TAM QUY – H.T Thích Trí Thủ 

 

Viên Âm – Số 84 trang 18 năm 1949

I. ĐỊNH NGHĨA QUY Y TAM BẢO

A. QUY Y

  1. QUY nghĩa là trở về. Người đi tha phương cầu thực nay trở về với cố hương, kẻ lạc đường trong đêm tối, nhờ có ánh sáng của trăng sao, liền quay lại con đường chơn chánh. Tự tâm chúng ta sẵn có giác tánh tức là Phật tánh, nhưng từ lâu đời bị vọng trần ngăn che, nay nhờ có ánh sáng của giáo lý khai ngộ; theo ngoại đạo, bạn dữ, thầy tà, nay ta trở về với đạo lý chơn chánh, với thầy sáng suốt, bạn thuần lương.
  2. Y nghĩa là nương tựa, y cứ theo, như cây trầu nương tựa và y cứ theo cây cau để sống và phát triển. Từ trước đến nay ta y theo vọng cảnh vọng trần, y theo tà giáo mà hành động thành thử bị luân chuyển trong đau khổ, nay nhờ được người chỉ đường sáng suốt, chúng ta quyết y cứ trên tự tánh thanh tịnh, tâm nương tựa những bậc dẫn đường, những giáo lý chân chánh để sống mà hành động.

Trong chữ quy y chúng ta nhận thấy có ba ý chính:

1) Đem cả thân mạng để quy hướng.

2) Quy thuận theo giáo pháp chơn chánh.

3) Thâu nhiếp sáu căn, không dong ruổi theo sáu trần mà tu tập, phản vọng quy chơn, để trở về với nhất tâm thanh tịnh sẵn có của mình.

B. QUY Y TAM BẢO

Quy y Tam bảo là quy y Phật, Pháp, Tăng. Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi quý báu nhất trên đời nên gọi là Tam bảo.

  1. QUY Y PHẬT là trở về nương tựa trên tự tánh thanh tịnh tâm (Phật tánh) của ta. Tất cả chúng sanh đều có tánh giác rõ biết cùng khắp (giác tánh), tánh ấy tức là Phật tự tâm. Kinh có câu “nhứt thiết chúng sanh cụ hữu Như lai trí huệ đức tướng”chính là nghĩa này. Ngặt vì chúng ta đã lâu đời bị vô minh ngăn che, giác tánh không được hiển lộ, nên phải mê muội lăn lộn trong vòng chúng sanh. Người nào thể nhận được tự tâm ấy tức gọi là Phật. Mười phương ba đời các đức Như lai là những vị đã giác ngộ tự tâm, đều xứng đáng để ta quy y. Gần với chúng ta hơn là đức Phật Thích ca Mâu ni, Ngài đã xa mọi sự quyến luyến của dục tình để đi tìm nguồn đạo cao cả, Ngài đã chiến thắng mọi phiền não bên trong, cũng như bao cảnh tráo trở giả dối bên ngoài để chứng đến địa vị cứu cánh thanh tịnh. Chúng ta nhận thấy Ngài là một vị toàn giác, đủ khả năng đem ta đến chỗ giải thoát, nghĩa là chứng ngộ được tự tâm. Vì những lẽ trên nên ta trở về nương tựa với Phật. Ấy gọi là Quy Y Phật.
  2. QUY Y PHÁP nghĩa là trở về nương tựa trên thật tánh của muôn pháp. Thật tánh tức là chỉ cho tự tánh như như bình đẳng của sự vật. Mặc dù hiện tượng giữa đời này có sanh diệt còn mất, nhưng thật tánh ấy vẫn không biến dịch. Mây, mù, hơi, nước, tuy khác nhau nhưng không ngoài tánh ướt. Từ trước đến nay vì mê mờ nên chúng ta không thể nhận được thực tánh ấy, mà cứ đắm say theo vọng trần giả cảnh của tâm thức biến hiện, rồi do đó mà tạo nghiệp thọ quả luân hồi sanh tử trong ba cõi. Nay ta nguyện trở về với thật tánh tức là quy y pháp. Tuy thế, nhưng muốn thể hội được thật tánh cũng không phải tìm đâu xa mà vẫn căn cứ trên cảnh giả hữu để thể nhận thật tánh mà thôi.

