Rùa & cá

 Rùa & cá

Thuở xưa có con cá sống  dưới hồ nước cùng với con  rùa. Một hôm rùa dạo  chơi trên mặt đất trở về, gặp cá liền kể:

– Mấy hôm rày tôi đi một vòng trên đất khô.
– Đất khô à, cá lấy làm ngạc nhiên. Bạn nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất mà làm sao khô được? Tôi chưa khi nào thấy bùn đất mà khô cả.
Bẩm tánh ôn hòa, rùa nhỏ nhẹ đáp:


– Bạn nghĩ như vậy cũng tốt. Nhưng kỳ thực, những nơi mà tôi đi qua mấy hôm rày là mặt đất khô khan.
– Này bạn rùa, bạn nói rõ lại coi. Đất khô mà bạn nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?
– Không.
– Đất khô có mát mẻ, êm dịu và dễ chịu không?
– Không.
– Đất khô có trong suốt và ánh sáng có rọi xuyên qua được không?
– Không.
– Đất khô có mềm mại để mình bơi lội trong ấy không?
– Không.
– Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?
– Không.
Cá rất bực mình với loạt trả lời không, không của rùa nhưng vẫn gặng hỏi.
– Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt không?
– Không. Rùa thành thật trả lời.
Cá bỗng nhiên cười lớn, lộ vẻ hân hoan của người thắng cuộc.
– Tôi đã bảo rằng đất khô của bạn chỉ là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi và bạn đã xác nhận rằng đất khô là không. Không phải là gì hết thì là hư vô chứ còn gì.


– Được, rùa đáp, tốt lắm. Này bạn cá, nếu bạn quả quyết rằng đất khô là hư vô, không có gì hết thì cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thực ra, ai đã biết nước và đất liền rồi thì chắc chắn sẽ chê bạn là con cá dại dột, vì quả quyết rằng những gì mà mình không biết là hư vô, là không có gì hết.

(Theo Truyện cổ Phật giáo)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Tri thức thì vô cùng mà hiểu biết của chúng ta thì hạn hẹp. Trí tuệ vô ngã của bậc giác ngộ thì vô hạn mà tư duy hữu ngã của phàm phu thì giới hạn. Vì thế để hiểu, cảm thông và chia sẻ kinh nghiệm cũng như truyền trao tuệ giác cho nhau cũng không phải dễ dàng. Đó cũng là lý do vì sao trong một vài trường hợp Thế Tôn im lặng không trả lời và Lão Tử, bậc Thánh triết Trung Hoa cũng lạnh lùng “tri giả bất ngôn”.

Người biết thì không nói. Vì sao? Vì nói ra chắc cũng trớ trêu như chuyện rùa với cá. Toàn bộ tri thức và kinh nghiệm của cá chỉ từ mặt nước trở xuống đáy hồ thì làm sao cá có thể khái niệm được chuyện trên hồ. Cái thấy biết của cá cũng không hơn ếch ngồi đáy giếng là bao, ấy vậy mà cá còn dương dương tự đắc chế giễu rùa là khoác lác, thậm chí là “mê tín dị đoan” nữa cũng không chừng.

Khoa học hiện đại đã vén lên rất nhiều bức màn bí mật của thế giới tự nhiên. Nhân loại ngày nay sẽ không ngạc nhiên khi nghe kinh Phật nói “trong một bát nước có vô số vi trùng” hoặc “có vô số tinh cầu và thế giới trong vũ trụ bao la này”. Lại nữa, trạng thái vừa sóng vừa hạt của hạt quark mà ngành Vật lý Lượng tử phát hiện gần đây phải chăng là một cách trình bày khác của “sắc tức thị không” trong tuệ giác Bát Nhã. Thế nhưng những tuệ giác này được mấy ai thấu hiểu và sẻ chia khi Phật Thích Ca tuyên bố từ rất xa xưa.

Đó là chưa đề cập đến vấn đề tâm linh khi buông xuống gánh nặng tri thức, lắng đọng tất cả suy tư, xả ly tất cả tham ái để tham thiền nhập định thâm sâu đến khai ngộ, tuệ giác bùng vỡ siêu việt tất cả các phạm trù tương đãi nhị nguyên. Với tâm thái của bậc giác ngộ,  vượt lên tất cả sự thấy biết thông thường thì chúng ta không thể nào đem cái “tình phàm” hạn hẹp của mình để “lượng Thánh”. Và nhất là, càng không nên dựa vào uy quyền hay sự đồng thuận của số đông hoặc trong khi chờ kết quả đong đếm của khoa học mà vội vàng lên án, phủ nhận, kết tội những gì mình không thấy, không biết là không có, hư vô.

Do vậy, thận trọng với những gì mình chưa hiểu biết trọn vẹn để tránh sự quy kết vội vàng là một thái độ khoa học và văn minh cần có trong các ứng xử hàng ngày. Nhất là trong lĩnh vực tâm linh thì càng nên thận trọng hơn. Bởi khi chưa giác ngộ hoàn toàn thì chúng ta chỉ là những “người mù sờ voi” hay như con cá tội nghiệp kia chỉ biết từ mặt nước trở xuống mà thôi.

THƯỜNG TÂM