101 Câu chuyện Thiền (61-70)

Chuyện 61:GUDO Và Hoàng Đế

Hoàng đế Goyozei đang học Thiền với Gudo. Hoàng đế hỏi: “Trong Thiền, chính tâm này là Phật. Vậy có đúng không?”

Gudo trả lời: “Nếu tôi nói đúng, thì ngài sẽ nghĩ rằng ngài hiểu mà không hiểu gì cả. Nếu tôi nói không, thì tôi lại nói ngược với một sự kiện mà nhiều người hiểu rất rõ.”

Vào môt ngày khác hoàng đế hỏi Gudo: “Người giác ngộ đi về đâu khi người đó lìa đời?”

Gudo trả lời: “Tôi không biết.”

“Tại sao thầy lại không biết?” hoàng đế hỏi.

“Bởi vì tôi chưa chết,” Gudo trả lời.

Hoàng đế do dự hỏi thêm nữa về những điều mà tâm của ngài không thể hiểu được. Do đó Gudo đập trên sàn nhà bằng bàn tay của thầy như để làm cho hoàng đế thức tỉnh, và ngài giác ngộ!

Hoàng đế tôn kính Thiền và ông già Gudo hơn bao giờ hết sau khi ngài giác ngộ, và ngài còn cho phép Gudo đội mũ trong cung đình vào mùa đông. Khi Gudo ngoài tám mươi tuổi thầy hay ngủ thiếp đi vào giữa buổi thuyết giảng của thầy, và vị hoàng đế thường lặng lẽ lui vào một căn phòng khác để cho ông thầy kính yêu của ngài có thể hưởng sự nghỉ ngơi mà tấm thân già nua của thầy cần đến.

 

Chuyện 62: Trong Tay Định Mệnh

Một võ tướng vĩ đại của Nhật Bản tên là Nobunaga quyết định tấn công kẻ địch mặc dù ông chỉ có một phần mười số người so với phe đối ngh?ch. Ông biết rằng ông sẽ chiến thắng, nhưng lính của ông lại nghi ngờ.

Trên đường đi ông ngừng lại ở một ngôi đền thờ Shinto và nói với những người của ông rằng: “Sau khi ta vào thăm đền thờ ta sẽ gieo một đồng tiền. Nếu là hình vẽ cái đầu ngửa lên, chúng ta sẽ chiến thắng; nếu là hình cái đuôi, chúng ta sẽ thua. Định mệnh nắm giữ chúng ta trong tay của nàng.”

Nobunaga bước vào đền thờ và yên lặng cầu nguyện. Ông bước tới và gieo một đồng tiền. Mặt vẽ cái đầu hiện ra. Quân lính của ông hăng hái chiến đấu rồi thắng trận chiến của họ một cách dễ dàng.

“Không ai có thể thay đổi được bàn tay của định mệnh,” người hầu cận của ông nói với ông sau trận chiến.

“Thật ra không đúng,” Nobunaga nói, đưa ra cho thấy một đồng tiền có hai phía giống nhau, với hình vẽ cái đầu ở cả hai mặt.

 

Chuyện 63: Sát Sinh

Gasan một hôm dạy dỗ những đệ tử của ông: “Những ai lên tiếng chống lại sự sát sinh và những ai muốn bảo tồn cuộc sống cho mọi sinh vật có tri giác đều đúng. Thật là tốt khi bảo vệ ngay cả các súc vật và các côn trùng. Thế nhưng còn những người giết thời giờ thì sao, những người đang tàn phá tài sản thì sao, và những người hủy hoại nền kinh tế chính tr?? Chúng ta không nên bỏ qua cho những người này được. Hơn nữa, còn như người giảng pháp mà lại không hề giác ngộ thì sao? Người đó đang giết chết Phật giáo vậy.”

 

Chuyện 64: Mồ Hôi Kasan

Kasan được mời hành lễ tại một đám tang của một vị lãnh chúa trong tỉnh.

Ông chưa hề gặp các v? lãnh chúa và các nhà quý tộc trước đó bao giờ cho nên ông bồn chồn. Khi nghi lễ khởi sự, Kasan đổ mồ hôi.

Sau đó, khi đã quay trở về rồi, ông triệu tập tất cả môn sinh của ông lại. Kasan thú nhận rằng ông chưa đủ khả năng để làm một ông thầy bởi vì ông khi tới với giới danh tiếng đã chẳng giữ nổi được cùng một tác phong như cái tác phong ông có khi ở trong chốn thiền viện vắng vẻ. Thế rồi Kasan từ chức và trở thành môn sinh của một ông thầy khác. Tám năm trời sau, đã được giác ngộ, ông quay trở về với các môn sinh trước đây của ông.

 

Chuyện 65: Chế Ngự Con Ma

Một cô vợ trẻ lâm bệnh và sắp qua đời. “Em yêu anh rất nhiều,” nàng nói với chồng nàng, “Em không muốn rời xa anh. Đừng nên bỏ em để rồi đi tới với bất cứ người đàn bà nào khác nhé. Nếu anh làm như thế, em sẽ quay trở lại làm ma và quấy rối anh luôn mãi đấy.”

