Nhân Cách của Đức Phật

Nhân Cách của Đức Phật

 Thích Quảng Độ Dịch

Giá trị của sự chinh phục khổ đau. Cái đặc trưng của nhân sinh quan Phật giáo tuy nhấn mạnh về khổ đau, nhưng không phải thấy khổ đau rồi chán nản, đầu hàng, mà rồi nỗ lực khắc phục khổ đau để biến thế giới thành tịnh độ an lạc.Cho nên sống trong cuộc đời khổ đau cũng như người trèo núi, phải vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để tiến lên.

Nếu sợ chông gai, hoặc thấy những mỏm đá cheo leo là dừng bước hay trở lui, thì cuộc trèo núi mất hết ý nghĩa, mà người ta sẽ không bao giờ được thưởng thức bầu không khí thanh thoát nhẹ nhàng trên đỉnh non cao. Cuộc đời cũng vậy, chúng ta phải nhìn thẳng vào khổ đau, tìm cách đối phó và khắc phục nó, nhờ đó mà sự sinh hoạt của chúng ta có ý nghĩa và thêm nhiều hứng thú. Trái lại, nếu chúng ta thiếu dũng cảm và không có phương pháp khắc phục khổ đau thì khổ đau đói với chúng ta thành một cực hình, và cuộc đời ta thành ra tuyệt vọng.

Sở dĩ tôi đặc biệt nhấn mạnh về điểm này, một mặt tuy là nói rõ ý nghĩa của quan niệm khổ, nhưng mặt khác cũng muốn đính chính một vài thái độ sai lầm của người đời nữa. Từ xưa tới nay có nhiều người cho cuộc đời là khổ, nhưng đa số họ lại không phát huy được cái giá trị bao hàm trong đó, rồi giữ thái độ cho qua ngày đoạn tháng. Trên đại thể, tôi tưởng có thể chia những người này làm hai hạng: hạng thứ nhất, tức là hạng cho cuộc đời là khổ, chủ trương yếm thế cực đoan mà đề xướng con đường ẩn dật; hạng thứ hai tuy cũng biết chân tướng cuộc đời là khổ, nhưng lại cho tất cả đều vô nghĩa, phủ nhận mọi giá trị nhân sinh, rồi vùi đầu vào những cuộc truy hoan, hưởng thụ mọi khoái lạc, miễn được phút nào hay phút ấy. Nếu chiếu theo văn học, quan niệm đó có thể gọi là chủ nghĩa hư vô; và trên thực tế, những tình trạng đồi bại gần đây đã xuất phát từ nhân sinh quan đó.

Nói tóm lại, nếu khổ trở thánh cái đối tượng để ta chinh phục thì ta sẽ phát huy được cái giá trị đạo đức vĩ đại của nó, ngược lại, nếu ta để cho khổ đau chi phối và khuất phục được ta thì đời sống sẽ thành vô giá trị.

Văn minh khoa học có phải chiếc đủa thần để diệt khổ? Gần đây đã có một thời kỳ người ta luôn nói đến khoa học tiến bộ, và cho nó là một phương pháp hữu hiệu để chinh phục khổ đau. Tựu trung, khoa học, đến một trình độ nào đó chinh phục thiên nhiên để phục vụ lợi ích của nhân loại; chính trị, kinh tế được vận dụng chính xác để điều hòa cuộc sống cộng đồng, đó là cái được mệnh danh là văn minh vật chất.

