và Bửu Sơn.

Bản tâu của Bộ Lễ còn bổ sung nhiều tình tiết lý thú khác:

“Năm mới sắp đến, mồng 2 tháng giêng, ngày của Chấp Khiêm điện, xét ra chùa Từ Ân được trùng tu năm Tự Đức thứ 32 và đã liệt vào chùa quan. Vậy riêng xin chiếu lệ lãnh 15 quan tiền để sắm lễ cúng. Ngày 17 tháng 6, gặp lễ Vạn thọ xin tuân theo lệ cử hành ở hai chùa Linh Mụ, Diệu Đế; ngoài ra về các khoản chùa quan, gặp lễ Vạn thọ có lễ khai kinh chúc thọ xin đình miễn để bớt phiền phức…”.(12)

Như thế, quốc tự Giác Hoàng toạ lạc uy nghi tráng lệ ở trong kinh thành Phú Xuân, đã gắn kết thiêng liêng với Đô thành thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và các vua Nguyễn.

Các hoàng tử Miên Trinh, Miên Thẩm lúc trưởng thành đã được vua Minh Mạng cho lập phủ ở phường Liêm Năng, phía sau lưng chùa Giác Hoàng vào năm 1839. Năm 1847, Tuy Lý Vương ra lập phủ riêng ở phường Tĩnh Phố (nay là phường Vỹ Dạ). Trước năm ấy, Tùng Thiện Vương ra lập Tiêu Viên ở cạnh dòng sông Lợi Nông – An Cựu, để rước mẹ về an dưỡng. Nhà thơ Ưng Bình (1877-1962), cháu gọi vua Minh Mạng bằng cố nội, nhân chứng một thời thấy được cảnh uy nghi của chùa Giác hoàng, năm 1952 đã tìm về chốn cũ mà nhớ lại dấu xưa:

“Đến sở Tam Toà thăm bạn mới,
Qua đường Lục Bộ nhớ quan xưa”.
(Dạo chơi trong kinh thành Phú Xuân)

Sự đời vô thường, sau đêm trắng lịch sử 22 rạng ngày 23 năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế biến động, quân giặc của tướng võ biền De Courcy đã chiếm cứ hai ngôi quốc tự Linh Hựu và Giác Hoàng để làm trại lính. Nước mất nhà tan, mỗi cảnh chùa phải gánh chịu một vẻ tang thương:

“Một mảnh vườn, một trời đêm,
Tiếc thay nhựa sống nỡ đem chôn vùi
”.
(Nhất Như)

Tập Kinh sư của bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, xuất bản năm 1910 dưới triều vua Duy Tân, đã dựa vào bản gốc và bổ sung thêm hai chi tiết:

– Niên hiệu Thành Thái triệt chùa, lấy chỗ làm viện Cơ Mật cũng có tên là viện Hội Nghị.

– Phàm việc quốc cơ vụ thuộc về quan yếu, cẩn mật thì đều do nơi viện này… Năm Thành Thái thứ 11 (1899) lại dời làm ở chùa Giác hoàng. Quy thức: một tòa chính 3 gian 2 chái có khắc 3 chữ “Cơ Mật viện“… Hai dãy nhà tả hữu đều 15 gian 2 chái.

… Toà chính làm chỗ cho quan Tây và quan Nam hội thương chính sự, hai dãy nhà tả hữu làm chỗ cho các quan Hội biện cùng nhau làm việc”.(13)

Cơ Mật viện đã bị biến chất. Tại đây có quan Tây, quan Nam luận bàn về chính sự, không phải việc quân cơ. Bảng tên viện được khắc bằng ba chữ quốc ngữ theo mẫu tự mới Latin A, B, C. Cả người viết lẫn người dịch tưởng như đã thấy rõ bản chất cho nên mới lột tả bằng cách đặt dấu nháy nháy (“…”) và đóng khung ba chữ ấy lại.

Thế thì viện Hội Nghị có từ năm nào? Dụ ra ngày 15 tháng 8 năm 1898, cho phép mỗi Bộ được đặt một viên chức cao cấp người Pháp để làm việc, gọi là Hội biện hay Hội lý. Mọi quyết định của Bộ phải được viên quan này thoả thuận rồi mới chuyển sang Toà Khâm, sau đó trình lên nhà vua ban Dụ thi hành. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer gây sức ép, buộc vua Thành Thái bãi bỏ Hội đồng phụ chính, và phải nhận rằng trong các phiên họp của viện Cơ Mật mà không có vua dự thì Khâm sứ ở Trung Kỳ giữ vai trò chủ toạ.

