Bố Thí Ba La Mật

BỐ THÍ BA LA MẬT

Bố thí ba la mật hay bố thí không trụ tướng trong tiếng Phạn là Dana paramita. Nó bao gồm 3 phương diện được gọi là Tam Luân Không Tịch. Tức là không thấy người cho, vật cho và người nhận. Đây là 3 yêu cầu để người thực hành bố thí ba la mật không vướng dính vào cái tôi của mình.

Thứ 1: Không xem mình là người ban tặng hạnh phúc cho người khác, và không kỳ vọng người khác phải đền ơn lại mình.

Thứ 2: Không xem người khác là kẻ thọ ơn, người phải mang ơn hay chịu ơn.

Thứ 3: Không quan trọng hóa tặng phẩm mà mình mang đến hiến tặng người khác, cho dù nó có giá trị to lớn. Khi đã cho tặng vật chất, công sức hay tinh thần rồi thì nó thuộc về người khác mình không còn vướng kẹt vào nó nữa.

***

Trong kinh Tăng Chi thì bố thí ba la mật không trụ tướng được hiểu như sau:

Thứ 1: Hoan hỷ và gấp rút trước khi bố thí. Ví dụ mình biết có một Phật sự sẽ diễn ra vào ngày mai, mình sẽ không trì hoãn nó mà háo hức chờ đợi ngày đó với một niềm vui lớn để làm 1 việc nghĩa, việc thiện có lợi ích cho mình và cho người.

Thứ 2: Hoan hỷ khi đang làm việc bố thí. Dù ngày hôm đó nắng quá nóng hay mưa quá nhiều, hay người nhận tặng phẩm không hề biết ơn mà còn nói những lời hờn trách. Chúng ta cũng không nên trỗi lên phiền não nhằm tránh tạo ra hiện tượng bồ đề gai. Phải vui, vì biết rằng tôi đang làm một việc tốt.

Thứ 3: Hoan hỷ sau khi bố thí xong. Mình không tiếc nuối nữa, sau này người đó có trả chúng ta bằng oán thì chúng ta cũng không nên ray rứt khó chịu, hối hận.

Ba la mật không có thái độ đó, thời điểm đó trong không gian đó, ta làm một việc nghĩa đó cho con người đó. Việc nghĩa đó đã kết thúc, sau này người đó có biết ơn mình hay không là chuyện của họ, mình không nên quan tâm. Đây gọi là bố thí không trụ tướng hay bố thí ba la mật trong kinh Tăng Chi.

Dù 2 nguồn kinh điển Pali và Đại Thừa có quan điểm khác nhau về bố thí ba la mật, thì điểm trọng yếu mà chúng ta cần lưu tâm là: Khi làm 1 việc nghĩa, việc thiện chúng ta nên hiểu rõ là chúng ta đang làm cho chính mình để hoàn thiện đạo Bồ tát, từ đó hướng đến quả vị giác ngộ – giải thoát.

TK Viên Ngộ Sưu Tầm


Bài Cùng Thể Loại