ĐẠO ĐỨC VÀ KHỔ ĐAU

ĐẠO ĐỨC VÀ KHỔ ĐAU

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma – Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
Trích từ cuốn sách: “Ethics for the New Millennium”

Tôi từng thuyết giảng rằng tất cả chúng ta đều muốn có hạnh phúc, hạnh phúc chân thực có đặc tính là an lạc và sự an lạc chắc chắn chỉ thành đạt khi hành động của ta hướng đến sự giúp đỡ những kẻ khác. Tôi cũng bảo rằng, trong sự khao khát hạnh phúc, chúng ta tìm cách tránh xa sự đau khổ một cách tự nhiên và thích đáng. Giờ ta thử khảo sát phẩm chất hoặc trạng thái khi ta mạnh mẽ được giải thoát khỏi đau khổ đang hiện hữu ngay trong cuộc sống của chúng ta.

Đau khổ và đau đớn là những sự thật không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Một chúng sanh, theo định nghĩa đơn giản của tôi, là một kẻ có khả năng chịu đựng nỗi khổ đau và sự đau đớn. Cũng có thể nói, kinh nghiệm khổ đau liên kết chúng ta với những người khác. Nhưng ngoài điều đó, ta có thể quán xét rằng đau khổ gồm có hai loại liên hệ với nhau. Có những hình thái có thể tránh, phát sinh từ các hiện tượng như chiến tranh, nghèo đói, bạo động và tội ác – ngay cả những thứ như sự dốt nát và các bệnh hoạn. Nhưng có những hình thái không thể nào tránh được bao gồm các vấn đề như lão, bệnh và tử. Cho đến nay, chúng ta chỉ bàn thảo đến việc giải quyết các loại đau khổ có thể tránh do con người tạo ra. Giờ đây tôi muốn đề cập đến các loại không thể tránh.

Những vấn đề và khó khăn ta đối diện trong cuộc đời không phải tất cả là thiên tai. Ta không thể tự bảo vệ thoát khỏi chúng chỉ bằng cách thận trọng phòng ngừa như là dự trữ thức ăn. Chẳng hạn trong trường hợp đau ốm, dù chúng ta cố gắng giữ gìn sức khoẻ hay kiêng cữ ăn uống đến đâu, thân thể chúng ta dần dần cũng sẽ bị suy yếu. Và khi điều ấy xảy ra đời sống chúng ta sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng: chúng ta không thể làm được các việc muốn làm, đi đến những nơi cần đến. Chúng ta thường bị ngăn cấm không được dùng các thức ăn ta thích và phải uống những loại thuốc có mùi vị rất đắn. Khi tình trạng sức khoẻ trở nên quá tồi tệ, chúng ta cảm thấy thân thể đau nhức cả ngày đêm, đôi khi chúng ta mong được chết sớm.

Nói đến sự già lão, ngay từ lúc mới sinh ra đời, chúng ta đã phải đối đầu với sự lão hoá dần dần và mất đi vẻ hoạt động vui tươi của tuổi trẻ. Đến lúc ấy, tóc và răng chúng ta sẽ rụng, mắt mờ và tai điếc. Chúng ta không thể tiêu hoá các thức ăn mình ưa thích nữa. Rồi chúng ta cũng không thể nhớ nhiều việc mà trước đây thực rõ ràng, hay còn quên cả tên những người thân nhất của mình. Nếu sống thọ, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lọm khọm mà mọi người mới nhìn thấy đều phải chán chê, mặc dù đấy mới đúng là quảng thời gian mà chúng ta cần đến họ nhất.

Rồi cái chết đến – hầu như là một đề tài cấm kỵ trong xã hội tân tiến. Mặc dù đôi khi chúng ta nhìn nó như một sự nhẹ nhàng và bất cứ điều gì xảy ra sau khi ta nhắm mắt, cái chết có nghĩa là ta sẽ xa lìa những người thân yêu, các đồ vật quý báu, thực vậy tất cả mọi thứ ta ham chuộng.