Khi nào ngộ được tánh chơn thường của sự vật tức là được ngộ Phật pháp. Với căn tánh ám độn như chúng ta, nếu không có giáo pháp chỉ bày thì khó nhận được tánh chơn thường ấy lắm. Cho nên, ta phải quy y Pháp, nghĩa là trở về nương tựa ba tạng giáo điển của đức Phật đã dạy mà tu học, mong đoạn trừ mê chướng, chứng ngộ thật tướng bình đẳng của các pháp và thề không còn quy y theo một phương pháp nào khác nữa.

  1. QUY Y TĂNG nghĩa là trở về nương tựa với vị thầy giác ngộ chính đáng. Như trên chúng ta đã biết, tự tâm thanh tịnh sẵn đủ trong tất cả chúng sanh, chỉ vì mê không nhận thấy đó thôi. Nay ta đã biết trong tâm sẵn đủ giác tánh, chính giác tánh ấy là một bực thầy chơn chính của chúng ta, đủ đạo lực khai ngộ trí huệ cho ta, đem ta đến chỗ giải thoát. Cho nên, không chi hơn bằng quy y với vị thầy tự tâm ấy. Kinh có câu “Một niệm cùng khắp mười pháp giới”, như thế thì mười phương chúng Tăng cũng chính trong tâm niệm của chúng ta nên ta quy y với mười phương chúng Tăng tức là quy y tự tâm chúng ta đó vậy. Chữ Tăng đây là chỉ cho mười phương chúng Tăng.

Nói một cách hẹp hơn thì gần chúng ta đây cũng có Hiện tiền tăng. Tức là những đoàn thể tăng già học hạnh kiêm toàn. Phật pháp là một giáo điển siêu việt, nếu không nhờ các vị tinh thông chỉ bày thì ta làm sao thấu hiểu. Nên ta quy y Tăng bảo, nghĩa là trở về nương tựa những đoàn thể tăng già chân chính, để học đòi giáo điển, tinh tấn tu hành, nếu ta muốn thể nhận được tự tánh thanh tịnh của ta.

II. VÌ SAO CẦN PHẢI QUY Y

Phật dạy: “Bồ tát sợ nhơn, chúng sanh sợ quả”. Nghĩa là bồ tát bao giờ cũng sợ hãi hành vi nhân địa không chơn chánh, chớ không sợ quả vị hưởng thọ có hay không; trái lại chúng sanh nước đến trôn mới nhảy, một khi đụng đầu đau khổ mới than van, chứ không kể gì gây nhơn bất thiện.

Ở đời chỉ có hạng người mê mờ ích kỷ sống không có ngày mai mới “nhắm mắt đưa chân”; ngoài ra ai lại không muốn có một cuộc đời an ủi có ý nghĩa. Muốn thế mà không được, suy nguyên chính chỉ vì muốn ăn quả mà không muốn trồng cây. Mà đời đau khổ là do nguyên nhân mê lầm, vì mê lầm nên phát sanh hành vi sai lại rồi sẽ chịu quả đau thương. Nay muốn khỏi đau khổ phải cải tạo hành vi, phải nương nhờ chỗ quy chí chơn chánh; chỗ quy chí chơn chánh là Phật, Pháp, Tăng vậy.

Hơn nữa, chúng ta quy y Tam bảo là vì ta nhận thấy tuy trong tâm ta sẵn có tự tánh Tam bảo, nhưng vì đã lâu đời bị vô minh ngăn che, mãi mãi dong ruổi theo cảnh trần giả hữu, gây nên vô lượng nghiệp nhân, luôn luôn quay cuồng trong vòng sanh tử. Chúng ta không khác một người mù lòa quờ quạng trong đêm tối, nếu không nhờ có ánh sáng đèn hay người dắt dẫn thì làm sao thoát khỏi được. Đức Phật đối với ta là một người cầm đuốc trong đêm tối, là một vị lương y có lòng từ bi không cùng tận! Chỉ có lòng từ bi tuyệt vời ấy mới có thể an ủi chúng ta trong lúc lệ nóng đang chan hòa với dòng sông và mới có thể ấp ủ được những tâm hồn khắc khoải vì đau thương … Nhưng lòng thương ấy không phải phát sanh với một tâm hồn tiêu cực bi quan, mà duyên khởi bởi một tấm lòng từ bi vô hạn. Vì thế nên Ngài lại đem những phương thức chính đáng, những đạo lý siêu phàm để dạy vẽ chỉ bày, làm cho ta thoát khổ được vui. Những phương pháp ấy chính là ngọn hải đăng của kẻ thủy thủ lạc đường vậy. Còn Tăng đồ là những đoàn thể làm gương mẫu xứng đáng cho ta noi theo. Các ngài không phải làm trung gian giữa thực thể và cá nhân, mà chỉ có bổn phận dạy vẽ và làm kiểu mẫu cho ta trên đường giải thoát mà thôi. Nói tóm lại, vì Tam bảo đủ điều kiện khả năng làm cho ta thoát mê thành ngộ, lìa khổ được vui nên ta nhất tâm quy y cung kính.

