CÂU CHUYỆN “ BÀ GIÀ ĐỐT AM ”.

CÂU CHUYỆN “ BÀ GIÀ ĐỐT AM ”.

Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.

Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện quí vị đã từng nghe nhiều lần, nhưng mỗi lần kể mỗi lần có ý vị riêng của nó.
Đó là câu chuyện “Bà già đốt am”, bà già này biết đạo.

Có một Thiền khách đến, xin bà giúp đỡ cất cho một cái am và ủng hộ tu hành cho mau đạt kết quả.
Bà rất sẵn sàng cất cho thầy một cái am và mỗi ngày cơm cháo đầy đủ, tứ sự cúng dường không thiếu món chi.
Thầy tu như vậy được ba năm. Bà già tin rằng sự tu hành của thầy được kết quả rất tốt.
Để chiêm nghiệm điều đó, bà bèn sai một đứa cháu gái khoảng mười tám tuổi đem cháo cho thầy dùng, xong rồi bất chợt ôm ngang hông thầy, liền hỏi:

“Ngay bây giờ thì thế nào?”

Thầy đáp:
Khô mộc ỷ hàn nham,
Tam Xuân vô noãn khí.
Tức là:
Cây khô tựa núi lạnh,
Ba mùa Xuân không chút hơi ấm.

Câu trả lời như vậy thật quá hay, xứng đáng cho chúng ta kính lạy phải không?
Ba mùa Xuân rồi không một tí hơi ấm, để nói rằng thầy đã khô lạnh không còn có niệm gì với trần tục nữa.
Nghe cô cháu gái về thuật lại câu chuyện, Bà nói:

“ba năm nay nuôi một ông thầy phàm phu”,
liền đuổi thầy đi và đốt am.

Nếu câu chuyện ngang đây kết thúc sẽ làm chúng ta bàng hoàng, nhưng còn một đoạn kết ở sau.
Sau khi bị đuổi, ông thầy ra đi, nhưng vài năm sau, thầy trở lại tìm bà già. Và cũng như lần trước, thầy nhờ bà giúp cho việc tu hành.
Bà cũng hoan hỉ cất lại am và cúng dường cơm cháo đầy đủ cho thầy.

Sau một thời gian, bà bảo cô cháu gái thử thầy như lần trước.
Đem cháo lên xong, cô liền ôm ngang hông thầy và hỏi:
“Ngay bây giờ thì thế nào?”

Thầy trả lời:
“Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già ấy biết!”

Như vậy là sao?

Ngay đây ông thầy còn cao thượng như khi xưa không?
Mới nghe qua tưởng rằng thầy có tình ý gì nên mới bảo: Tôi và cô biết thôi, đừng cho bà già biết bà ngăn trở.

Nhưng không ngờ khi cô gái về thuật lại cho bà nghe, bà nói:

“À như vậy mới xứng đáng là người mà ta cúng dường.”

Nghe qua câu chuyện chúng ta thấy bà già hiểu đạo đến mức nào!
Điều mà thế gian tưởng là có tình ý xấu xa, trong đạo lại là cao siêu.

Vì sao?

Nếu nhìn với mắt trần tục thì sẽ phê bình thầy:
“Ông thầy chắc hết muốn tu rồi nên mới thốt ra câu nói rất phàm tục.
Còn ngày xưa ông tu rất hay, ông khô lạnh hết rồi.

Bây giờ ông giấu bà già không cho biết, chỉ để hai người biết thôi.”

Kỳ thật câu chuyện này đưa ra cho chúng ta một kinh nghiệm.

Bà già đó trong nhà Thiền gọi là bậc thượng thủ, chớ không phải thường.
Vì thế khi nghe thầy nói: tâm ông khô lạnh, không còn một chút hơi ấm, tức là diễn tả tâm ông đã chìm lặng không còn một tí tình gì đối với mọi người, bà già biết ông đang chìm trong biển độc, nên đuổi đi và đốt am để cảnh giác ông.