Trong sự diễn tả ngắn gọn về các đau khổ không thể tránh này, chúng ta tưởng nên thêm một loại khổ đau khác. Đó là nỗi đau khổ khi phải gặp người ta không muốn gặp hoặc điều rủi ro hay tai nạn. Đó là sự đau khổ khi vật ta ưa thích bị cướp lấy mất đi như các người tị nạn chúng tôi khi mất quê hương, nhiều kẻ mất cả những người thân. Đó là nỗi khổ đau vì không thành đạt điều mình mong ước, dù đã tốn nhiều công sức để làm.

Mặc dù gảy cả lưng khi ta làm việc trên đồng ruộng, nhưng lại bị mất mùa, mặc dù ngày đêm ta bận rộn lo việc kinh doanh, không phạm lỗi lầm nào cả, vẫn không thành công. Rồi lại còn đau khổ vì không biết chắc lúc nào và ở đâu ta sẽ gặp khó khăn. Bằng kinh nghiệm của chính mình, tất cả chúng ta đều biết điều đó dẫn đến những cảm nghĩ lo lắng và bất an. Có thứ đau khổ của sự không bằng lòng vì mọi việc ta làm bị phá hoại và cản trở, mặc dù ta đã cố gắng hết sức để mong thành đạt điều ước muốn đó. Những sự kiện trên là một phần trong kinh nghiệm sống hằng ngày của mọi người chúng ta vốn dĩ mong có hạnh phúc và không thích khổ đau.

Nếu điều trên chưa đủ, còn có thêm vấn đề là các kinh nghiệm ta thường nghĩ tưởng là nguồn vui lại biến thành sự đau khổ cho mình. Chúng hình như dâng hiến sự thoả mãn nhưng thực sự không cung cấp được, đó là thứ hiện tượng ta đã từng thảo luận trước đây về hạnh phúc. Ðúng vậy, nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy các kinh nghiệm như là điều thích thú rồi cuối cùng cũng chỉ được bù đắp bằng sự khổ đau rõ ràng hơn. Chẳng hạn, như khi ta ăn để đè nén cơn đói. Chúng ta ăn một miếng lớn, rồi hai, ba, bốn, năm và tận hưởng thú vị đó – nhưng chẳng bao lâu cùng một người và cùng thức ăn đó, ta cảm thấy bắt đầu chán hết muốn ăn. Nếu không ngừng lại, việc ấy sẽ hại ta – cũng như thực tế của mọi lạc thú ở trần gian nếu đam mê thái quá, đều gây tai hại cho ta. Vì lẽ đó, sự hài lòng là điều cần thiết giúp chúng ta có hạnh phúc thực sự.

Tất cả những biểu hiện đau khổ nói trên là điều căn bản không thể tránh và đúng thực là các sự kiện tự nhiên của đời sống. Điều ấy không có nghĩa là, cuối cùng, chúng ta không làm gì được đối với chúng. Cũng không có nghĩa tôi bảo rằng nó không liên quan đến vấn đề của giới luật đạo đức. Thực vậy, theo Phật giáo và các triết lý tôn giáo Ấn Độ khác, khổ đau là kết quả của Nghiệp Báo (Karma). Nhiều người Đông cũng như Tây Phương quan niệm cho rằng mọi việc ta gặp phải trong cuộc sống đều do tiền định là điều hoàn toàn sai lầm. Đó lại càng không phải lý do để ta khỏi chịu trách nhiệm trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Vì tiếng Karma đã trở thành một từ phổ thông được nhắc đến hằng ngày, cho nên cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa này hơn. Karma trong tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa là “hành động”. Nó ghi nhận một năng lực hoạt động và mọi biến cố xảy ra trong tương lai đều do kết quả ảnh hưởng bởi các hành động hiện tại của chúng ta. Nếu hiểu Karma (Nghiệp) là một năng lực độc lập có thể quyết định trước toàn vẹn cả cuộc đời của chúng ta thì thực sự hết sức sai lầm. Ai đã tạo ra Karma (Nghiệp)? Chính chúng ta. Những điều ta nghĩ, nói, làm và ham muốn gây nên Karma (Nghiệp).

