Tõdai-ji: Ngôi cổ tự lớn nhất thế giới

Tõdai-ji: Ngôi cổ tự lớn nhất thế giới

õdai-ji (Đông Đại tự) là một tu viện nổi tiếng của Nhật Bản, tọa lạc tại thành phố Nara. Tu viện có một ngôi chánh điện bằng gỗ hiện được cho là lớn nhất thế giới. Trong chánh điện có bức tượng Tỳ Lô Giá Na Phật bằng đồng đặt ở vị trí trung tâm. Tu viện một thời là “đại bản doanh” của trường phái Kegon (Hoa Nghiêm) Nhật Bản ra đời vào thế kỷ thứ VIII. Chùa hiện được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới vì đây là công trình lịch sử của vương quốc cổ Nara.

Ngôi chùa đầu tiên xây dựng ở vị trí mà nay là tu viện Tõdai-ji vào khoảng năm 743, khi hoàng đế Shõmu xây dựng Kim Đồng Sơn tự.

Trong thời kỳ Tempyõ, nước Nhật hứng chịu hàng loạt trận động đất và bệnh dịch. Năm 729, Nayaga tạo phản; từ năm 735 – 737 là thời gian bùng phát bệnh đậu mùa, hiện tượng mất mùa liên tiếp làm cho tình hình đất nước càng tệ hại hơn. Tộc người Fujiwara và Hirotsugu nổi loạn vào năm 740, diễn ra tình trạng hỗn loạn thật sự. Triều đình của vua Shômu đã bốn lần bị buộc phải di dời đô lánh nạn càng thể hiện mức độ tồi tệ của đất nước. Sau trận đại họa này, vua Shõmu ban sắc lệnh năm 741 xúc tiến xây dựng lại tất cả các ngôi chùa cấp tỉnh trên toàn quốc. Tõdai-ji là ngôi chùa được chọn thuộc tỉnh Yamato và là ngôi chùa đứng đầu cấp này.

Vào năm 743, vua Shõmu ban hành một bộ luật, trong đó ngài tuyên bố rằng, thần dân phải có trách nhiệm với tất cả những ngôi chùa trên khắp cả nước. Bản thân ngài tin rằng, xây dựng chùa tháp Phật là để tích công đức, nhằm giúp cho quốc gia về sau không phải chịu những đại họa như thế. Hoàng hậu vốn rất sùng đạo và bà cũng tham gia rất nhiều trong công cuộc tái thiết này. Thiền sư Gyõki và hàng môn đê đã chu du khắp nơi để kêu gọi dân chúng phát tâm cúng dường. Theo số liệu còn ghi lại ở Tõdai-ji, có 2,6 triệu người cúng dường để xây dựng Đại điện và pho Đại Phật Tỳ Lô Giá Na. Ngôi đại điện được xây dựng bằng gỗ, có diện tích gần 3.000m2 (57x51m) và cao 49 mét.

Bức tượng được chia làm tám phần, đúc trong vòng 3 năm, tổng cộng cao 16 mét, khuôn mặt cao 4,8 mét, rộng 3 mét, tai dài 2,4 mét. Bức tượng đúc ở Shigaraki, nhưng sau vài lần bị hỏa hoạn và động đất, cuối cùng phải dời địa điểm về Nara năm 745 và tượng hoàn thành vào năm 751. Năm sau, 752, lễ khánh thành và điểm nhãn tượng Phật được tổ chức với quy mô hoành tráng, lượng người tham dự lên đến 10.000 người. Chủ lễ điểm nhãn tượng Phật do vị sư Ấn Độ Bodhisena thực hiện. Ngài đứng trên đài cao, sử dụng cây đại cọ để họa hai đôi mắt của tượng Phật.

Theo thời gian, bức tượng đã nhiều lần đúc vá lại vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là do động đất và Đại điện cũng xây lại hai lần vì bị hỏa hoạn. Bức tượng Phật hiện nay có hai cánh tay đúc lại vào thời Momoyama (1568-1615) và phần đầu đúc lại vào thời Edo (1615-1867). Mỗi lần đúc, bức tượng lại bị thay đổi. Thế nhưng nó lại phản ánh trình độ nghệ thuật và thẩm mỹ của một giai đoạn lịch sử.

Công trình xây dựng kéo dài, cho đến năm 1709 mới hoàn thiện, cho dù khi đó, quy mô khoảng 70% so với hiện thời. Tổ hợp kiến trúc của tu viện bao gồm chánh điện và bức Đại Phật tôn trí bên trong, hai giảng đường lớn, các khu tăng xá, trà quán, khu hoa viên và nhà kho Shõsõin là nơi lưu trữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thời Tempyo trong lịch sử Nhật Bản. Trải qua biết bao trận động đất kinh hoàng, nhưng Shõsõin vẫn giữ gìn được những báu vật của Tõdai-ji.

Bức tường bao quanh ngôi chùa có hai cổng lớn được tái thiết vào năm 1.199 với 18 cây cột cao 21 mét. Người Nhật mỗi lần lên chùa chiêm bái lễ Phật đều muốn vặn mình chui qua những cái hốc của một trong những cây cột này, bởi họ tin rằng, làm được như thế thì họ sẽ giành được một chỗ trên thiên giới.

Rất nhiều công trình kiến trúc tích hợp trong khuôn viên tu viện cùng tạo nên những đường nét thẩm mỹ độc đáo. Nổi bật nhất trong đó là cách thiết kế khu vườn. Lối kiến trúc sân vườn hiện nay có thể xem là bắt chước theo ý tưởng của Tõdai-ji.

Hàng thế kỷ qua, các tòa nhà và khu vườn đã hòa quyện với nhau tạo nên một khối kiến trúc thống nhất, hài hòa như một phần cơ thể sống, nuôi dưỡng ngôi chùa. Hiện nay, một số khu kiến trúc của tu viện đã mở cửa lại đón du khách đến tham quan.

Một trong những nguyên do làm cho ngôi chùa nổi tiếng là vị trí tọa lạc của nó. Nara là trung tâm một vương quốc cổ một thời thịnh vượng, là trung tâm của nền văn minh đầu tiên của người Nhật. Tổng thế diện tích của các ngôi chùa ở Nara khoảng 526 ha với những rừng cây cổ thụ, suối nước tự nhiên, trong đó nuôi dưỡng loài hươu thiêng của người Nhật. Tất cả đều được giữ gìn cẩn thận trong hơn 13 thế kỷ qua như giữ những điểm son chói sáng trong lịch sử văn hóa Nhật.

 

Quảng Tuấn dịch