III. QUY Y PHẢI THẾ NÀO ?

Có người vì không hiểu nghĩa của quy y nên tin tưởng rằng: Tam bảo là đấng thiêng liêng, đủ uy lực ban phước gieo họa cho người đời, vì thế nên họ đến chùa quy y cầu để tránh các tai biến hoạn nạn có thể sẽ xảy đến cho gia đình hoặc bản thân họ.

Quan niệm này sở dĩ mà có là vì chưa hiểu rõ chính nghĩa của chữ quy y. Quy y chính là phương tiện đưa ta đến quả vị giải thoát và nhất là để thể nhận tự tâm của chúng ta. Với những người lầm lạc ấy, sự quy y cũng không phải hoàn toàn vô ích; một khi đã đến nhà chùa, dù trong một thời gian rất ngắn, nhưng nhờ thấm nhuần được mùi đạo cũng có thể hoán cải người độc ác trở nên thuần lương và chính nhờ sự kết duyên với Tam bảo mà chủng tử thiện pháp ấy được gieo vào trong bát thức tâm điền, Cho nên, ở một đời sau, khi đủ duyên thì chủng tử ấy sẽ phát hiện ra và gặp được Tam bảo, tinh tiến tu hành.

Nếu chúng ta muốn sự quy y có nhiều kết quả lợi ích thiết thực ở hiện tại cũng như về tương lai thì ngay bây giờ đây trong khi trở về với nguồn đạo cao cả, chúng ta hãy tìm những vị tăng già gồm cả tu và học, vì chỉ có tăng già mới đủ sức đảm nhiệm sứ mệnh của đức Như Lai là hoằng pháp lợi sanh; nhất là phải chọn lựa những vị hợp với căn cơ trình độ của mình để học hỏi theo những giáo pháp của Phật đã dạy. Nhưng không phải học suông mà đủ. Quy y suông thì cũng chẳng lợi ích gì như đọc sách mà không hiểu. Cho nên, trong sự quy y, chúng ta hãy đem tâm niệm chí thành, quyết thực hành theo những phương pháp của Phật dạy, thề không bao giờ quy y theo một tôn giáo hay đạo lý khác nữa. Như thế cũng chưa hoàn toàn, chúng ta hãy đem một tâm niệm vị tha bình đẳng, làm cho người khác cũng được lợi ích như mình, bằng cách khuyên bảo chỉ bày cho họ phát khởi chánh tín, nghĩa là cung kính và quy y Tam bảo. Bởi vậy khi chúng ta làm lễ quy y, chúng ta có phát ba lời tâm nguyện lớn:

  1. Đệ tử quy y Phật, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y thiên thần quỷ vật.
  2. Đệ tử quy y Pháp, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo.
  3. Đệ tử quy y Tăng, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y tổn hữu ác đảng.

Có thế mới mong rằng sự quy y của chúng ta có nhiều kết quả tốt đẹp cho mình và cho người, ở hiện tại cũng như về tương lai, và sự quy y ấy mới tránh khỏi cái tệ chỉ nói suông mà không thực hành vậy.

IV. KẾT LUẬN

Phật giáo với đạo lý Tam Quy có đủ diều kiện hoán cải tâm hồn của loài người, giới thiệu một con đường mới mẻ và đặt một lòng tin tưởng ở khả năng vô tận của loài người.

Là Phật tử, chúng ta cần phải chân chánh quy y Tam bảo, đem những gì trong trẻo cao đẹp nhất của chính mình mà hướng về Tam bảo, thể theo chánh nghĩa Tam bảo làm chỗ y cứ cho hành vi ý nghĩ của chính mình. Có vậy mới là chơn chánh Phật tử, khỏi cô phụ lời dạy dỗ của đức Bổn Sư chúng ta mà cũng khỏi cô phụ tánh linh của chúng ta vậy.