BẢY Ý NGHĨA NGÀY ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO

BẢY Ý NGHĨA NGÀY ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO

☘Cách đây 2604 năm, tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) có một đấng xuất thế làm chấn động cả trời người, một đại vĩ nhân xuất hiện, Ngài đã thể nhập chân lý, chứng đắc quả vị tối thượng, chấm dứt cuộc trường chinh với bọn giặc Ma vương phiền não hắc ám. Ngài chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – một bậc giác ngộ, bậc đạo sư của Trời – Người.

☘Sáu năm tu khổ hạnh không có kết quả, Ngài quyết ngồi thiền dưới cội Bồ đề với lời thề nguyện: “Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền vi của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta quyết không rời bỏ chỗ này.” Sau 49 ngày đêm ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ đề chuyên sâu vào thiền quán, tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, Ngài đã chiến thắng nội chướng lẫn ngoại ma, đến canh một Ngài chứng Túc mạng Minh, canh hai Ngài chứng được Thiên nhãn Minh. Đến canh ba, Ngài quán chiếu sâu thẳm của vô thỉ vô minh, thấu tột cội nguồn các pháp, tâm Ngài hoàn toàn giải thoát khỏi Dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), Hữu lậu (ô nhiễm sự luyến ái của đời sống) và Vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh), dứt hẳn sanh tử luân hồi, khổ đau vạn kiếp. Đạt đến đó Ngài chứng được Lậu tận Minh.

☘Khi cơn mưa và sấm sét dần tạnh, nhìn sao mai mọc cũng là lúc Ngài hoàn toàn chứng được Tam minh, thành tựu Chánh đẳng Chánh giác và thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Năm ấy Ngài 35 tuổi, ngày mùng 8 tháng Chạp năm 584 TCN.

☘Sự kiện Phật Thành đạo có ý nghĩa lớn lao, là ngày trọng đại trong niềm hân hoan của Phật tử nói riêng và đạo Phật nói chung: Ngài chính thức Chuyển pháp luân bánh xe Chánh pháp, đem đạo từ bi, trí tuệ và giải thoát để dẫn dắt chúng sanh hướng về nẻo giác.

☘Bảy ý nghĩa ngày Phật thành đạo
Ý nghĩa thứ nhất của Thành đạo nói lên rằng con đường đi đến giải thoát là Trung đạo.
Ý nghĩa thứ hai là bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại đời này.
Ý nghĩa thứ ba, nội dung của Thành đạo là đoạn trừ vô minh, ái, thủ (đoạn diệt Mười hai nhân duyên), hay đoạn trừ Mười kiết sử.
Ý nghĩa thứ tư, có sự kiện Thành đạo có nghĩa là vô minh, ái, thủ… không thực có, hay không có tự ngã. Tự ngã chỉ là sản phẩm của vô minh, không thuộc thực tại.
Ý nghĩa thứ năm, đức Phật thành đạo có nghĩa là các pháp được nhìn dưới cái nhìn vô chấp thủ, được thấy thoát ly các tướng hay Vô ngã tướng.
Ý nghĩa thứ sáu, Thành đạo là trở về Thật pháp, trở về “Vô sinh”, “Tịch diệt”, đi ra mọi nghĩa đối đãi của thường, đoạn, khứ, lai, hữu, vô, sinh và diệt.
Ý nghĩa thứ bảy, sự kiện Thành đạo của Thế Tôn mở ra cho nhân loại một con đường thoát khổ, một niềm tin thoát khổ.
(Trích “Phật – Niết Bàn – Thành Đạo” – HT. Thích Chơn Thiện

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!🙏🏾🙏🏾🙏🏾