Ít lâu sau cô vợ từ trần. Anh chồng tôn trọng ý muốn cuối cùng của nàng được ba tháng đầu, nhưng rồi anh gặp một người phụ nữ khác và yêu cô này. Họ hứa hôn với nhau.

Lập tức ngay sau cuộc hứa hôn có một con ma hiện ra mỗi đêm với anh chàng, phiền trách anh ta không giữ lời hứa của anh. Con ma cũng rất tài tình. Nó nói với anh đúng ngay những chuyện gì đã diễn ra giữa chính anh và người yêu mới của anh. C? mỗi khi anh tặng hôn thê của anh một món quà, con ma cũng có thể tả thứ đó ra với từng chi tiết. Nàng còn nhắc lại được ngay cả cuộc nói chuyện, và điều đó quá quấy nhiễu anh chàng đến nỗi anh không thể nào ngủ được. Có người khuyên anh chàng nên mang việc của anh đến một thiền sư sống gần làng. Mãi về sau này, trong niềm thất vọng, anh chàng đáng thương mới đi tới thiền sư để nhờ giúp đỡ.

“Vợ trước của con biến thành một con ma và biết được mọi việc con làm,” ông thiền sư bình luận. “Bất cứ chuyện gì con làm hay nói, bất cứ thứ gì con tặng cho người yêu của con chị ấy biết. Chị ấy phải là một con ma rất khôn ngoan. Thật ra con nên khâm phục một con ma như v?y. Lần sau chị ấy xuất hiện, hãy thương thuyết với chị ấy. Nói với chị rằng chị biết quá nhiều con không thể dấu chị điều gì được cả, và nếu chị trả lời con được một câu hỏi, con hứa hẹn sẽ tiêu hủy chuyện hứa hôn của con và ở độc thân.”

“Câu gì mà con phải hỏi nàng?” chàng thăm dò.

Thiền sư đáp lời: “Hãy bốc một nắm nhiều hột đậu nành và hỏi chị ấy xem con nắm đúng bao nhiêu hột đậu nành trong tay con. Nếu chị ấy không nói cho con rõ được, thì con sẽ biết rằng chị ấy chỉ là một phần nhỏ của trí tưởng tượng của con và sẽ không còn quấy nhiễu con nữa đâu.”

Đêm hôm sau, khi con ma xuất hiện anh chàng n?nh bợ nàng và bảo nàng rằng nàng biết tất cả mọi chuyện.

“Quả đúng vậy đó,” con ma trả lời, “và ta biết anh đã đi thăm cái ông thiền sư đó ngày hôm nay.”

“Và vì em biết quá nhiều,” anh chàng yêu cầu, “hãy nói cho ta biết có bao nhiêu hạt đậu mà ta nắm trong bàn tay này!”

Chẳng còn có một con ma nào để mà trả lời câu hỏi nữa.

 

Chuyện 66: Những Người Con Của đức Hoàng Đế

Yamaoka Tesshu là một phụ giáo của hoàng đế. Ông cũng còn là một bậc thầy về thuật đánh kiếm và một môn sinh học Thiền uyên thâm.

Nhà của ông là nơi trú ngụ của những kẻ lang thang vô nghề nghiệp. Ông chỉ có độc nhất một bộ quần áo, để giữ cho ông nghèo nàn mãi thôi.

Hoàng đế, nhận thấy quần áo của ông quá xác xơ, đã cho Yamaoka một ít tiền để mua vài bộ quần áo mới. Lần sau Yamaoka xuất hiện ông vẫn mặc y nguyên bộ đồ cũ.

“Quần áo mới đâu mất hết rồi, Yamaoka?” hoàng đế hỏi.

“Tôi đã mang quần áo cho những người con của đức hoàng đế rồi,” Yamaoka giải thích.

 

Chuyện 67: Con Đang Làm Gì Vậy! Thầy Đang Nói Gì vậy!

Trong thời đại mới rất nhiều chuyện vô ý nghia về những thiền sư và các đệ tử được người ta nói tới, và về chuyện thừa hưởng giáo lý của một ông thầy bởi các môn sinh được đặc biệt ưu đãi, khiến họ được phép tiếp tục truyền đạt chân lý tới những môn sinh của họ. Tất nhiên Thiền phải được truyền thụ theo cách thức này, từ tâm truyền qua tâm, và trong quá khứ cách phổ biến này đã được thật sự thực hiện. Sự yên lặng và đức khiêm tốn vượt trội hơn hẳn lời phát biểu và sự xác ngôn. Người được tiếp nhận một giáo lý như vậy thường giữ kín chuyện đó đến cả hai chục năm sau. Mãi cho đến lúc có một người khác vì nhu cầu riêng tư của cá nhân mình khám phá ra được rằng có vị thiền sư thật sự ở ngay cận bên mình thì mới hay biết rằng giáo lý đã được phổ biến đi, và rồi tùy trường hợp xảy ra hoàn toàn tự nhiên mà giáo pháp cứ nhu vậy được truyền tụng tiếp tục. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thiền sư không bao giờ tự nhận rằng “Ta là kẻ nối nghiệp của người này người kia.” Một lời tự nhận như thế chỉ chứng tỏ ra sự hoàn toàn trái ngược lại.

