Tác giả và tác phẩm Luận Câu Xá – Phần III

III. Mối Quan Hệ Giữa Abhidharma Kośa Và Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra
1. Theo Thứ Tự Tổ Chức Của Luận
Đời sau, khi giảng về Abhidharma-Kośa, các học giả đều cho rằng tác giả Vasubandhu lấy các bộ Aḍpadaśāstra (Lục Túc luận), Abhidharma-jñāna-prasthāna và Vibhāṣā để làm bối cảnh, họ rất ít nói đến sự quan hệ giữa Abhidharma-Kośa và Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, nhưng trên thực tế giữa hai bộ luận này có mối quan hệ rất sau xa.
Liên quan đến vấn đề này, pháp sư Ấn Thuận có nói: “Abhidharma-Kośa kế thừa hệ thống Abhidharmahṛdaya-śāstra (A-tỳ-đàm tâm luận) và Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, tuy tác giả lấy Vibhāṣā làm giáo nghĩa tông mình, nhưng không tuân theo một cách mù quáng. Căn cứ vào thứ tự tổ chức của toàn bộ Luận thì chúng ta thấy rất giống với tổ chức của luận Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, chỉ có chỉnh đổi chút ít, tụng văn vẫn là tụng văn cũ của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, nội dung chiếm bốn đến năm phần mười của luận này, điều này nếu đem so sánh thì chúng ta sẽ thấy rõ.”
Căn cứ vào mấy câu nói này để chúng ta đi vào tìm hiểu sâu xa hơn, dưới đây phân thành ba điểm để thuyết minh. Trước tiên quan sát sự tổ chức của luận Abhidharma-Kośa để tìm ra mối quan hệ của luận này với Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra như thế nào.
Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra gọi tắt là Tạp Tâm Luận, nói cho đầy đủ là Tạp A-tỳ-đàm Tâm luận, luận này được Luận sư Dharmatrāta trước tác vào khoảng thế kỷ thứ II (AC) (cách Phật niết bàn khoảng 700 năm). Muốn hiểu rõ quan hệ giữa luận này và Abhidharma Kośa thì trước hết chúng ta nên khảo sát sơ về mối giao thiệp giữa Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra và Abhidharmahṛdaya-śāstra. Abhidharmahṛdaya-śāstra gọi tắt là Tâm Luận, nói cho đầy đủ là A-tỳ-đàm-tâm luận, do Luận sư Dharma-śresthin (Pháp Thắng) trước tác vào thế kỷ đầu AC. Luận bao gồm mười phẩm, tổng cộng là 250 bài tụng, giữa mỗi bài tụng đều có văn trường hàng xen vào, hình thức không khác gì tổ chức của Abhidharma-Kośa. Sở trường đặc biệt lớn nhất của luận này là tổ chức rất chặt chẽ, mười phẩm gồm: Phẩm giới, Phẩm hành, Phẩm nghiệp, Phẩm sử, Phẩm hiền thánh, Phẩm trí, Phẩm định, Phẩm khế kinh, Phẩm tạp, Phẩm luận. Nội dung của luận: bảy phẩm đầu là nêu tư tưởng cốt lõi của bộ luận, ba phẩm sau chỉ phụ thêm mà thôi. Một trăm năm sau, luận sư Dharmatrāta mới ra đời, vì “không chấp nhận ly tông của phái Dṛṣṭāntika là đúng, lại cho sự phân chia quá vụn vặt của Vibhāṣā thêm khó hiểu, cho nên mới lấy ý nghĩa tinh tuý của Vibhāṣā để bổ sung vào bộ Abhidharmahṛdaya-śāstra để làm thành bộ Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, sau đó đem giảng cho cả hai hệ thuộc Đông và Tây Ấn. Luận gồm sáu trăm bài tụng chia làm 11 phẩm, đa số là nội dung cũ của Abhidharmahṛdaya-śāstra, chỉ thêm vào một phẩm trạch mà thôi”. Do đó chúng ta có thể thấy được mối quan hệ giữa hai bộ luận này là rất mật thiết. Trong phẩm tựa của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra , luận sư Dharmatrāta viết:
Kính lễ Tôn Pháp Thắng
Luận ngài tôi thừa kế
Tôi Đạt-ma Đa-la
Nói điều chưa được nói
