CÂU CHUYỆN VỀ BA BAO GẠO

Kính tặng những người Phụ nữ vĩ đại ngày 08.03

CÂU CHUYỆN VỀ BA BAO GẠO

Đó là một gia đình rất rất nghèo. Khi đứa con trai đang học tiểu học, thì người bố qua đời. Hai mẹ con họ nén nỗi đau vào trong đưa người chồng, người cha của mình về nơi chín suối.

Người mẹ không tái giá ngậm đắng nuốt cay nuôi dưỡng con trai khôn lớn thành người. Hồi đó ở làng vẫn chưa có điện, mỗi tối dưới ánh đèn dầu cậu con trai thì ngồi đọc sách, vẽ tranh, người mẹ thì dịu dàng cẩn thận ngồi may vá, mang hết tình yêu dành cho cậu con trai dồn vào từng đường kim mũi chỉ trên bộ quần áo của cậu. Ngày tháng trôi qua khi những bức tường đã loang lổ nhiều màu, cậu con trai cũng giống như hàng trúc giữa mùa xuân, thoắt cái đã trưởng thành. Nhìn đứa con trưởng thành cao hơn mình nửa cái đầu, người mẹ với những nếp nhăn quanh mắt cười hạnh phúc.

Khi sắc thu đã tràn về trên những tán cây trên sườn núi thì người con trai thi đỗ vào một trường trung học trọng điểm của huyện. Người mẹ lúc đó lại mắc phải bệnh thấp khớp nghiêm trọng, không thể làm được việc đồng áng, có những lúc cơm cũng không đủ ăn.

Ở trường trung học khi đó, mỗi tháng mỗi học sinh phải nộp 10 kg gạo cho nhà ăn. Người con biết mẹ mình không có để nộp liền nói: “Mẹ, con nghỉ học nhé, con sẽ giúp mẹ làm việc đồng áng”. Người mẹ xoa đầu con, ân cần nói: “Con có lòng hiếu thảo như vậy mẹ cảm thấy rất vui, nhưng không học không được con à. Con yên tâm, mẹ sinh con ra, thì cũng sẽ có cách nuôi con khôn lớn. Con cứ đến trường đăng ký trước đi, mẹ sẽ mang gạo tới đóng sau”. Cậu con trai ngoan cố không đi mẹ cậu liền giục giã con mau đi đi nhưng người con nhất quyết không đi, vô thức mẹ cậu vung tay cho cậu một bạt tai. 16 tuổi lần đầu tiên cậu bị đánh…

Không lâu sau, nhà ăn của trường đón một bà mẹ lếch thếch đến muộn, bà chân thấp chân cao đi vào trong, thở dốc hạ bao gạo trên lưng xuống. Thầy Hùng – người phụ trách nhận gạo mở bao gạo ra và cầm lên xem liền nhíu mày nói: “Bà là bậc phụ huynh lại toàn nộp những loại gạo rẻ tiền. Bà xem này ở đây có gạo chiêm, gạo giữa mùa, gạo mùa, còn có cả gạo vụn làm cho thùng gạo của nhà bếp lẫn lộn đủ các loại rồi.” Người mẹ liền đỏ măt, liên tiếp nói xin lỗi. Thầy Hùng thấy thế liền không nói gì và nhận bao gạo của bà. Bà lại lấy tiếp ra một túi tiền và nói: “ Thưa thầy giáo, đây là 500 ngàn tiền phí sinh hoạt của con trai tôi, tôi nhờ thầy gửi cho cháu”. Thầy Hùng nhận lấy túi tiền hé mở ra xem, thấy toàn tiền lẻ nát nhàu. Ông đùa nói: “ Thế nào? Bà bán trứng luộc với nước chè trên phố à?” Người mẹ liền đỏ mặt, quanh co úp mở nói cảm ơn, rồi chân thấp chân cao bước đi.

Lại đầu tháng mới đến, người mẹ lại mang gạo đến nộp cho nhà ăn. Thầy Hùng như thường lệ mở bao gạo ra, lại nhíu mày, lại là gạo lẫn lộn. Ông nghĩ, lần trước không phải đã nói rõ với bà mẹ này rồi sao, liền nói rõ lại từng câu từng chữ với bà: “Dù là loại gạo nào chúng tôi cũng nhận. Nhưng các loại phải để riêng ra không nên trộn lẫn lại với nhau nếu không sẽ không nấu được, nấu thành cơm sẽ nửa chín nửa sống. Lần sau mà như thế này, chúng tôi sẽ không nhận đâu”. Người mẹ hoảng sợ cầu xin: “thầy giáo ơi tất cả gạo nhà tôi đều như thế, tôi phải làm sao đây?” Thầy Hùng dở khóc dở cười, hỏi lại: “ Mỗi mảnh ruộng nhà bà mà lại có thể trồng được trăm loại gạo thế này sao? Thật sự tôi không thể tin được”. Nghe thầy trách móc người mẹ không dám nói gì nữa, thầy Hùng cũng không thèm để ý đến bà nữa.