Giác Hoàng Phạm vũ bị giặc Pháp chiếm dụng, về sau được trao trả lại thì cảnh chùa lúc này đã trở nên tiêu điều, tàn tạ. Tăng chúng trở về chùa cũ và đại hồng chung của chùa được chuyển giao sở Vụ khố cất giữ. Ngày 20 tháng 8 năm Giáp Ngọ, (1894) tức Thành Thái thứ 6, Thị vệ xứ truyền ý chỉ của đức bà Từ Dũ, giao chuông chùa Giác Hoàng cho Quốc tự Từ Ân. Nhưng không hiểu vì sao qua hơn 10 ngày sau lại có châu phê bắt đình lại. Đại hồng chung vẫn tiếp tục nằm im lìm trong Võ khố cho đến năm 1945 rồi không biết sau này lạc về phương trời nào? Còn 3 tượng Phật Tam Thế và các pháp khí khác thì được thỉnh về thờ và tôn trí tại chùa Diệu Đế. Dưới thời vua Bảo Đại, 3 pho tượng Phật này được Thượng thư Nguyễn Đình Hoè (1866-1944) xin thỉnh lên thờ ở chùa Vạn Phước. Về sau, toà nhà bên phải (nơi tiếp giáp đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay) được sử dụng làm viện Bảo tàng Kinh Tế. Ba toà nhà với ba chức năng khác nhau nằm chung trong một khuôn viên bên cạnh Quốc Tử Giám với diện tích 29.069 mét vuông đã được xây thành bao quanh từ năm 1908. Tam Toà này hoàn toàn khác biệt với Tam Pháp ty ở Công Chính đường, một toà nhà ba gian hai chái, được dựng vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Hai mặt tả hữu và đằng sau đều xây tường và phía trước có bảng khắc 3 chữ Hán “Công Chính đường” nằm ở góc Đông Nam kinh thành, phía Bắc đài Nam Xương và mặt tiền cũng quay về hướng này. Đây là cơ quan dành cho dân ở trong nước đến đánh trống “Đăng Văn” để kêu oan. Tại đây, quan Bộ Hình ngồi giữa, bên tả là quan Đô Sát viện, bên hữu là Đại Lý tự. Vào thời bấy giờ, dân gian cũng gọi dinh thự này là Tam Toà:

“Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch,
Non xanh nước biếc điện ngọc đền rồng.
Tháp chín tầng, Thánh miếu, Chùa Ông,
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Toà”.

Điều Ngự Giác Hoàng hay Giác Hoàng Điều Ngự là danh từ dùng để tôn xưng đức Phật. Để ví tiếng tụng kinh ở chùa Giác Hoàng như pháp âm được phát ra từ kim khẩu của đức Phật, vua Thiệu Trị đã cảm tác bài thơ “Giác Hoàng Phạn ngữ”. Trong nhận thức ấy, Giác Hoàng Phạm vũ, một trong nhiều ngôi chùa được vua Minh Mạng dựng nên để thực hiện tâm nguyện loại trừ các tín ngưỡng tà giáo:

Nếu để Tây dương đắc chí, ngũ Kinh không khỏi lửa Tần,
Bằng cho giặc Pháp hòanh hành, lục tặc bám đeo cửa Khổng
”.

Tiến sĩ Tống Duy Tân, thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Thanh Hoá đã viết như thế trong một bài phú để kêu gọi nhân dân chống giặc ngoại xâm. Việc chọn tên mới Tống Duy Tân để cải đổi tên đường Quốc Tử Giám chạy ngang trước khuôn viên chùa Giác Hoàng cũ thật có ý nghĩa biết bao!

Tháng 6 năm 1842, Tùng Thiện Vương (1819-1870) nhân lần hộ giá vua Thiệu Trị ra thăm cảnh đẹp Hồ Tây, ông đã cảm đề bài thơ “Lên lầu Trấn Vũ” nổi tiếng qua một câu tuyệt bút: “Ngũ đại kim môn bán dĩ đồi” (Năm đời của quý đã đổ tuôn). Sỏi đá, vôi vữa, gạch ngói còn biết nói lên tiếng lòng thổn thức, huống nữa là nhân chứng của một thời, nhiều đời đã chứng kiến cảnh bể dâu đưa tiễn cổ kim.

Vẫn biết, Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan, nhưng những người chưa đạt đến sự yên tĩnh của tâm hồn như Thầy Chu Văn An, ngày nay khi đi qua Tam Toà mới, đố ai còn giữ được lòng mình yên bình như giếng cổ. Bởi vì nơi ấy, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức, tiếng vọng của Pháp âm – Giác Hoàng Phạn ngữ, vẫn còn hiện hữu mãi cho đến ngàn sau.

L.Q.T

————————————————-

1. Quốc Sử quán, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hoá-1992, tr.81-82
2. Quốc Sử quán, Đại Nam thực lục, tập 5, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2004; tr.464&643
3. Phạn và Phạm là hai cách đọc của chữ 梵
4. Lý Kim Hoa sưu khảo & biên dịch, Châu Bản Triều Nguyễn, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2003; tr.432
5. Quốc Sử Quán chỉ ghi thế danh mà không ghi pháp hiệu
6. Lý Kim Hoa sưu khảo & biên dịch, Châu Bản Triều Nguyễn, Sđd, tr.301
7. Sách Ô Châu lận lục cho biết, kể từ thời Hậu Lê, các quốc tự còn được gọi là chùa công (công tự) hay chùa quan (quan tự).
8. Lý Kim Hoa, Sđd; tr.529
9. Tôn Thất Bật được phong tước Tử, một trong 5 tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Doanh là một đơn vị bảo vệ kinh đô cấp Lữ đoàn
10. Lý Kim Hoa, Sđd; tr.113-114
11. Lý Kim Hoa, Sđd; tr.567
12. Lý Kim Hoa, Sđd, tr.567
13. Quốc Sử Quán, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập Kinh Sư, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hoá Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1960; tr.87&69,70