Cửu Hoa Sơn Bách Tuế Cung
Cửu Hoa Sơn Bách Tuế Cung
Từ Cửu Hoa nhai đi về hướng đông không xa lắm, có một tự viện treo trên vách núi của dãy Tiêu Phong Ma Thiên, tự viện đó chính là Bách Tuế Cung, rất nổi tiếng, được xây vào đời nhà Minh, ban đầu gọi là am Trích Tinh, sau mới đổi thành Bách Tuế Cung thờ nhục thân của ngài Hải Ngọc, tức là đại sư Vô Hà. Đại sư vốn người Uyển Bình, Thuận Thiên Phủ (nay là phố Bắc Kinh), xuất gia ở Ngũ Đài sơn rồi vân du đến các thánh địa Phật giáo nhưng cuối cùng vào khoảng năm Vạn Lịch ngài đến Ma Thiên Lãnh ở Cửu Hoa kết cỏ dựng am để ở, gọi là am Trích Tinh.
Lúc ấy Cửu Hoa hoang vắng, chúng tăng lưu lạc, không như lúc còn ngài Kim Kiều Giác nữa. Tương truyền rằng trong suốt thời gian ngài Vô Hà thiền cư chỉ lấy củ hoàng tinh, đan sâm hoặc những trái cây hoang làm thức ăn. Sau một thời gian ngài dùng máu của mình hòa với đá bạc để chép Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, mất hết 28 năm mới hoàn tất, tổng cộng 81 quyển. (Bộ huyết Kinh này hiện được lưu giữ tại Nội Quán Văn Lịch Sử Cửu Hoa sơn) Ngày 14 tháng 9 năm Thiên Khải thứ 3 (1623) ngài biết đến lúc viên tịch và cáo biệt bằng bài kệ:
“Lão tẩu hình hài bách hữu dư (Hình hài lão tuổi có hơn trăm
huyễn thân khô sấu pháp thân phì huyễn thân khô gầy pháp thân tươi
ngạn đầu tích thất ma biên sự dấu mất bên bờ chuyện hư vọng
động khẩu ngôn lai cách ngoại cơ từ vào cửa động thoáng nhanh trôi
thiên thượng tinh thần cao khả trích sao sớm trời cao vừa thể hái
thế gian nhân cảnh viễn tương ly thế gian nhân cảnh cùng lìa nhau
khách lai vấn ngã quy hà xứ khách đến hỏi ta về đâu đấy?
lạp tận xuân hồi tận kiến mai.” đông hết xuân sang lại thấy mai.)
Nói kệ xong, ngài an tường nhập định mà đi, thọ 110 tuổi. Cũng ba năm sau các đệ tử thấy từ mộ ngài chiếu ra ánh sáng và càng tiến lại càng nghe mùi thơm nên cho khai quan thì thấy nhục thân của ngài vẫn không bị hư hoại và đem thờ ở Bách Tuế Cung. Người ta cho rằng ngài Vô Hà chính là ngài Kiều Giác tái sinh, đến để lưu lại cho hậu thế nhục thân đã bị mất và cho đạo Phật nơi này được trùng hưng.
Nơi hiện thờ nhục thân của ngài Vô Hà trước đó có tên là Trích Tinh am và cũng có một thời gian gọi là Vạn Niên Thiền tự. Nhưng đến năm Sùng Trinh thứ 3 (1630) sau khi khai quan được nhục thân ngài Vô Hà và trùng tu chùa xong thì được vua đổi tên là Bách Tuế Cung (cung trăm tuổi). Nghĩa là đặt theo tuổi thọ của ngài Vô Hà vậy.
Theo lời truyền lại, Bách Tuế Cung cũng có vài mẩu chuyện linh ứng về ngài Vô Hà: 1) Vào đời Thanh, năm Hàm Phong thứ 3 (1853 CN), khi toàn bộ chùa điện bị thiêu hủy vì hỏa tai. Trong lúc nguy cấp ấy, tăng chúng cùng nhau quỳ lạy trước điện của ngài Hải Ngọc, xin dời ngài ra khỏi điện, rồi cả chúng tăng dùng hết sức để khiêng ra nhưng không làm cách nào khiêng nổi bởi vì ngài không chịu đi nên lửa lớn cháy đến chúng tăng đành ra khỏi và có vị luyến tiếc nhìn lại thì bỗng thấy hai tay ngài Hải Ngọc giơ lên cao và phát ra một lực rất mạnh, sức của lửa bèn lui rồi trời sấm sét, mưa lớn rơi xuống, trận lửa được dập tắt. Các ngọc ấn của vua đời Minh và Thanh ban cho và huyết Kinh Hoa Nghiêm do ngài Vô Hà chép đều không bị tổn hoại. 2) Vào sơ kỳ của thời Dân Quốc, tại Bách Tuế Cung tổ chức đại pháp hội, hương khách rất đông, trai đường bát không đủ dùng, nếu phải chia ra nhiều nhóm thọ trai thì Phật sự bị ảnh hưởng. Trong lúc vị thầy đương gia sốt ruột chẳng biết tính sao thì đột nhiên ở bên ngoài có người thông báo nói rằng thợ gốm từ trấn Cảnh Đức ở Giang Tây đưa đến một xe bát Bách Tuế Cung, số đếm là 4800 cái. Không ai biết tại sao, người đưa bát mới kể rằng: “Một tháng trước, có một vị tăng già hình dáng gầy gò từ núi Cửu Hoa đến lò gốm của chúng tôi ngồi xếp bằng ngay ngắn trọn 3 ngày không nói lời nào. Chúng tôi không dằn được tính tò mò, bèn đến hỏi người có việc gì thì vị tăng già ấy nói người là thầy tu ở núi Cửu Hoa muốn đến lò gốm nung một cái bát đề 3 chữ. Chúng tôi liền làm theo ý người, trước khi nung đã trao bát cho người đề 3 chữ Bách Tuế Cung trên đó. Nhưng khi chúng tôi nung bát thì không thấy người đâu nữa. Đến giờ nung xong, chúng tôi mở ra thấy lò đầy cả bát Bách Tuế Cung, bát nào bát nấy đều nguyên vẹn, tổng cộng có đến 4800 cái. Chúng tôi mới nghĩ vị lão tăng ấy là Bồ Tát, nên y theo chỉ điểm và đem toàn bộ bát đưa lên đây”. Hiện tại nghe nói trên Cửu Hoa sơn vẫn còn vài bát như vậy.
Quan Châu