Tưởng niệm năm thứ 27 ngày cố Thượng tọa Thích Minh Phát viên tịch

📌Ngày 08 tháng 05 năm 2023
Tưởng niệm năm thứ 27 ngày cố Thượng tọa Thích Minh Phát viên tịch.

🍂 Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Sư Ông Huê Nghiêm chia sẻ: “Những hồi ức về cố Thượng tọa, Đại sư Thích Minh Phát”…


Lúc tôi mới về Ấn Quang, có thầy Minh Phát là Sa-di. Thầy này có điều lạ mà tôi nghĩ có thể là Bồ-tát hiện thân lại. Thật vậy, thấy hạnh đức của thầy Minh Phát khiến tôi liên tưởng đến hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc của Trung Quốc.

Hòa thượng Thiện Hòa giao cho thầy Minh Phát tiền chợ nấu ăn cho đại chúng. Dù Hòa thượng không giao tiền, thầy cũng lo cho chúng đầy đủ, các Phật tử đến chùa, thầy cũng lo. Tôi quan sát người có tâm như vậy, có tấm lòng lo cho Phật pháp, lo cho đại chúng, thì khác với người thường. Người thường đưa tiền chợ bao nhiêu thì mua bấy nhiêu cho chúng. Người ác thì lấy nhiều tiền, nhưng lo cho chúng thì ít. Người tốt lấy tiền chùa ít, nhưng lo cho đại chúng nhiều.

Tôi thấy thầy Minh Phát lo cho đại chúng đông bao nhiêu, thầy vẫn lo đầy đủ. Nhìn xa hơn nữa, lúc thầy này mới xuất gia, chưa thọ Đại giới, nhưng được Phật tử quý trọng hơn các thầy tu nhiều năm, đó là quyến thuộc Bồ-đề của thầy Minh Phát. Khi hành Bồ-tát đạo, không có quyến thuộc Bồ-đề, không làm nên đạo lớn. Quyến thuộc Bồ-đề của thầy này thấy thầy tận tụy lo cho chúng, hết lòng lo cho chùa, nên họ nhiệt tình đóng góp. Nhiệt tâm của thầy đã tác động cho người phát tâm cúng dường, dù thầy còn là Sa-di. Đây là bạn tốt mà mình nên gần gũi, học theo.

Tại sao thầy Minh Phát được nhiều người thương mến, hợp tác. Việc làm của thầy mà ta cũng quý, thì người khác cũng hợp tác là điều tự nhiên, quan trọng là tấm lòng vì đạo, nên được nhiều người hợp tác là đúng.

Gần gũi người tốt, thấy công hạnh của họ, để bắt chước làm theo. Vì vậy, chúng ta học đạo không phải tìm người tuổi cao, tu lâu. Người mới tu, nhưng tư cách đáng kính nể như Hàn Sơn nấu cơm, nhưng là Bồ-tát.

Mình tu lâu, học cao, nhưng chưa làm được như họ, thì chúng ta coi họ là thầy. Tôi quan sát, học người nhỏ hơn tuổi đời, tuổi đạo, là học cái tâm của họ, đó là người bạn tốt. Từ đó, phải nhận ra trầm hương trong rừng, gom lại, để chúng ta trùng hưng Phật đạo.

Ngoài ra, tôi nhận ra nhiều người thương quý thầy Minh Phát, vì thầy dám dấn thân, chịu cực khổ lo cho mọi người. Trong kinh điển Đại thừa thường nói chịu khổ thế cho chúng sanh, để cúng dường Phật. Thầy Minh Phát lúc đó tuy chưa học kinh, nhưng đã hiểu cái lý của kinh là làm an vui cho người, dù có khó khăn, cực khổ, nhưng thầy không buồn giận. Không lúc nào thấy thầy nổi cáu, điều này chúng ta nên học.

Thầy hết lòng cho đạo, phục vụ mọi người, 10 giờ đêm có người chết, thầy cũng sẵn sàng đến hộ niệm. Hạnh này đáng học, đáng kính nể. Chính tâm niệm và hành động này của thầy được người quý trọng.

Thầy qua đời khi mới chỉ trên dưới 40 tuổi, nhưng đám tang thầy Minh Phát long trọng hơn đám tang các Hòa thượng. Có nhiều người từ Quảng Trị vô đưa tang. Tôi hỏi sao ở xa vậy mà các thầy và các đạo hữu đến. Họ nói vì lúc sanh tiền, mỗi khi có bão lụt, có khó khăn, là thầy dấn thân, ra giúp đỡ. Thầy dành cả cuộc đời, không học, mà chỉ làm bếp ở chùa Ấn Quang. Có tiền là thầy bố thí, cúng dường, gặp việc đáng buồn, thầy không buồn, gặp điều bực tức, thầy cũng cho qua.”

🤙Chuyện Từ Cung Hoàng Thái Hậu và Thầy Minh Phát.

Đức Bà là phi nhiếp của hoàng đế Khải Định, mẹ vua Bảo Đại triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Khi bị Ngô Đình Diệm cho mời ra khỏi cung Diên Thọ, bà lui về sống ở căn biệt thự 79 Phan Đình Phùng (Huế). Đức Bà vẫn giữ bên mình nhiều bảo vật hoàng cung và y phục của vua.

Năm Thầy Minh Phát tròn 16 tuổi, bà thỉnh Thầy ra Huế để đảnh lễ. Trong dịp này, bà đã dâng cúng Thầy chiếc áo của vua Khải Định, màu đen, tay rộng, trang trí rồng thăng, rồng lượn.

Chiếc áo có hai lớp vải the giống nhau, trong màu ngà, ngoài màu đen. Và một xấp vải thổ cẩm màu vàng hoa văn tinh xảo, cùng cây phất trần cán đỏ lông đen.

Cổ chiếc áo như áo dài, nên Thầy cho may thành áo hậu, vải lấy từ ống tay, nên khi hoàn thành chiếc áo hậu có tay ống nhỏ, còn xấp vải thì đuợc may thành ca sa.

Khi về Nam, Thầy có dâng bộ y hậu đó lên Ôn Già Lam, nhưng Ôn khước từ bảo rằng, Đức Từ Cung ở Huế quen rất nhiều Hòa Thượng, có cả Ôn, nhưng lại không cúng cho ai mà cúng cho Thầy, ấy là phước của Thầy. Khi Ôn Già Lam tịch, Thầy đã mặc bộ y hậu đặc biệt đó trong lễ Tụng Bồ Tát Giới cho Ôn.

Ngày Từ Cung Hoàng Thái Hậu mất, Thầy lập một bàn linh ở Ấn Quang siêu độ cho bà trong 49 ngày. Một vị Hoàng Thái Hậu nhân từ hiếu thảo nhưng cuối đời phải sống trong nổi đau vằn vặt xa con, xa cháu…