Nhưng ở đây có điều nên chú ý là một số người quá tin tưởng vào sự tiến bộ khoa học, sự tổ chức của chính trị và kinh tế, và lấy đó làm lý tưởng tối cao. Họ tin rằng, với đà tiến triển của khoa học và sự tổ chức hoàn bị của chính trị và kinh tế, con người không bao lâu nữa sẽ thoát khỏi mọi nỗi thống khổ ở đời. Với nền văn minh vật chất, chắc chắn con người sẽ được thỏa mãn về một vài phương diện. Nhưng, nếu nhìn toàn diện cuộc sống nhân loại thì đó chẳng qua mới chỉ là một bộ phận mà thôi. Không những thế, dục vọng của chúng ta vốn vô hạn, cho nên sự thỏa mãn nhất thời, chẳng bao lâu sẽ trở thành bất mãn. Nếu chúng ta lấy sinh hoạt vật chất làm nền tảng thì vĩnh viễn không bao giờ chúng ta được hoàn toàn thỏa mãn; mà không thoả mãn, tức là thấy đau khổ. Cuộc sống của chúng ta ngày nay so với cuộc sống của ông cha ta thuở xưa, về nhiều điểm tuy có hoàn bị hơn, nhưng đứng trên quan điểm hạnh phúc mà nói, chưa chắc chúng ta đã có nhiều hạnh phúc hơn ông cha chúng ta ngày xưa. Ðó là một sự thật mà không mấy ai không trông thấy. Hơn thế nữa, có thể nói, chúng ta ngày nay có nhiều nhu cầu hơn người xưa, và do đó cái trình độ nhạy cảm trước những nỗi khổ não sầu muộn cũng lại mạnh mẽ hơn.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta chê trách nền văn minh cận đại. Nền văn minh vật chất, đối với việc tăng thêm giá trị của cuộc sống, không những là một nhu cầu tất yếu không thể thiếu, mà sau này nó còn cần phải được phát triển hơn nữa. Nhưng, đối với những ai đặt quá nhiều tin tưởng vào nó, cho rằng chỉ có nó mới tiêu diệt nổi những khổ đau của cuộc đời, và mới thực sự làm cho con người được hạnh phúc yên vui, thì xin hãy cảnh giác, và xét lại thái độ của mình.

Ý nghĩa văn minh theo quan niệm Phật giáo Phật giáo có tiêu ngữ “Bạt khổ dữ lạc”, nghĩa là dứt khổ cho vui. Ðức Phật dùng nhiều phương tiện để nói Pháp, nhưng chỗ quy kết thì không ngoài việc nói rõ làm cách nào để thoát khỏi mọi khổ đau cố hữu của cuộc đời, mà hưởng một cuộc đời hòa bình an lạc. Chẳng hạn về kinh tế, Ðức Phật đã đề cập đến phương pháp thu nhập và phân phối như thế nào, bảo tồn và chi xuất cho hợp lý. Ðối với gia đình, xã hội, người ta phải làm thế nào để tròn nghĩa vụ của mình. Những vấn đề này Ðức Phật thường đem dạy cho các hàng Phật tử tại gia. Ðối với các vấn đề xã hội, ngài khuyến khích việc đắp đường, bắc cầu,khai kênh, đào giếng, trồng cây trên các lề đường để lấy bóng mát và cất nhà nghỉ trên các chặng đường cho các bộ hành nghỉ chân. Nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay thì Phật quả là một nhân vật lưu tâm đến vấn đề thi thiết văn hóa. Nhất là sự hỗ tương quan hệ giữa gia đình, xã hội và quốc gia. Ðức Phật dạy phải dùng đạo đức mà duy trì mối quan hệ đó, để cho cuộc đời bớt khổ, thêm vui, và kiến thiết một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tất cả những vấn đề đó Ðức Phật đều nói một cách rất cặn kẽ. Rồi đến sự quan hệ vợ chồng, cha con bè bạn, thầy trò…, làm thế nào để cư xử cho trọn vẹn và hợp tình, hợp lý. Từ đó tiến thêm một bước nữa, phải áp dụng những chính sách như thế nào để điều hành quốc gia, làm cho đất nước trở nên phồn vinh, nhân dân được an cư lạc nghiệp, và sống một cuộc sống hạnh phúc. Tất cả những vấn đề trên đây đều được Ðức Phật đề cập đến luôn trong các buổi thuyết pháp có tính cách thông tục. Nếu quán triệt dược những vấn đề đó, thì cuộc sống của chúng ta, đều do mối tương quan mật thiết, cho nên người ta phải tôn trọng, yêu mến và giúp đỡ lẫn nhau, và làm thế tức là tôn trọng hạnh phúc của chính mình. Cái ý nghĩa đạo đức của Phật giáo, có lẽ cũng không ngoài những mục tiêu trên.

