Tên gọi chùa Từ Ân xưa nay

Tên gọi chùa Từ Ân xưa nay

Lê Quang Thái

Hướng về Nam, ở tỉnh Phú Yên, quê hương của Tổ Sư Liễu Quán có chùa Từ Quang, Từ Ân; tại Gia Định thành có chùa Từ Ân và đặc biệt ở cố đô Huế có chùa trùng hợp với tên gọi các danh lam cổ tự thân thương ấy. Từ một thảo am dưới thời Hồng Đức (1470 – 1497), chùa thôn Xuân Hòa trở thành chùa làng Hà Khê, chùa công và quốc tự trải qua 9 đời vua Nguyễn và đã đi vào khúc quanh ngặt ngoèo của lịch sử,

rồi cuối cùng theo lối châu về hợp phố trở lại thành ngôi cổ tự soi bóng bên bờ Bắc sông Hương một cách tự tại và thanh thoát như trãi qua một giấc chiêm bao.

Chùa Từ Ân tọa lạc tại vị thế thoáng rộng theo địa chỉ số 108 đường Nguyễn Phúc Nguyên, cách đồi Thiên Mụ chẳng bao xa. Lúc sinh thời, cố Đại Lão Hòa thượng Thích Trí Thủ cử mỗi lần lên thăm chùa Linh Mụ, đều dừng chân ghé thăm chùa Từ Ân và ngỏ lời tán thán công đức của Đức Bà Từ Dũ, thế danh Phạm Thị Hằng Nga. Vì kiêng tránh tên húy nên quốc sử bỏ bớt chữ cuối cùng của phương danh ấy.

Đức Bà là bậc mẫu nghi, một Phật tử trung kiên để lại tấm gương sáng phụng đạo giúp đời cho con cháu nội ngoại giòng tộc Phạm Đăng ở đất Gò Công, Nam Kỳ đã có duyên lành chọn đất Phú Xuân làm quê hương thứ hai trong đời người. Có một quan hệ tình thâm về huyết thống và đạo thống giữa chùa Từ Ân Huế với các đền thờ Đức Quốc Công (thờ bên ngoại vua Tự Đức) và Diên Phước công chúa (thờ chị ruột vua Tự Đức) và Nam Châu Hội quán, nơi qui tụ những người Nam bộ lập thân, lập nghiệp ở đất Thuận Hóa từ bao đời nay.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập thượng ở trang 85, ấn hành năm 1961 tại Sài Gòn đã ghi rõ về cội nguồn của chùa Từ Ân như sau:“Chùa Thiên Ấn ở xã Xuân Hòa, không rõ làm đời nào. Đầu niên hiệu Tự Đức, Chương Hoàng hậu quyên tiền trùng tu”(1).

Thiên Ấn Tự là tiền thân của chùa Từ Ân Huế ngày nay. Năm Nhâm Tuất, 1862 do vua Tự Đức kiêng tránh chữ “Thiên” cho hợp lẽ trời đất, nhà vua đã cho cải đổi tên chùa theo cách gọi hiện nay để “cầu tự”, có con trai nối dõi ngôi báu. Chương Hoàng hậu vừa là phẩm tước vừa là danh hiệu gọi tắt của Đức Bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị. Chùa Từ Ân được đại trùng tu vào đầu niên hiệu Tự Đức đầu năm Mậu Thân, 1848.

Về sự tích chùa lấy tên Thiên Ấn là do chùa được xây theo hướng Đông Nam, lấy đồi Long Thọ làm tiền án, sông Hương làm minh đường; nói cách khác là tọa Càn hướng Tốn. Long Thọ là cổng trời, dưới thời vua Minh Mạng có dựng đình Bát giác. Từ độ cao ấy, có thể nhìn rõ kinh thành Huế:

Từ chùa Thiên Mụ đằng xa
Bên kia bến nước vẫn là chốn thân
Tiếng từng dằng dặc lâng lâng
Phá tan làn khói bay lần ra khơi” (2)
(Dạ Bạc Nguyệt Biều – Tùng Thiện Vương)

Đứng ở bờ Bắc nhìn về Nam cách ly bởi dòng Hương, đồi Long Thọ trông khác nào một quả ấn lớn do trời đất ban tặng. Vì vậy mà ngôi chùa thôn, chùa làng Xuân Hòa có tên là Thiên Ấn.