Nhưng khi Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra vừa ra đời thì sức ảnh hưởng của nó đối với giới Phật giáo rất lớn, có thể nói luận này kế thừa Abhidharmahṛdaya-śāstra của Tôn giả Dharma-śresthin, nhưng Abhidharma-Kośa lại của luận sư Vasubandhu lại kế thừa luận này, vì vậy nó đã trở thành một bộ luận điển thịnh hành nhất của Sarvāsti-vādin lúc bấy giờ. Bởi vì tư tưởng thuần tuý của bộ luận này lý luận chặ chẽ, nghĩa lý rất được chú trọng nhưng không rườm rà, dễ dàng cho các nhà học giả tiếp nhận, khoảng 23 năm sau khi ra đời, tuy không có ngọn gió nào đặc biệt nhưng cũng đã thổi đến nước gāndhāri, đồng thời cũng được lưu truyền rộng rãi khắp cả vùng Trung Ấn. Vào năm 406 AC ngài Pháp Hiển từng tìm được bộ luận này khi đến du học tại Pāṭaliputra (thành Hoa Thị) của nước Magadha, đó là sự thật mà có thể chứng minh cho vấn đề được nêu ở trên. Quan hệ giữa Abhidharmahṛdaya-śāstra và Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra có thể nói đó là quan hệ chị em, ngoài sự giải thích rộng thêm hay tóm tắt lại thì trên văn tự có chút ít khác biệt ra, còn có tổ chức của hai luận, tư tưởng và nội dung đều giống nhau.
Bây giờ chúng ta khảo sát qua mối quan hệ giữa Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra và Abhidharma-Kośa. Bộ luận điển Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra gồm 11 phẩm như trên đã nói, còn luận Abhidharma-Kośa chỉ có Tám phẩm, trong đó có thêm phẩm Phá Ngã, nhưng phẩm này có phải là thuộc Abhidharma-Kośa hay không, điều này chúng ta bàn riêng. Phẩm giới thì hai luận đều tổ chức giống nhau, phẩm Hành của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra thì chính là phẩm căn của Abhidharma-Kośa, phẩm Nghiệp thì cả hai bên giống nhau, phẩm Tuỳ miên chính là phẩm Sử của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, Sử và Tuỳ miên đều chỉ cho phiền não mà nói, ngoài ra ba phẩm còn lại phẩm Hiền Thánh, phẩm Trí, phẩm Định thì hai bên đều đồng một tên như nhau, riêng Abhidharma-Kośa không co bốn phẩm sau của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, tuy nhiên giữa hai phẩm Căn và Nghiệp của Abhidharma-Kośa còn có thêm phẩm Thế gian. Sau đây nói lược về nội dung của các phẩm để thấy rõ được sự quan hệ mật thiết giữa hai bộ luận.
Phẩm Giới thứ nhất là thứ tự thuyết minh về mười tám giới và các môn phân biệt của chúng; phẩm Hành là thuyết minh về tâm sở và hành tướng theo thứ lớp sanh khởi của nó cho đến sáu nhân bốn duyên. Nội dung hai phẩm trên, trong Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra lại tương đương với hai phẩm Giới và Căn được luận Abhidharma-Kośa. Bởi vì phẩm Giới là nói rõ về bản chất của vạn pháp, còn phẩm Căn là thuyết minh về mặt tác dụng của các pháp, nội dung của luận kia cũng như vậy. Phẩm Nghiệp thứ ba là thuyết minh rõ về từng loại nghiệp tướng, phẩm Sử thứ tư là thuyết minh rõ về 98 thứ sử của phiền não, nội dung hai phẩm này tương đương với hai phẩm Nghiệp và phẩm Tuỳ miên trong luận Abhidharma-Kośa. Nếu căn cứ theo nội dung bốn phẩm đầu của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra mà nói thì chính là phân biệt thuyết minh về thứ tự của nhân quả trong cảnh giới luân hồi. Còn Abhidharma-Kośa thì hai phẩm đầu tức là phẩm Giới và phẩm Căn đã nói rõ về thể dụng của vạn pháp, sau đó là