Từ trước đến nay, có một số học giả, hễ nói đến Phật giáo thì lập tức cho rằng Phật giáo chỉ lấy chủ nghĩa xuất thế làm cứu cánh; cho nên dù Phật có nói đến cuộc sống thực tế, dù có đề xướng phương pháp cải tạo xã hội, chẳng qua cũng chỉ nói để mà nói; chứ thật ra không có cái bản chất muốn hoàn thiện xã hội. Những nhận xét sai lầm như trên thật đã phát xuất từ chỗ không hiểu Phật giáo một cách chân chính, chỉ nhìn Phật giáo ở một phương diện chứ chưa quán triệt toàn bộ giáo nghĩa của Ðức Phật. Ðức Phật, vì lòng từ bi, dùng mọi quyền nghi phương tiện, nhằm mục đích giúp người ta thoát khỏi khổ não ở thế gian mà sống cuộc đời yên vui hạnh phúc. Ðó chính là nỗi bận tâm duy nhất trong suốt cuộc đời của Ngài; và cái nền tảng mà Phật giáo được thành lập cũng chính là do lòng từ bi ấy. Trên thực tế, nhìn vào sự thật lịch sử, giữa các bậc hiền triết tại Ấn Ðộ đương thời, ta có thể nói, Ðức Phật là nhà đạo sĩ tiếp xúc nhiều nhất với xã hội thực tế. Ở đây có một điểm ta cần đặc biệt chú ý là tại Ấn Ðộ thuở xưa, tất cả các bậc thánh nhân đều được cái biệt hiệu là Mâu Ni (Muni). Mâu Ni có nghĩa là tịnh tịch, mà những người đã đặt đến giải thoát thường ở trong cảnh thanh tịnh vắng lặng chính là lý do đó mà ra. Thế nhưng, chỉ có Ðức Phật theo tập quán phổ thông, tuy cũng được liệt vào hàng Mâu ni; nhưng thật thì Ngài chẳng có vẻ Mâu Ni chút nào. Nghĩa là Ngài không phải là người ưa sự tịch mịch, bất động, mà trái lại, trong suốt 45 năm hoạt động cứu đời không lúc nào gián đoạn, không biết mỏi mệt. Ngài đã tỏ ra là người đả phá chủ nghĩa ẩn dật trầm mặc; thật là một sự kiện độc đáo trong hàng ngũ Mâu ni tại Ấn Ðộ thuở xưa.

Cứu độ thế nhân trong tinh thần giải thoát. Tất cả chúng ta đều biết, lúc 35 tuổi Ðức Phật đã đạt đến giải thoát, tức là cảnh giới Ðại Niết bàn; nhưng sự hoạt động của ngài ở thế giới hiện thực vẫn cứ ròng rã tiếp tục trong vòng 45 năm sau đó gần như không lúc nào gián đoạn. Thế thì tất cả những hoạt động và những lời giảng dạy của Phật trong khoảng 45 năm đó có nghĩa gì ? Vấn đề này đứng về phương diện giáo nghĩa học tuy có nhiều điểm bàn bạc, nhưng nếu tóm tắt cái cốt tủy của nó thì chúng ta có thể nói, tất cả những việc làm trong 45 năm sau đó đều là những hoạt dụng phát xuất từ tinh thần giải thoát. Dĩ nhiên, khi Ðức Phật giảng giải về đạo hòa hợp giữa hai vợ chồng, không có nghĩa là Phật nói chính mình sau khi giải thoát rồi còn phải thực hành điều đó, cũng như khi Ngài nói đến chính trị không có nghĩa là tự Ngài cũng muốn tham gia việc quốc chính. Bản thân Ðức Phật lúc nào cũng là một người xả thế, vượt hẳn lên trên mọi ràng buộc và thèm muốn của cuộc đời, đứng ra ngoài vòng tranh chấp của nhân thế, siêu việt, tự tại, sống cuộc đời khất sĩ. Ðó là một sự thật lịch sử.

Tóm lại Ðức Phật hoạt động và chỉ đạo ở mọi lãnh vực, vì ngài cho đó là sứ mệnh của Ngài, và ta có thể nói đó là phạm vi hoạt động sau khi giải thoát. Chính vì Ðức Phật đã giải thoát khỏi ngã ái, ngã dục, nên tất cả hành động của Ngài đều dựa trên tinh thần vô ngã, vị tha, do đó mới đủ mãnh lực thuyết phục và cảm hóa mọi người. Cuộc đời của Ðức Phật không phải chỉ có những người đương thời với Ngài sùng thượng, mà ngay cả những người thuộc thời dại chúng ta cách xa Phật Niết Bàn 25 thế kỷ vẫn thành khẩn ngưỡng mộ và khâm phục. Ðó chính là cái nhân cách siêu phàm của Ðức Phật và giá trị đặc biệt của Phật giáo cũng ở điểm này.