Như tôi đã trình bày, lấy ví dụ, chính hành động của ta tạo nên một hoàn cảnh mới và gây ra một biến cố mới. Lời giảng của tôi tạo thành một sự suy nghĩ trong trí các thính giả. Trong mọi việc ta làm thường có nhân và quả, quả và nhân. Trong cuộc sống hằng ngày, thực phẩm ta ăn, công việc ta làm, và sự nghĩ ngơi của ta đều là tác dụng của hành động: hành động của chúng ta. Đó chính là Karma (Nghiệp). Cho nên, chúng ta không nên buồn phiền khi nào thấy mình phải gặp những nỗi khổ đau không tránh được. Khi bảo rằng mọi sự bất hạnh của ta đều do kết quả của Karma (Nghiệp) chẳng khác gì xác nhận rằng chúng ta hoàn toàn bất lực trong cuộc sống. Nếu đúng là như vậy, thì chúng ta thực không còn gì để hy vọng. Tốt hơn chúng ta nên cầu nguyện cho ngày tận thế.

Một sự đánh giá thích đáng hơn về nhân quả nêu lên ý kiến rằng thay vì bất lực, chúng ta có thể làm nhiều điều để gây ảnh hưởng trên kinh nghiệm đau khổ của mình: Lão, bệnh và tử là những điều không thể tránh. Nhưng đối với những sự giày vò của các ý tưởng và cảm nghĩ tiêu cực, chắc chắn chúng ta sẽ có sự chọn lựa bằng cách nào để đối phó với những đau khổ xảy ra. Nếu muốn, ta có thể chấp nhận một phương pháp ít xúc động và hợp lý hơn, và trên cơ sở đó, chúng ta có thể kiềm chế các phản ứng của mình. Mặt khác, ta chỉ cần chịu đựng các sự bất hạnh đó. Nhưng khi làm thế, chúng ta có thể trở nên bị dồn ép. Kết quả là những cảm xúc buồn phiền nảy sinh ra và sự bình an nội tâm sẽ bị phá huỷ. Khi ta không ngăn chặn các khuynh hướng phản ứng thiếu thiện chí trước nỗi đau khổ, nó sẽ trở thành nguồn ý tưởng và cảm xúc tiêu cực. Như thế có một sự liên hệ rõ ràng giữa nỗi khổ trong tâm chúng ta và sự hành trì giới luật nội tại.

Thái độ căn bản của ta đối với đau khổ rất khác hẳn với cách chúng ta kinh nghiệm nó. Ví dụ như có hai người đau khổ trước một căn bệnh ung thư giống nhau. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai bệnh nhân là cái nhìn của họ về bệnh trạng. Một người nhìn như điều gì phải chấp nhận, và nếu có thể chuyển đổi thành cơ hội để phát triển một sức mạnh nội lực. Một người lại phản ứng trước hoàn cảnh của mình với nổi sợ hãi, buồn phiền và lo lắng cho tương lai. Mặc dù trên phương diện thể xác không có gì sai khác giữa hai người trong nỗi đau khổ của họ, nhưng lại có sự khác biệt sâu xa trong kinh nghiệm về cơn bệnh của mỗi người. Trong trường hợp sau, ngoài sự đau đớn thể xác, lại còn thêm sự khổ đau tinh thần.

