OCEAN VUONG, NHÀ THƠ TRẺ NỔI TIẾNG TRÊN ĐẤT MỸ

OCEAN VUONG, NHÀ THƠ TRẺ NỔI TIẾNG TRÊN ĐẤT MỸ

Justin Whitaker
Cao Huy Hóa dịch

Lời người dịch:

Nhà thơ, nhà văn thiên tài gốc Việt Ocean Vuong đã giành được nhiều giải thưởng và thành công nổi bật trên văn đàn Mỹ; đó là đề tài thời sự văn học ấn tượng thời gian qua. Từ hai năm nay, dư luận Việt Nam đã đề cao người thanh niên này, chẳng hạn trên các tờ báo, báo giấy cũng như báo mạng, trên nhiều video clip… Cũng đã có sách dịch tác phẩm của Ocean Vuong ra tiếng Việt.

Mới đây, tình cờ tôi đọc trên BDG (Buddhist Door Global, một trang mạng Phật giáo toàn cầu) một bài về nhà thơ này, với nhận dạng cuộc đời, học thuật và sự nghiệp khá rõ, tuy cô đọng, trong đó trải nghiệm triết học và Phật giáo nêu lên tính cách của nhà thơ mà báo tiếng Việt (tôi được đọc) không nói đến. Điều này không có gì lạ, vì tác giả bài viết là Justin Whitaker, cộng tác viên của BDG, vốn lớn lên trong vùng quê nghèo. Ở trường đại học, ông tình cờ gặp triết học và Phật giáo, hai tình yêu này đã đưa ông đi khắp thế giới kể từ đó. Hiện ông có bằng Tiến sĩ đạo đức Phật giáo tại Đại học London và sống ở Missoula, Montana (Mỹ) cùng vợ, con.

Xin giới thiệu bài của nhà triết học và Phật học danh giá, viết về một tài năng trẻ danh giá. Đầu đề bài là: “Zen Buddhist Poet and Author Ocean Vuong Wins Prestigious “Genius Grant” (tạm dịch: “Nhà thơ, nhà văn Phật tử Ocean Vương giành được “Tài trợ thiên tài” danh giá”).
——————–

Ocean Vuong, nhà văn 30 tuổi, một Phật tử Thiền tông đến Hoa Kỳ lúc hai tuổi cùng cha mẹ là người Việt Nam, đã được vinh danh trong tuần này với một trong những “tài trợ thiên tài” mà Viện MacArthur Foundation trao tặng. Các khoản tài trợ cung cấp cho người nhận 625.000 đô la Mỹ, được phân bổ trong khoảng thời gian 5 năm. Người nhận có thể tự do sử dụng tiền theo ý mình. Vuong là một trong bảy nhà văn được chọn năm nay và là một trong những ứng viên trẻ nhất, cùng với nghệ sĩ 30 tuổi Cameron Rowland.

Tập thơ đầu tay của Vuong, Night Sky With Exit Wounds (Bầu trời đêm với lối thoát thương tích) (Copper Canyon Press 2016) đã mang về cho anh Giải thưởng T. S. Eliot của Anh về thơ. Tác phẩm mới nhất của Vuong, cuốn tiểu thuyết mang tên On Earth We’re Briefly Gorgeous (Penguin Press 2019), đã là Sách bán chạy nhất theo New York Times. (Sách đã được dịch ra tiếng Việt: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, Khánh Nguyễn dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – CHH chú thích)

Vuong sinh ra ở Sài-Gòn và lần đầu tiên học nói tiếng Anh năm 11 tuổi. Anh hiện là trợ lý giáo sư trong Chương trình MFA dành cho Nhà thơ và Nhà văn tại Đại học Massachusetts-Amherst.

Trong một phát biểu với tờ báo Daily Hampshire Gazette, Vuong bày tỏ lòng biết ơn đối với Học bổng MacArthur và nói rằng anh dự định sử dụng nó để giúp đỡ gia đình, một mục tiêu lâu dài.

“Thường thì chúng ta nói một học bổng mang lại cho chúng ta ‘thời gian và không gian’, điều đó rất đúng — nhưng đối với tôi, định nghĩa về thời gian và không gian là sự tự do, nhờ thế căng thẳng tài chính của gia đình tôi giảm nhẹ,” anh nói. “Khoản trợ cấp này cho phép tôi chăm sóc gia đình mình mãi mãi — và tôi có thể thực hiện công việc của mình với cam kết và cống hiến khi biết rằng tôi sẽ có thể chăm sóc gia đình trong bất kỳ thảm họa nào.”

Tổ chức MacArthur ca ngợi Vuong vì “đã kết hợp truyền thống dân gian với trải nghiệm ngôn ngữ trong các tác phẩm khám phá tác động chấn thương liên thế hệ, trải nghiệm tị nạn, và sự phức tạp của bản sắc và ham muốn cùng với tài hùng biện và sự trong sáng.” (MacArthur Foundation)

Nói về quá trình sáng tạo của mình, Vương cho biết: “Trong tu tập Thiền Phật giáo của tôi, một trong những trạng thái tâm đặc quyền nhất không phải là chuyên gia, không phải là bậc thầy, mà đó là thứ được gọi là TÂM CỦA NGƯỜI BẮT ĐẦU.
“Tâm của người bắt đầu là tâm tiếp cận thế giới tự nhiên và các hiện tượng bên trong với sự tò mò cao độ. Và tôi nghĩ rằng một trong những sức mạnh dài lâu nhất của một bộ óc nghệ thuật chính là sự tôn kính và ngạc nhiên trước thế giới,” anh nói trong một video do MacArthur Fellows Program sản xuất. Mọi người thường thấy Vuong đeo một dây chuyền có gắn tượng Quán Thế Âm màu ngọc bích, vị Bồ tát của từ bi và nhân ái.

Tác phẩm mới nhất của anh là một cuốn tiểu thuyết tự truyện lỏng lẻo, viết cho một người mẹ không biết đọc tiếng Anh. “Tôi lớn lên được bao quanh bởi những phụ nữ tị nạn Việt Nam, những người đã dùng chuyện trò để tạo ra các cổng thông tin. Tôi sử dụng ngôn ngữ và văn học như một cách để sắp xếp một khuôn khổ suy nghĩ và tìm hiểu về cuộc sống của người Mỹ, bao gồm cả di sản của bạo lực Mỹ,” Vuong nói.

“Thông thường, chúng ta đòi hỏi tiểu thuyết Mỹ phải gắn kết, đòi hỏi một tuyên bố chung chắc nịch của một thế hệ, nhưng khi lớn lên sau biến cố 11/9, sự gắn kết không phải là một phần trong trí tưởng tượng của thế hệ tôi cũng như ngôn ngữ hay bản sắc riêng của chúng tôi, và tôi cảm thấy nếu tôi viết một phiên bản tiểu thuyết Mỹ của mình, nó sẽ giống như thứ bị phân mảnh hơn,” Vương nói trong một cuộc phỏng vấn cho MacArthur Foundation.

Năm 2016, tập thơ đầu tay của anh đã giành được giải Whiting Award năm 2016. Hội đồng tuyển chọn ghi nhận tập thơ “giàu nội tâm, dịu dàng và trữ tình”. Những bài thơ này đối mặt thản nhiên với những di sản của bạo lực và sự dịch chuyển văn hóa, trong khi vẫn giữ được một chỗ đứng cho điều kỳ diệu trước thế giới.”

Facebook, 22/4/2022