Thiền Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo

Thiền Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo – Thích Tuệ Sỹ

(trích HƯƠNG TÍCH, Phật Học Luận Tập, Số 5 phát hành tháng 9, 2019)

“Niệm Phật và Niệm Chúa không có nội dung như nhau. Niệm Phật là một hình thái phổ thông của Thiền, “con đường dễ đi”, vì niệm Phật là niệm tự tâm. Nhưng niệm Chúa là để khẩn cầu ân huệ của Chúa. Do ân huệ ấy mà có thể tự thăng hoa, và hiệp thông với Thượng đế. Niệm Chúa như vậy mang trong nó âm hưởng một tâm thức thần bí. Tâm thức kinh nghiệm thần bí ấy khi được minh giải bằng luận lý cũng mang tính thần bí không kém, và cũng rất gần với tư duy Đông phương. Chủ nghĩa thần bí trong tôn giáo và trong triết học có cơ nối liền hai thế giới Đông-Tây qua nhịp cầu Meister Eckhart.”

(…)

Tỉnh thức để thấy Niết-bàn, hay tỉnh thức để thấy Thượng đế, tùy theo khả năng và trình độ nhận thức về nhân sinh và thế giới mà định hướng cho mục đích. Đã biết chắc mục đích, như khỉ biết chắc sẽ được chuối, thế thì không có thực hành nào, thiền, hay yoga, mà có thể gây nhiễu được đức tin và định hướng của mình, khỏi phải nhọc lòng phân giải, phân biệt.

Trong lịch sử phát triển yoga tại Ấn-độ, cũng có người tu Phật tập thở như yoga của người Shaiva, nhưng với đức tin kiên cố, người ấy không vì vậy mà thành tín đồ Shaiva. Nếu một người tin Phật mà về sau thành tín đồ Shaiva, không phải do bởi tập thở theo yoga, mà do vì đức tin không vững, vì sự hiểu biết về giáo nghĩa nông cạn, không đủ khả năng để tiêu hóa những gì đã được nghe bằng trí tuệ thực chứng.

Thỏ ăn rau; rau tiêu hóa biến thành máu thịt thỏ. Người cũng ăn rau như thỏ, không phải vì vậy mà người thành thỏ. Vậy thì, thiền hay yoga chẳng có khả năng gì để đe dọa đức tin của một người vốn dĩ đã kiên cố. Vấn đề là, đức tin ấy có dựa trên chân lý vững chắc hay chỉ tin suông thiếu cơ sở.

Trong những giao tiếp giữa các truyền thống văn minh, tiếp thu có lựa chọn, và ảnh hưởng hỗ tương, không gây nên những hậu quả tai hại gì cho bản sắc của mỗi dân tộc. Người Trung Hoa tiếp nhận Phật giáo một cách nhiệt tình, trong ý thức rằng đó là tôn giáo ngoại lai, mà xu hướng tư duy và tín ngưỡng có nhiều điểm nghịch với truyền thống đạo đức và xã hội Trung Quốc, nhưng không vì thế mà người Trung Hoa đánh mất bản sắc của mình vì tiếp thu Phật giáo ngoại lai từ Ấn-độ, trái lại, Phật giáo đã góp phần tạo nên một bản sắc Trung Hoa đặc biệt. Bảo thủ truyền thống không chỉ tự làm nghèo di sản của mình, mà còn ngăn chặn bước tiến của nhân loại trong một thế giới cộng đồng với nhiều bản sắc dân tộc phong phú.


Bài Cùng Thể Loại