Điều này cho thấy mức độ đau khổ ảnh hưởng đến chúng ta phần lớn tuỳ thuộc nhiều vào chính mình. Do đó, điều căn bản là nên giữ một cái nhìn thích đáng trên kinh nghiệm về sự đau khổ của chúng ta. Ta nhận thấy rằng khi khảo sát một vấn đề đặc biệt nào đó, với cái nhìn thực gần ta thấy nó như quá lớn lao che lấp hết nhãn quan của mình. Nhưng nếu nhìn từ xa cùng một vấn đề đó, tự động chúng ta sẽ thấy được sự liên hệ giữa nó với các vật khác. Hành động đơn giản đó đã tạo ra một sự khác biệt to lớn. Nó giúp chúng ta nhận ra rằng mặc dù hoàn cảnh gặp phải thực quá bi đát, nhưng ngay cả trong tình huống bất hạnh nhất vẫn có nhiều phương diện và có thể đến gần bằng những góc cạnh khác nhau. Thực vậy, rất hiếm trường hợp, nếu chẳng phải là không có thể tìm thấy một tình trạng hết sức tiêu cực mặc dù ta nhìn nó với bất cứ cách nào.

Khi gặp thảm hoạ hay điều không may, chắc chắn chúng phải đến – điều rất hữu ích là nên so sánh với một biến cố khác hoặc nhớ lại một trường hợp tương tự hay tệ hại hơn đã từng xảy ra, nếu không phải của chính ta thì là của người khác trước đây. Nếu ta có thể chuyển đưa tầm nhìn ra khỏi bản ngã và hướng về người  khác ta sẽ kinh nghiệm được một kết quả giải thoát. Có điều là khi lo nghĩ đến chính ta nhiều quá, sẽ dẫn đến sự phóng đại nỗi đau khổ của mình. Trái lại, khi chúng ta nhìn nó qua liên hệ với nỗi khổ của người khác, chúng ta bắt đầu nhận ra, nói một cách tương đối, nó chẳng phải là không thể chịu đựng nổi. Điều này giúp ta duy trì được sự an lạc trong tâm dễ dàng hơn khi ta chỉ tập trung riêng về vấn đề của mình mà quên hết tất cả các điều khác.

Theo kinh nghiệm của chính cá nhân tôi, ví dụ như khi tôi nghe những tin tức xấu về Tây Tạng – rất buồn và quá thường xuyên – phản ứng tự nhiên tức thời của tôi là một nỗi buồn lớn lao. Tuy nhiên, khi đặt vào khuôn khổ và tự mình nhắc nhở đến điều thiết yếu của con người là cần tình thương, sự tự do, chân lý và công bằng phải luôn luôn được đề cao, tôi thấy mình có thể chịu đựng khá tốt. Những cảm xúc giận dữ không đè nén được vốn chẳng làm gì hơn ngoài việc đầu độc tâm hồn, rách nát con tim và suy nhược ý chí, thường rất ít khi trổi dậy cho dù trước các tin tức tệ hại nhất.

Cũng nên nhớ rằng, thời điểm đạt đến trí tuệ và nội lực cao nhất thường cũng là lúc ta gặp khó khăn nhất. Với nhận thức đúng đắn, ở đây một lần nữa, ta thấy sự quan trọng tối thượng của việc phát triển một thái độ tích cực – kinh nghiệm đau khổ có thể mở mắt ta trước thực tế. Chẳng hạn như, kinh nghiệm bản thân tôi về cuộc đời của một người tị nạn giúp tôi nhận biết rằng những nghi thức bất tận như là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi ở Tây Tạng thực ra chẳng mấy cần thiết.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng sự quả quyết và đức tính tự tin có thể phát triển cũng như lòng can đảm được tăng cường hơn nhờ kết quả của sự khổ đau. Điều này có thể thấy trong thế giới xung quanh chúng ta. Nơi cộng đồng tỵ nạn chẳng hạn, trong số những người còn sống sót của các năm lưu vong đầu tiên, tôi được biết nhiều người mặc dù họ gặp khổ đau khủng khiếp, nhưng lại là những con người có niềm vui vô cùng và tinh thần mạnh mẽ nhất.