nói rõ nhân quả luân hồi, cho nên bắt buộc phải đưa phẩm Thế gian vào trước Phẩm nghiệp để nói rõ kết quả của cảnh giới luân hồi. Bởi vì phẩm Nghiệp chỉ nói đến nhân gần của mê giới, còn phẩm Tuỳ miên lại nói về nhân xa của mê giới. Giả sử không có phẩm Thế gian thì quả khổ sẽ biểu hiện ra ở đâu. Ba phẩm kế tiếp của luận là thuyết minh về nhân quả của cảnh giới giải thoát. Phẩm Hiền Thánh thứ năm là nói rõ về thứ tự của việc tu tập và cấp bậc của bậc thánh; phẩm Trí thứ sáu là nói rõ việc đoạn trừ phiền não và các thứ lực diệu dụng mà thuyết minh về chín trí hoặc mười trí; phẩm Định thứ bảy là nói rõ cấp bậc trí tuệ ở trên đều phát xuất thiền định, vì vậy tương đương với nội dung của ba phẩm sáu, bảy và tám của Abhidharma-Kośa. Các phẩm ở trên tuy đã thuết minh về pháp tướng của luân hồi và giải thoát một cách tương đối, nhưng ý niệm của luận sư Dharmatrāta cho rằng vẫn còn có rất nhiều điều cần thiết phải bổ sung thêm, vì thế ngài thêm vào bốn phẩm sau. Luận sư Vasubandhu lại không chấp nhận vấn đề đó mà phải theo thứ lớp từ thế gian đến xuất thế gian, từ hữu lậu đến vô lậu, từ sanh tử đến giải thoát Niết bàn, điều này tám phẩm ở trên đã nói rất đầy đủ rồi, không cần phải “vẽ rắn thêm chân” nữa. Trên phương diện nội dung, nếu cần thì chỉ bổ sung thêm phẩm thứ bảy mà thôi; Trên phương diện thể loại thì phẩm Tạp thứ chín và phẩm Khế kinh thứ tám là tương đương với Kinh Phân Biệt của Nam phương luận bộ, phẩm luận thứ 11 thì tương đương với những vấn đề luận phân biệt hoặc vấn đáp. Phẩm trạch thứ mười thì chỉ chọn lấy những chỗ quan trọng của các nơi mà thôi. Phẩm thứ mười của luận này nói:
“Tuy đã nói nhiều pháp
Quyết định những nghi hoặc
Ở khắp vô lượng xứ
Nên chọn lấy yếu nghĩa ”
Đó chính là ý nghĩa của phẩm này.
Ngoài ra, thứ tự của các phẩm trong Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra và đến cả ý nghĩa của những vấn đề được nói ra đều giống với Abhidharmahṛdaya-śāstra, tức là không ngoài Tứ thánh đế. Sau này ngài Tiêu Kính viết bài tựa Abhidharmahṛdaya-śāstra có nói: “vị trí, thứ tự của các phẩm đều căn cứ vào nghĩa của tứ Thánh đế: phẩm Giới thẳng nói pháp tướng để mô phỏng khổ đế; ba phẩm Hành, Nghiệp và Sử, phần nhiều là luận về nguồn gốc của sanh tử để mô phỏng về tập đế; phẩm Hiền Thánh là nói đến ý nghĩa đoạn trừ kiết sử chứng lên tịch diệt để mô phỏng diệt đế; hai phẩm Trí và Định chủ yếu nói về vô lậu đạo để mô phỏng đạo đế. Các phẩm còn lại là thuyết minh chung những việc ở trên”(Xuất Tam Tạng Ký Tập). Abhidharmahṛdaya-śāstra như vậy, Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra cũng thế mà Abhidharma-Kośa cũng cũng không ra ngoài nội dung ấy, vì thế các học giả xưa nay giảng giải hoặc chú thích luận Abhidharma-Kośa, khi nói đến nội dung thì liền phối hợp theo thứ tự của tứ thánh đế, tức là hai phẩm đầu tổng nêu khái quát về bốn thánh đế, sáu phẩm sau là giải thích riêng từng đế một, lấy sự ước định này để phân thứ tự và tổ chức của toàn bộ luận Abhidharma-Kośa. Vì thế nhìn theo thứ lớp tổ chức thì chúng ta có thể đã thấy được mối quan hệ mật thiết giữa hai luận.
2. Đối Chiếu Văn Tụng