Thiền sư Mu-nan chỉ có một người kế v?. Tên của ông này là Shoju. Sau khi Shoju đã hoàn tất xong việc học thiền của ông, Mu-nan gọi ông vào trong phòng của ngài. “Thầy đã về già rồi,” ngài nói, “và cho tới nay như ta được biết, Shoju, con là người độc nhất sẽ th?c hiện giáo pháp này. Đây là một quyển sách. Sách đã được lưu truyền xuống từ thầy này tới thầy khác đến bảy đời rồi. Thầy cũng đã thêm vào nhiều điểm theo sự thông hiểu của thầy. Quyển sách rất quý giá, và ta trao sách lại cho con để tiêu biểu cho sự kế v? của con.”

“Nếu quyển sách là một vật quan trọng đến thế thì tốt hơn là thầy nên giữ lấy,” Shoju trả lời. “Con đã được thụ nhận Thiền không văn tự của thầy và con thỏa nguyện với chuyện đó như vậy rồi.”

“Thầy biết điều đó,” Mu-nan nói. “Dù như vậy, tác phẩm này đã được lưu truyền từ thầy này qua thầy khác tới bảy thế hệ rồi, cho nên con có thể giữ lấy sách như một vật tiêu biểu là đã được tiếp nhận giáo pháp. Này đây.”

Cả hai người tình cờ đang nói chuyện trước một lò than hồng. Ngay khi Shoju cầm sách vào tay ông liền giúi sách vào trong đống than ngút lửa. Ông chẳng muốn lưu giữ làm gì.

Mu-nan, ngài chưa từng bao giờ nổi giận trước đây, quát lên: “Con đang làm gì vậy!”

Shoju hét lại: “Thầy đang nói gì vậy!”

 

Chuyện 68: Một Nốt Nhạc Thiền

Sau khi Kakua thăm viếng hoàng đế thì ông ta biến mất và không một ai biết chuyện gì xảy đến cho ông cả. Ông là người Nhật Bản đầu tiên học Thiền ở Trung Hoa, nhưng bởi vì ông không hề tỏ lộ chút gì về Thiền, ngoại trừ một nốt nhạc, nên người đời không còn nhớ rằng ông đã đưa Thiền vào quê hương của ông.

Kakua đã thăm viếng Trung Hoa và thụ nhận được giáo lý đích thực. Ông không hề đi đây đi đó khi ông ở tại nơi này. Thiền định chuyên cần, ông sống ở một vùng xa xôi trên núi. Mỗi khi người ta tìm thấy ông và yêu cầu ông giảng dạy thì ông chỉ nói một vài lời và rồi di chuyển sang một vùng núi khác ở chỗ đó không dễ dàng mà kiếm ra ông.

Hoàng đế nghe nói về Kakua khi ông trở về tới Nhật Bản và yêu cầu ông thuyết giảng về Thiền cho hoàng đế và đám quần thần của ngài được thông hiểu.

Kakua đứng trước mặt hoàng đế trong yên lặng. Xong ông lấy một ống sáo từ trong vạt áo của ông ra và thổi lên một nốt ngắn. Cúi đầu chào một cách lễ phép, ông rút lui đi mất.

 

Chuyện 69: Ăn lờI khiển trác

 

Một hôm vì xảy ra nhiều tình huống bất thường làm chậm trễ việc sửa soạn bữa ăn tối cho một thiền sư Soto, là ông Fugai và các môn sinh của ông. Trong lúc vội vã người nấu ăn đi ra vườn với con dao lưỡi cong của y và cắt lấy những ngọn rau xanh, thái nhỏ rau ra với nhau, và nấu canh, không hay biết rằng trong lúc vội vã y đã cắt luôn một phần của một con rắn trong rau.

Đám môn sinh của Fugai cho rằng họ chưa bao giờ được thưởng thức món canh ngon như thế cả. Nhưng đến khi chính ông thầy thấy được cái đầu rắn trong bát của ông, ông liền cho gọi người nấu ăn đến. “Đây là cái gì vậy?” ông cầm cái đầu rắn giơ cao lên mà hỏi.

“Ô, thưa thầy, xin cám ơn thầy,” anh chàng nấu ăn trả lời, cầm lấy miếng đó và ăn nó ngay tức khắc.

 

Chuyện 70: Vật Quý Báu Nhất Trên thế gian.

Sozan, một thiền sư Trung Hoa, được một môn sinh hỏi: “Vật gì quý báu nhất trên thế gian?”

Ông thầy trả lời: “Đầu một con mèo chết.”

“Tại sao đầu một con mèo chết lại là vật quý báu nhất trên thế gian?” thiền sinh thắc mắc.

Sozan đáp l?i: “Vì lẽ không một ai có thể định giá cả cho cái đó được.”