Ý NGHĨA TẾT TRUNG THU

Ý NGHĨA TẾT TRUNG THU

Ngày Rằm tháng 8 là ngày có trăng tròn và sáng nhất trong năm. Ánh trăng tròn và sáng viên mãn đó đại diện của đức từ bi và trí tuệ, bởi ánh trăng tháng 8 rất sáng và dịu mát, xua tan bóng tối. Cho nên, chúng ta có Tết Trung Thu, người xưa lấy tên là “Vọng Nguyệt” tức là: Tết trông trăng, tại Trung Quốc có “Tết Tế Nguyệt”. Trong Thiền gia, thì ngày Rằm Tháng Tám là ngày kỷ niệm của Bồ Tát Nguyệt Quang và có nghi tụng “Bát Nguyệt Trung Thu sớ”. Và đối với văn hóa cổ truyền của dân tộc, thì rằm tháng tám là Ngày Tết của Thiếu Nhi, là Tết dành cho thế hệ trẻ. Thế hệ tương lai của đất nước, tương lai của Phật Pháp, tương lai của Dân tộc.

Đối với thế hệ trẻ, người ta kỳ vọng vào 02 thứ, một là sức khỏe và hai là trí tuệ.
Vì thế, chúng ta thấy Tết Trung Thu có múa Lân, thực ra là múa đầu Sư Tử để kỷ niệm tưởng nhớ anh hùng 15 tuổi có thể chặt đứt đầu Sư Tử cứu họa cho dân [Anh hùng dân tộc Phùng Hưng], thời điểm chặt được đầu con sư tử đúng vào đêm hôm rằm. Vị anh hùng đó đã đốt đuốc, mang đầu con sư tử đi thị uy khắp tất cả thiên hạ. Đây chính là khởi nguồn của lễ rước đèn ông sao từ thời xưa cho tới ngày nay.

Bánh Trung Thu cũng xuất phát từ đó, khi đó vị anh hùng cùng đoàn thanh niên vào trong rừng tìm cách giết con sư tử, người ta đã trộn bột gạo với mật để làm mồi nhử. Về sau, mỗi Rằm Tháng Tám, người ta làm bánh Trung Thu với ý nghĩa là như vậy.

Bên cạnh đó, nét đẹp truyền thống trong Tết trung thu là Ông Tiến sĩ giấy. Bởi trong thời nhà Trần có xuất hiện một vị trạng nguyên, Ngài là vị trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong triều đại phong kiến tên là Nguyễn Hiền. Do đó, Ông tiến sĩ giấy được treo lên với biểu thị mong cho thế hệ trẻ có trí tuệ như vị trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Vì vậy, Tết Trung Thu cổ truyền, mâm cỗ trông trăng bao giờ cũng có tiến sĩ giấy, múa đầu sư tử để biểu thị sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ là: Đầy đủ sức khỏe như vị anh hùng giết hổ trẻ tuổi và trí tuệ như vị trạng nguyên trẻ tuổi. Và thế hệ trẻ, đặc biệt ở tuổi 15 người ta hay gọi là tuổi trăng rằm là ở chỗ này.

Trên phương diện Phật pháp, Rằm Tháng Tám – Tết trông trăng, có bài kệ như sau:

“Bồ tát thanh lương nguyệt,
Thường du tất cánh không,
Chúng sinh tâm cấu tịnh,
Bồ đề ảnh hiện trung.”

Nghĩa là:
“Bồ tát giống như
Ánh trăng rằm tháng tám,
Dạo khắp cả hư không,
Tâm chúng sinh trong sạch
Bồ đề giác ngộ tự hiện trong tâm.”

Trong Tết trông trăng Rằm Tháng Tám, chúng ta nhớ đến đức từ bi của Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ tát Nhật Quang là Bồ tát của Trí tuệ. Chúng ta tu làm sao phải có cả Từ bi và Trí tuệ, đó mới là Phật pháp. Chúng ta làm sao để tâm chúng ta có thể thanh tịnh, để bồ tát hiện hữu trong nơi tâm của chúng ta, đó mới thực sự là ý nghĩa để chúng ta học Phật và trông trăng.

Cầu chúc quý vị và gia đình có niềm an vui và hạnh phúc trong chính pháp, trong ngày Tết Đoàn viên, Tết Trung Thu – Rằm Tháng 8.

St