Có người cho rằng, trên hình thức kết cấu của luận, Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra và Abhidharma-Kośa dung nạp lẫn nhau hoặc giống nhau, nhưng nội dung trình bày của hai luận chưa hẳn giống nhau hoàn toàn. Thực chất trên tư tưởng thì Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra thuần tuý là tư tưởng của Sarvāsti-vādin, còn trong Abhidharma-Kośa lại theo lối lý luận của Sūtra-vādin, lẽ tất nhiên là có chỗ bất đồng. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, Tôn giả Vasubandhu trước tác luận Abhidharma-Kośa là dựa theo Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, khi so sánh văn tụng của hai luận, chúng ta thật sự thấy được dấu tích của nó đã in đậm trong Abhidharma-Kośa không thể xoá nhòa. Theo cách nhìn của Tác giả Vasubandhu, Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra tuy gồm sáu trăm bài tụng, nhưng cách viết của nó rất cạn cợt, văn từ phức tạp rườm rà, vì vậy không tránh khỏi mắc lỗi dài dòng văn tự. Có một số nghĩa lý chỉ cần dùng một bài tụng để diễn đạt, nhưng Tôn giả Dharmatrāta lại dùng đến hai đến ba bài tụng; lại có một số đạo lý chỉ cần một câu văn trường hàng là có thể diễn đạt đầy đủ, thế mà tác giả lại đặc biệt dùng một bài kệ để diễn đạt. Ngoài ra có một số thiếu sót của tụng văn rất nghiêm trọng, trở thành như những tản văn riêng rẽ, theo cách nhìn của Vasubandhu vẫn cảm thấy có điểm không thoả đáng. Cho nên, tuy số lượng sáu trăm bài tụng văn nhiều như thế, nhưng từ nội dung của luận được dung chứa trong Vibhāṣā thì những điểm bất cập của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra lại là rất nhiều. Vì bổ sung những ý nghĩa này đồng thời sửa đổi những khuyết điểm của nó, cho nên Vasubandhu phải đối mặt với Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra để trước tác ra Abhidharma-Kośa cũng gồm sáu trăm bài tụng. Tựu trung, Vasubandhu căn cứ vào tụng văn của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra để chọn lọc chỉnh đốn, thì vấn đề trùng lặp nhiều là lẽ tất nhiên, nhưng việc thêm vào đó để cải thành của mình thì cũng không ít, còn lại toàn là do Tôn giả viết lại cái mới. Nhưng trên đại thể thì có thể nói rằng, Vasubandhu đã chọn lọc trong sáu trăm bài kệ đó được hơn ba trăm kệ, số còn lại là do chính tay cuả Tác giả viết ra, hợp thành sáu trăm bài tụng của Abhidharma-Kośa.
Để chứng minh điều này, chúng ta so sánh đối chiếu từng bài tụng văn của hai bộ luận thì sẽ thấy được. Nhưng điều đầu tiên phải biết rằng, hai luận này là do hai người dịch, vì vậy cùng một bài tụng thuộc Sanskrit nhưng do các dịch giả dịch ra không giống nhau, vì vậy tụng văn được dịch lại khác nhau, đây là lẽ tự nhiên thôi. Thứ hai, chính ngay bộ Abhidharma-Kośa có hai bản dịch khác nhau, nhưng để chuẩn theo yêu cầu phù hợp một cách hoàn toàn với nguyên ý của bản văn thì cũng rất khó khó nói. Thứ ba, mỗi một tụng văn cuả Abhidharma-Kośa là phát xuất từ từng tụng văn của luận kia, điều này tất nhiên rất dễ nhìn thấy, nhưng một tụng văn hoặc một đoạn văn trường hàng nào đó có ở trong Abhidharma-Kośa thì chưa hẳn có trong luận kia, và ngược lại có ở trong luận kia thì lại không có trong Abhidharma-Kośa, nếu chúng ta không cẩn thận thì rất khó phát hiện ra mối quan hệ giữa hai bộ luận này. Kệ tụng thì rất nhiều, nếu mang ra đối chiếu từng bài kệt thì thật khó mà làm cho xuể, vì thế chỉ chọn một số bài tụng tương đối gần gủi để đối quán, vả lại lấy bản Abhidharma-Kośa của ngài Huyền Trang dịch để làm chuẩn.