Đầu tháng thứ 3, người mẹ lại đến, trên vai vác một bao gạo, bà nhìn thầy giáo Hùng mặt tươi cười nhưng còn khó nhìn hơn cả khi khóc, thầy giáo Hùng vừa mở gạo ra xem liển hầm hầm tức giận và dùng những câu nói khó nghe trách móc bà: “ Chị này, tôi nói cho chị nghe, sao chị vẫn ngoan cố không đổi loại gạo thế? Lại vẫn gạo trộn lẫn? Hôm nay chị mang đến thế nào thì lại mang thế về đi!”

Người mẹ sớm đã biết như thế liền quỳ đôi chân đã cong vì đau khớp xuống trước mặt thầy, hai dòng nước mắt bà chảy xuống từ đôi mắt vô hồn: “ Thầy giáo ơi tôi xin nói thật với thầy, chỗ gạo này là tôi…tôi đi ăn xin được!” Thầy Hùng vô cùng kinh ngạc, trợn tròn mắt, không thể nói được gì.

Người mẹ ngồi trên đất, kéo ống quần lên, lộ ra đôi chân đã biến dạng cứng nhắc và sưng vù…Bà gạt đi nước mắt, nói: “Tôi bị thấp khớp lâu năm, đến đi lại cũng khó khăn chứ đừng nói đến trồng lúa. Con trai tôi có hiểu muốn bỏ học giúp tôi, bị tôi tát một cái mới tiếp tục đến trường học…”

Bà cố gắng giải thích cho thầy giáo hiểu, ở đây có nhiều người quen, sợ con trai biết được sẽ tổn thương lòng tự trọng của con. Mỗi sớm tinh mơ, bà liền ôm bao gạo rỗng lặng lẽ chống gậy đi đến nơi cách làng hơn 10 cây số để xin gạo rồi đến sau khi tối mờ nhà người ta lên đèn rồi mới lén lút mò mẫm trở về. Bà mang gạo ăn xin được cất ở một chỗ để đầu tháng mang nộp cho trường…Nghe bà giãi bày thầy giáo Hùng đã rớm nước mắt, ông đỡ bà dậy và nói: “Bà mẹ tốt à, tôi sẽ lập tức đi nói với hiệu trưởng, bảo cả trường quyên góp cho nhà chị”. Người mẹ lo lắng xua xua tay nói: “Đừng, đừng, nếu để con tôi biết tôi đi ăn xin để nó đi học, sẽ tổn thương lòng tự trọng của nó. Tôi không muốn chuyện này anh hưởng đến việc học của nó. Ý tốt của thầy giáo tôi xin nhận, cầu xin thầy hãy giữ bí mật này giúp tôi!”

Bóng người mẹ khuất dần, một chân tập tễnh một chân cà nhắc…

Chuyện rồi cũng đến tai hiệu trưởng. Lấy danh nghĩa miễn giảm cho học sinh nghèo vượt khó ông đã âm thầm miễn giảm học phí và phí sinh hoạt 3 năm cho cậu con trai ấy. Ba năm sau cậu đã thi đỗ vào đại học nổi tiếng. Trong tiếng nhạc rộn ràng của buổi lễ trao bằng tốt nghiệp thầy hiệu trưởng đã đặc biệt mời cậu học sinh vượt khó ngày nào lên sân khấu. Trong lòng cậu rất lo lắng vì cũng có một số bạn đỗ điểm cao, tại sao thầy hiệu trưởng lại chỉ mời mình cậu lên sân khấu, càng lạ hơn nữa trên sân khấu đã để sẵn ba bao gạo tự bao giờ. Lúc này thầy Hùng mới kể ra câu chuyện có một người mẹ đi ăn xin gạo để đóng phí sinh hoạt cho cậu con trai đi học, dưới khán đài tất cả đều im lặng như tờ. Thầy hiệu trưởng đã xúc động chỉ vào ba bao gạo và nói: “Đây chính là ba bao gạo trong câu chuyện người mẹ đi xin gạo nuôi con ăn học và đó là những hạt gạo mà không có bất kì vàng bạc nào trên thế gian này có thể mua được. Tôi xin phép được mời người mẹ vĩ đại ấy bước lên trên sân khấu.”

Cậu con trai bối rối lặng người đứng nhìn thầy Hùng đang từng bước từng bước dìu mẹ mình lên trên khán đài. Không biết lúc này cậu con trai nghĩ gì, có lẽ sự chấn động của cậu cũng chẳng khác nào khi có cơn sóng to gió lớn ập tới. Trên sân khấu lúc này đây chỉ có chỗ cho tình thân – thứ tình cảm ấm ấp nhất trên thế gian này đã vỡ òa. Hai mẹ con họ nhìn nhau, ánh mắt người mẹ dịu dàng, ấm áp, từng sợi tóc trên mái đầu đã hoa râm còn vương nhẹ trên trán. Cậu con trai ôm chầm lấy mẹ òa khóc: “ Mẹ! Mẹ ơi!”

Đó là người mẹ, người phụ nữ chưa bao giờ biết ngày 8 tháng 3 là ngày gì.

Sưu Tầm