Câu Chuyện Về Hai Anh Em Luận Sư Nổi Tiếng Nhất Phật Giáo Ấn Độ

CÂU CHUYỆN VỀ HAI ANH EM LUẬN SƯ NỔI TIẾNG NHẤT PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ – TK IV

Ở Ấn Độ có vị Bồ-tát tên là Thế Thân (Vasubandhu), còn gọi là Thiên Thân, Ngài có người anh là Bồ-tát Vô Trước (Asaṅga). Bồ-tát Vô Trước học tập theo giáo lý Đại thừa (Mahāyāna), còn Ngài Thế Thân theo Tiểu thừa (Sarvāstivāda) và học tập theo giáo lý của phái này.

Bồ-tát Thế Thân tư chất rất thông minh, Bồ-tát Vô Trước, anh của ngài, luôn muốn tìm cách độ em tin theo pháp môn Đại thừa, nhưng vẫn chưa có sức mạnh nào khiến cho em mình tin theo. Em của Ngài luôn ca ngợi pháp Tiểu thừa và cho rằng pháp Đại thừa không đúng.

Sau đó, Bồ-tát Vô Trước nghĩ ra một cách: Ngài giả bệnh rồi sai người nhắn người em đến thăm mà bảo rằng: “Anh tuổi đã lớn, lại bệnh thế này, nếu em không đến thăm thì sau này anh em không còn cơ hội gặp mặt nữa”. Nghe vậy, người em liền đến thăm Ngài. Bồ tát Vô Trước bảo em:
– Anh sắp chết rồi, những Kinh điển Đại thừa mà anh đã học, em có thể tùy ý lấy xem, nếu em có khả năng xem được thì anh dù chết cũng có thể yên lòng nhắm mắt.
Bồ tát Thế Thân đến thăm anh cũng không có việc gì làm; thế là Ngài bèn cầm quyển Kinh Đại thừa lên xem. Đó chính là bộ Kinh Hoa Nghiêm.
Bồ tát Thế Thân càng xem càng thấy được sự bất khả tư nghì, mới biết rằng cảnh giới Hoa Nghiêm thật là vi diệu chẳng thể dùng lời diễn tả. Giống như mặt trời trên không trung chiếu khắp muôn vật, lại giống như màn lưới của Đại Phạm Thiên Vương từng lỗ dung nhiếp lẫn nhau. Đến lúc ấy Ngài mới biết rõ trước đây mình đã sai lầm, bèn hét lớn:
-Mau đem cho tôi một thanh bảo kiếm!
-Ngài cần bảo kiếm để làm gỉ? Người bên cạnh hỏi.
-Tôi muốn cắt lưỡi của mình.
-Vì sao ngài lại muốn cắt lưỡi?
-Trước đây tôi đã dùng tấc lưỡi này để khen ngợi pháp Tiểu thừa, hủy báng Kinh điển Đại thừa, đó là tội lớn nên tôi muốn cắt lưỡi để tạ tội.
Bồ tát Vô Trước nghe thế, can:
-Em đừng nên như vậy!
Người em kiên quyết:
-Vì sao anh biết không? Vì tội của cái lưỡi này quá lớn, nên em nhất định phải cắt bỏ nó.
Người anh ôn tồn:
-Ví như không cẩn thận bị trượt té xuống đất, nếu em muốn đứng dậy vẫn phải nương vào sức đất phải không? Em không thể nào ngã xuống đất mà không đứng dậy, khi em muốn đứng dậy thì chỉ cần dùng tay chống xuống đất là đứng dậy được. Trước đây em nhờ vào cái lưỡi ấy để ca ngợi Tiểu thừa, hủy báng Đại thừa thì hôm nay em cũng có thể dùng lại ba tấc lưỡi đó để ca ngợi Đại thừa!
Nghe anh nói cũng có lý nên Bồ tát Thế Thân thôi không đòi cắt lưỡi nữa . Sau đó, ngài vào núi tu hành, học tập kinh điển Đại thừa, trước tác bộ Thập Địa Luận. Ngày bộ Thập Địa Luận hoàn thành, trái đất chấn động, đồng thời miệng Ngài cũng phát ra hào quang. Lúc ấy, Quốc vương đến thăm Ngài, hỏi:
-Có phải Ngài đã chứng quả A-la-hán rồi chăng?
-Không, tôi không chứng quả A-la-hán, Bồ-tát Thế Thân trả lời.
-Ngài không chứng quả A-la-hán thì tại sao trái đất lại chấn động và miệng phát ra hào quang?
-Do vì lúc trẻ tôi học tập Tiểu thừa mà hủy báng Đại thừa, nay tôi đổi sang học Kinh Hoa Nghiêm , trước tác bộ Thập Địa Luận, nay bộ luận đã hoàn thành, nên quả đất chấn động và miệng tôi phát ra hào quang, chứ không phải do chứng quả mới có hiện tượng này.
Quốc vương ngạc nhiên:
-Thì ra là do bộ Kinh Hoa Nghiêm này vi diệu như thế!

Ps: Tháng sau Đạo Tràng sẽ tụng Kinh Hoa Nghiêm ?

(Hình bên dưới là một tượng cổ Ngài Thế Thân do Nhật Bản chế tác)


Bài Cùng Thể Loại