Abhidharma-Kośa
Hữu lậu vô lậu pháp
Trừ đạo dư hữu vi
Ư bỉ lậu tuỳ tăng
Cố thuyết danh hữu lậu

Địa vị hiển hình sắc
Tuỳ thế tưởng lập danh
Thuỷ hoả dệc phục nhiên
Phong tức giới diệc nhĩ

Mâu ni thuyết pháp uẩn
Sở hữu bát thập thiên
Bỉ tế ngữ hoặc danh
Thử sắc hành uẩn nhiếp

Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra
Nhược tăng chư phiền não
Thị thánh thuyết hữu lậu
Dĩ bỉ lậu danh cố
Huệ giả thuyết phiền não

Địa vị sắc hình xứ
Kiên tướng thuyết địa giới
Dư nhị diệc nhị chủng
Phong tức phong hoặc dị

Quảng thuyết chư pháp ấm
Kỳ số hữu bát vạn
Giới đẳng cập dư ấm
Tất thị ngũ ấm thuyết

Các pháp hữu lậu và vô lậu.
Các pháp hữu vi trừ đạo đế,
Gọi đó là hữu lậu,
Bởi do các lậu tiềm phục trong đó.

Đất là sắc và hình thể
Sắc và hình là quan niệm thế gian
Nước lửa cũng như vậy
Và gió, tất cà thuộc Giới

Đức Phật nói pháp uẩn
Có đến tám mươi ngìn
Tùy theo chúng là ngữ hay danh
Đều bao hàm trong sắc hay hành uẩn.

Nếu các phiền não tiềm phục tăng trưởng
Bậc thánh nói đó là Hữu lậu
Bởi vì nó là lậu
Bậc trí nói phiền não

Đất là sắc và hình xứ
Tướng cứng nên gọi là đất
Nước lửa cũng như vậy
Gió cũng vậy hoặc khác.

Nói rộng các pháp ấm
Gồm có đến tám vạn
Giới… và các ấm khác
Đều bao hàm trong năm ấm.

Ở trên chỉ nêu ba bài kệ tiêu biểu để đối chiếu giữa hai bộ luận. Tóm lại, tám phẩm của Abhidharma-Kośa, trừ phẩm Thế gian là do tác giả Vasubandhu rút từ các trong các bộ luận Vibhāṣā, Prajñapti-śāstra (Thi thiết) v.v.. làm nền tảng để viết ra, còn bảy phẩm khác hơn một nữa lấy từ Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra mà ra. Điểm này các nhà nghiên cứu Abhidharma-Kośa chắc chắn phải để tâm đến.