Vào cuối thế kỷ 15, ấp Xuân Hòa dưới thời Lê Thánh Tông đã trở thành thôn của xã Hà Khê, là tiền thân của làng văn hóa Xuân Hòa ngày nay. Làng này có ngôi chùa cổ tự Từ Ân đã nghiễm nhiên đi vào quốc sử bằng những dấu ấn lung linh gắn liền với những biến cố éo le và nghiệt ngã của lịch sử dân tộc, vào giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Tên gọi Từ Ân có nhiều nghĩa khó quên. Ngoài ý nghĩa thậm thâm vi diệu của thuật ngữ Phật học này, tên chùa còn biểu hiện vẻ thanh thoát, xuất phát từ căn nguyên của hai câu thơ ca ngợi cảnh đẹp vườn Thường Mậu, vườn ngự uyển liên quan đến sự tích của việc cày ruộng Tịch Điền (ở phường Tây Lộc), cảnh đẹp thứ 8 trong 20 thắng tích của đất Thần kinh. Vua Thiệu Trị đa tài, nhà vua là nhà thơ nổi tiếng đương thời vừa là nhà thiết kế đô thị tài ba, đã từng quán chiếu về chuyện thực tồn, để sáng tạo hai câu kết của bài “Thường Mậu quan canh” như sau:

ẤU TRI GIÁ SẮC GIAN NAN SỰ
HUẤN DỊCH TỪ ÂN PHÚC ĐẢO TỀ
(3)

Tạm dịch:

Ấu thơ một thuở trông cày cấy
Thấm đẫm TỪ ÂN rạng núi sông

Trong quá khứ, có một sự kiện trọng đại liên quan đến chùa làng Xuân Hòa mà tiền thân với tên gọi Hà Khê mang tính cách vừa sử thi, vừa văn hiến, vừa tâm linh của cuộc đất dựng chùa.

Sách Đại Nam Thực Lục, Tập một do Viện Sử học dịch, ấn hành năm 2004, ở trang 561 đã ghi rõ: “Quý Hợi, năm Gia Long thứ 2 [1803] mùa hạ, tháng 5: Lập đàn ở CHÙA HÀ KHÊ để tế tướng sĩ trận vong”(4).

Chùa Hà Khê có phải là chùa Thiên Mụ như nhiều nhà biên khảo về lịch sử chùa Huế đã diễn giải không? Thiết nghĩ đó mới là điều cần suy xét để định vị cho hợp lẽ, hợp lý, hợp tình với văn cảnh cùng nghĩa lý và thực tiễn đời sống, sinh họat xã hội cách đây 206 năm tại miền đất thiêng liêng và trữ tình Hà Khê ở cố đô Huế.

Ở miền Hà Khê thời bấy giờ có ba ngôi chùa: 1. Quốc tự Thiên Mụ, 2. Chùa công Long Quang (nguyên được chúa Duệ Tông trùng tu năm 1770), 3. Chùa Hà Khê. Thực trạng hai chùa lớn Thiên Mụ và Long Quang đã bị hư hại nặng nề trong cơn binh lửa. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Kinh Sư ở các trang 88,89 và 90 cho biết cả hai ngôi chùa lớn Thiên Mụ và Long Quang đều bị tàn phá nặng nề.

Bùi Huy Bích (1744 – 1818) đã từng chứng kiến cảnh điêu tàn, ngổn ngang của chùa Thiên Mụ với hai chi tiết tiêu biểu và đắt giá:

NGUYỄN GIA THẤT THẾ BÀI CÔNG TẠI
TĂNG XÁ THIÊN GIAN NGÕA BÁN LINH
(5)

Tạm dịch:

Bài vị bảy đời Nguyễn Chúa trơ ra đó,
Tăng xá ngàn gian Già Lam tan nát rồi

Người đương thời với họ Bùi, Tiến sĩ Phan Huy Ích thấy cảnh tang thương của chùa chiền ở chốn sơn Khê mà quặn thắt đau:

Mùa Đông năm Bính Thìn [1796], tôi [Phan Huy Ích] vâng mệnh đi công cán ở Phú Xuân, từng vãng cảnh thăm chùa [Thiên Mụ]. Trước đây, quan quân triệt bỏ các đền chùa cũ, mùa xuân đem chiếc khánh quỉ vào trong điện, nền chùa còn lại thì san bằng đi để đắp đàn [tế thần đất]”(6).