Tuy ông tu rất hay nhưng ông chìm trong chỗ khô lạnh, nhà Thiền gọi là chìm trong biển vô sanh.

Khi bị đuổi đi ông sực thức tỉnh biết chỗ lỗi của mình, biết chỗ kẹt của mình.
Ngay đó ông vươn lên và nhảy khỏi.

Rồi ông trở về để thử thách lại bà già. Ông yêu cầu được ở và được nuôi như trước.

Đến khi người con gái ôm ngang lưng ông lần nữa, ông nói:

“Tôi biết, cô biết, đừng cho bà ấy biết.”

*** Tức là hiện giác , hằng giác mà không có niệm quá khứ vị lai.

Đó mới là con người chân thật, con người thật sự tiến đến giác ngộ.
Thế nên bà già mới khen đó là người xứng đáng để bà cúng dường.

“Không cho bà biết” vì bà là người ngoại cuộc không có hiện hữu hiện thời.
Nếu đợi mách cho bà biết là ở một thời gian khác, thành vị lai mất rồi.

Còn có niệm quá khứ vị lai là làm mất cái thường giác của mình.

**** Hằng giác hiện giác đó là chỗ mà ông hằng sống.

Nếu không biết chỗ sống ấy, với ý phàm tục chúng ta sẽ phê bình ông thầy.

Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : NGÀY XUÂN QUA CÁC THIỀN SƯ VIỆT NAM .

🌷Người nào muốn gieo trồng phước đức, chỉ do lòng chí thành, thấu rõ pháp tướng không thật, lo gì không kết quả !🌷

Thời Đức Phật, có một bà già nghèo khổ, thường ngày chỉ biết đi xin ăn để tự nuôi sống.

Nghe đồn đức vua thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường, trong lòng rất vui mừng, ý muốn khuyến khích, hỗ trợ, tự suy nghĩ:

“Nay ta nghèo khổ không có gì cả, chỉ có một ít hạt đậu, muốn vào cúng đường, mà người giữ cửa không cho vào, phải làm sao đây?”

Khi ấy Đức Phật biết được tâm tốt của bà lão, liền dùng thần lực biến đậu thành nhiều, rồi đặt chung vào trong món ăn.

Khi đức vua ra chuẩn bị cúng đường, thấy có đậu trong món ăn, rất giận người đầu bếp.

Vua hỏi:
–Vì sao trong món ăn có những hạt đậu như thế này?

Đức Phật nói với nhà vua:
–Việc đó chẳng phải lỗi của nhà bếp, mà là đồ bố thí của bà lão nghèo.

Bà ta nghe đức vua thiết trai cúng dường, bà không có gì để khuyến trợ, nên đem một ít đậu này để tùy hỷ với đức vua.

Do đó cho nên trong món ăn có đậu vậy.

Đức Phật dạy nhà vua:
–Bà lão ấy bố thí tuy ít nhưng được phước có thể nhiều hơn Đại vương.

Vua nghe vậy hỏi:
–Vì sao Ngài nhận được các món ăn ngon quý này mà người cúng lại được phước ít?
Còn bà lão kia chỉ đem một ít vật hèn mọn mà lại được phước nhiều?

Đức Phật dạy vua:
–Bệ hạ tuy có cúng dường nhiều, nhưng tất cả vật thực có được đều từ nhân dân trăm họ mà ra, đối với vua không tổn hại gì.
Còn bà lão này chỉ có một ít đậu, lại đem hết để tùy hỷ cúng dường.

Vì vậy nên bà ấy được phước nhiều, còn vua được phước ít là vậy.

Sau đó Đức Phật vì vua mà thuyết pháp, vua và bà lão đều thấm nhuần đạo tích.

Vì vậy cho nên người nào muốn gieo trồng phước đức, chỉ do lòng chí thành, thấu rõ pháp tướng không thật, lo gì không kết quả.

( Trích : CHÚNG KINH TUYỂN TẠP THÍ DỤ
Sưu tập: Tỳ-kheo Đạo Lược.