Trái lại, chúng ta cũng thấy có một số người khi phải đối đầu với các nghịch cảnh tầm thường, mặc dù họ có đủ mọi thứ, nhưng lại đánh mất hy vọng và còn đâm ra tuyệt vọng. Lòng tham tự nhiên muốn giàu có đã làm chúng ta hư hỏng. Kết quả chúng ta thấy là dần dần nó khiến ta không dễ dàng chịu đựng nổi các vấn đề khó khăn mà bất cứ ai thỉnh thoảng cũng phải đối phó.

Bây giờ chúng ta thử xét đến các sự chọn lựa có thể chịu đựng được khi ta gặp phải vấn đề khó khăn đặc biệt. Theo một cực đoan này, ta có thể tự cho phép mình đắm chìm trong đó. Ở một cực đoan khác, đơn giản chúng ta chỉ cần tổ chức đi ăn ngoài trời hay nghỉ hè và quên hẳn nó đi. Thứ ba là khả năng trực tiếp đối đầu với tình trạng khó khăn ấy. Điều này bao gồm cả việc khảo sát, phân tích, xác định nhân quả và tìm phương cách để giải quyết vấn đề.

Mặc dù cách thứ ba đôi lúc khiến chúng ta phải chịu đau đớn thêm trong một thời gian ngắn, nhưng kỳ thực rõ ràng là nó thích hợp để ta chọn lựa hơn hai cách kia. Nếu ta cố tránh hay từ chối một vấn đề bằng cách quay lưng bỏ quên nó hoặc uống rượu hay sử dụng ma tuý và ngay cả dùng hình thức ngồi thiền hay cầu nguyện như phương tiện để trốn thoát trong lúc còn có cơ hội giải cứu ngắn hạn, như vậy thì vấn đề vẫn còn đó.

Đường lối như trên chỉ cốt lẫn tránh chứ không giải quyết được việc gì. Một lần nữa, sự nguy hại sẽ được thêm vào ở vấn đề đầu tiên, và tiếp theo là tinh thần và cảm xúc bất an. Các sự phiền não của lo lắng, sợ hãi và nghi ngờ lại tăng trưởng hơn. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến sự tức giận và tuyệt vọng với mọi nỗi khổ đau cho chính ta và người khác.

Hãy tưởng nghĩ một tai nạn xảy ra cho một người bị bắn vào bụng. Sự đau đớn thực khủng khiếp. Chúng ta nên làm gì? Dĩ nhiên chúng ta cần phải chịu đựng việc giải phẩu để lấy viên đạn ra. Điều này càng làm vết thương đau nhức hơn. Nhưng ta phải vui vẻ chấp nhận việc đó hầu khắc phục vượt qua vấn đề căn bản. Tương tự cho sự nhiễm độc hay một tổn hại lớn lao khiến ta mất cánh tay hoặc chân để bảo vệ mạng sống.

Nhưng lần nữa, hẳn nhiên ta phải chuẩn bị tinh thần chấp nhận sự ít đau đớn hầu tránh được nỗi khổ lớn hơn của cái chết. Chỉ là việc thường tình khi ta tự nguyện chịu đựng sự khổ sở nhằm mục đích để tránh một tình trạng tệ hại quá mức. Tôi cũng nhận thấy rằng điều ấy không phải luôn luôn dễ dàng quyết định. Khi lên sáu hoặc bảy tuổi, tôi bị chích ngừa bệnh đậu. Nó thực sự rất đau khiến tôi đâm ra nghi ngờ khi nghe người ta bảo rằng cơn đau ấy chẳng ăn nhằm gì nếu so sánh với chính căn bịnh hiểm nghèo đó. Nỗi đau nhức kéo dài đến mười ngày và hiện nay kết quả trên cánh tay tôi vẫn còn bốn cái sẹo lớn!

Nếu viễn tượng đối đầu với nỗi khổ hiện ra trước mặt đôi lúc có vẻ như đe doạ, nhưng chúng ta nên nhớ rằng trong thế giới chúng ta đang trải qua những kinh nghiệm của sự sống, không có gì là thường còn. Tất cả vạn vật đều biến đổi và đang tiến dần đến cảnh hoại diệt. Cũng thế, như trong sự diễn tả về cuộc sống thực tại mà tôi đã từng trình bày, chúng ta sẽ hoàn toàn sai lầm nếu bảo rằng kinh nghiệm đau khổ hay hạnh phúc có thể đến từ một nguyên nhân duy nhất.