Ranh giới hành chính làng xã thời ấy có thay đổi. Quốc sử thời nhà Nguyễn cho biết chùa Thiên Mụ ở gò núi làng An Ninh, còn hai chùa Long Quang và Thiên Ấn đều ở làng Xuân Hòa. Chùa Thiên Ấn là hậu thân của chùa làng Hà Khê; năm 1803 chùa Hà Khê (chùa làng lấy tên theo địa danh làng xã cũ). Trong những năm chiến tranh ác liệt, Tăng chúng chủ nhân hai chùa Thiên Mụ và Long Quang buộc lòng phải ly tán. Đất nước đại định, ba năm sau, niên hiệu Gia Long thứ 3, 1804 tình cảnh hai chùa công mới bước đầu ổn định sau khi vua Gia Long tôn phong Thiền sư Tổ Ấn – Mật Hoằng, thế danh Nguyễn Mật Hoằng (1735 – 1835), ở chùa Đại Giác ở trấn Biên Hòa làm Tăng Cang quốc tự Thiên Mụ(7).

Vậy thì việc các sử thần Nhà Nguyễn chép “LẬP ĐÀN Ở CHÙA HÀ KHÊ” là có dụng tâm dụng ý chỉ tỏ chùa làng Hà Khê là tiền thân của chùa Thiên Ấn. Và tên gọi Thiên Ấn phải có từ sau năm Quý Hợi 1803 mới phải lẽ.

Long vị Tổ ở chùa Từ Ân đã khắc ghi: “LÂM TẾ TAM THẬP THẤT ĐẠI LINH HỰU TRÚ TRÌ TRÙNG HƯNG THIÊN ẤN TỰ HÚY TIÊN AN TỰ KHÁNH TƯỜNG ĐẠI SƯ GIÁC LINH NGHÊ TỌA”.

Quán Linh Hựu ở phía bắc Ngự Hà trong kinh thành cũng là chùa, Tiền đường thờ Lão Tử, Hậu điện thờ Phật dựng năm Minh Mạng thứ 10, tức năm Kỷ Sửu, 1829.

Theo lịch sử quốc tự Thiên Mụ, từ năm 1825 đến 1833, vị Tăng cang điều hành công việc nhà chùa và quốc lễ liên quan đến triều đình Huế và Hoàng gia là Ngài Tiên Giác – Hải Tịnh. Vị Tăng sĩ cao cấp đứng đầu quản nhiệm Linh Hựu quán là Trú trì có quyền hạn và chức phận ngang hàng với vị Trú trì phụ việc cho Tăng cang.

Ngài Tổ Sư Tiên An đồng thế hệ với các Thiền sư Tiên Huệ, Tiên Giác đã từng kế tục giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ từ năm 1823 – 1825 và 1825 – 1833.

Nay, dựa vào những cứ liệu lịch sử ấy, thì có thể suy đoán được rằng chùa làng Hà Khê được cải đổi thành Thiên Ấn phải trước năm dựng lập Linh Hựu quán, tức năm Kỷ Sửu, 1829 8.

Thực tế lịch sử là như thế, không có sử thần nhà Nguyễn nào khi rửa bút chép quốc sử cả gan dám chép tên gọi quốc tự Thiên Mụ thành chùa Hà Khê cả. Điều này khiến cho một số người viết lịch sử của các chùa ở miền Hà Khê vướng phải nhầm lẫn, làm cho các sinh viên viết luận văn cũng sai lầm theo vì đã nương vào người lội nước đi trước.

Đến đây, có thể chốt lại 4 thời điểm lịch sử liên quan đến tên gọi chùa cổ Từ Ân xưa nay. Chùa đã có tên gọi.

Chùa cổ Từ Ân đã hình thành trên khoảng 500 năm về trước để hôm nay có một diện mạo bề thế, một không gian thoáng rộng.

1. Chùa thôn ấp Xuân Hòa: từ thời Hồng Đức (1470-1497)
2. Chùa Hà Khê: Từ năm 1803 đến 1848
3. Chùa Thiên Ấn: Từ năm 1848 đến 1879
4. Chùa Từ Ân: Từ năm 1879 đến nay.

