Tam Bộ Nhất Bái

TAM BỘ NHẤT BÁI 

Tiểu Sả: – Con vừa lạy Tam Bộ Nhất Bái từ dưới chân núi lên trên đỉnh chùa Đồng – Yên Tử về. Lạy từ 5 giờ sáng liên tục đến 3 giờ chiều thì đến nơi, mệt thì ngồi nghỉ 5 phút.

Đại sư: – Ông lạy giỏi hơn tôi.

Tiểu Sả: (im lặng)

Đại sư: – Tôi ở đây mỗi ngày vẫn đều đều lạy Phật, nhưng không quá sức như ông, khoảng vài chục lạy thôi. Mình lạy như thế, không quá nhiều cũng không quá ít, duy trì như vậy ngoài để dưỡng sức khoẻ, còn là một pháp hành mình luôn miên mật. Đó chính là tinh tấn. Tinh tấn không phải theo phong trào, đến ngày vía mới lễ 500 lạy, mà tinh tấn là ngày nào cũng vậy, cũng không thay đổi thời khoá của mình. Mình lạy cho ai coi? Nếu làm được như các Tổ ngày xưa thì âm thầm làm một mình, muốn băng rừng leo núi lạy bao nhiêu cũng được, muốn ăn rau ngủ ngồi gì thì một mình mình làm, Phật không ép, nhưng đó là do mình phát tâm, mình tự nguyện làm. Còn ngày nay, đường xá xe cộ tấp nập, mà đi giữa thanh thiên bạch nhật, thì cái đó phải xét lại, việc mình làm có phải là lợi ích hay không, hay chỉ là hình tướng. Đi như vậy, khua chiêng đánh trống, loa tụng oang oang, kẻ hầu người hạ cơm nước theo sau, là để phô trương, là nhọc công người khác. Các hoà thượng lớn như sư ông Vạn Đức, có ăn rau ngủ ngồi không, mà trí tuệ vẫn minh mẫn, đạo hạnh tu tuyệt vời. Các ngài vẫn ăn uống hết sức bình thường, không đòi hỏi thế này thế khác, không phải làm phiền ai cả. Vậy mới là tu. Tu không phải hình thức, không phải làm tướng, mà cốt yếu là chuyển hoá được những vọng động bên trong mình. Mình có lạy mấy ngọn núi, có tu ngày đêm, mà đến lúc gặp chuyện vẫn bị vô minh che lấp tạo tác nghiệp chướng, thì vẫn là uổng công vô ích. Tôi nghe nói ông phát tâm dẫn đạo tràng đi trì chú Đại Bi cho các chùa khắp Việt Nam. Ai cũng đều có một hạnh nguyện, và cố gắng thực hiện cái nguyện đó của mình. Nhưng nếu mình vì cái nguyện đó mà khiến cho thân thể mỏi mệt, tinh thần suy kiệt, thì phải xem lại cách hành đạo của mình. Thành đạo không phải ở chỗ ép xác, nhưng cũng không quá hưởng thụ. Phát tâm thì cứ ráng cầu nguyện Bồ-tát gia hộ cho mình nhiều năng lượng, để có thể sáng suốt trong việc tu tập. Để mình biết lúc nào cần dừng lại, lúc nào nên tiếp tục. Tu là cởi bỏ ra hết những ràng buột, giờ nếu mình vì lời nguyện mà phải ráng làm cho được, khiến cho mình phải bận bịu, thì chẳng khác gì lấy sợi dây tự buột lấy mình vậy.

Tiểu Sả: (cúi đầu)

– Tiểu Sả


Tin Khác