Trái lại theo lý thuyết Nhân Duyên Sinh mọi vật hình thành đều do tổng hợp của nhiều nhân và duyên. Nếu không phải vậy thì khi ta tiếp xúc với điều gì tốt tự động ta sẽ thấy vui và khi tiếp xúc với điều xấu ta sẽ thấy buồn. Nguyên nhân của sự hạnh phúc và khổ đau như thế quá dễ nhận và cuộc đời quá ư là giản dị. Chúng ta có lý do chính đáng để kết thân với một hạng người hay sự vật hoặc sự kiện nào đó và giận ghét hay tránh xa các thứ khác. Nhưng đó lại không phải là hiện thực.

Cá nhân tôi nhận thấy các lời khuyên về sự khổ của vị thánh hiền Ấn Độ, ngài Tịch Thiên (Shantideva) thực rất hữu ích. Ngài dạy rằng điều căn bản là khi chúng ta đối đầu với bất cứ sự khó khăn nào, đừng để chúng làm chúng ta tê liệt. Nếu bị như vậy, ta đã rơi vào nguy cơ hoàn toàn bị chúng tràn ngập khống chế. Ngược lại, hãy sử dụng các khả năng đặc biệt để khảo sát bản chất của vấn đề. Nếu nhận thấy rằng chúng ta có thể giải quyết được nó bằng cách này hay cách khác thì ta khỏi cần phải bận tâm. Điều hợp lý là ta nên dốc toàn năng lực để hành động cho có kết quả.

Mặt khác, nếu ta thấy bản chất của vấn đề không tìm ra giải pháp thì ta sẽ không cần phải lo lắng nữa. Nếu tình trạng không thể thay đổi thì sự lo buồn chỉ càng làm tê hại thêm mà thôi. Đặt ra ngoài phạm vi của nền triết lý về cực điểm của một loạt tư duy phức tạp, tư tưởng của ngài Tích Thiên (Shantideva) trình bày sự giản dị hoá. Nhưng vẽ đẹp của những lời dạy này nằm chính ở phẩm chất giản dị đó. Và không ai có thể tranh luận gì thêm trước ý nghĩa trong sáng của nó.

Nơi đây, chúng ta sẽ không đi sâu vào vấn đề đau khổ có chủ đích thực tế nào đó. Nhưng nếu kinh nghiệm đau khổ nhắc nhở chúng ta nghĩ tới điều các người khác phải chịu đựng thì nó đóng góp như lời giáo huấn mạnh mẽ khuyên ta thực hành tâm từ bi và kiềm chế đừng gây khổ đau cho kẻ khác. Và trong phạm vi khởi dậy được lòng thương cảm và giúp ta nghĩ đến tha nhân, đau khổ có thể góp phần như một nền tảng của từ bi và tình thương.

Tôi xin nhắc lại thí dụ về vị tu sĩ kiêm học giả Tây Tạng đã bị tù hơn hai mươi năm và chịu đựng sự ngược đãi khủng khiếp nhất kể cả tra tấn sau khi đất nước tôi bị Trung Cộng xâm chiếm. Trong thời gian đó các đệ tử của ông trốn thoát được thường cho tôi biết rằng, các lá thư ông viết từ trại giam lén gửi ra ngoài đều chứa đựng các lời giảng dạy về tình thương và lòng từ bi sâu xa nhất mà họ chưa từng bao giờ đọc thấy. Trong nghịch cảnh khổ đau, dù có năng lực biến thành nguồn hận thù và tuyệt vọng, cùng lúc cũng có khả năng biến thành nguồn phát triển tinh thần. Kết quả ra sao, thế này hay thế khác tuỳ thuộc vào sự đáp ứng của chúng ta.