3. Quá Trình Học Tập Của Tôn Giả Vasubandhu
Chúng ta biết rằng, Tôn giả Dharmatrāta là học giả của Sarvāsti-vādin, địa điểm tạo luận là ở gần đô thành Puṣkarāvatī (Bố-sắc-kiệt-la-phiệt-để) của nước Gandhāra. Nếu xét lại, nước Gandhāra chính là quê hương của Tôn giả Vasubandhu, đồng thời ngài cũng xuất gia với Sarvāsti-vādin, như vậy việc suy định mối quan hệ mật thiết của ngài với Saṃyuktābhidharma
-hṛdaya-śāstra lúc ban sơ cũng không có gì khó khăn cho lắm. Vì địa điểm trước tác của luận này là ở nước Gandhāra, mà đương thời luận này lại rất thịnh hành, các học giả Sarvāsti-vādin đều lấy luận này làm bảo bối của mình. Tôn giả Vasubandhu sanh ra ở Gandhāra, lại xuất gia ở Sarvāsti-vādin, nếu như nói ngài chưa từng học qua Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra thì khó mà khiến cho người khác tin được. Thông thường mà nói, sau khi Abhidharmahṛdaya-śāstra của ngài Dharma-śresthin xuất hiện, các bậc thầy của Tôn giả Vasubandhu (sư tổ của Thế thân và là thầy của luận sư Như Ý) đã từng căn cứ vào luận này để trước tác Vô Y Hư Không Luận (anālambyaākāśa?), đến Tôn giả Dharmatrāta, vì không vừa ý với bộ Không luận này, cho nên ngài mới trước tác Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra. Do đó chúng ta có thể suy ra, sau khi Vasubandhu xuất gia, đầu tiên là học Abhidharmahṛdaya-śāstra của ngài Dharma-śresthin, kế tiếp là học Không luận, và mặc dầu lúc ấy ngài chưa lấy Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra để gối đầu giường, nhưng ít nhất cũng đã từng tham khảo qua, vả lại do đó mà tiến nhập vào cửa Vibhāṣā. Tôn giả Vasubandhu là một học giả chủ trương tự do tư tưởng, một mặt là do đau lòng vì tư tưởng cố chấp của tông mình, mặt khác là chịu sự cảm phát của tư tưởng Sūtra-vādin, hoàn toàn không vừa lòng với sở học của mình, vì tham cứu thêm một bước về nguồn gốc tông mình bèn lập chí qua Kaśmīra để cầu học giáo pháp. Đợi đến lúc học xong quay về nước thì mới phát hiện bộ luận Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra tuy là sách cương yếu của Vibhāṣā, nhưng còn quá nhiều chỗ thiếu sót, đồng thời luận này tuy là tác phẩm của Gandhāra nhưng lại quá trung thành với học thuyết Vibhāṣā của Kaśmīra. Tinh thần phê phán của ngài Vasubandhu rất phong phú, ngài kế thừa truyền thống học tập của Vô Y Hư Không Luận, lại thêm tư tưởng Sūtra-vādin lưu chuyển trong đầu, thế là thừa nhuệ khí tân tiến ấy, lấy Sūtra-vādin làm bối cảnh để đối kháng với tư tưởng Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra đương thời đang thịnh hành, xa thì muốn phát huy tinh thần phê bình của Vibhāṣā, gần là muốn phát huy những gì được gọi là khí phách sâu xa tinh tuý của Vô Y Hư Không luận. Vì thế đã thôi thúc chí nguyện trước tác lận Abhidharma-Kośa của ngài. Song khi ngài trước tác luận Abhidharma-Kośa hoàn toàn không giống như cách giảng thuyết thông thường, mà giảng Vibhāṣā đến cả ngàn bài thì mới rút ra được một bài tụng, tạo luận theo cách cơ giới như thế đó, nhưng ngài lấy Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra làm bản chính để y cứ, an trí Vibhāṣā ở trước mặt, tham cứu đối chiếu những gì của luận Vô Y Hư Không thuyết, đồng thời tham khảo các luận khác, bước đầu hoàn thành Abhidharma-Kośa luận thì được ngợi khen là Thông minh luận. Nhưng trên hình thức người ta vẫn cho rằng Abhidharma-Kośa là thừa hưởng giềng mối của Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, điều này cũng cha hẳn là sai. Ở đây, trên phương diện làm rõ mối quan hệ giữa hai luận ấy nên chúng ta ắt phải lý giải thêm.
Từ ba điểm được nói ở trên, chúng ta có thể nhìn thấy được mối quan hệ sâu xa của hai bộ luận này. Cuối cùng cũng phải khẳng định rằng, ba bộ đại luận Abhidharmahṛdaya-śāstra, Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra, Abhidharma-Kośa tuy nó đều xuất phát từ Sarvāsti-vādin, nhưng trên thực tế đều chẳng có luận nào trung thành với Sarvāsti-vādin cả, như Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra của Dharma-śresthin ra đời thì thấp thoáng hình thành nên sự đối lập với Abhidharma-jñāna-prasthāna của Kaśmīra; Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra cố nhiên là lấy sự câu thông của hai hệ Đông Tây, nhưng vẫn giữ cái thuần chân của Sarvāsti-vādin  làm mục đích, song chẳng phải là cái cũ của Vibhāṣā; đến Abhidharma-Kośa tuy thuộc tông Sarvāsti-vādin nhưng lấy giáo nghĩa của Sūtra-vādin để làm hình thức cân nhắc cho nó, điều này là sự thật mà tất cả giới Phật giáo đều biết đến. Vì thế chúng ta nghiên cứu Abhidharma-Kośa,  đều phải lấy các bộ Abhidharmahṛdaya-śāstra và Saṃyuktābhidharma-hṛdaya-śāstra trước nó, lấy Prakaraṇāryavācā-śāstra (Hiển tông luận) và Abhidharma-nyāyānusāra (Chánh lý luận) sau nó để làm bằng chứng, có như vậy mới thấu hiểu được chỉ thú của luận này.