Và như thế, ngôi chùa cổ Từ Ân đã hình thành trên khoảng 500 năm về trước để hôm nay có một diện mạo bề thế, một không gian thoáng rộng.

Ngày nay đệ tử chùa và một số du khách xa gần còn ít người biết rõ chùa cổ Từ Ân đã từng là quốc tự.

Theo CHÂU BẢN TRIỀU NGUYÊN thì ngày 9 tháng 11 năm Tự Đức thứ 32, tức năm 1879, vua Tự Đức đã châu phê xếp chùa cổ Từ Ân trở thành Quốc tự thứ 7 ở chốn kinh sư.

Các quan hội đồng tại triều đã phối hợp làm bản tâu và được vua phê duyệt. Thành phần Hội đồng bao gồm:

Thần Nguyễn Giảng, phụng khảo
– Thần Nguyễn Văn Trang, phụng thảo
– Thần Đỗ Đăng Đệ, thần Nguyễn Văn Thúy, thần Trần Thúc Nhẫn, phụng duyệt
– Phụng đối chiếu: Nội các thần Ngô Quí Đông (kí)
– Đương trực thần: Nguyễn Văn Thân (kí)
– Khoa đạo thần: Dương Quang Trí (kí) (
9)

Chỉ 7 ngày sau châu phê của vua Tự Đức, triều đình Huế ban tặng cho quốc tự Từ Ân được hưởng quyền lợi và ân sủng như các quốc tự Long Quang và Thánh Duyên.

Thế thì, những tư liệu và sách vở đã viết về chùa Từ Ân là ngôi cổ tự được sắc phong “sắc tự Quốc tự” dưới triều vua Thành Thái vào năm Đinh Dậu, 1897 là không còn phù hợp nữa.

Thời gian đong đưa, khoa cử Hán học sắp cáo chung vào buổi chợ chiều ở cố đô Huế vào năm Mậu Ngọ, 1918 và cáo chung vào năm sau vào khoa thi Hội năm Kỷ Mùi, 1919. Hoàn cảnh đất nước ta vào thời bây giờ dồn dập chồng chất vô vàn khó khăn, lại thêm nội công ngoại kích, kinh phí nhà nước eo hẹp là một trong những lý do khiến cho triều đình Huế buộc lòng phải giảm thiểu các quốc tự. Năm Mậu Ngọ là thời điểm khó quên của lịch sử chùa Từ Ân trong bối cảnh đất nước đa đoan trăm mối sầu Tây. Nhà chùa được giao hoàn lại cho Sơn môn Tăng già và làng Xuân Hòa phối hợp tiếp quản để tự lo liệu lấy mọi Phật sự. Từ chùa làng trở thành quốc tự 40 năm tròn rồi trở lại theo lối châu về hợp phố là chuyện bình thường đối với các bậc Tăng già trong sơn môn và dân làng Xuân Hòa văn hiến thời bấy giờ rất liễu đạo vô thường. Trước sau, chùa vẫn là chùa, chùa làng, chùa công, quốc tự luôn luôn gắn kết với làng và nước. Lúc sinh thời cố Đại lão Hòa thượng thường nói chuyện bình dị nhưng rất có ý nghĩa: Làm vị Hòa thượng nổi tiếng cũng khổ chớ không phải không đâu. Niềm vui ngày lại ngày là “Tiến vi sư thối vi sư”. Đây là một quan điểm hoàn toàn khác biệt với nhận thức của Nho giáo một thời nổi tiếng: “Tiến vi quan thối vi sư”. Quan điểm triết học Phật giáo qua lời thoại của cố Hòa thượng đã nói lên tinh thần giải thoát của Phật giáo trong hành trình hiện sinh của cuộc sống. Chùa làng, chùa nước đều như nhau vì tất cả đều là chùa: Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt.

Lời dạy của cố Hòa thượng thật thâm hậu, chúng tôi nhớ đời không bao giờ quên mỗi khi suy nghĩ về thuật ngữ “Tự” theo ý nghĩa thâm uyên. Năm trăm năm, hai trăm năm, bốn mươi năm rồi “chẳng sánh sơn tăng giấc mộng trường” (10) mà thôi.

Mùa Vu Lan, PL. 2553